DISCUSSION ABOUT SELECTING MOUTHWASH PRODUCTS IN DENTAL PRACTICE DURING THE PANDEMIC COVID-19

MẠN ĐÀM VỀ LỰA CHỌN NƯỚC SÚC MIỆNG TRONG THỰC HÀNH NHA KHOA THỜI COVID-19


MỞ ĐỀ

Lần chia sẻ trước về bài báo của các tác giả người Trung Quốc Hướng dẫn các biện pháp kiểm soát lây nhiễm trong thực hành nha khoa mùa COVID-19, có một chi tiết làm mình hơi băn khoăn khi dịch lại và cũng là thắc mắc của một anh đồng nghiệp, đó là sử dụng dung dịch súc miệng "có chứa tác nhân oxy hoá như 1% hydrogen peroxide hoặc 0,2% povidone" vì theo tác giả bài báo là các tác nhân này "hiệu quả hơn trong việc làm giảm tải lượng vi sinh vật trong nước bọt, từ đó giảm yếu tố chứa virus 2019-nCoV".
Thông tin này làm cho mình nửa tin, nửa ngờ vì một số lý do. Thứ nhất, đoạn trình bày trên hoàn toàn không có dẫn chứng dữ liệu khoa học, cụ thể là các nghiên cứu liên quan để dẫn đến kết luận đó. Khi đọc kỹ thì thấy tác giả gom chung một câu mở đầu là tất cả nội dung chúng tôi khuyến cáo dựa trên tài liệu Hướng dẫn của cơ quan chuyên trách Trung Quốc, rốt cuộc thì link của các hướng dẫn này toàn bằng tiếng Trung nên mình không hiểu nốt. Thiết nghĩ dịch COVID-19 mới bùng phát nên các hướng dẫn này có thể chỉ dựa trên kinh nghiệm lâm sàng và các dữ liệu về các loại virus khác giúp mọi người phòng ngừa là chính. Thứ hai, từ trước đến giờ, mình chỉ biết hai loại tác nhân này có sử dụng trong điều trị bệnh nhân nha chu, tác nhân gây bệnh chính là vi khuẩn, chứ chưa hiểu rõ về cơ chế tác động (nếu có) trên virus như thế nào, và thật sự có hiệu quả hay không. Trong khi, SARS-CoV-2 còn khá mới mẻ và chưa có nhiều nghiên cứu in-vitro lẫn in-vivo để kiểm chứng. Thứ ba, suy đoán dạng tồn tại của virus, cụ thể là SARS-CoV-2 khi thâm nhập từ ngoài vào cơ thể qua đường miệng có thể là trong các hạt nhỏ, hạt khí dung, vi sinh vật hay tự do. Vậy thì động tác súc miệng (về mặt cơ học) có thể loại bỏ 2 dạng tồn tại đầu, các thuốc súc miệng có thành phần sát khuẩn như povidone-iodine, chlorhexidine có thể loại trừ vi sinh vật (vật mang virus), vẫn còn dạng tự do virus tồn tại trong thời gian ngắn ở miệng trước khi chui vào các tế bào không chắc chắn có được loại bỏ hay không. Ngược lại, cũng có một số lý do để tin tưởng. Một là, bài báo được đăng trên tạp chí chuyên ngành International Journal of Oral Science uy tín, có chỉ số impact factor cao, kèm theo cách trình bày chỉnh chu, chứng tỏ đã được các nhà chuyên môn bình duyệt đàng hoàng trước khi đăng tải. Hai là, bài viết cung cấp một bức tranh tổng thể về việc kiểm soát lây nhiễm, có quy trình, gồm nhiều giai đoạn dự phòng, và việc cho bệnh nhân súc miệng trước can thiệp chỉ là một mắc xích nhỏ trong chuỗi kiểm soát đó. Nên đặt trường hợp, các loại thuốc súc miệng trên nếu không hiệu quả thì cũng không gây hại gì cho người bệnh. Chưa kể, đang trong lúc khủng hoảng, các bác sĩ Răng-Hàm-Mặt chưa có kinh nghiệm xử lý tình huống thì đây cũng là một tham khảo tốt để bớt phần bối rối.
Đến đây, nếu ai cảm thấy bài dài mà lười đọc thì có thể nhảy ngay xuống phần "Tạm kết" để có những thông tin cần thiết nhất mà sử dụng, còn phần tiếp theo mình sẽ trình bày một số dẫn chứng cụ thể liên quan đến hiệu quả kháng virus nói chung của các loại nước súc miệng hiện nay.

