COMMON ERRORS WHEN TRANSLATING SPECIALIZED ENGLISH-VIETNAMESE

 LỖI THƯỜNG GẶP KHI BIÊN DỊCH CHUYÊN NGÀNH ANH-VIỆT

Trong quá trình biên dịch, review, hiệu đính các tài liệu chuyên ngành Răng-Hàm-Mặt, Harry phát hiện có một số lỗi thường gặp khi chuyển ngữ từ Anh sang Việt mà mình và một số bạn hay gặp phải nên tổng hợp trong bài viết này. Cùng điểm qua các lỗi sau để giúp tăng cường kỹ năng dịch thuật của mình thêm cool ngầu nào!

1. GIỮ NGUYÊN CÂU BỊ ĐỘNG

Một trong các lỗi thường gặp nhất là cấu trúc ngữ pháp dạng bị động được giữ nguyên từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Về ý nghĩa có thể không ảnh hưởng nhiều nhưng khi đọc lên sẽ thấy không mượt mà và thuận tai. Điều này làm độc giả thấy khó chịu, khó tiếp nhận nội dung thông tin được truyền đạt. Lưu ý là không phải tất cả dạng câu bị động đều phải chuyển sang chủ động mọi người nhé vì tiếng Việt vẫn có các câu hoặc ý bị động mà. Có 3 giải pháp cho các dạng câu bị động khi chuyển ngữ: 

(1) giữ nguyên như bản gốc

(2) bỏ bớt các từ "được", "bị"

(3) chuyển sang thể chủ động

Tùy từng ngữ cảnh và câu văn mà chọn lựa giải pháp nào nghe suông tai là được!

Ví dụ:

Câu văn gốc: "The Bar devices are used for the restoration of dental implants with different endosteal diameters, lengths, and platforms."

(1) Giữ nguyên như bản gốc: (Thiết bị) thanh ngang được dùng trong phục hồi bằng implant nha khoa...

(2) Bỏ bớt các từ "được", "bị": (Thiết bị) thanh ngang dùng trong phục hồi bằng implant nha khoa...

(3) Chuyển sang thể chủ động: Có thể sử dụng (thiết bị) thanh ngang trong phục hồi bằng implant nha khoa...

Một số cách tăng cường kỹ năng sửa lỗi này là hãy nghe nhiều các video, podcast, bản tin nè, đọc nhiều sách, tài liệu tiếng Việt để cập nhật từ vựng, cách diễn đạt của tác giả. Thêm nữa, mỗi lần dịch bài, hãy đọc lại 2-3 lần để tự cảm nhận sự mượt mà của câu văn trước khi gửi bản thảo sau cùng nhé!

2. KHÔNG THỐNG NHẤT CÁCH DÙNG THUẬT NGỮ/TỪ VỰNG

Với các bạn chưa có kinh nghiệm dịch thuật hoặc khi dịch các nội dung không đúng chuyên ngành của mình, vì không quen sử dụng thuật ngữ nên khi chuyển ngữ nếu không chú ý sẽ dẫn đến tình trạng dùng các từ khác nhau khi diễn tả cùng một khái niệm trong cùng một văn bản hay các văn bản khác nhau. Điều này là tối kị trong văn phong khoa học, đòi hỏi sự rõ ràng, thống nhất để tránh gây khó hiểu, hiểu nhầm ý. Vì vậy, khi dịch hãy lập một danh sách thuật ngữ (viết tay hay đánh máy đều được) để bên cạnh, mỗi lần gặp đến thuật ngữ đó là có ngay tài liệu để tham khảo. Trường hợp chưa chắc chắn về thuật ngữ hãy dùng chức năng highlight (tô màu) (tự quy ước một màu thôi để tránh rối mắt) để dễ quay lại chỉnh sửa sau khi đã xác định được cách dịch cuối cùng.

Lỗi này cũng gặp trong trường hợp làm việc nhóm với các dự án dịch thuật lớn, cách sử dụng thuật ngữ/ từ vựng không thống nhất rất phổ biến do trường từ vựng của mỗi cá nhân ít nhiều khác nhau. Giải pháp để teamwork hiệu quả gồm có:

(1) tạo nhóm làm việc trên các nền tảng xã hội (Facebook, Messenger, Line, Zalo, v.v...) để thảo luận và thống nhất cách dịch, 

(2) sau khi thống nhất hãy lập tức quay lại các phần đã highlight để chỉnh sửa ngay, tránh bỏ sót về sau, 

(3) kiểm tra chéo: sau khi mỗi bạn đã hoàn thành xong phần việc của mình, hãy chuyển bài dịch cho 1-2 thành viên khác double-check để phát hiện lỗi dùng từ không thống nhất.

