ORAL PATHOLOGY: HOW TO SUMMERIZE OUR KNOWLEDGE

BỆNH LÝ MIỆNG - TỔNG HỢP KIẾN THỨC NHƯ THẾ NÀO?


Sáu năm học, trải qua nhiều môn học đại cương trước khi bước vào chuyên ngành và thực hành chuyên môn, chắc hẳn nhiều bạn sẽ thắc mắc và tự hỏi liệu những môn học đó có ý nghĩa gì trong hành trình trở thành một bác sĩ Răng Hàm Mặt (RHM). Lúc đầu, khi mới vào trường y, mình cảm thấy hơi hoang mang vì các học phần được trình bày rời rạc, thậm chí các bài học ở từng bộ môn lại do các thầy cô khác nhau phụ trách, nhiều khi thiếu sự kết nối giữa các chủ đề (Chương trình tích hợp theo mô-đun sau này có lẽ đã có nhiều cải thiện). Nhiều năm về sau, mình nhận ra rằng lý do là ở môi trường đại học và sau này nữa, thầy cô chỉ giới thiệu, gợi mở vấn đề, giải đáp các thắc mắc, cung cấp tài liệu là chính, còn việc xử lý những gì được cung cấp như thế nào để trở thành kiến thức của mình là trách nhiệm và quá trình phấn đấu của từng cá nhân.

Nói đến đây, lại nhớ đến quyển sách khá nổi tiếng của cố tác giả E.O. Wilson (1929-2021) "The Unity of Knowledge" mà đã có lần mình giới thiệu đến mọi người. Trong đó ý tưởng chủ đạo xuyên suốt tác phẩm là sự kết nối các thông tin đa chuyên ngành thành một thể thống nhất để hướng đến mục đích lý giải và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống loài người. Wilson cho rằng các chuyên ngành từ tự nhiên đến xã hội đều có sự kết nối theo kiểu kim tự tháp với đáy là các môn khoa học cơ bản như vật lý, hóa học, sinh học đến các bậc cao nhất liên quan đến hoạt động của xã hội loài người như kinh tế, môi trường, đến các phạm trù đạo đức, nhân văn. Giao thoa cho hai lĩnh vực gần như tách biệt tự nhiên và xã hội chính là y khoa, cụ thể là tâm lý học và khoa học về não bộ. Có thể còn lâu việc kết nối các kiến thức đa chuyên ngành này mới trở thành hiện thực như lời tác giả dự đoán, nhưng trong đoạn cuối sách ông nhấn mạnh rằng nếu ngay từ đầu chúng ta đã nghĩ không thể thực hiện một việc gì đó thì sẽ không bao giờ có thể đạt được đến đích. Mình mạn phép bổ sung "nhất là đối với những việc mang lại lợi ích cho bản thân và cộng đồng", như việc tổng hợp kiến thức mà mình trình bày bên dưới.

Trở lại với lĩnh vực Răng Hàm Mặt, nếu chuyện mà tác giả Wilson đề cập đến cần sự hợp tác của nhiều người cũng như qua nhiều thế hệ, thì việc tổng hợp kiến thức được truyền đạt thành một thể thống nhất lại là trách nhiệm và việc trong tầm tay mà bất kỳ sinh viên RHM nào cũng nên lưu ý. Mình nghĩ rằng dù định hướng trở thành bác sĩ phục hình hay chỉnh hình hay chuyên ngành nào khác cũng cần đến các kiến thức bệnh học vì trước tiên mục tiêu đào tạo Bác sĩ RHM ở các trường hiện nay trước hết phải là một bác sĩ nha khoa tổng quát. Điều này có nghĩa là trước khi hoàn thiện hay chuyên sâu vào từng lĩnh vực cụ thể (hầu hết đều là mảng điều trị/can thiệp - mắt xích cuối cùng trong công việc của một bác sĩ), cần phải có đủ kiến thức và kỹ năng để xác định và chẩn đoán đúng bệnh. Sau khi có chẩn đoán thì mới đến quyết định điều trị hoặc chuyển bệnh nhân cho chuyên gia.

Nhiều năm trước, trong khi lặn hụp với đống bài vở đại học, mình cố gắng xâu chuỗi các môn học, tìm ra lý do vì sao phải học môn này hay không học môn kia, vạch ra lộ trình để tóm tắt các nội dung, lưu trữ tài liệu để có thể xem lại khi cần. Một phần cũng là vì bản thân mình không có khả năng nhớ chi tiết quá nhiều vấn đề, khi hệ thống và phân loại rõ ràng, thì lúc bản thân cần hay được hỏi mình cũng tìm đọc lại nhanh chóng và dễ dàng hơn. Vì vậy, sau đây sẽ là những chia sẻ có tính định hướng giúp các bạn có thể tự tổng hợp những gì đã học một cách hệ thống và dễ truy xuất sau này. Lưu ý đây chỉ là một chia sẻ từ trải nghiệm cá nhân, có thể xem như một ca tham khảo, vì mình tin rằng, mỗi người sẽ tìm được phương thức học tập phù hợp, không ai giống ai cả!

Trước hết, mình sẽ chọn ra 10 nhóm mô/tổ chức vùng miệng mà các bạn cần ghi chú lại để tiện cho việc tổng hợp kiến thức:
  1. Mô nha chu (Periodontal tissue/ Le parodonte)
  2. Tủy răng và vùng quanh chóp (Pulp and periapical tissue/ La pulpe et les tissus périapicaux)
  3. Mô cứng của răng và khớp cắn (Hard dental tissue and dental occlusion/ Le tissu dur dentaire et l'occlusion dentaire)
  4. Da và niêm mạc miệng (Skin and oral mucosa/ La peau et la muqueuse buccale)
  5. Tuyến nước bọt (Salivary glands/ Les glandes salivaires)
  6. Hạch bạch huyết và hệ tạo huyết (Lymph nodes and hematopoetic system/ Les ganglions lymphatiques et le système hématopoïétique)
  7. Các dây thần kinh sọ (Cranial nerves/ Les nerfs crâniens)
  8. Cơ vùng đầu cổ (Head and neck muscles/ Les muscles de la tête et du cou)
  9. Xương hàm (Maxilla and mandible/ Le maxillaire et la mandibule)
  10. Khớp thái dương hàm (Temporomandibular joints/ Les articulations temporo-mandibulaires)
Với mỗi nhóm mô/tổ chức nêu trên, hãy tổng hợp kiến thức đã học theo 5 phân nhóm sau:
  1. Giải phẫu - cấu trúc đại thể (Anatomy/ L'anatomie)
  2. Phôi thai học + Mô học - cấu trúc vi thể (Embryology and Histology/ L'embryologie et l'histologie)
  3. Sinh lý - chức năng (Physiology/ La physiologie)
  4. Phân loại bệnh (Classification of diseases/ La classification des maladies)
  5. Từng bệnh cụ thể
    • Dịch tễ học (tần suất, độ tuổi, giới tính) (Epidemiology/ L'épidémiologie)
    • Bệnh căn (Etiology/ L'étiologie)
    • Đặc điểm lâm sàng (Clinical features/ Les caractéristiques cliniques)
    • Mô bệnh học (Giải phẫu bệnh thường quy, hóa mô miễn dịch, miễn dịch huỳnh quang) (Pathohistology/ La pathohistologie)
    • Cận lâm sàng khác (chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm huyết học, sinh hóa, di truyền phân tử, v.v...) (Other paraclinical examinations/Les autres examens paracliniques)
    • Điều trị, tiên lượng và theo dõi (Treatments, prognosis and follow-up/ Les traitements, le pronostic et le suivi) 
Nếu nội dung nào chưa được học hãy tự tìm kiếm thông tin để lấp đầy các lỗ hổng đó nhé. Bạn có thể tham khảo danh sách sách chuyên ngành bệnh lý miệng trong loạt bài viết này. Cách tổng hợp có thể khác nhau tùy theo sở thích và điều kiện hiện có. Ngoài ra, tùy theo định hướng chuyên ngành sau này mà bạn có thể ưu tiên mức độ chi tiết cho phần mô/cơ quan đó hơn. Ví dụ, chuyên ngành chỉnh nha sẽ tập trung vào mô cứng của răng và khớp cắn, khớp thái dương hàm, xương hàm; chuyên ngành nội nha thì tập trung vào mô tủy và vùng quanh chóp, xương hàm. Mức độ chi tiết nên hiểu là ngoài tài liệu được thầy cô cung cấp, bạn cần tự đọc thêm sách chuyên khảo, các tài liệu mới cập nhật trên Pubmed, Google Scholar, ResearchGate, v.v... Mình có chia sẻ một số bước đánh giá nhanh chất lượng tài liệu khoa học tại đây trong quá trình tìm kiếm. Để tải bài báo miễn phí trên các nguồn có tính phí thì xem ở đây nhé!
Đến đây, các bạn đã có trong tay dàn ý chi tiết cho toàn bộ công việc tổng hợp kiến thức rồi nhé (tức là 10 nhóm và 5 phân nhóm ở trên đó). Cũng không nhất thiết phải tuân thủ theo dàn ý của mình, nếu cảm thấy không hợp lý bạn có thể tự điều chỉnh lại. Sau đây là các bước tổ chức và tổng hợp nguồn học liệu cá nhân của mình để các bạn tham khảo.
  1. Chuẩn bị kho lưu trữ dữ liệu như ổ đĩa cố định trên laptop, ổ đĩa di động hay ổ đĩa ảo (lưu trữ đám mây) (Google Drive, Dropbox, OneDrive, v.v...) để có thể mang theo khi du học, công tác, thay đổi nơi làm việc, dọn nhà mà không sợ bị thất lạc. 
  2. Tạo 10 folder theo 10 nhóm mô/tổ chức nêu trên.
  3. Mỗi folder hãy tạo một file tổng hợp bằng các phần mềm soạn thảo (MS Word, MS Excel, MS Powerpoint, v.v...) hoặc tính năng ghi chú nội dung cho từng folder trên Dropbox (phần Overview trong hình 1) và các folder phụ khác (Tài liệu tham khảo, Video, Sách, Bài giảng, Bệnh án, Ca lâm sàng, v.v...) để lưu trữ các học liệu tương ứng. 
Hình 1. Mục "Overview" trong Dropbox hỗ trợ chức năng tóm tắt nội dung của một folder.
Hình 2. Ví dụ về folder "Mô nha chu" gồm một file tổng hợp kiến thức và các học liệu khác.

