HOW TO WRITE A PERSONAL STATEMENT

CÁCH VIẾT PERSONAL STATEMENT

Ngày cập nhật: 17/5/2022


Personal Statement (viết tắt là PS): là một bài viết ngắn, cỡ một trang A4, thường được yêu cầu gửi kèm trong bộ hồ sơ xin học bổng hoặc xin nhập học một trường đại học ở nước ngoài.
Mục đích của thư giới thiệu, đúng như tên gọi của nó là để người đọc (tức người xét hồ sơ của bạn) thấy được sự nổi bật, xuất sắc của bạn so với các ứng cử viên khác và dĩ nhiên những điểm mạnh đó phải phù hợp với tiêu chí lựa chọn của tổ chức cấp học bổng hay trường đại học mà bạn xin ứng tuyển.
Tìm kiếm một vòng trên Google, chủ yếu bằng tiếng Anh, vì ít người dịch sang tiếng Việt "Personal Statement", mình thấy có khá nhiều bài viết đưa ra các định nghĩa và gợi ý viết PS như thế nào để có thể gây được sự chú ý và đạt được kết quả trúng tuyển cao. Vì vậy, mọi người cứ tham khảo nhiều nguồn để rút ra được kinh nghiệm riêng cho bản thân nhé.
Trong bài viết này, mình có 2 nội dung chia sẻ: (1) là kinh nghiệm của mình về viết PS, (2) là hướng dẫn viết PS mà mình đọc được từ nguồn chia sẻ của trường đại học tại Nhật mà mình theo học để mọi người tham khảo.

KINH NGHIỆM CÁ NHÂN

Một số lưu ý dựa trên kinh nghiệm cá nhân của mình khi viết PS là:
  1. PS cùng với CV (Curriculum Vitae, Sơ yếu lý lịch) là những văn bản đại diện cho hình ảnh của bạn trước hội đồng xét chọn; do đó, bên cạnh làm nổi bật các ưu điểm, tính cách đặc biệt của cá nhân sao cho khác biệt như các gợi ý tìm được trên Internet thì hãy nhớ nguyên tắc hàng đầu của mình là "HÃY CHÂN THẬT VÀ CHÂN THÀNH!" Nếu cố gắng làm nổi bật bản thân nhưng lại không phản ánh đúng năng lực, tính cách thật của bạn, thì dầu cho bạn nhận được thư chấp thuận của hội đồng xét chọn nhưng khi tiếp xúc (một số trường sẽ có vòng phỏng vấn sau đó) hay làm việc trực tiếp, họ cũng sẽ dần nhận ra bản chất con người của mình. Dĩ nhiên, lúc này có thể là quá muộn vì mục tiêu có được học bổng của bạn đã đạt được. Nhưng hãy nhớ rằng, trong suốt quá trình học, bạn cần sự hỗ trợ rất nhiều từ người hướng dẫn, nếu họ đã mất lòng tin thì sẽ gặp nhiều khó khăn; chưa kể có những học bổng sẽ được renew mỗi năm, tức là dựa trên kết quả học tập của bạn và ý kiến của người hướng dẫn (tutor, supervisor), hội đồng sẽ quyết định có tiếp tục cấp học bổng hay gia hạn thời gian học tập của bạn hay không. Vì vậy, hãy cẩn trọng với nội dung trong PS của mình!
  2. Thông qua PS, người ta cũng sẽ đánh giá được kỹ năng viết (tiếng Anh) của bạn. Trong môi trường học thuật, đây là một kỹ năng cực kỳ quan trọng! Vì đối với chương trình học cũng như điều kiện tốt nghiệp, bạn phải viết rất nhiều báo cáo, chuyên đề rồi viết luận văn hoặc bài báo nữa. Vì vậy, nếu không tự tin với vốn tiếng Anh của mình, hãy nhờ người có chuyên môn hơn (thầy cô, bạn bè, dịch vụ) hỗ trợ viết, chỉnh sửa để tránh được các lỗi về ngôn ngữ. Đồng thời, trong thời gian trước khi nhận được kết quả, hãy tăng cường khả năng ngoại ngữ của mình nhiều nhất có thể, để không bị sốc khi bước vào môi trường quốc tế.
  3. Lưu ý đến hình thức trình bày văn bản của PS. Như đề cập ở trên, PS là hình ảnh đại diện của bạn trước hội đồng xét chọn; vì vậy, hình thức trình bày của PS (font chữ, cỡ chữ, cách xuống dòng, ngắt đoạn, các từ chuyên môn hay văn phong trang trọng, khoảng cách giữa các dòng) sẽ góp phần thể hiện sự tôn trọng của bạn với người đọc, sự chỉnh chu trong tác phong và mức độ quan trọng của học bổng/chương trình học này đối với bản thân bạn. Có thể tham khảo thêm bài viết của mình về văn phong, cách trình bày Thư tiến cử tại đây.
  4. Cần phân biệt giữa PS và Motivation Letter. Hai loại văn bản này có khi được yêu cầu đồng thời hoặc một trong hai, một phần là vì một số nội dung của hai văn bản này có thể bị trùng lắp. Mặc dù cả hai đều có nội dung gần giống nhau là thể hiện bản thân của ứng viên trước hội đồng xét tuyển, nhưng mục đích và hình thức của hai văn bản này có chút khác biệt. Về mục đích, PS nhằm thể hiện các thế mạnh, ưu điểm của ứng viên giúp hội đồng nhận ra sự phù hợp của bạn với tiêu chí của học bổng, điều kiện nhập học của trường muốn theo học, hay vị trí công việc muốn ứng tuyển; còn Motivation Letter nhấn mạnh vào kế hoạch tương lai của bạn, tức là nếu đạt được học bổng hay sau khi hoàn tất khóa học đó sẽ có ảnh hưởng gì đến sự nghiệp của bạn trong tương lai cũng như các đóng góp cho cơ quan, tổ chức, đất nước. Về hình thức, đúng như tên gọi, PS là một bản "Tuyên bố cá nhân" còn Movitation Letter là thuộc thể loại thư từ. Cách viết Motivation Letter có thể tham khảo tại đây. Hình thức trình bày của PS đơn giản hơn như sau:
    PERSONAL STATEMENT
    [Your name (Tên của bạn)
    Your school/establishment (Tên trường/cơ quan đang học tập/công tác)
    Date (Ngày/tháng/năm viết PS)][Phần này cũng có thể bỏ qua nếu PS của bạn dài hơn 1 trang]
    Nội dung chính (tham khảo mục 2)
    [Không cần ghi tên hay chữ ký ở cuối PS]
  5. Cuối cùng, tham khảo các bài mẫu là cần thiết nhưng đừng bao giờ copy-paste các bài PS mẫu vào PS của bạn. Hãy chắc chắn hiểu rõ những từ mà bạn lấy lại từ các bài mẫu, cũng như các từ đó phải thể hiện đúng con người bạn. Thứ nữa là trong môi trường hàn lâm, tuyệt đối cấm kỵ việc sao chép văn bản, tác phẩm, công trình của người khác mà không ghi rõ nguồn tham khảo hoặc không trích dẫn phù hợp. Bạn chỉ nên tham khảo cách viết, hoặc một số ý tưởng hay nhưng ít nhất phải paraphrase (viết lại câu mới) chứ không bê nguyên xi câu văn của người ta. Đây cũng là một cơ hội để bạn thể hiện hiểu biết của mình về nguyên tắc làm việc trong môi trường học thuật, cũng là cơ sở để hội đồng đánh giá bạn có phù hợp với vị trí ứng tuyển hay không. Hiện nay theo mình biết nhiều phần mềm có thể phát hiện đạo văn (plagiarize) từ các nguồn trên internet, nếu không cẩn thận, các bạn sẽ đánh mất cơ hội của mình!

CÁC GỢI Ý VIẾT PS

Phần dưới đây mình trích lại hoàn toàn từ nguồn của trường Đại học Y Nha Tokyo (Tokyo Medical and Dental University, 東京医科歯科大学) năm 2020, mọi người tham khảo để hiểu rõ hơn yêu cầu của họ nhé! Mình giữ nguyên phần tiếng Anh để đảm bảo tính khách quan, chứ không bị thiên kiến khi mình chuyển ngữ. Vì viết PS bằng tiếng Anh, nên ai đọc mà không hiểu thì cũng khó viết được tốt lắm, trường hợp này lại phải tăng cường kỹ năng viết, có thể tham khảo cách mình luyện viết chuyên ngành tại đây.
"Personal statements should not all look the same; they are 'personal' so they should be a written example of you and your skills. Keep your PS to only one page and write in essay format. Basic contents should include the following:
  • Explain your reasons for wanting to study at the lab/university/hospital
  • Explain why they should allow you to study at the lab/university/hospital
  • Tell the reader what you have done so far in your studies (PS/lab-related, OCE/clinical related)
  • Tell why this overseas experience would be beneficial to you and your future career
  • What are some of your good aspects: working well in a team, problem-solving, leadership, communication, etc. Can you provide a specific example of how you exhibited one of these skills?
  • What is your long-term plan?
  • Thank them for considering taking you in their lab/ward rotations
  • If you are going to the USA, they do not use A4 size paper. Please change the layout to US letter."
Ngoài ra, mọi người có thể tham khảo các PS mẫu tại địa chỉ bên dưới, mình thấy trang web này chia ra thành nhiều lĩnh vực riêng, trong đó có y khoa và nha khoa nên khá phù hợp với từng nhóm đối tượng: https://universitycompare.com/personal-statement-examples/
Xin cảm ơn mọi người đã quan tâm đến các nội dung trên Blog của mình. Nếu yêu thích và thấy hữu ích hãy lưu lại hoặc chia sẻ cho những ai quan tâm và có thể đăng ký (subscribe) blog này để nhận được các bài viết mới nhất nhé!

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Hỏi-đáp về CV (Sơ yếu lý lịch)
Thư tiến cử: Bạn đã biết viết như thế nào?
Cách viết thư điện tử lịch sự

Nhận xét

Tien Truong đã nói…
Bài viết rất hữu ích. Cám ơn a đã chia sẻ

Bài đăng phổ biến