CHIẾN LƯỢC TÌM KIẾM TÀI LIỆU 

Để tìm kiếm bằng chứng cho vấn đề trên, mình sử dụng thư viện dữ liệu chính là Pubmed (U.S. National Library of Medicine) với các từ khoá (bảng 1), không giới hạn khoảng thời gian, ngôn ngữ là Anh hoặc Pháp, đối tượng nghiên cứu là con người, độ tuổi - >=18 tuổi, thiết kế nghiên cứu là thử nghiệm lâm sàng có/không nhóm chứng hoặc tổng quan  có/không phân tích meta (clinical trial, meta-analysis, randomized controlled trial, review, systematic literature reviews). 

Chiến lược tìm kiếm và kết quả tìm kiếm như bảng 2.
Sau khi tổng hợp và bỏ bớt các bài báo trùng lặp, còn lại 4 bài, thông tin chi tiết trong bảng 3. Trong đó, có 1 thử nghiệm lâm sàng về Listerine(R) Antiseptic, 1 về povidone-iodine, 1 nghiên cứu và 1 tổng quan liên quan đến các chiết xuất từ lá trà xanh. Về các tác nhân gây bệnh, 3/4 bài báo đề cập đến Influenza virus, chỉ có 1 nghiên cứu liên quan đến Herpes virus. Nhìn chung, hiệu quả kháng virus của các loại nước súc miệng này trên lâm sàng chưa rõ ràng, và cần thêm nhiều thử nghiệm để chứng minh. Nói vậy để thấy các nghiên cứu được tiến hành trên người trong mảng này còn khá hạn chế (tuy nhiên, không loại trừ khả năng bài đăng trên các kênh thông tin, thư viện khác mà mình chưa tiếp cận, hoặc chiến lược tìm kiếm của mình còn thiếu sót), phần nhiều là nghiên cứu in-vitro (sẽ được trình bày ở mục 2). 

Vì vậy, đến đây cá nhân mình không đủ bằng chứng để khuyến cáo sử dụng bất kỳ sản phẩm hay dược chất nào dùng súc miệng có hiệu quả kháng virus nói chung và SARS-CoV-2 nói riêng trong thực hành nha khoa. Đồng quan điểm với mình, một bài đăng trên tờ New York Times của BS. Neal Naito - cựu giám đốc Y tế công cộng của Hải quân Hoa Kỳ (U.S. Navy) kết luận "Over all, looking at gargling from a risk-benefit ratio perspective, there seems to be little downside to frequent gargling. It’s a low-cost intervention, and may help to treat a sore throat. Whether gargling will actually fight off colds or flu, however, let alone the more serious coronavirus that is currently circulating, remains indeterminate as the current evidence base is limited." (34) Tạm dịch "Nhìn chung, cân nhắc vào tỉ lệ lợi ích-rủi ro của nước súc miệng, dường như có rất ít tác hại khi súc miệng thường xuyên. Đây là một liệu pháp rẻ tiền, có thể chữa khỏi viêm họng. Tuy nhiên, liệu súc miệng có thật sự hiệu quả để chống lại cảm lạnh hay bệnh cúm (influenza virus) hay không, thậm chí trong giai đoạn một loại coronavirus mới trầm trọng hơn đang lưu hành vẫn còn chưa xác định được, bởi lẽ các bằng chứng hiện nay còn rất giới hạn".

