SPECIALTY TRANSLATION PROCESS

QUY TRÌNH BIÊN DỊCH CHUYÊN NGÀNH

Biên dịch ngoại ngữ chuyên ngành hay ngoại ngữ nói chung gồm nhiều bước trước khi có được sản phẩm ưng ý sau cùng. Mỗi người lại có cách tiếp cận và làm việc khác nhau. Bài viết này chỉ là tổng hợp ngắn gọn các bước mà Harry thường áp dụng khi biên dịch tài liệu chuyên ngành để mọi người tham khảo.

BƯỚC 1. QUAN SÁT TỔNG THỂ (GENERAL VIEW)

Dù tài liệu ngắn hay dài thì trước hết cũng không nên dịch vội, hãy xem lướt qua toàn bộ nội dung của văn bản, chú ý các tiểu mục, bảng biểu, hình ảnh để có cái nhìn tổng thể về nội dung sắp biên dịch. Xác nhận với đối tác/khách hàng/người phụ trách những nội dung nào cần biên dịch, nội dung nào không, để tránh khi đang làm việc lại phải tạm ngừng để chờ phản hồi (đâu có ai rảnh mà lúc nào cũng canh mình thắc mắc để giải đáp). Qua đó, mình sẽ hiểu khái quát chủ đề biên dịch, tự đánh giá khả năng có thể hoàn thành trong bao lâu. Ở bước này, cũng có thể đọc lướt để hiểu khái quát tài liệu, chú ý đến các từ vựng hay thuật ngữ lạ được nhắc đến trong bài. Nhiều thuật ngữ được sử dụng ở đoạn văn trên nhưng lại được giải thích kỹ ở đoạn văn hay phần tiếp theo, đôi khi là phần chú thích, phụ lục, nên xem qua toàn bộ văn bản sẽ giúp mình định vị được nơi cần tham khảo nếu trong quá trình dịch gặp phải từ mà không hiểu rõ nghĩa.

BƯỚC 2. TẠO DÀN Ý (PREPARING AN OUTLINE)

Tiếp theo, hãy tạo dàn ý cho bài biên dịch bằng cách dịch trước các tiểu mục trong văn bản gốc. Nên sử dụng công cụ tự động chứ đừng làm thủ công. Vì trong MS Word có hỗ trợ công cụ tạo dàn ý, sẽ hiển thị ở phần bên trái của màn hình, giúp mình dễ di chuyển đến nội dung cần đọc lại.


BƯỚC 3. BIÊN DỊCH TỪ (WORD TRANSLATION)

Ở bước này, mọi người bắt đầu dịch theo thứ tự từ trên xuống dưới. Trong quá trình dịch, nếu gặp phải các thuật ngữ y khoa khó, có nhiều cách tra cứu khác nhau, có thể tham khảo tại đây. Ngoài ra, Harry cũng có tổng hợp một số giải pháp khi gặp thuật ngữ hiếm không tìm được nguồn tham khảo và các lỗi thường gặp khi biên dịch. 

Một lưu ý quan trọng là khi biên dịch, đừng chỉ tập trung vào tài liệu hiện có, mà hãy xem biên dịch là quá trình tiếp thu kiến thức mới. Khi gặp phải các từ khó hoặc đoạn văn không rõ nghĩa đừng ngại nhấn nút hỏi anh Google (bằng tất cả ngôn ngữ mà bạn biết). Để dịch tốt một câu hoặc một từ đôi khi Harry phải đọc nhiều tài liệu khác nhau (bằng ngoại ngữ giống của tài liệu, chẳng hạn tiếng Anh) để hiểu ý nghĩa của nó và tìm hiểu xem có phiên bản tiếng Việt nào không để mình tham khảo. Ví dụ như khi dịch bài về phim X quang, có đoạn mô tả cấu tạo của máy chụp phim với nhiều thuật ngữ về kỹ thuật, mình phải Google "cấu tạo máy chụp phim tia X", "máy chụp X quang", v.v... để tìm xem trong các bài này họ có nhắc đến các cấu trúc mà mình cần tìm không.

Lưu ý tiếp theo là cần đảm bảo tính thống nhất cho các thuật ngữ được phiên dịch trong bài. Lỗi này thường gặp với những thuật ngữ ít dùng, dẫn đến cùng một thuật ngữ nhưng lại dịch thành hai từ khác nhau giữa các đoạn văn, gây hoang mang cho người đọc. Để khắc phục, nên ghi ra tờ giấy nhỏ danh sách các thuật ngữ "lạ" trong bài. Trong quá trình dịch, nếu gặp lại nó thì chỉ việc liếc qua danh sách là biết ngay không sợ trên dưới bất đồng. Lỗi này cũng gặp phải khi người biên dịch làm việc không liên tục, nên khi quay lại công việc vào ngày hôm sau lại quên bén trước đó mình đã dịch thuật ngữ đó như thế nào. Tốt nhất là mỗi khi bắt đầu, hãy đọc lướt qua đoạn biên dịch gần nhất để nhớ lại các thuật ngữ đã dùng và tạo sự liên tục cho mạch suy nghĩ.

BƯỚC 4. BIÊN DỊCH NGHĨA (MEANING TRANSLATION)

Sau khi kết thúc một trang hay một tiểu mục, nên dành thời gian đọc lại toàn văn bản. Bước 3 và 4 có thể kết hợp tùy theo sở thích của từng người. Mục tiêu của bước này là kiểm tra xem mạch văn có trơn tru và phù hợp với văn phong tiếng Việt không, ý nghĩa có bị sai lệch hay gây hiểu lầm không. Quan trọng phải tâm niệm rằng bản dịch không phải là "ký sinh" của bản gốc mà phải có một đời sống độc lập (bởi vì độc giả đa phần đâu có đối chiếu hai bản khi đọc, phần vì không có thời gian, phần vì hạn chế về kỹ năng ngoại ngữ). Tức là, khi đọc bản dịch, bản thân biên dịch viên phải đánh giá xem cách viết như vậy có rõ nghĩa chưa. Nếu chưa, mình có thể mở ngoặc () lý giải, bổ sung hay thậm chí thêm hình ảnh (không có trong bản gốc) để làm rõ ý nghĩa của văn bản. Đề nghị sau cùng tùy thuộc vào thỏa thuận giữa biên dịch viên và đối tác. Nếu có bổ sung thì nhớ ghi thêm nguồn tham khảo là được.

BƯỚC 5. TINH CHỈNH VĂN BẢN (TEXT REFINING)

Sau khi kết thúc bài biên dịch, biên dịch viên nên dành một khoảng thời gian nghỉ để thoải mái đầu óc. Sau đó, đọc lại toàn bộ bài dịch để kiểm tra trước khi gửi cho đồng nghiệp hay bạn bè kiểm tra. Xem có từ nào gõ sai chính tả hay lỗi typo, sai dấu câu, sai format (in hoa, in thường, in nghiêng, gạch chân, bla bla bla. Thông thường, sau khi đầu óc thư giãn, có thể phát hiện lỗi hoặc tìm ra cách dùng từ phù hợp hơn. Cũng lưu ý các lỗi về định dạng văn bản, có thể tham khảo một số mẹo phát hiện lỗi tại đây.

BƯỚC 6. HIỆU ĐÍNH/KIỂM TRA CHÉO (PROOFREADING/CROSS-VALIDATION)

Dù tự tin vào khả năng biên dịch của mình hay không, thì cũng nên gửi bài dịch cho ít nhất một người (đồng nghiệp, bạn bè, chuyên gia) trong cùng nhóm làm việc hay người đủ tin tưởng để hỏi ý kiến. Tùy theo mức độ chuyên sâu của văn bản mà đối tượng kiểm tra khác nhau. Cơ bản cần góp ý các nội dung sau: hình thức trình bày (có đúng theo bản gốc không, có gì không rõ ràng nên điều chỉnh cho phù hợp với quy định trình bày văn bản tiếng Việt), văn phong chung (cách dùng từ, mạch văn), kiến thức phổ thông (khác biệt về văn hóa, kinh tế-xã hội, v.v... giữa quốc gia xây dựng văn bản gốc và Việt Nam) và kiến thức chuyên ngành (có gì do biên dịch hiểu sai ý hay dữ liệu từ văn bản gốc không chính xác về mặt khoa học cần đính chính hoặc thay đổi). Những ý này biên dịch viên đã phải tự kiểm tra trước, chỉ là nêu ở đây để người hiệu đính hình dung được bạn muốn họ góp ý những gì.

Sau bước này, có thể xem là bản hoàn thiện sau cùng!!!

TÀI LIỆU THAM KHẢO

https://www.pactranz.com/language-translation-process/

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

CÁCH BIÊN DỊCH THUẬT NGỮ HIẾM GẶP

MỘT SỐ NGUỒN THAM KHẢO DỊCH THUẬT TÀI LIỆU CHUYÊN NGÀNH RĂNG HÀM MẶT

LỖI THƯỜNG GẶP KHI BIÊN DỊCH CHUYÊN NGÀNH ANH-VIỆT

QUY TRÌNH BIÊN DỊCH CHUYÊN NGÀNH

Nhận xét

Bài đăng phổ biến