Ví dụ: Hoa Kỳ - Mỹ, Trung Quốc - Trung Hoa, phục hình - phục hồi, kỹ thuật - kĩ thuật

Mình liệt kê luôn cả cách dùng chữ "i" và "y" ở đây. Hiện nay cách dùng vẫn chưa có sự thống nhất, một số từ được viết theo thói quen. Tuy nhiên, trong một văn bản, hãy cố gắng thống nhất một cách viết để thể hiện sự chuyên nghiệp của mình nhé. Ví dụ, bạn có thể chọn viết "kỹ thuật" hay "kĩ thuật" đều được nhưng đừng lẫn lộn 2 kiểu trong cùng một bài dịch.

3. DỊCH CỨNG NHẮC TỪNG CHỮ HOẶC TỪNG CÂU

Lại là một lỗi thường gặp với các dịch giả không chuyên. Lỗi này có thể do bạn nghĩ rằng khi dịch cần tuân thủ nguyên văn của bản gốc, cũng có thể do câu văn quá dài - khó hiểu nên phải dịch dần từng cụm từ để hiểu rõ ý của tác giả. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của mình, trong dịch thuật vấn đề khoa học, cốt lõi là phải giữ đúng ý nghĩa của thông điệp mà tác giả muốn truyền đạt chứ không phải văn phong hay cách dùng từ của tác giả. Do đó, nếu bạn có cách dịch phù hợp với văn phong tiếng Việt mà vẫn đảm bảo chính xác về nội dung của phiên bản gốc sẽ giúp độc giả dễ tiếp nhận thông tin hơn. Hơn nữa, khi cố gắng dịch sát từng chữ có thể gây ra tình trạng thừa từ trong tiếng Việt, làm người đọc không hiểu được nội dung chính hoặc mất nhiều thời gian hơn khi đọc. 

Vì vậy, giải pháp cho vấn đề này là:

(1) hãy dịch thô để chắc chắn hiểu đúng ý của tác giả trước; sau đó 

(2) đọc lại và bỏ bớt các từ thừa, hoặc có thể kết hợp hai câu thành một sao cho phù hợp với văn phong tiếng Việt nhất.

Ví dụ 1:

Câu văn gốc: "Ensure that, for each manufacturer’s abutment and implant interface used, all screws and compatible screwdrivers are available and sterile before surgery."

Dịch thô: Đảm bảo rằng với mỗi loại giao diện trụ implant và abutment của từng nhà sản xuất được sử dụng, tất cả các vít và tuốc-nơ-vít phù hợp đều có sẵn và vô trùng trước khi phẫu thuật.

Dịch "mịn": Cần chuẩn bị và tiệt trùng toàn bộ vít và tuốc-nơ-vít trước phẫu thuật, phù hợp cho từng loại giao diện trụ implant và abutment theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Lưu ý, rất nhiều câu văn tiếng anh dùng mệnh đề "that..." (it is important that/ it is essential that/ the findings suggest that, v.v...) khi dịch sang tiếng Việt, mọi người cần chú ý chuyển ngữ sao cho nghe suông tai bằng cách thay đổi trật tự câu, không nền dịch "that" thành "rằng", "mà".

Ví dụ 2:

Dịch thô: Ứng dụng của chẩn đoán hình ảnh trong chẩn đoán đau miệng mặt bao gồm tất cả các kỹ thuật khảo sát cấu trúc mô mềm và mô xương ở vùng đầu cổ.

Dịch "mịn": Kỹ thuật hình ảnh dùng chẩn đoán đau miệng mặt bao gồm các kỹ thuật khảo sát cấu trúc mô mềm và mô cứng vùng đầu cổ.

Lưu ý, câu văn dịch thô bị sai cấu trúc ngữ pháp, "ứng dụng của..." không thể là chủ ngữ cho phần vị ngữ phía sau "các kỹ thuật..." vì hai phần này không tương đương về ý nghĩa. Thừa từ "tất cả", vì "các" đã bao hàm nghĩa "tất cả". Dùng từ không có tính chất sóng đôi "mô mềm" - "mô xương", nên thay bằng "mô cứng". Các lỗi này là do dịch giả đã quá tuân thủ vào câu văn gốc.

Sau đây, mình liệt kê một số từ không nên dịch nguyên văn, mọi người cân nhắc khi dịch chứ không phải bắt buộc nhé:

  • its: của nó, their: của chúng, của chúng nó -> nêu thẳng tên của phương pháp, kỹ thuật, dụng cụ, v.v... đó 
  • ... is necessary: là cần thiết -> Nên/ Cần...
  • A is defined as: được định nghĩa là -> A là
  • ... sự/ việc (danh từ hóa trong tiếng Anh) -> chuyển thành động từ trong tiếng Việt. 
    • Ví dụ: sự phân bố rộng khắp của dây thần kinh -> dây thần kinh phân bố khắp...
    • những trường hợp này làm nổi bật tầm quan trọng của việc cần có kiến thức sâu rộng -> những trường hợp này nhấn mạnh cần có kiến thức sâu rộng...
  • ...bị/ được -> có thể bỏ nếu không làm thay đổi nghĩa
  • ...của -> có thể bỏ nếu không làm thay đổi nghĩa. Ví dụ, nguồn của đau miệng mặt -> nguồn đau miệng mặt/ nguồn gây đau miệng mặt 
  • ...đã (quá khứ) -> có thể bỏ nếu không làm thay đổi nghĩa 