MỘT SỐ TÁC NHÂN CHÍNH DÙNG TRONG NƯỚC SÚC MIỆNG

Quả thật, thực hành y khoa dựa trên bằng chứng (evidence-based medicine) hiện nay vẫn là kim chỉ nam cho các nhà nghiên cứu và lâm sàng trong lĩnh vực y khoa nói chung. Mặc dù đây là công cụ đắc lực hướng đến thực hành y khoa hiệu quả và bài bản, nhưng cũng là thách thức lớn đối với giới lâm sàng. Thực tế, có rất nhiều phương thức điều trị được rút ra từ kinh nghiệm, kiến thức, óc phân tích, tổng hợp và phán đoán cũng như quan sát lâm sàng của bác sĩ (eminence-based medicine) dù chưa được kiểm chứng bằng các thử nghiệm, nhưng đây lại là cách thức hiệu quả và cần thiết trong những lúc "dầu sôi lửa bỏng". Như là trong giai đoạn hiện nay, SARS-CoV-2 vẫn còn quá mới mẻ với giới khoa học, nhiều thử nghiệm vẫn đang trong tiến trình thực hiện, chưa có kết quả cụ thể. Tuy nhiên, dù thực hành y khoa dựa trên bằng chứng hay kinh nghiệm thì ít nhiều cũng phải có nền tảng kiến thức để làm cơ sở cho các suy đoán, kết luận. 
Dưới đây, mình sẽ tóm tắt một số bằng chứng về các tác nhân thường gặp trong nước súc miệng liên quan đến hiệu quả diệt virus để mọi người tham khảo và có các lựa chọn phù hợp trên lâm sàng.
Trước hết, điểm qua một số đặc điểm chính của nhóm coronavirus để mọi người dễ hiểu tác dụng của các tác nhân sát khuẩn trên SARS-CoV-2. Coronaviruses (CoVs) là các virus RNA chuỗi dương đơn lẻ (single positive stranded RNA viruses), có vỏ bao thuộc dưới nhóm Coronavirinae. Bộ gen của CoVs có từ 26 đến 32 kilobases và có lẽ là RNA virus dài nhất đã biết. Trước đây, có 6 CoVs được biết gây bệnh ở người và được chia thành nhóm virus gây bệnh nguy cơ thấp và nguy cơ cao. CoVs gây bệnh nguy cơ thấp bao gồm 229E, HKU1, OC43 và NL63 chiếm khoảng 10-30% các bệnh nhiễm đường hô hấp trên, thông thường là bệnh đường hô hấp nhẹ. Ngược lại, CoVs gây bệnh nguy cơ cao bao gồm CoV gây Hội chứng Hô hấp cấp tính nặng (Severe Acute Respiratory Syndrome – SARS) và Hội chứng Hô hấp Trung Đông (Middle East Respiratory Syndrome – MERS), đa số ảnh hưởng đến đường hô hấp dưới và gây viêm phổi tử vong (1).

POVIDONE-IODINE (PI) 

PI là tác nhân kháng vi sinh vật phổ rộng so với các thuốc khử trùng thường gặp khác như chlorhexidine, octenidine, polyhexanide và hexetidine, cho thấy hiệu quả trên vi khuẩn Gram (+) và Gram (-), bào tử vi khuẩn, nấm, động vật nguyên sinh và một số virus (6,7). Cấu trúc hoá học và cơ chế tác dụng của PI mọi người xem thêm ở TLTK (6,8,9). PI được dùng nhiều thay cho cồn (alcohol) để sát trùng da trước và sau phẫu thuật, sát trùng vết thương nhỏ do cắt, bỏng, xây xát (7). PI trên thị trường có các dạng dung dịch 7,5-10%, nước súc miệng 0,1%, dung dịch rửa tay phẫu thuật, thuốc mỡ và tăm bông (7). Hiệu quả kháng virus của các sản phẩm PI trong các nghiên cứu in-vitro được trình bày trong bảng 4. Theo ghi nhận của mình, PI là loại nước súc miệng có nhiều nghiên cứu nhất về tác dụng kháng virus theo chiến lược tìm kiếm trên đến thời điểm hiện tại.
Theo một tổng quan năm 2015 (6) về mức độ an toàn của PI trên người đã được chứng minh trong thời gian dài đưa vào trên thị trường (~60 năm). Mặc dù nguy cơ hấp thu PI vào cơ thể khi sử dụng thời gian dài có thể xảy ra, nhưng các triệu chứng lâm sàng như rối loạn chức năng tuyến giáp không quá phổ biến. Các nghiên cứu cho thấy súc miệng 4 lần/ngày/2 tuần hoặc 2 lần/ngày/24 tuần không ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp ở người khoẻ mạnh. Tuy nhiên, cần thận trọng đối với người có bệnh lý tuyến giáp hay cường giáp. Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú cũng hạn chế tối đa, trong tình huống bắt buộc thì sử dụng nồng độ thấp nhất có thể. Trong thực hành nha khoa, trẻ em có thể dung nạp PI tốt hơn so với các thuốc sát khuẩn thông dụng khác. Dị ứng với PI cũng ít gặp hơn các sản phẩm tương tự. 

CHLORHEXIDINE GLUCONATE (CHG)

CHG là chất sát khuẩn da và niêm mạc (13) có nhiều ứng dụng trong y tế, tuỳ theo nồng độ và kết hợp với các chất hoá học khác như Bactiseptic Orange với công thức gồm CHG 2% và isopropyl alcohol 70% dùng sát trùng da trước phẫu thuật (14), dung dịch sát trùng vết thương, dung dịch sát khuẩn tay trong y tế, nước súc miệng Hexidine chứa 0,2% CHG, nước súc miệng Peridex 0,12% CHG dùng trong điều trị viêm miệng (15), viêm nướu hoặc viêm nha chu (16). CHG có hoạt tính chống lại các vi khuẩn Gram (+), Gram (-), kỵ khí tuỳ nghi, hiếu khí và nấm men (15). CHG có cả hoạt tính diệt khuẩn và kìm khuẩn tuỳ theo nồng độ (17). 
Trong nha khoa, CHG được dùng làm nước súc miệng, dung dịch bơm rửa miệng (oral irrigations), thiết bị phóng thích chậm (slow release devices) (13). Các tài liệu tìm được đặc biệt là các tổng quan và phân tích meta liên quan đến sử dụng nước súc miệng có chứa CHG đều ghi nhận hiệu quả ở nhiều mức độ khác nhau trên quá trình hình thành mảng bám, ngăn ngừa nhiễm khuẩn và nấm (viêm niêm mạc miệng, viêm nướu, viêm nha chu), không nhắc đến tác dụng trên virus (18–22). 
Tuy nhiên, CHG có một số tác dụng phụ không mong muốn như chợt niêm mạc, nhiễm màu răng, có vị đắng (23). Trong hướng dẫn sử dụng nước súc miệng CHG trên trang drugs.com có nhấn mạnh “Chlorhexidine gluconate will not treat a viral or fungal infection such as cold sores, canker sores, or oral thrush (yeast infection)” (16). Một số nghiên cứu in-vitro trình bày trong bảng 5. 