File tổng hợp này dùng để ghi các nội dung chính tương ứng với 5 phân nhóm đã nêu, giúp bạn có cái nhìn tổng quát về một mô/tổ chức khi cần ôn nhanh lại kiến thức, và truy cập nhanh vào nội dung nào mình bị quên. Bạn có thể áp dụng một trong các cách thức sau đây để tổng hợp và lưu trữ học liệu:
  1. Tổng hợp nội dung trong giáo trình, sách giáo khoa. Có thể tham khảo chi tiết cách tổng hợp nội dung tại đây. Việc tự tổng hợp như vậy cũng là cách giúp bạn ghi nhớ thông tin. Có thể tổng hợp trên giấy hay phần mềm soạn thảo (MS Word, MS Powerpoint, v.v...) của máy tính, app ghi chú trên các thiết bị thông minh (Notes, Stickers, Notability, v.v...). Khi tổng hợp hãy tìm cách trình bày sao cho dễ nhớ, ví dụ vẽ sơ đồ, lập bảng so sánh, cây quyết định (decision tree), tìm thêm hình minh họa trên internet, ebook, v.v... Có thể tham khảo ứng dụng Đồ họa thông tin - Infographic, Sơ đồ tư duy - MindmapChú hoạ thông tin - Sketchnote, v.v... để giúp phần tổng hợp sinh động và trực quan hơn.
    1. Nếu tổng hợp trên giấy nhớ scan lại (mình sử dụng app CamScanner có tính phí, Dropbox cũng có tính năng scan tài liệu) và cho vào folder nhóm tương ứng. Cách này hơi thủ công và khuyết điểm chính là khó bổ sung hay sửa đổi thông tin về sau.
    2. Nếu tổng hợp trên phần mềm như MS Word, có thể kết hợp với một phần mềm quản lý tài liệu (Endnote, Zotero, Mendeley, RefWorks, v.v...) để tạo danh sách tài liệu tự động ở cuối file, giúp dễ tra cứu lại tài liệu gốc. Mình dùng Zotero có phiên bản miễn phí và dễ dùng. Trả thêm phí (tương đối rẻ) thì có thể tăng thêm dung lượng lưu trữ dữ liệu trực tuyến. Một số típ kiểm tra định dạng văn bản xem ở đây.
    3. Tổng hợp bằng phần mềm MS Powerpoint thì không thể tích hợp phần mềm quản lý tài liệu, ưu điểm là dễ chèn hình ảnh, sơ đồ. Một số típ để soạn trình chiếu học thuật xem ở đây.
  2. Ghi các ý chính kèm đường link (nếu là tài liệu online) hoặc ghi tên file theo chủ đề đó hoặc ghi tên chương sách/tên sách, v.v... để truy cập/tìm kiếm nhanh. Một lưu ý là cần thống nhất cách lưu tên file để khi cần tìm có thể dễ dàng sử dụng chức năng tìm kiếm (Search) trong ổ cứng di động hay lưu trữ đám mây, cũng như khi chọn chức năng sắp xếp (Sort) file theo tên. Mình gợi ý một số cách đặt tên file sau đây:
    • Chọn một ngôn ngữ duy nhất để đặt tên, ví dụ tiếng Việt không dấu (benh hoc mieng, kham vung mieng, lichen phang) (tiếng Việt có dấu dễ bị lỗi), tiếng Anh (oral pathology, oral examination, lichen planus)
    • Để số năm xuất bản hay phát hành tài liệu ở đầu, ví dụ: 2020_Dieu tri lichen phang niem mac mieng
    • Đối với các file thay đổi theo ngày, đặt tên theo thứ tự năm-tháng-ngày sẽ giúp sắp xếp hệ thống hơn, ví dụ: 20221228_Luan van tot nghiep 
    • Thống nhất các ký hiệu sử dụng trong tên file như _, -, khoảng trắng giữa các từ
Hình 3. Ví dụ cách đặt tên file thống nhất để dễ tìm kiếm.

