5 STEPS FOR QUICK EVALUATION OF A SCIENTIFIC ARTICLE'S RELIABILITY

5 BƯỚC ĐÁNH GIÁ NHANH ĐỘ TIN CẬY CỦA BÀI BÁO KHOA HỌC

Trong quyển sách "20 bài học của thế kỷ 21" (21 lessons for the 21st century) của tác giả Yuval Noah Harari, mình ấn tượng với 5 chữ C về kỹ năng mà ông cho rằng mọi người cần trang bị trong quá trình phát triển bản thân để thích ứng tốt với thế giới trong kỷ nguyên mới. Trong đó gồm có (1) Critical Thinking (Tư duy phản biện), ((2) Communication (Giao tiếp, kết nối với thế giới), (3) Collaboration (Hợp tác, teamwork), (4) Creativity (Sáng tạo) và (5) Character (Cá tính). Quay lại chữ C đầu tiên, trong thời đại bùng nổ của khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, thì việc tìm kiếm thông tin cần thiết không còn quá khó, thậm chí bạn sẽ được đề xuất rất nhiều dựa trên lịch sử tìm kiếm hoặc nơi check-in (quán ăn, nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi, shopping, v.v...) bởi các thuật toán AI đằng sau các ứng dụng trên thiết bị có kết nối Internet và hệ thống định vị. Điều này cũng tương tự đối với các thông tin khoa học và chuyên ngành. Làm sao để phát triển tư duy phản biện trong quá trình tìm kiếm thông tin là một vấn đề cấp thiết. Vì vậy, ở bài viết này, Harry sẽ chia sẻ 5 bước đánh giá độ tin cậy của nguồn thông tin giúp các bạn có cơ sở ban đầu cho quá trình phát triển kỹ năng tư duy phản biện của mình. Tùy theo mức độ quan trọng của thông tin thu được đối với việc giải quyết vấn đề mà mọi người có thể ứng dụng cả 5 bước hoặc chỉ sử dụng 1 trong 5 bước.


1. Bảng xếp hạng tạp chí uy tín

Nguồn tham khảo trong lĩnh vực sức khỏe uy tín nhất là các tạp chí khoa học. Vì vậy, bạn có thể kiểm tra nhanh độ tin cậy của bài báo mặc dù chưa đọc qua nội dung bằng cách kiểm tra mức độ uy tín của Tạp chí đăng tải bài báo đó. Một đề xuất (miễn phí, không cần đăng ký hay đăng nhập) cho mọi người là cơ sở dữ liệu Scopus thuộc nhà xuất bản Elsevier. Chỉ cần bấm vào link này, gõ tên tạp chí (xuất hiện trong bài báo bạn tìm được) vào thanh tìm kiếm có sẵn (như hình minh họa bên dưới), bạn sẽ truy cập được điểm trích dẫn (CiteScore) của từng tạp chí, mức xếp hạng của tạp chí trong tổng số các tạp chí ở cùng lĩnh vực. Như vậy, nếu tạp chí không xuất hiện trong danh mục này hoặc tạp chí có CiteScore thấp, có nghĩa là độ tin cậy của tạp chí cũng thấp. 

Liên quan đến bảng xếp hạng tạp chí, mọi người sẽ nghe nhắc đến khái niệm "Tứ phân vị" (Quartile), gọi tắt là Q1, 2, 3 và 4. Trong đó, người ta chia tổng số tạp chí trong cùng lĩnh vực thành 4 nhóm, Q1 (tứ phân vị thứ nhất) là nhóm tạp chí thuộc top đầu (25%), Q2, 3, 4 lần lượt ở các vị trí thấp hơn. Lưu ý khác là danh sách các tạp chí trong cơ sở dữ liệu của Scopus có thể thay đổi theo từng năm, nhất là những tạp chí top dưới, có thể bị loại trong trường hợp vướng phải các nghi vấn về độ khả tín trong khoa học và ngược lại. Tìm hiểu thêm tại đây.

Giao diện của CiteScore trên nền tảng Scopus

2. Hiểu đúng về IMPACT FACTOR (chỉ số ảnh hưởng)

Trong đánh giá tạp chí, chúng ta sẽ nghe nói nhiều về chỉ số Impact Factor (chỉ số ảnh hưởng). Định nghĩa về Impact Factor đã được nói nhiều và có thể dễ dàng tìm kiếm nên mình sẽ không nhắc lại ở đây, có thể xem thêm theo đường link cung cấp. Tuy nhiên, xin lưu ý rằng khi sử dụng Impact Factor để đánh giá tạp chí phải nhớ hai nguyên tắc sau:
  • Impact Factor cao có độ tin cậy cao
  • Impact Factor tỉ lệ nghịch với mức độ phổ biến của lĩnh vực
Nhiều người có thể để ý đến nguyên tắc 1 mà quên đi nguyên tắc 2, dẫn đến có những so sánh thiếu toàn diện. Ví dụ, tạp chí Nature Reviews Chemistry có 2-year Impact Factor (2019) khoảng 35, trong khi tạp chí Oral Surgery, Oral Medicine, Oral Pathology and Oral Radiology có Impact Factor khoảng 2, mặc dù cả hai đều nằm trong top Q1 theo xếp hạng của Scopus.

3. Hình thức trình bày của bài báo: CÁI ĐẸP ĐÈ BẸP CÁI NẾT!

Chưa cần đọc hiểu văn bản, nếu đã có trong tay toàn văn (full-text) của bài báo, bạn hãy lướt qua toàn bài, kể cả phần tài liệu tham khảo. Hãy tự trả lời câu hỏi về ấn tượng ban đầu của bạn đối với bài báo đó như thế nào. Sau đây là một số gợi ý:
  • Bố cục của toàn bài (không phân cấp tựa đề, tiêu đề, đề mục, nội dung văn bản)
  • Lỗi format (căn chỉnh văn bản, dãn dòng không đều, typeface, font chữ lộn xộn, hình ảnh, bảng-biểu thiếu trật tự)
  • Chất lượng hình ảnh được đăng trong bài báo (góc chụp không đúng, hình mờ nhòe)
  • Màu sắc của các thành tố trong bài báo có tính thẩm mỹ và chủ đích hay không? Lưu ý văn bản khoa học sẽ ưu tiên sự rõ ràng hơn tính nghệ thuật.
  • Tài liệu tham khảo: có trình bày theo cùng một phong cách? có các bài báo tham khảo gần với năm đăng tải bài chính?
  • Độ dài của văn bản. Các tạp chí uy tín đều có quy định rõ ràng về số lượng từ tối đa cho một bài báo nên thường ít gặp bài quá dài (trên 10 trang, đối với văn bản chính, không tính phụ lục). Tuy nhiên, khi gặp các bài báo quá ngắn (dưới 4 trang) cũng hãy đặt nghi vấn vì lượng thông tin cung cấp không đủ đảm bảo cho hai tiêu chí của nghiên cứu khoa học là khả năng thực hiện lại (reproductivity) và tính mới (innovation). Không áp dụng đối với loại hình báo cáo ca, loạt ca hoặc ý kiến chuyên gia (xem thêm mục 4).
Trong trường hợp ấn tượng ban đầu không tốt thì nên cho một dấu trừ vào độ khả tín của bài báo.

4. Loại hình thiết kế nghiên cứu: THANG ĐÁNH GIÁ ĐỘ KHẢ TÍN CỦA BẰNG CHỨNG

Trong giới nghiên cứu, mọi người rất quen thuộc với tháp phân cấp độ khả tín của thông tin được rút ra từ nghiên cứu dựa theo loại thiết kế nghiên cứu. Mọi người có thể tham khảo Tháp phân cấp độ khả tín của bằng chứng (Hierarchy of evidence) trong hình minh họa bên dưới. Theo thứ tự tăng dần độ tin cậy từ đáy lên đến đỉnh tháp. Theo đó, những thông tin thu được từ việc tham khảo ý kiến cá nhân (dù là chuyên gia) thì cũng có giá trị thấp so với kết luận rút ra từ một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng (Randomised Controlled Trial) hoặc tổng quan hệ thống (Systematic Review). Bởi vì ý kiến chuyên gia là kiến thức hoặc kinh nghiệm đã biết, khi áp dụng vào một vấn đề mới (chưa có nghiên cứu cụ thể) thì cơ sở khoa học là thấp. Ví dụ, trường hợp đại dịch COVID-19, với một loại virus mới, khi chưa có các nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng, các chuyên gia hoặc tổ chức y tế cũng chỉ đưa ra khuyến cáo dựa trên các bệnh lý họ cho rằng có sự tương đồng với coronavirus, dẫn đến việc đối phó khác nhau giữa các quốc gia và khu vực, chẳng hạn như việc đeo khẩu trang. Thiết kế nghiên cứu hoặc loại hình bài báo thường có thể tìm thấy trong tựa đề hoặc phần Phương pháp (ở mục Tóm tắt hoặc Nội dung chính). Ví dụ, bài báo có tựa đề "Use of artificial intelligence in diagnosis of head and neck precancerous and cancerous lesions: A systematic review" đã chỉ rõ đây là một tổng quan hệ thống.

Ví dụ về Tháp đánh giá độ khả tín của bằng chứng.
Nguồn: https://www.dentalcare.com/en-us/professional-education/ce-courses/ce530/evidence-pyramid-and-study-types

5. PHÂN TÍCH NỘI DUNG

Như vậy, mặc dù chưa đọc hiểu hoặc đi sâu phân tích bài báo, ở 4 bước trên, mọi người đã có cái nhìn khái lược về độ tin cậy của bài báo mà mình sắp đọc hoặc sử dụng làm tư liệu tham khảo cũng như áp dụng vào thực tế hành nghề. Cuối cùng, dĩ nhiên là việc ngồi xuống và đánh giá nội dung của bài báo một cách toàn diện nhất có thể. Trong đó, lưu ý các điểm sau:
  • Lỗi chính tả, lỗi đánh máy trong toàn bộ văn bản. Nếu chỉ có 1-2 lỗi thì không thành vấn đề.
  • Cách trình bày phần phương pháp có giúp độc giả (có cùng chuyên môn, kỹ năng ngoại ngữ phù hợp) dễ nắm bắt và hình dung được hay không?
  • Thiết kế nghiên cứu có vi phạm nghiêm trọng nào về y đức hay không?
  • Sự tương ứng giữa các mục tiêu nghiên cứu, các phần trình bày kết quả và bàn luận
  • Các thông tin trong bảng-biểu và hình ảnh có giúp làm sáng tỏ nội dung chính của bài báo; hoặc ngược lại, nội dung bài báo có lặp lại quá nhiều thông tin đã hiển thị trong hình ảnh hoặc bảng-biểu hay không?
  • Sự phù hợp và nhất quán giữa vấn đề nghiên cứu mà tác giả chỉ ra và kết luận thu được. Kết luận có trả lời đúng trọng tâm về thiếu sót đã được chỉ ra trong phần Giới thiệu (Introduction/ Background) ban đầu hay không?
  • Nội dung chính hoặc kết luận của bài báo có đi ngược lại với các kiến thức nền tảng đã biết?
Với năm bước kể trên, bài viết hi vọng đã cung cấp cho các bạn một số phương tiện để tự đánh giá thông tin khoa học trong quá trình học tập và làm việc. Dĩ nhiên, khi càng đọc nhiều, tiếp xúc nhiều nguồn thông tin, kỹ năng tư duy phản biện của bạn sẽ được dần hoàn thiện. Điều này không chỉ giúp ích cho công việc chuyên môn của bạn mà thực sự cũng có những ảnh hưởng tích cực đến đời sống xã hội - khi mà mọi thứ tin tức, nhất là tin giả (fake news) tràn lan. 
Chúc các bạn học tốt và hãy comment bên dưới nếu có vấn đề gì cần trao đổi hoặc thắc mắc nhé!




Nhận xét

Chuồng của múp đã nói…
Bài viết hay quá ạ! Hi vọng có thể đọc nhiều bài viết hơn nữa từ anh. Cảm ơn anh đã viết và chia sẻ bài viết với tụi em ạ. Chúc anh và gia đình sức khỏe!
Harry nguyen đã nói…
Xin cảm ơn phản hồi và lời chúc của bạn "Chuồng của múp", chúc bạn sức khỏe và bình an!

Bài đăng phổ biến