OXY GIÀ (HYDROGEN PEROXIDE - HP)

HP là chất sát khuẩn bề mặt và vệ sinh vết thương, là một chất sát khuẩn và kháng khuẩn phổ rộng, hiệu quả trên vi khuẩn Gram(+), Gram(-), bào tử vi khuẩn, virus và nấm men in-vitro, nhưng bị bất hoạt trong môi trường in-vivo do men catalase (26). Tuỳ theo lượng men catalase và các peroxidase khác trong các vi sinh vật giúp chúng có thể dung nạp được HP; vì vậy, dung dịch HP dưới 3% thường không hiệu quả. Nồng độ sử dụng từ 3-30%, có thể pha loãng bằng nước muối sinh lý để đạt được nồng độ yêu cầu. Ở nồng độ thấp (3-6%), HP chỉ có tác dụng trên vi khuẩn, để diệt được bào tử vi khuẩn thì cần thời gian tiếp xúc lâu hơn và nồng độ cao hơn. Ngoài ra, HP còn có tác dụng cầm máu. Trong nha khoa, HP được dùng làm nước súc miệng để loại trừ mảng bám và hỗ trợ quá trình lành thường sau phẫu thuật ở miệng từ cách đây hơn 100 năm (27). Gần đây, HP nồng độ cao cũng là một tác nhân dùng trong tẩy trắng răng (28). Cơ chế tác động và độc tính của HP có thể tham khảo thêm trong TLTK (27). Không tìm thấy bài báo nghiên cứu về hiệu quả kháng virus của nước súc miệng chứa HP. 

TINH DẦU (ESSENTIAL OIL)

Tinh dầu là từ dùng chỉ chung cho các chất lỏng kỵ nước đậm đặc chứa các hợp chất hoá hoạc dễ bay hơi ở nhiệt độ thường, chiết xuất từ các bộ phận của thực vật như trà xanh (3,5,29), tỏi (29), lá đu đủ (30), v.v... Do sự phong phú về chủng loại và thành phần hoá học, các nghiên cứu liên quan đến nước súc miệng có tinh dầu còn tản mát, chủ yếu tập trung vào tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, hiệu quả chống virus còn hạn chế. Bảng 6 là một số nghiên cứu in-vitro mình ghi nhận được.
 

TẠM KẾT 

Thiết nghĩ, nếu trong thời gian này, các phòng khám Răng-Hàm-Mặt đi vào hoạt động trở lại thì mình xin góp ý các điểm chính sau:
  1. Tham khảo quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn như khuyến cáo từ bài dịch trước cũng như theo các tuân thủ các quy định của cơ quan chủ quản tại địa phương. Kiểm soát nhiễm khuẩn phải là một quy trình khép kín, chứ bỏ sót một mắc xích nào cũng sẽ là nguy cơ với cả nhân viên y tế lẫn người bệnh và cộng đồng xung quanh.
  2. Khuyến khích sử dụng nước súc miệng trước và sau can thiệp vì động tác súc miệng cũng như các thành phần hoá học trong nước súc miệng có thể loại trừ đáng kể các hạt nhỏ, hạt khí dung hay vi sinh vật có mang virus ra khỏi môi trường miệng.
  3. Riêng đối với dung dịch súc miệng, cho đến khi có các nghiên cứu mới nhất liên quan đến virus SARS-CoV-2 được công bố, dung dịch Povidone-Iodine - là tác nhân có nhiều bằng chứng khoa học nhất về hiệu quả chống virus (in-vitro và in-vivo) và an toàn cho người khoẻ mạnh khi sử dụng thời gian dài