Có thể ứng dụng cách tổng hợp nêu trên mọi lúc, như khi đang học, khi ôn thi tốt nghiệp lẫn khi đi làm. Thực hành các bước nêu trên sẽ giúp tăng cường nhiều kỹ năng và thu được nhiều lợi ích như:
  • Xử lý, đánh giá và phân loại thông tin; tránh tình trạng tài liệu lưu mấy trăm GB mà bị thông tin bị trùng lặp, lỗi thời hay sai lầm (vì mình đã xoá ngay trước khi lưu vào bộ nhớ)
  • Rèn luyện kỹ năng tổng hợp thông tin, diễn giải thông tin bằng ngôn ngữ và cách hiểu của chính mình để nắm bắt vấn đề toàn diện và chắc chắn hơn
  • Có cái nhìn tổng quan về từng chủ đề chuyên ngành cần thiết cho quá trình đào tạo liên tục sau này, thuận tiện khi cần ôn lại, từ đó dễ dàng tiếp thu kiến thức và kỹ thuật mới hơn dựa trên nền tảng đã có
  • Rèn luyện kỹ năng sử dụng các phần mềm soạn thảo văn bản, quản lý tài liệu, nhất là những bạn có định hướng du học, giảng dạy hay làm nghiên cứu khoa học thì không thể không đụng tới được
  • Lưu trữ các tài liệu đặc biệt là ebook và bài báo trên các tạp chí có trả phí, vì chính sách chia sẻ miễn phí của các tài liệu này thay đổi thường xuyên
Nếu lướt qua bài viết, có thể bạn cảm thấy đây là một công việc tốn nhiều công sức và dễ nản lòng ngay từ khi chưa bắt đầu. Mình cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ hoàn thành công việc này mặc dù đã bắt đầu cách đây hơn 10 năm. Nhưng khi nhìn lại, mình cũng đã tích luỹ được kha khá, vậy nên hãy cứ bắt đầu nếu cảm thấy cần thiết và phù hợp, mọi thứ chưa bao giờ là muộn cả. Chúc các bạn thành công!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến