SKETCHNOTES: UNDERSTANDING FOR USING
SKETCHNOTING, CÓ GÌ HAY?
Vừa rồi, đứa em đồng nghiệp hỏi ý kiến Harry có nên đăng ký khóa học về phương pháp sketchnotes hông. Thiệt tình là cách đây vài năm cũng háo hức đăng ký học online, tính ra là có chút kiến thức và kinh nghiệm, tiện thể viết ra đây vài dòng để ai cần thì tham khảo luôn. Dĩ nhiên, Harry sẽ không trả lời thẳng câu hỏi trên mà tùy theo nhu cầu và sở thích của từng bạn nữa. Con người ta ngộ nghĩnh lắm, khi đã thích rồi thì sẽ tìm mọi cách suy nghĩ để thuyết phục bản thân thực hiện, còn không thì trời có sập cũng khó lay chuyển; giả mà có bị ai đó dụ dỗ rồi nhào vô, đến lúc nhận ra không thích thì cũng bỏ dở giữa chừng! Cơ mà khóa học này cũng không mắc mỏ gì, chỉ là phí phạm mấy tiếng "thanh xuân" của bạn thôi. Vậy nên đọc tiếp phần bên dưới để coi mình có thực sự thích học không hen.
1. Hiểu đúng về phương pháp "sketchnotes"
Lướt qua mấy trang tiếng Việt về phương pháp sketchnotes, mình nhận thấy có vẻ người viết đang thần tượng hóa công cụ này với các tựa đề như "Phương pháp sketchnote - Cách học mới của người trẻ không thể bỏ qua", "Người trẻ mê mẩn sketchnote", "Phương pháp ghi chép hiệu quả sketch note", v.v... Các khóa học online thì liệt kê rất nhiều công dụng của sketchnotes như công cụ thuyết trình, viết CV, quản lý công việc, ghi nhớ hiệu quả, tăng khả năng sáng tạo, tạo ấn tượng trong công việc và học tập. Vậy thực hư thế nào?
Vì đây là một khái niệm tiếng Anh nên tạm bay qua Wikipedia xem người ta nói thế nào. Định nghĩa trên Wikipedia ghi như sau: "Sketchnoting or visual notetaking, is the creative and graphic process through which an individual can record their thoughts with the use of illustrations, symbols, structures, and texts. By combining graphics with the traditional method of using text, the result is information that is captured and communicated visually and artistically." [1]
Kết hợp định nghĩa trên và những hiểu biết của mình xin diễn giải lại cho mọi người dễ hiểu như sau:
⏩ Phương pháp sketchnotes (tạm dịch là "Chú họa thông tin") là phương pháp ghi nhận thông tin bằng cách "kết hợp" vẽ hình ở dạng phác thảo (sketch) và ghi chú từ khóa quan trọng (note).
- Vẽ hình và ghi chữ thì có thể sử dụng nhiều phương tiện: giấy-bút, bảng-phấn, bảng-bút, màn hình thiết bị thông minh-bút cảm ứng, v.v...
- "Kết hợp" được hiểu là sử dụng các chi tiết, hoạ tiết (như mũi tên, dạng hình học) thể hiện các mối liên hệ (nhân-quả, tương hỗ, tương phản, phân cấp, nhấn mạnh, v.v...) giữa các yếu tố hình và chữ nêu trên.