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

1. Han Q, Lin Q, Jin S, You L. Coronavirus 2019-nCoV: A brief perspective from the front line. J Infect. 2020;80(4):373-377. doi:10.1016/j.jinf.2020.02.010
2. Meiller TF, Silva A, Ferreira SM, Jabra-Rizk MA, Kelley JI, DePaola LG. Efficacy of Listerine Antiseptic in reducing viral contamination of saliva. J Clin Periodontol. 2005;32(4):341-346. doi:10.1111/j.1600-051X.2005.00673.x
3. Yamada H, Takuma N, Daimon T, Hara Y. Gargling with tea catechin extracts for the prevention of influenza infection in elderly nursing home residents: a prospective clinical study. J Altern Complement Med. 2006;12(7):669-672. doi:10.1089/acm.2006.12.669
4. Kitamura T, Satomura K, Kawamura T, et al. Can We Prevent Influenza-like Illnesses by Gargling? Internal Medicine. 2007;46(18):1623-1624. doi:10.2169/internalmedicine.46.0104
5. Ide K, Yamada H, Kawasaki Y. Effect of gargling with tea and ingredients of tea on the prevention of influenza infection: a meta-analysis. BMC Public Health. 2016;16. doi:10.1186/s12889-016-3083-0
6. Kanagalingam J, Feliciano R, Hah JH, Labib H, Le TA, Lin J-C. Practical use of povidone-iodine antiseptic in the maintenance of oral health and in the prevention and treatment of common oropharyngeal infections. Int J Clin Pract. 2015;69(11):1247-1256. doi:10.1111/ijcp.12707
7. Eggers M. Infectious Disease Management and Control with Povidone Iodine. Infect Dis Ther. 2019;8(4):581-593. doi:10.1007/s40121-019-00260-x
8. PubChem. Povidone iodine. https://pubchem.ncbi.nlm.nih.gov/compound/410087. Accessed April 19, 2020.
9. Sriwilaijaroen N, Wilairat P, Hiramatsu H, et al. Mechanisms of the action of povidone-iodine against human and avian influenza A viruses: its effects on hemagglutination and sialidase activities. Virol J. 2009;6:124. doi:10.1186/1743-422X-6-124
10. Kawana R, Kitamura T, Nakagomi O, et al. Inactivation of human viruses by povidone-iodine in comparison with other antiseptics. Dermatology (Basel). 1997;195 Suppl 2:29-35. doi:10.1159/000246027
11. Ito H, Ito T, Hikida M, et al. Outbreak of highly pathogenic avian influenza in Japan and anti-influenza virus activity of povidone-iodine products. Dermatology (Basel). 2006;212 Suppl 1:115-118. doi:10.1159/000089210
12. Kariwa H, Fujii N, Takashima I. Inactivation of SARS coronavirus by means of povidone-iodine, physical conditions and chemical reagents. Dermatology (Basel). 2006;212 Suppl 1:119-123. doi:10.1159/000089211
13. Karpiński TM, Szkaradkiewicz AK. Chlorhexidine--pharmaco-biological activity and application. Eur Rev Med Pharmacol Sci. 2015;19(7):1321-1326.
14. Bactiseptic Orange - Alcoholic 2% chlorhexidine. Vesimin. December 2016. https://vesismin.com/en/alcoholic-chlorhexidine/. Accessed April 20, 2020.
15. Mancano MA, Gallagher JC. Frequently Prescribed Medications: Drugs You Need to Know. Jones & Bartlett Publishers; 2013.
16. Chlorhexidine Topical Dosage Guide with Precautions. Drugs.com. https://www.drugs.com/dosage/chlorhexidine-topical.html. Accessed April 20, 2020.
17. Chlorhexidine gluconate (oral rinse) Uses, Side Effects & Warnings. Drugs.com. https://www.drugs.com/mtm/chlorhexidine-gluconate-oral-rinse.html. Accessed April 20, 2020.
18. James P, Worthington HV, Parnell C, et al. Chlorhexidine mouthrinse as an adjunctive treatment for gingival health. Cochrane Database Syst Rev. 2017;3:CD008676. doi:10.1002/14651858.CD008676.pub2
19. Scheibler E, Garcia MCR, Medina da Silva R, Figueiredo MA, Salum FG, Cherubini K. Use of nystatin and chlorhexidine in oral medicine: Properties, indications and pitfalls with focus on geriatric patients. Gerodontology. 2017;34(3):291-298. doi:10.1111/ger.12278
20. Elkerbout TA, Slot DE, Van Loveren C, Van der Weijden GA. Will a chlorhexidine-fluoride mouthwash reduce plaque and gingivitis? Int J Dent Hyg. 2019;17(1):3-15. doi:10.1111/idh.12329
21. Babickaite L, Ramanauskiene K, Grigonis A, et al. DETERMINATION OF ANTIMICROBIAL ACTIVITY OF CHLORHEXIDINE GEL. Acta Pol Pharm. 2016;73(6):1623-1630.
22. Cardona A, Balouch A, Abdul MM, Sedghizadeh PP, Enciso R. Efficacy of chlorhexidine for the prevention and treatment of oral mucositis in cancer patients: a systematic review with meta-analyses. J Oral Pathol Med. 2017;46(9):680-688. doi:10.1111/jop.12549
23. Stoyell KA, Mappus JL, Gandhi MA. Clinical efficacy of turmeric use in gingivitis: A comprehensive review. Complement Ther Clin Pract. 2016;25:13-17. doi:10.1016/j.ctcp.2016.08.004
24. Bernstein D, Schiff G, Echler G, Prince A, Feller M, Briner W. In vitro virucidal effectiveness of a 0.12%-chlorhexidine gluconate mouthrinse. J Dent Res. 1990;69(3):874-876. doi:10.1177/00220345900690030901
25. Baqui A a. MA, Kelley JI, Jabra‐Rizk MA, DePaola LG, Falkler WA, Meiller TF. In vitro effect of oral antiseptics on human immunodeficiency virus-1 and herpes simplex virus type 1. Journal of Clinical Periodontology. 2001;28(7):610-616. doi:10.1034/j.1600-051x.2001.028007610.x
26. Akuji MA, Chambers DJ. Hydrogen peroxide: more harm than good? British Journal of Anaesthesia. 2017;118(6):958-959. doi:10.1093/bja/aex151
27. Urban MV, Rath T, Radtke C. Hydrogen peroxide (H2O2): a review of its use in surgery. Wien Med Wochenschr. 2019;169(9-10):222-225. doi:10.1007/s10354-017-0610-2
28. Eachempati P, Kumbargere Nagraj S, Kiran Kumar Krishanappa S, Gupta P, Yaylali IE. Home-based chemically-induced whitening (bleaching) of teeth in adults. Cochrane Database Syst Rev. 2018;12:CD006202. doi:10.1002/14651858.CD006202.pub2
29. Groppo FC, Ramacciato JC, Simões RP, Flório FM, Sartoratto A. Antimicrobial activity of garlic, tea tree oil, and chlorhexidine against oral microorganisms. Int Dent J. 2002;52(6):433-437. doi:10.1111/j.1875-595x.2002.tb00638.x
30. Saliasi I, Llodra JC, Bravo M, et al. Effect of a Toothpaste/Mouthwash Containing Carica papaya Leaf Extract on Interdental Gingival Bleeding: A Randomized Controlled Trial. Int J Environ Res Public Health. 2018;15(12). doi:10.3390/ijerph15122660
31. Dennison DK, Meredith GM, Shillitoe EJ, Caffesse RG. The antiviral spectrum of Listerine antiseptic. Oral Surg Oral Med Oral Pathol Oral Radiol Endod. 1995;79(4):442-448. doi:10.1016/s1079-2104(05)80124-6
32. Lee D-H, Youn H-N, Park J-K, et al. In vitro virucidal effect of mouthrinse containing C31G on seasonal influenza viruses. J Microbiol Biotechnol. 2014;24(7):921-924. doi:10.4014/jmb.1312.12055
33.Xian Peng et al. Transmission routes of 2019-nCoV and controls in dental practice. International Journal of Oral Science, (2020) 12:9, https://doi.org/10.1038/s41368-020-0075-9.
34. https://www.nytimes.com/2020/03/29/well/live/gargle-gargling-coronavirus-infections-bacteria-virus.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến