LEARNING ORAL PATHOLOGY BY REVIEW-MAKING METHOD

HỌC BỆNH LÝ MIỆNG BẰNG PHƯƠNG PHÁP TỔNG QUAN

Bệnh lý miệng nói tới thì nhiều ơi là nhiều, mà sinh viên hay bác sĩ Răng Hàm Mặt nào mà chả phải đụng tới bệnh lý. Phương pháp tổng quan là một trong những cách học mà Harry áp dụng để giúp mình nắm vững và cập nhật kiến thức.
Lợi điểm của phương pháp này là:
  • Hệ thống kiến thức về một chủ đề bệnh lý để tự học và sử dụng trong lâm sàng
  • Cập nhật thông tin nghiên cứu hiện hành, có hướng nghiên cứu mới về chủ đề yêu thích
  • Có thể áp dụng khi làm chuyên đề bệnh lý, viết tổng quan trong nghiên cứu và viết bài báo dạng tổng quan + phân tích meta 
Đương nhiên, cũng có một số nhược điểm, đó là:
  • Tốn nhiều thời gian và công sức; nếu không lập kế hoạch làm việc sớm thì kết quả tổng hợp dễ bị sai hoặc thiếu sót
  • Cần đọc hiểu tốt ngoại ngữ, vì phần hướng dẫn của Harry bên dưới sẽ sử dụng chủ yếu trên tư liệu nước ngoài
Bây giờ cùng bắt đầu thôi.

Bước 1: Xác định chủ đề cần tổng hợp và từ khóa


Tùy theo yêu cầu của giảng viên hoặc mục tiêu học tập cá nhân, mọi người cần xác định chủ đề mình cần tổng hợp.
Chủ đề có thể chỉ là một từ khóa bệnh lý (ví dụ, nhạy cảm ngà - dentine hypersensitivity), hoặc có thể là một câu hỏi lâm sàng trong quá trình khám chữa bệnh (ví dụ, làm sao để xử trí nội nha quá chóp? how to manage the overinstrumentation?), cũng có thể là một câu hỏi nghiên cứu (ví dụ, ảnh hưởng của mang hàm giả buổi tối lên chất lượng giấc ngủ như thế nào? the impact of nocturnal denture wearing on sleep quality?).
Nếu chủ đề là dạng một câu hỏi thì cần xác định những từ khóa và từ đồng nghĩa/gần nghĩa (nếu có) trong đó, để chuẩn bị cho bước 3.
Ví dụ:
  • nhạy cảm ngà - dentine hypersensitivity --> Từ khóa: dentine hypersensitivity
  • làm sao để xử trí nội nha quá chóp? how to manage the overinstrumentation? --> Từ khóa: manage (treatment, management); overinstrumentation (overinstrumented apex)
  • ảnh hưởng của mang hàm giả buổi tối lên chất lượng giấc ngủ như thế nào? the impact of nocturnal denture wearing on sleep quality?) --> Từ khóa: nocturnal denture wearing (wearing denture at night), sleep quality (sleep apnea, sleepiness)
Kết thúc bước 1, chúng ta có tên chủ đề và các từ khóa.
Lưu ý, vì hầu hết tài liệu chuyên ngành tiếng Việt không đầy đủ, từ khóa tìm kiếm thường là một ngôn ngữ khác, phổ biến là tiếng Anh. Nếu gặp khó khăn vì không biết từ khóa tiếng Anh, nên trao đổi với thầy cô, chuyên gia trong lĩnh vực đó trước khi bắt đầu để việc tìm kiếm dễ dàng hơn.

Bước 2: Chọn tài liệu làm kiến thức nền và xây dựng dàn ý

Để đỡ mất thời gian và giúp công việc tổng hợp khoa học hơn, mọi người có thể chọn một tài liệu (ví dụ, bài giảng của thầy cô, chương sách, hay webinar của một tác giả uy tín) để trích xuất những thông tin cơ bản quan trọng, cũng như tham khảo để xây dựng một dàn ý cho bài tổng hợp của mình.
Lưu ý 1 là có thể thay đổi dàn ý để phù hợp với mục đích tổng hợp, chứ không cần giữ nguyên dàn ý gốc. Lưu ý 2 là nên chọn tài liệu nào có thời gian xuất bản gần đây để công việc ở bước 3 nhẹ nhàng hơn.
Kết thúc bước 2, chúng ta có tệp văn bản gồm dàn ý và các thông tin căn bản về chủ đề đã chọn.
Ví dụ về dàn ý chủ đề "Ung thư hốc miệng" (Oral cancer)

Bước 3: Tìm kiếm tài liệu (chủ yếu là bài báo khoa học) từ các kho dữ liệu số dựa trên từ khóa đã xác định

Ở bước này, chúng ta sử dụng các từ khóa đã xác định (bước 1) để tìm kiếm các tài liệu liên quan và cập nhật vào file văn bản đã tạo (bước 2).
Ở đây, Harry ví dụ cách tìm kiếm trên Pubmed, mọi người có thể áp dụng thêm cho các nền tảng thư viện trực tuyến khác.
Gõ từ khóa vào ô tìm kiếm trên trang pubmed:
Chọn bộ lọc theo năm để lấy những tài liệu mới (ví dụ, 5 năm, 10 năm), bộ lọc theo thể loại bài báo (thường chọn systematic review và clinical trials vì có độ xác tính về mặt bằng chứng cao nhất). Tuy nhiên, với những chủ đề hiếm gặp, có thể mở rộng bộ lọc để tìm được nhiều bài báo hơn và ngược lại.




Lưu ý, ngoài hai nguồn học liệu là tạp chí và ebook thì mình còn nhiều loại khác, cách thức tìm kiếm có thể mất thời gian vì phải thực hiện thủ công.
Kết thúc bước 3, chúng ta có danh sách các tài liệu theo chủ đề đã chọn.

Bước 4: Xử lý thông tin và cập nhật vào file văn bản gốc

Việc đọc tài liệu sẽ tốn thời gian vì khối lượng bài báo có thể rất lớn. Để tránh rối rắm, mọi người nên lướt qua tên bài báo lần lượt theo thứ tự từ trên xuống dưới, loại bỏ những bài không liên quan. Bài nào quan trọng thì đọc đến phần tóm tắt (abstract) rồi toàn văn (fulltext) nếu cần.
Cứ bình tĩnh xử lý thông tin theo thứ tự như vậy, đây là phần tốn nhiều thời gian và công sức trong phương pháp tổng quan này, nhưng không nên nóng vội.
Có một số lưu ý như sau:
  • Đọc và rà soát thông tin nào mới từ bài báo thì đưa vào file văn bản gốc
  • Nếu thông tin mới mâu thuẫn so với văn bản gốc thì xem xét thời gian của hai tài liệu này cái nào có trước để quyết định
  • Nếu thông tin của hai bài báo mâu thuẫn thì so sánh chất lượng của mỗi bài (Xem thêm cách đánh giá độ xác tính của bài báo tại đây)

Bước 5: Hoàn chỉnh sản phẩm

Ưu điểm của bài báo khoa học là có tính cập nhật, nhưng có thể thiếu các thông tin cơ bản (vì độc giả mặc định của các tạp chí là những ai đã học tập/làm việc trong lĩnh vực y khoa rồi) và hình ảnh minh họa. Để giải quyết các nhược điểm này, mọi người có thể sử dụng các từ khóa (thường là tên bệnh) để tìm kiếm trong các sách ebook (các phần mềm đọc file pdf như Adobe Acrobat Reader PC, Foxit Reader đều có chức năng Search có biểu tượng kính lúp, gõ từ khóa vào thanh tìm kiếm này là được) để bổ sung các thông tin còn thiếu nêu trên.
Giao diện phần mềm Foxit Reader, góc phải trên cùng là chỗ gõ từ khóa tìm kiếm, ví dụ này là tìm từ khóa "Oral squamous cell carcinoma"

Cuối cùng, trong quá trình cập nhật thông tin, có thể câu chữ chưa hoàn chỉnh, mọi người nên đọc lại văn bản vài lần để điều chỉnh cách hành văn cho sản phẩm cuối cùng, một số công cụ kiểm tra lỗi format văn bản trên MS Word có thể tham khảo tại đây.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến