TYPES OF REFERENCE MATERIALS USED FOR TRANSLATING DENTAL DOCUMENTS

MỘT SỐ NGUỒN THAM KHẢO DỊCH THUẬT TÀI LIỆU CHUYÊN NGÀNH RĂNG HÀM MẶT

Sau thời gian miệt mài với công việc dịch thuật, chuyển ngữ tài liệu chuyên ngành thì mình xin ghi chú một số nguồn tra cứu bên dưới, để dành sau này cần xem lại và chia sẻ cho ai chưa có kinh nghiệm cần dùng đến nhé.

1. TỪ ĐIỂN

Từ điển sử dụng có thể là sách in, sách điện tử hoặc từ điển trực tuyến. Để tiện lợi cho việc tra cứu, mình ưu tiên 2 loại sau hơn nếu có. Sau đây là các loại từ điển có thể tham khảo và cách sử dụng theo thứ tự từ phổ biến đến ít dùng khi dịch thuật chuyên ngành.

👉 Từ điển Anh-Việt trực tuyến

Dùng tra nghĩa và cách dịch các từ thông dụng, một số thuật ngữ y khoa đơn giản, thường là các từ đơn lẻ, đối với các từ chuyên ngành phức tạp cần tham khảo thêm các từ điển khác.

👉 Từ điển Anh-Anh trực tuyến

Dùng tra nghĩa các từ thông dụng, một số thuật ngữ y khoa đơn giản.
Dùng tra nghĩa của các prefix (tiền tố), root (từ gốc), suffix (hậu tố) thường dùng trong y khoa.

👉 Từ điển Y khoa Anh-Việt trực tuyến

Dùng tra nghĩa và cách dịch các thuật ngữ y khoa, hữu ích để tìm tên bệnh lý phức tạp mà 2 từ điển nêu trên không có. Chú ý tham khảo thêm sách chuyên ngành tiếng Việt để đảm bảo sự thống nhất thuật ngữ ở từng trường hoặc khu vực (Bắc-Trung-Nam), mình sẽ nói kỹ hơn ở phần sau. Còn từ điển y học Anh-Anh trực tuyến thì mình chưa dùng, bạn nào có kinh nghiệm thì chia sẻ thêm nhé. Thay vào đó, mình sẽ dùng Google.

👉 Từ điển Răng-Hàm-Mặt

Từ điển Răng-Hàm-Mặt Anh-Việt: dùng tra nghĩa và cách dịch, trong quá trình dịch mình ít sử dụng từ điển này vì đa số các thuật ngữ nha khoa đã quen thuộc với những ai làm trong ngành. Các bạn chưa quen thì nên chú ý các thuật ngữ tiếng Anh trong các bài giảng của thầy cô, thường để kèm theo thuật ngữ tiếng Việt trong ngoặc đơn, để dễ đọc tài liệu và dịch thuật sau này. Do không cần đến nên mình không rõ có từ điển trực tuyến hay không, còn bản in thì hiện nay theo mình biết là chưa có.
Từ điển Răng-Hàm-Mặt Anh-Anh dùng để tra nghĩa có 2 loại:
  • Loại từ điển chung, ví dụ từ điển nha khoa Mosby (Mosby's Dental Dictionary) có sách in và e-book trả phí


  • Loại từ điển chuyên dụng: thực chất là các danh mục thuật ngữ chuyên ngành của các hiệp hội, tổ chức chuyên môn. Ví dụ: Glossary of Endo Terms, Glossary of Prosthodontic Terms, Glossary of Implant Dentistry, v.v... Mọi người lên Google là sẽ thấy.
Loại này mình cũng ít dùng, thấy tìm kiếm định nghĩa tiếng Anh bằng Google tiện lợi hơn. Nhưng cũng liệt kê ở đây cho những bạn có nhu cầu. Mình thì hay dùng khi học từ vựng chuyên ngành là chính.

👉 Từ điển Tiếng Việt

Mình đang dùng sách từ điển bản in của GS Hoàng Phê chủ biên, (2018) Viện Ngôn ngữ học, có bán trên Tiki hoặc các nhà sách trong nước, giá dưới 300.000đ. Phiên bản cũ hơn có file pdf được chia sẻ trên internet, có thể download miễn phí.
Từ điển này dùng để tra nghĩa các từ tiếng Việt, nhất là đối với các thuật ngữ mới mà chưa có nguồn tham khảo. Khi dịch mặc dù đã tìm được một số từ tiếng Việt gần nghĩa, nhưng để chắc chắn mình sẽ dùng thêm từ điển tiếng Việt để chọn ra từ phù hợp, thông dụng cho cả nước, tránh sử dụng những từ địa phương đồng nghĩa.
Ví dụ
* saliva fistula: dò/rỉ/rỏ nước bọt ?
- dò, rò: bị chảy chất lỏng ra ngoài do vật chứa bị rạn, nứt
- rỉ, nhỉ: nhỏ chậm từng giọt, như "nước mắm nhỉ"
- rỏ, nhỏ: rơi hoặc làm rơi từng giọt
--> vì bình thường nước bọt chỉ chảy ra qua các lỗ đổ tự nhiên, nếu bị cản trở hay xơ hoá tuyến, nước bọt chảy ra ít, từng giọt nhỏ, mình sẽ sử dụng rỉ/nhỉ để mô tả, còn đối với saliva fistula là do ống tuyến nước bọt bị chấn thương hoặc biến chứng hậu phẫu làm nước bọt chảy ra ngoài qua các vị trí không bình thường, giống như nước chảy ra từ vết nứt của 1 cái xô nên mình dùng từ "dò/rò" nước bọt.
* muscle relaxants: thuốc giãn cơ hay dãn cơ? Sau khi tra cứu từ điển thì hai từ này là đồng nghĩa mọi người nha, nên dùng cái nào cũng được.
Ngoài ra cũng có nhiều từ điển tiếng Việt trực tuyến khác (http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/Dict/) hoặc đơn giản là gõ từ tiếng Việt cần tra cứu vào Google, để xem từ nào được hiện ra nhiều nhất, thì có thể tin tưởng để sử dụng từ đó, cái này thì không chắc chắn 100% vì có những lỗi sai hệ thống, dùng sai nhiều rồi thành quen.

👉 Từ điển ngôn ngữ khác

Đối với các ngôn ngữ dùng chung nhiều thuật ngữ gốc Hy Lạp hoặc La Tinh như tiếng Pháp, Tây Ban Nha, v.v... có thể sử dụng thêm các từ điển này để hiểu rõ nghĩa nếu trường hợp từ điển tiếng Anh vẫn chưa rõ. Nhưng mình thì cũng hiếm khi phải dùng tới, chủ yếu dùng học ngoại ngữ thôi!
Đối với các ngôn ngữ đồng văn với tiếng Việt như tiếng Trung, Nhật, v.v... mình sử dụng có 2 mục đích: 
  1. là kiểm tra xem thuật ngữ đó ở các quốc gia này có chuyển ngữ hay không, nếu họ giữ nguyên thì mình cũng nên suy nghĩ đến lựa chọn này để đảm bảo sự thống nhất khi trao đổi quốc tế, lại đỡ phải dịch, hihi; 
  2. là để tham khảo cách dịch trong các ngôn ngữ này, nhiều danh từ (tên bệnh) trong các tiếng này sử dụng Hán tự để định danh, nên cũng dễ ứng dụng vào tiếng Việt. Mình sẽ giải thích cụ thể ở phần Google Translate bên dưới.

2. GOOGLE TRANSLATE (GOOGLE DỊCH)

Mình sử dụng công cụ này có 2 mục đích:
  • Dịch từ, cụm từ, hoặc câu chưa rõ nghĩa để tham khảo mặc dù đã biết nghĩa của từng từ. Chú ý các từ mà Google Translate dịch là những từ thông dụng, không quá chuyên sâu. Dĩ nhiên với sự phát triển của công nghệ máy học (machine learning) thì trong tương lai mình tin tưởng Google Translate có thể dịch được cả sách chuyên ngành. Theo kinh nghiệm của mình thì Google Translate dịch chính xác hơn nếu mình cung cấp một câu, một đoạn văn hơn là những từ đơn lẻ.
  • Kết hợp Google Translate và các từ điển ngôn ngữ khác (chủ yếu các ngôn ngữ đồng văn) để tìm từ vựng phù hợp, nhất là từ vựng chuyên ngành mới.
Cái này hơi khó giải thích nên mọi người chịu khó đọc tí nhe. Ví dụ khi có một từ vựng chuyên ngành mới, mình hiểu nghĩa, nhưng chưa biết dịch thế nào cho ngắn gọn, dễ hiểu.
Trước đây, mình sẽ dành một hoặc vài câu để diễn đạt từ đó, với mục đích cung cấp cho độc giả một khái niệm mới, sau đó thì cứ dùng từ nguyên bản bằng tiếng Anh. Ví dụ, implant nha khoa chẳng hạn.
Từ khi học tiếng Nhật, mình có thêm một lựa chọn nữa. Cụ thể là nhiều từ chuyên ngành tiếng Nhật dùng toàn bộ Hán tự để đặt tên, mà các Hán tự này đa phần đều có cách đọc trong tiếng Việt (tương đương với từ Hán-Việt của mình). Đọc đến đây, chắc nhiều bạn không biết tiếng Trung hay Nhật sẽ thở dài 😥, nhưng đừng lo, chúng ta đã có Google Translate, chỉ là việc chuyển ngữ để tham khảo có hơi tốn thời gian hơn tẹo thôi.

✌Sau đây là quy trình cụ thể

Thuật ngữ tiếng Anh -(Google Translate)-> tiếng Trung/Nhật -(từ điển Hán-Việt, tra từng chữ Hán chứ không tra nhiều từ cùng lúc nhen mọi người)-> tiếng Hán-Việt -> ráp các từ Hán-Việt lại hoặc chuyển sang từ thuần Việt để tham khảo.
Ví dụ: Mình tạm lấy từ "stomatotitis" để minh hoạ mọi người nhé.
  • Bước 1: Google translate từ Anh sang Trung/Nhật


  • Bước 2: tra từng Hán tự (đối với từ dài và khó) hoặc toàn bộ (đối với từ ngắn 2-3 Hán tự) bằng từ điển Trung-Việt, Nhật-Việt (https://mazii.net/search), Hán-Việt (https://hvdic.thivien.net/) (dưới đây mình dùng từ điển Nhật-Việt Maziii)
  • Bước 3: ráp từ và thay đổi thứ tự (do từ Hán-Việt thì ghi ngược thứ tự so với tiếng Việt) để tham khảo. Theo ví dụ trên, mình dịch "口内炎" ra từ Hán-Việt là "Khẩu-Nội-Viêm", Khẩu là Miệng, Nội là Trong và Viêm là tình trạng viêm, tóm lại là "Tình trạng viêm trong miệng", hoặc có thể viết gọn lại "Viêm trong miệng" hay "Viêm miệng".

3. GOOGLE

Tìm kiếm bằng từ khoá tiếng Việt: sử dụng cụm từ khoá gồm Thuật ngữ tiếng Anh + "là gì" hoặc "la gi" tìm kiếm, Google sẽ đề xuất nhiều trang tiếng Việt (có thể là từ điển, diễn đàn, nhóm thảo luận, blog, v.v...) có sử dụng hoặc có giải thích thuật ngữ đó để tham khảo.
Ví dụ: foramen magnum là gì



Tìm kiếm bằng từ khoá tiếng Anh Ví dụ: khi dịch tài liệu mình gặp từ red flags (những lá cờ đỏ) nhưng không hiểu nghĩa bóng mà tác giả dùng là gì, nên Google thì tìm được thông tin như hình bên dưới. Tóm lại, "red flags" là các dấu hiệu, triệu chứng báo động, nguy hiểm.