- Vì cả sketch (phác thảo) và note (ghi chú) đều thể hiện tinh thần chung là nhanh chóng, đơn giản, không đòi hỏi cao về thao tác, nhưng để thực hiện được thì phải có tư duy tốt! ⏪
Theo khái niệm trên thì bất kỳ ghi chú nào có sử dụng các biểu đồ, sơ đồ tư duy (mind map), sơ đồ khái niệm (conceptual map), hình minh họa bằng cách viết tay cũng đều được xem là một bản sketchnotes. Như vậy, theo mình thì thực ra sketchnotes không phải là khái niệm gì mới mẻ của người trẻ hiện nay cả vì ngay từ lúc học phổ thông mình và rất nhiều bạn bè cũng đã sử dụng kiểu ghi chú như vậy rồi, chỉ là tụi mình không có ý niệm phải đặt tên cho nó là gì. Hơn nữa, bản chất của việc ghi chú cũng mang tính cá nhân, theo năng lực tư duy và mục đích của từng người, miễn là bạn hài lòng với nó. Trang Wikipedia cũng có nói "There is no right or wrong way to sketchnote. Due to various ability levels, not all methods are universally efficient for everyone, resulting in individual styles of sketchnoting."[1]
Nói thêm, vào năm 2006, tác giả Mike Rohde đề xuất phương pháp kết hợp kỹ thuật ghi chú truyền thống (noting) với các hình vẽ phác họa (sketch) gọi là phương pháp sketchnotes để giúp người học tăng khả năng ghi nhớ, có thể tìm hiểu kỹ hơn trong sách của ông "The Sketchnote Handbook" có bản ebook miễn phí trên internet, mình để kèm link ở cuối bài.[3]
Trên trang wikipedia, phương pháp sketchnotes được mô tả gồm có 5 công đoạn chính sau [1]:
- Lên kế hoạch: thời gian, địa điểm nghe diễn giả trình bày, bút giấy để ghi chú, nội dung, chủ đề trình bày.
- Lắng nghe: tập trung lắng nghe diễn giả trình bày, nắm bắt cái ý chính, từ khóa quan trọng, liên kết các thông tin với nhau.
- Động não/Xử lý thông tin: sau phần trình bày của diễn giả, dành thời gian để xâu chuỗi thông tin, chọn lựa đâu là những nội dung quan trọng cần được ghi chú lại.
- Viết: ghi nhận các thông tin quan trọng đã xác định ở bước trên theo dàn ý và bố cục mong muốn.
- Vẽ: bổ sung hình vẽ, chi tiết hình học để hoàn chỉnh một bản sketchnotes.
👏 Lưu ý, theo mô tả trên thì phương pháp này đòi hỏi khả năng ghi nhớ tốt để chú họa lại những gì đã được nghe. Vậy nên, sẽ là bất khả thi đối với các bài giảng dài và phức tạp. Trong khóa học trực tuyến mà mình từng tham gia cũng như theo tác giả Mike Rohde lại có tiếp cận khác. Họ hướng dẫn người học vừa nghe trình bày vừa thực hiện chú họa luôn. Khi diễn giả trình bày xong thì mình cũng hoàn thành bản sketchnotes. Cách này có vẻ tiện nhưng cần luyện tập nhiều mà thực sự không phải ai cũng đủ năng lực làm nhiều thứ cùng lúc như vậy (nghe, tổng hợp thông tin, viết, vẽ). Ai cũng mong muốn hướng đến sự hoàn hảo và tối ưu, nhưng cần nhìn thẳng vào thực tế. Cả hai cách tiếp cận này, theo mình, đều có ưu-khuyết điểm, mọi người đọc thêm mục 3 để tham khảo vài gợi ý cải biên của mình nhé. Còn hiệu quả của phương pháp sketchnotes như thế nào sẽ là nội dung của phần trình bày tiếp theo.
😂 Chút xíu về thuật ngữ
Tra trong vài từ điển trực tuyến (Cambridge, Oxford, Lugwig, Youlish) thì mình không thấy từ "sketchnote" cũng như không thấy các từ gợi ý từ tương tự, chắc là khái niệm này còn mới chưa đưa vào từ điển.
Còn kết quả tìm kiếm bằng tiếng Anh (trên Google, Pubmed) và trong sách của tác giả Mike Rohde [2] thì ghi nhận các từ sau:
- Sketchnoting (n): graphic recording, visual notetaking _ việc chú họa thông tin
- Sketchnotes (n): a practical art that translates simple and complex ideas easily recalled bits of information [3] _ bản chú họa thông tin, thường ở dạng có "s", ít thấy dùng "sketchnote" như một danh từ riêng lẻ, và không thấy dùng "sketch note". Có thể do mỗi sản phẩm sketchnotes là sự kết hợp của nhiều yếu tố sketch và note. Ngoài ra, phần nữa là không có quy luật cố định khi thành lập compound noun (closed, open hoặc hyphenated), nên quan sát người bản xứ dùng thế nào thì mình dùng theo như vậy cho đúng.
- Sketchnote method: phương pháp chú họa thông tin _ thường thấy sketchnote kết hợp với một danh từ phía sau chứ không đứng riêng lẻ, trường hợp này có lẽ sketchnote đóng vai trò như tính từ nên bỏ bớt "s" (???). Ví dụ khác: sketchnote book, sketchnote community
- Sketchnoter (n): người thực hiện phương pháp chú họa thông tin
- to sketchnote (v): to creat sketchnotes _ thực hiện chú họa thông tin
Mọi người chú ý khi sử dụng cũng như dùng từ khóa tra cứu để tránh dùng sai. Bài viết này mình sẽ sử dụng chủ yếu là từ "sketchnotes" để diễn giải các nội dung muốn nói liên quan đến phương pháp "chú họa thông tin" này.
2. Sử dụng sketchnotes để làm gì và hiệu quả ra sao?
Trước khi bắt đầu phần này, cần phân biệt hai khái niệm: (1) phương pháp sketchnotes và (2) phong cách sketchnotes để tránh bị hoang mang hai con ngan hay hoang mang Hồ Quỳnh Hương nè 😜.
(1) Phương pháp sketchnotes là những gì mình đã trình bày ở trên. Mục đích của phương pháp sketchnotes, theo ý tưởng ban đầu của tác giả khởi xướng tên gọi này, là nhằm cải tiến hình thức ghi chú cổ điển bằng cách thêm thắt các hình họa để giúp ghi chú sinh động và dễ nhớ thông tin hơn. Nói chung, cá nhân mình nhận thấy hiệu quả ghi nhớ của sketchnotes dựa trên lý thuyết Mã kép (Dual-Coding Theory) của Allan Paivio (1971)[3] mà đã có lần mình trình bày trong workshop "Thiết kế trình chiếu bằng MS Powerpoint". Theo tác giả này thì thông tin được não bộ xử lý và lưu trữ bằng 2 hệ thống mã hóa:
- analogue codes mã hóa thông tin ngôn ngữ và
- symbolic codes mã hóa thông tin hình ảnh, biểu tượng.
Nhờ tiếp nhận và lưu trữ bằng 2 hệ thống này nên người học sẽ có khả năng nhớ lại thông tin tốt hơn so với trường hợp chỉ sử dụng một trong hai dạng thông tin trên. Có thể liên hệ một số phương pháp dạy-học cũng dựa trên lý thuyết Mã kép như học ngoại ngữ bằng thẻ ghi nhớ (flashcard), thuyết trình bằng hình ảnh, mô hình. Tương tự, kỹ thuật sketchnoting sử dụng kết hợp từ khóa và hình ảnh minh họa nên cũng có tác dụng tăng khả năng ghi nhớ. Vậy thì có thể nói hiệu quả ghi nhớ là có, nhưng đây không phải là công cụ duy nhất. Bản thân mình hay dùng phần mềm MS Powerpoint để soạn bài học, cũng là đang vận dụng lý thuyết Mã kép nêu trên.
(2) Phong cách sketchnote là kiểu thiết kế thị giác, hình thức trình bày thông tin mô phỏng theo một bản sketchnotes. Vì là hình thức trình bày nên việc sử dụng thế nào là tùy thuộc vào sở thích và nhu cầu của từng người. Bạn có thể là người sử dụng trực tiếp thông tin đó hoặc truyền tải thông tin cho người khác. Các phong cách trình bày hay thiết kế khác như infographic, thiết kế phẳng (flatdesign), retro and vintage, hoạt hình, v.v...
- Để dùng cho chính mình: nhật ký công việc, lịch làm việc, bản kế hoạch, v.v...
- Để truyền đạt thông tin: bài thuyết trình, bài giảng, sơ yếu lý lịch (Curriculum Vitae-CV), poster hay tờ rơi quảng cáo, thực đơn (menu) v.v...
Ngoài ra, một nghiên cứu được công bố gần đây sử dụng phương pháp theo dấu điểm nhìn (eye-tracking) trên các học sinh trung học ở Nga (3/2020)[4] ghi nhận rằng độc giả xử lý thông tin nhanh hơn và tốt hơn dưới dạng trình bày theo phong cách sketchnotes so với văn bản thuần túy (verbal text). Kết quả này cũng phù hợp với một số nghiên cứu về lựa chọn hình thức học tập của sinh viên y khoa; trong đó, thông tin hình ảnh được đa số (60-80%) yêu thích vì dễ tiếp thu hơn so với chữ viết.[5, 6] Thứ nữa là khi so sánh giữa các dạng bố cục (layout) sketchnotes (xem hình dưới) thì dạng trên-trái-dưới-phải (linear) và dạng nan hoa xe đạp (radial) giúp người đọc dễ theo dõi thông tin theo trình tự mong muốn của người viết hơn các dạng khác.[4] Có thể phương pháp sketchnoting có nhiều điểm chung lý giải được dựa trên các cơ chế học tập thị giác (visual learning) nên chưa có nhiều nghiên cứu riêng cho vấn đề này.
Các dạng bố cục dùng trong sketchnotes [3] |
3. Lưu ý khi ứng dụng phương pháp sketchnotes trong công việc hay học tập
Một nhầm lẫn khi nghe quảng cáo cũng như qua tên gọi thì sketchnotes là một công cụ giúp 🚫 ghi chú nhanh 🚫. Thực sự thì không phải vậy! Từ các thông tin ở mục 1 hoặc tham khảo các sketchnotes trên internet sẽ thấy để hoàn chỉnh một bản sketchnotes đòi hỏi rất nhiều kỹ năng (vẽ hình, ghi chú nhanh, khả năng tưởng tượng để chuyển đổi thông tin ngôn ngữ thành dạng hình ảnh, quan trọng nhất là kỹ năng tổng hợp-phân tích thông tin, tư duy logic) và nhiều công đoạn (xem mục 1). [1, 3] Nghe qua là biết khó có thể áp dụng cho các bài học hay chủ đề phức tạp, có tính chuyên môn cao rồi. Bản thân mình, mỗi lần nghe giảng, mình vừa dùng máy ghi âm, vừa ghi chú còn không kịp, lấy đâu ra mà nhớ hết thông tin rồi về làm sketchnotes. Nên để ứng dụng trong học tập, mình đề nghị các cách thức sử dụng phương pháp sketchnotes biến đổi sau:
- Trường hợp có tài liệu trước khi nghe giảng:
- Đọc để hiểu và rút ra các ý chính, lập dàn ý và tạo một bản sketchnotes thô (chừa khoảng trắng để điền thêm thông tin khi nghe giảng);
- Mang theo bản thô khi nghe giảng, điền thêm thông tin thầy cô đề cập mà tài liệu không có;
- Về nhà xem lại bản sketchnotes và vẽ thêm các hình ảnh minh họa cũng nhằm để ôn lại kiến thức đã học.
- Trường hợp không có tài liệu trước khi nghe giảng:
- Ghi chú nhiều nhất có thể khi nghe giảng, chủ yếu bằng chữ và ký tự vì không có thời gian mà vẽ vời, nhớ chừa khoảng trắng để điền thông tin còn thiếu, đồng thời ghi âm, chụp hình, quay video (nếu được phép) hoặc xin bản copy bài giảng của thầy cô;
- Nghe lại audio hay video, điền thêm các thông tin còn thiếu vào sketchnotes thô;
- Sau một tuần hay khoảng thời gian nhất định, mở lại sketchnotes thô vừa ôn bài vừa vẽ thêm hình minh họa.
Tiếp theo, như khái niệm đã nêu, hình minh họa sử dụng trong sketchnotes là hình vẽ tay đơn giản, không đòi hỏi cao về năng khiếu hội họa. Nguyên tắc cốt lõi là đơn giản hóa hoặc cách điệu hóa các sự vật, hiện tượng thành các dạng hình học đơn giản (hình tròn, tam giác, tứ giác, đường thẳng, đường cong). Các hình vẽ đơn giản có thể tìm thấy trên Youtube bằng các từ khóa "Sketchnotes for beginners" hoặc trong sách của tác giả Mike Rohde mình đề cập ở trên. Tham khảo các nguồn này rồi tự thực hành ở nhà cũng được, không nhất thiết phải tham gia các khóa học. Đối với các khái niệm trừu tượng hoặc từ chuyên ngành, mẹo của mình là sử dụng các Công cụ tìm kiếm như Google với từ khóa "icon + khái niệm". Ví dụ, icon healthy, icon orthodontics. Từ kết quả tìm kiếm ở mục "Hình ảnh" (Image) sẽ cho bạn rất nhiều gợi ý để có thể tự vẽ các hình minh họa đơn giản.
Lưu ý cuối cùng là làm gì cũng đừng lạm dụng quá. Mình thấy nhiều bản sketchnotes, thậm chí là của tác giả Rodhe cũng rất rắc rối, phức tạp, quá nhiều thông tin, nhìn vô là không biết cái gì quan trọng, không biết bắt đầu từ đâu. Mới viết xong thì còn hiểu, chứ bỏ một thời gian rồi lấy ra ôn bài thì coi chừng "tẩu hỏa nhập ma". Nên lời khuyên là hãy chừa chỗ để thở (khoảng trắng) trong một bản sketchnotes. Bạn nào có quan tâm về nhiếp ảnh hay thiết kế sẽ hiểu rõ khái niệm này. Ai chưa biết thì đọc thêm tại đây.
Hình này nhìn đẹp mà rối mắt!(Nguồn: https://www.dropbox.com/s/u1921ulcivmqh5n/Screenshot%202020-06-29%2022.14.04.png?dl=0)
Đừng cố gắng nhồi nhét tất cả thông tin vào một bản sketchnotes. Áp dụng các giải pháp sau đây để sketchnotes của bạn bớt rối rắm.
- Sử dụng khổ giấy lớn hơn, chẳng hạn A2, A3 thay cho A4, A5; hoặc mạnh dạn tách nội dung thành nhiều bản sketchnotes nhỏ.
- Chắc lọc thông tin quan trọng, những thông tin bổ sung có thể dùng skicker dán chồng lên (xem hình dưới), nhờ đó có thể dễ dàng phân cấp nội dung, biết được đâu là phần quan trọng.
- Sử dụng nhiều bút màu để phân cấp mức độ quan trọng của thông tin. Ví dụ, màu đỏ là thông tin cực kỳ quan trọng, tiếp theo là màu xanh, cuối cùng màu đen là thông tin ít quan trọng nhất.
4. Lưu ý khi chọn lựa trình bày theo phong cách sketchnotes
Muốn dùng phong cách sketchnotes để thuyết trình, có thể theo các bước sau:
- Lên dàn ý về chủ đề muốn trình bày, chuẩn bị bố cục của sketchnotes thô; (
- Vẽ hình và các chi tiết minh họa, chừa trống các vị trí để ghi những từ khóa quan trọng, vì thời gian thuyết trình giới hạn nên không thể vừa nói vừa vẽ nguyên bản sketchnotes được;
- Khi trình bày, nói đến đâu thì dùng bút để điền khuyết đến đó cho người xem dễ theo dõi. (xem hình dưới)
Vì phong cách sketchnotes là hình thức viết tay (handwritten notes), nên có thể không đảm bảo được tính trang trọng, vì đâu phải ai cũng viết chữ đẹp. Trong trường hợp cần sự nghiêm túc, vẫn có thể dùng phong cách sketchnotes nhưng có 2 gợi ý:
- nên sử dụng thêm các dụng cụ hỗ trợ như thước kẻ, compa, thước viền chữ, v.v... để đảm bảo các chi tiết, đường nét được chỉnh chu; đồng thời chú ý nội dung hình vẽ không quá thô tục, trẻ con, hoặc
- sử dụng các phần mềm soạn thảo, thiết kế (MS Word, Powerpoint, Photoshop, Illustrator) mô phỏng theo phong cách sketchnotes để đảm bảo đường nét, chữ viết, hình ảnh được cân đối, nghiêm chỉnh.
LỜI KẾT
Đến đây thì mọi thứ cũng khá rõ ràng rồi đúng không. Tóm lại, từ kinh nghiệm của mình, có mấy gợi ý cho từng nhóm đối tượng muốn tiếp cận phương pháp sketchnotes như sau:
- Trẻ em 👦: cần có thầy cô hướng dẫn trực tiếp hoặc nếu tham gia các lớp học trực tuyến thì nên có người lớn kèm theo để hỗ trợ, giải thích cho các con những khái niệm khó cũng như cách sắp xếp bố cục, tư duy để các con không bị nản chí khi mới tiếp cận phương pháp này.
- Người >=15 tuổi 👨, chưa biết gì về kỹ năng ghi chú (nghe thầy cô đọc sau viết vậy, không biết đâu là ý chính):
☺ Có thể tự học online nhưng đừng nghe quảng cáo này nọ mà đặt quá nhiều kỳ vọng, vì "tiền nào của đó". Với mấy trăm ngàn mà muốn làm chủ được cả kỹ năng ghi chú thì... không được đâu!
☺ Khóa học sketchnotes có thể cung cấp cho các bạn các khái niệm về phương pháp sketchnotes, một số ứng dụng của phong cách sketchnotes, cách thực hành các hình vẽ đơn giản, kết hợp hình vẽ với từ khóa.
☺ Ngoài khóa học này thì có thể học thêm kỹ năng ghi chú từ thầy cô, bạn bè hoặc các khóa học khác (nếu có). - Người lớn 👨 đã có ít, nhiều kỹ năng ghi chú, có thể tự bổ sung các kỹ năng để thực hành phương pháp sketchnotes như sau:
- Vẽ hình đơn giản: sách của Mike Rohde, tìm kiếm bằng từ khóa "Sketchnotes", "Sketchnotes for beginners", "Drawing for sketchnotes", v.v... trên Google, Youtube; xem và luyện tập theo
- Tìm hiểu các loại bố cục của sketchnotes: tìm kiếm bằng từ khóa "Layouts for sketchnotes" để biết cách chọn lựa bố cục phù hợp với từng nội dung
- Trong quá trình học, lựa chọn bố cục phù hợp rồi cứ ghi chú theo thói quen của mình, sau đó bổ sung các hình họa đơn giản đã tập luyện ở trên.
Trước đây, có bạn nhờ Harry hướng dẫn cho sinh viên thực hành sketchnotes. Thực ra thì mình cũng chỉ hướng dẫn được các nội dung tương tự như khóa học trực tuyến, cái mà mấy bạn sinh viên có thể tự học được, nên mình từ chối vì tốn thời gian của cả hai. Tuy nhiên, theo mình, đó không phải là mấu chốt của vấn đề. Quan trọng hơn, cái mà các khóa học về sketchnotes không cung cấp được cho chúng ta, là kỹ năng ghi chú thông tin (gồm có nắm bắt ý chính khi nghe giảng, ghi nhớ và ghi chú nhanh theo trình tự, bố cục logic) cũng như bản thân bạn phải duy trì thái độ nghiêm túc trong học tập để có những bước chuẩn bị trước, tập trung trong và ôn lại bài sau mỗi buổi học. Vậy he, đôi dòng chia sẻ vậy thôi! 😱
Nếu yêu thích các bài viết của mình, hãy đăng ký blog để nhận được các thông báo mới nhất nhé!
NGUỒN THAM KHẢO
- https://en.wikipedia.org/wiki/Sketchnoting
- https://en.wikipedia.org/wiki/Dual-coding_theory
- The Sketchnote Handbook: The Illustrated Guide to Visual Note Taking, Mike Rohde
- Tatiana E Petrova, Elena I Riekhakaynen, Valentina S Bratash, An Eye-Tracking Study of Sketch Processing: Evidence From Russian (2020), Front Psychol, 2;11:297.DOI: 10.3389/fpsyg.2020.00297.
- Hernández-Torrano D, Ali S, Chan C-K. First-year medical students’ learning style preferences and their correlation with performance in different subjects within the medical course. BMC Medical Education. 2017;17(1):131. doi:10.1186/s12909-017-0965-5.
- 2. Alharbi HA, Almutairi AF, Alhelih EM, Alshehry AS. The Learning Preferences among Nursing Students in the King Saud University in Saudi Arabia: A Cross-Sectional Survey. Nursing Research and Practice. doi:https://doi.org/10.1155/2017/3090387.
Nhận xét