TRANSMISSION ROUTES OF 2019-nCoV AND CONTROLS IN DENTAL PRACTICE

ĐƯỜNG LÂY TRUYỀN CỦA VIRUS 2019-nCoV 

VÀ KIỂM SOÁT LÂY NHIỄM TRONG THỰC HÀNH NHA KHOA


Lược dịch từ bài báo: Xian Peng et al. Transmission routes of 2019-nCoV and controls in dental practice. International Journal of Oral Science, (2020) 12:9, https://doi.org/10.1038/s41368-020-0075-9.

NHỮNG ĐƯỜNG CÓ KHẢ NĂNG LÂY TRUYỀN  CỦA VIRUS 2019-nCoV TẠI PHÒNG KHÁM NHA KHOA (POSSIBLE TRANSMISSION ROUTES OF 2019-nCoV IN DENTAL CLINICS)

Lây truyền qua không khí (Airborne spread)

Theo nhiều báo cáo khoa học, 2 nguồn lây truyền chính qua không khí ở phòng nha là giọt bắn (droplet) và hạt khí dung (aerosol) (Về thuật ngữ "aerosol" có thể tham khảo thêm tại đây) có chứa virus được tạo ra rất nhiều từ các hoạt động thực hành nha khoa hàng ngày. Trong môi trường nha khoa (kể cả bệnh viện và cơ sở tư nhân), thường xuyên sử dụng các thiết bị như tay khoan nha khoa tốc độ cao (high-speed dental handpiece) vận hành trên nguyên lý sử dụng hơi nén tốc độ cao (high-speed gas) để làm quay tua-bin (turbine) với dòng nước chảy liên tục. Các hoạt động thăm khám, điều trị thường xuyên trong môi trường miệng (BN) có thể tạo ra một lượng lớn giọt bắn và hạt khí dung có lẫn nước bọt hay thậm chí dịch máu của bệnh nhân. Ngoài ra, nếu BN đã nhiễm virus 2019-nCoV ho hay hắt hơi tại phòng khám cũng là nguồn lây nhiễm đáng kể. Do đó, kiểm soát lây nhiễm trước hết cần hạn chế tối đa tạo ra các giọt bắn hay hạt khí dung này

Lây truyền qua tiếp xúc (Contact spread)

Nhân sự nha khoa thường xuyên tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch thể (human fluids), vật liệu của BN (mão răng, cầu răng, hàm giả, v.v...), các thiết bị và dụng cụ nha khoa bị nhiễm, các bề mặt trong phòng khám đều có khả năng là những vật lây truyền mầm bệnh. Ngoài ra, hàng ngày, cơ sở điều trị có thể đón tiếp rất nhiều khách hàng, BN khác nhau. Việc tiếp xúc gần giữa nhân viên nha khoa, nhất là khi không đeo khẩu trang (chẳng hạn ở phòng tiếp tân, nhận bệnh) làm tăng nguy cơ lây nhiễm với người có mang virus hoặc truyền từ BN này sang BN khác.

Lây truyền qua các bề mặt bị nhiễm virus (Contaminated surface spread)

Nhiều chủng coronavirus ở người (human coronaviruses) như SARS-CoV, MERS-CoV, HCoV có thể tồn tại trên các bề mặt kim loại, thuỷ tinh hay nhựa trong nhiều ngày. Do đó, tiếp xúc thường xuyên với các bề mặt bị nhiễm cũng làm gia tăng nguy cơ nhiễm virus. Nếu điều trị cho BN bị nhiễm, các giọt bắn và hạt nhỏ được tạo ra có khả năng bám dính trên hầu hết các bề mặt của phòng khám. 
Thêm vào đó, HCoV ở nhiệt độ phòng (room temperature) (20 độ C) duy trì khả năng lây nhiễm từ 2 giờ đến 9 ngày, tồn tại tốt hơn ở độ ẩm tương đối (relative humidity) 50% so với 30%. Vì vậy, duy trì môi trường phòng khám sạch sẽ và khô ráo sẽ làm giảm khả năng tồn tại của virus 2019-nCoV.

KIỂM SOÁT LÂY NHIỄM TRONG THỰC HÀNH NHA KHOA (INFECTION CONTROLS FOR DENTAL PRACTICE)

Đánh giá, sàng lọc BN trước điều trị (Patient evaluation)

  • Khuyến cáo BN đã xác định nhiễm virus 2019-nCoV (a patient with confirmed 2019-nCoV infection) không đến khám nha khoa (nếu không có vấn đề khẩn cấp về nha khoa).
  • Trong trường hợp nghi ngờ hoặc xác định BN nhiễm virus 2019-nCoV, bác sĩ hoặc nhân viên phòng khám tuyệt đối không điều trị, thực hiện cách ly BN ngay lập tức và báo cáo cho Trung tâm phòng chống dịch gần nhất, sớm nhất có thể.
  • Kiểm tra thân nhiệt của tất cả BN khi mới đến phòng khám. Khuyến khích sử dụng các thiết bị đo thân nhiệt không tiếp xúc với cơ thể BN (contact-free thermometer) để sàng lọc (screening). 
  • Sử dụng bảng câu hỏi ngắn để sàng lọc BN có nguy cơ:
  1. Có đang sốt hay bị sốt trong vòng 14 ngày gần đây? (Do you have fever or experience fever within the past 14 days?)
  2. Có triệu chứng liên quan đến đường hô hấp trong vòng 14 ngày gần đây như ho, khó thở? (Have you experienced a recent onset of a respiratory problems, such as a cough or difficult in breathing within the last 14 days?)
  3. Có đến thành phố Vũ Hán hoặc các khu vực lân cận, (du lịch, thăm thân) trong thời gian dịch Covid-19 được báo cáo? (Have you, within the past 14 days, traveled to Wuhan city and its surrounding areas, or visited the neighborhood with documented 2019-nCoV transmission?)
  4. Có tiếp xúc gần với BN đã được xác định nhiễm 2019-nCoV trong vòng 14 ngày gần đây? (Have you come into contact with a patient with confirmed 2019-nCoV infection within the past 14 days?) 
  5. Có tiếp xúc với những người đến từ thành phố Vũ Hán hoặc các khu vực lân cận, hoặc những người đã sốt hay có các triệu chứng đường hô hấp trong vòng 14 ngày gần đây? (Have you come into contact with people who come from Wuhan city and its surrounding areas, or people from the neighborhood with recent documented fever or respiratory problems within the past 14 days?) 
  6. Có tiếp xúc gần với tối thiểu 2 người đã bị sốt hoặc có các triệu chứng đường hô hấp trong vòng 14 ngày gần đây? (Are there at least two people with documented experience of fever or respiratory problems within the last 14 days having close contact with you?) 
  7. Có tham gia hội họp, tập trung đông người, tiếp xúc gần với nhiều người lạ trong thời gian gần đây? (Have you recently participated in any gathering, meetings, or had close contact with many unacquainted people?)

Rửa tay (Hand hygiene) 

Rửa tay đúng cách và thường xuyên là một trong những biện pháp phòng ngừa lây nhiễm virus 2019-nCoV quan trọng tại phòng nha. Khuyến cáo rửa tay "Hai trước - Ba sau" (two-before-and-three-after hand hygiene guideline) để phòng ngừa lây nhiễm hiệu quả:
  • Trước khi thăm khám BN (Before patient examination)
  • Trước khi thực hiện thủ thuật nha khoa (Before dental procedures)
  • Sau khi tiếp xúc trực tiếp BN (After touching the patient)
  • Sau khi chạm vào các dụng cụ và bề mặt chưa khử nhiễm (After touching the surroundings and equipment without disinfection)
  • Sau khi tiếp xúc trực tiếp niêm mạc miệng, vùng da tổn thương hoặc vết thương, máu, dịch thể , dịch tiết (nước bọt, dịch nướu), chất bài tiết (phân, nước tiểu) (After touching the oral mucosa, damaged skin or wound, blood, body fluid, secretion, and excreta)

Các biện pháp bảo hộ cá nhân cho nhân sự nha khoa (Personal protective measures for the dental professionals)

Hiện chưa có các báo cáo về trường hợp nhân viên nha khoa bị lây nhiễm tại cơ sở điều trị cũng như chưa có các hướng dẫn cụ thể về dự phòng virus 2019-nCoV trong nha khoa. Do đó, vẫn áp dụng các biện pháp bảo hộ cá nhân tại các cơ sở thực hành nha khoa bao gồm: kính bảo hộ (eyewear), khẩu trang (mask), găng tay (gloves), mủ trùm đầu (cap), tấm che mặt (face shield) và quần áo bảo hộ (protective outwear), nhất là trong giai đoạn bùng dịch.
Dựa theo tình hình lây nhiễm của dịch, 3 cấp độ bảo hộ cho nhân viên nha khoa là: 
  1. Cấp độ 1 (Primary protection) (Bảo hộ tiêu chuẩn-standard protection): áo blouse (whitle coat); mũ trùm đầu và khẩu trang phẫu thuật dùng 1 lần; sử dụng thêm kính bảo hộ, tấm che mặt và găng tay trong trường hợp cần thiết.
  2. Cấp độ 2 (Secondary protection) (Bảo hộ nâng cao - Advanced protection): áo blouse (white coat) + quần áo bảo hộ dùng 1 lần hoặc quần áo phẫu thuật (disposable isolation clothing or surgical clothes); mũ trùm đầu, khẩu trang phẫu thuật, găng tay latex dùng 1 lần; kính bảo hộ, và tấm che mặt.
  3. Cấp độ 3 (Tertiary protection) (Bảo hộ tăng cường - Strengthened protection): trong trường hợp bắt buộc tiếp xúc với BN nghi ngờ hoặc đã xác định nhiễm 2019-nCoV. Sử dụng quần áo bảo hộ đặc biệt (special protective outwear) khi cần thiết; nếu không có, có thể mặc áo blouse + quần áo bảo hộ nhiều lớp (extra disposable protective clothing); mũ trùm đầu, khẩu trang phẫu thuật, găng tay latex dùng 1 lần; kính bảo hộ, tấm che mặt và miếng che giày (shoe cover).

Súc miệng trước can thiệp nha khoa (Mouthrinse before dental procedures)

Theo Hướng dẫn trong Chẩn đoán và Điều trị Viêm phổi do chủng mới coronavirus (phiên bản số 5) của Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Hoa, chlorhexidine có thể không hiệu quả trong tiêu diệt virus 2019-nCoV; thay vào đó, các loại nước súc miệng trước thủ thuật có chứa tác nhân oxy hoá (oxidative agents) như 1% hydrogen peroxide hoặc 0.2% povidone hiệu quả hơn trong việc làm giảm tải lượng vi sinh vật trong nước bọt (salivary load of oral microbes), từ đó giảm yếu tố chứa virus 2019-nCoV. Súc miệng trước can thiệp nha khoa được khuyến cáo nhất là trong trường hợp phòng nha không có đê cao su.

Cách ly bằng đê cao su (Rubber dam isolation)

Sử dụng đê cao su có thể làm giảm đáng kể lượng hạt khí dung có nhiễm nước bọt hoặc máu, nhất là khi dùng tay khoan tốc độ cao hoặc dụng cụ siêu âm. Theo báo cáo, đặt đê cao su làm giảm đến 70% các phân tử trong không khí trong phạm vi đường kính 3 feet (0.9m). Khuyến cáo kết hợp sử dụng ống hút phẫu thuật (extra high-volume suction) đi kèm với máy hút nước bọt thông thường (regular suction). Đồng thời, sử dụng thao tác 4-tay (bác sĩ và điều dưỡng/trợ thủ) (four-hand operation) trong suốt can thiệp. Trường hợp không có đê cao su, khuyến cáo sử dụng các dụng cụ tay (manual devices) thay cho các dụng cụ máy khi sửa soạn xoang trám hoặc lấy vôi răng để hạn chế tạo ra nhiều hạt khí dung và giọt bắn

Tay khoan chống hút ngược (Anti-retraction handpiece)

Tay khoan tốc độ cao có các van chống hút ngược được khuyến cáo sử dụng để hạn chế lây nhiễm chéo (cross-infection) trong thực hành nha khoa. Các thiết bị này ngăn ngừa nguy cơ hút ngược và giảm thiểu lây nhiễm cặn bã và dịch tiết có chứa virus của BN vào hệ thống hơi và nước (air and water tubes) của ghế máy nha khoa (dental unit).

Khử nhiễm phòng nha (Disinfection of the clinic settings)

Quy trình khử nhiễm trang thiết bị trong phòng nha cần được tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Xử lý chất thải y tế (Management of medical waste)

Xử lý chất thải y tế theo đúng quy định của Bộ y tế.

REFERENCES

Nhận xét

Bài đăng phổ biến