4. LỖI CHỌN LỌC TỪ 

Lỗi chọn lọc từ có nhiều lý do: 

  • Do vốn từ còn hạn chế
  • Do chưa có kinh nghiệm dịch thuật
  • Do không phải chuyên môn chính của mình
  • Do sơ suất, không thận trọng khi làm việc
  • Do khác biệt vùng miền 

Dù là nguyên nhân gì thì cũng cần phải khắc phục. Vậy nên ngoài cách tự làm giàu vốn từ vựng cho mình qua nghe-đọc tiếng Việt (nhớ lựa nguồn chính thống mọi người nhé!), tham khảo ý kiến của chuyên gia, đồng nghiệp, học một ngoại ngữ thuộc nhóm có dùng Hán tự (Trung, Nhật), hãy nhớ một nguyên tắc khác đối với văn phong khoa học, đó là "sự trang trọng". Do đó, nếu có một cặp từ đồng nghĩa, thì mình sẽ ưu tiên từ Hán-Việt hơn mọi người nhé. Sau đây là một số ví dụ về cách chọn lọc từ, từ liệt kê phía sau sẽ được ưu tiên hơn.

Ví dụ: 

  • người bệnh - bệnh nhân (Hán-Việt)
  • đẹp - thẩm mỹ (Hán-Việt)
  • nha sĩ - Bác sĩ Răng Hàm Mặt (vì "nha sĩ" không bao hàm hết chương trình đào tạo)
  • y tá - điều dưỡng (hiện nay thống nhất dùng từ "điều dưỡng")
  • phim tia X - phim X quang 
  • phim Panorex - phim toàn cảnh ("Panorex" là tên hãng sản xuất, không phải chỉ loại phim X quang)
  • lợi răng - nướu răng (nướu răng dùng nhiều hơn ở phía Nam)
  • cuống răng - chóp răng (chóp răng dùng nhiều hơn ở phía Nam)
  • device: thiết bị, khí cụ (khí cụ thường dùng trong chỉnh nha, thiết bị dùng trong các lĩnh vực khác)
  • abutment, implant: có thể giữ nguyên không cần dịch

5. LỖI ĐỊNH DẠNG VĂN BẢN

Lỗi này thì có muôn hình vạn trạng như: in hoa, viết tắt, dấu câu, font chữ, size chữ, dãn dòng vân vân và mây mây. Mình liệt kể ở đây để nhắc nhở mọi người hãy thận trọng kiểm tra lại trước khi gửi đi review để tránh gây ấn tượng không tốt cho người đánh giá. Việc này cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm của bạn đối với công việc nữa. Mình có một vài típ để giúp bạn kiểm tra lỗi định dạng trong một bài viết khác, có thể truy cập tại đây. Ngoài ra, bạn nên tham gia các khóa học sử dụng phần mềm soạn thảo văn bản như Microsoft Word để hoàn thiện kỹ năng của mình hơn nhé!

Bên cạnh lỗi định dạng do sơ suất còn có lỗi định dạng do khác biệt ngôn ngữ nữa nhé! Lỗi này xuất phát từ quy ước sử dụng các dấu câu, ký hiệu, đơn vị, v.v... có sự khác biệt giữa các ngôn ngữ, cụ thể ở đây là tiếng Anh và Việt. Xem ví dụ bên dưới để dễ hiểu hơn nào!

Ví dụ: 

  • số thập phân: 8.9 (tiếng Anh) - 8,9 (tiếng Việt)
  • phân chia hàng ngàn, hàng triệu và đơn vị tiền tệ: 1,000,000 VND - 1.000.000 đồng
  • dấu phẩy sau liên từ: cat, dog, and pig - mèo, chó và heo
Đây là một vài tổng hợp nhỏ của Harry, đôi khi gấp gáp hoặc lười nhác mình cũng bị mắc lỗi nhiều. Vậy nên hãy luôn tự nhắc bản thân "đọc lại, kiểm tra lại" để hạn chế tối đa sai sót nhé! Ngoài ra, những bạn có thói quen đọc và viết tiếng Anh cũng bị ảnh hưởng phong cách khi dịch. Còn lỗi nào hay gặp mà chưa có ở đây, mọi người có thể comment bên dưới để cùng nhau trau dồi và học hỏi nhé.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

CÁCH BIÊN DỊCH THUẬT NGỮ HIẾM GẶP

MỘT SỐ NGUỒN THAM KHẢO DỊCH THUẬT TÀI LIỆU CHUYÊN NGÀNH RĂNG HÀM MẶT

LỖI THƯỜNG GẶP KHI BIÊN DỊCH CHUYÊN NGÀNH ANH-VIỆT

QUY TRÌNH BIÊN DỊCH CHUYÊN NGÀNH

Nhận xét

Bài đăng phổ biến