4. SÁCH CHUYÊN NGÀNH 

Một nguồn tham khảo quan trọng không thể bỏ qua là sách chuyên ngành như giải phẫu học, sinh lý học, sinh lý bệnh-miễn dịch, nội khoa, sản khoa, tai-mũi-họng, v.v... Các sách chuyên ngành thường có mục Danh mục Anh-Việt, Việt-Anh cuối sách. Mình sử dụng các danh mục này để tham chiếu khi có các thuật ngữ liên quan với 2 mục đích:
  • (1) là tham khảo cách dịch/sử dụng thuật ngữ của các thầy cô, vì có nhiều thuật ngữ chuyên ngành tiếng Việt đã được sử dụng từ lâu, có thể không giống hoàn toàn với từ tiếng Anh tương ứng. Vì vậy, nên sử dụng các thuật ngữ tiếng Việt đã được thống nhất sẽ giúp người đọc (đa phần là giới chuyên môn) dễ hiểu hơn.
    • Ví dụ: tiếp đầu ngữ anti- thường dịch là "kháng" như kháng nguyên (antigen), kháng thể (antibody), còn khi gặp từ antidepressant thì mình không dịch là "thuốc kháng trầm cảm" mà thấy các sách hay dùng "thuốc chống trầm cảm"
    • Ví dụ: thuật ngữ "foramen magnum" không tìm thấy trong từ điển thông thường lẫn từ điển y khoa, tìm bằng google thì thấy hình ảnh nhưng không có từ tiếng Việt. Dựa trên hình ảnh đó, mình tra thêm Atlas giải phẫu của GS Frank H. Netter thì thấy ghi là "lỗ lớn".
      • Tìm kiếm bằng Google hình ảnh
      • Tra cứu bằng Atlas giải phẫu
  • (2) là điều chỉnh thuật ngữ phù hợp cho từng trường hoặc vùng miền. Mặc dù mình luôn mong muốn có sự thống nhất về mặt thuật ngữ y khoa trong cả nước, nhưng hiện tại các tài liệu y khoa do các trường y chủ biên ở hai miền Nam-Bắc ít nhiều có sự khác biệt. Vì vậy, tuỳ theo dịch tài liệu cho nhóm trường nào mình sẽ tham khảo các sách chuyên ngành do các trường đó xuất bản để người đọc (nhất là các bạn sinh viên học ở đó) dễ tiếp thu.
    • Ví dụ: một số thuật ngữ khác biệt ở phía Nam và Bắc như nướu răng - lợi răng, viêm quanh chóp răng - viêm cuống răng.

5. HỎI CHUYÊN GIA

Cái này thì không cần giải thích nhiều hen, mục đích thì rất đa dạng, từ tham khảo cách dịch, ý nghĩa từ, câu hay các từ thông dụng trong chuyên môn mà mình chưa biết. Bước đường cùng thì đành tìm kiếm sư phụ để chỉ giáo thôi. Mà hạn chế đừng hỏi nhiều quá, vừa làm phiền người khác, thể hiện sự lười nhác của mình mà không rèn luyện được kỹ năng tự học, tự nghiên cứu nữa. Mà chuyên gia ở đây cũng có 2 dạng: (1) là chuyên gia về lĩnh vực mình đang chuyển ngữ (bác sĩ, dược sĩ, v.v...), (2) là chuyên gia về ngôn ngữ (nhà thơ, nhà văn, nhà báo gì đó).

6. TẠO NHÓM THẢO LUẬN 

Một kinh nghiệm khi chuyển ngữ cho các dự án hoặc kế hoạch của đơn vị là tạo các nhóm (group) thảo luận nhỏ trên các nền tảng mạng xã hội (Viber, Message của Facebook, Line, v.v...) bao gồm các cá nhân có cả chuyên gia và người chưa có nhiều kinh nghiệm để thảo luận, đặt câu hỏi về các thuật ngữ. Từ đó, vừa có thể học hỏi lẫn nhau, vừa thống nhất các thuật ngữ để tiết kiệm thời gian chỉnh sửa sau này.
Định viết ngắn thôi mà không ngờ liệt kê nhiều vậy, cảm ơn mọi người đã đọc và note lại nếu thấy cần nhé!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến