CURRICULUM VITAE: Q & A

CURRICULUM VITAE: HỎI - ĐÁP

Ngày cập nhật: 17/5/2022

Curriculum Vitae (gọi tắt là CV, tiếng Việt tạm dịch là lý lịch bản thân) là một khái niệm không mới mẻ với các sinh viên cũng như những người bắt đầu đi xin việc. Nói cho dễ hiểu, viết CV cũng giống như thiết kế một poster phim, chỉ khác là một cái để PR bản thân còn cái kia là PR cho một sản phẩm nghệ thuật. Trong phần chia sẻ này, với kinh nghiệm học tập, làm việc trong lĩnh vực nha khoa (mí bạn chuyên ngành khác đọc tham khảo thôi nha), Harry nêu ra 10 thắc mắc và giải đáp thường gặp cũng như các tips giúp mọi người tự tin hơn khi viết CV nhé!
Trước hết, xin lưu ý CV ở đây khác với tờ khai "Sơ yếu lý lịch" khi nộp hồ sơ xin việc, hợp đồng lao động hoặc các giấy tờ tương tự trong hệ thống Hành chính của Việt Nam, có mẫu sẵn và cần có xác nhận của địa phương hay người quản lý.
Để tránh dài dòng, Harry xin thống nhất một số thuật ngữ sử dụng trong bài viết này như sau:
  • Ứng viên: người viết CV (học sinh, sinh viên, người đi làm,...)
  • Nhà tuyển dụng (giáo viên, giáo sư, chủ doanh nghiệp,...): người tiếp nhận, đánh giá CV và có vai trò quyết định đối với việc chọn/không chọn ứng viên

1. TRƯỜNG HỢP NÀO CẦN VIẾT CV?

Bạn viết và gửi CV khi được yêu cầu bởi nhà tuyển dụng trong một số trường hợp:
  • Xin học bổng (du học, hỗ trợ học tập,...)
  • Xin học tại một trường đại học ngoài nước (cao đẳng, đại học, sau đại học)
  • Xin thực tập/kiến tập tại một cơ sở/đơn vị (thường là nước ngoài)
  • Xin tài trợ cho một dự án nghiên cứu, dự án xã hội,...
  • Xin việc làm

2. CV CÓ Ý NGHĨA GÌ ĐỐI VỚI NHÀ TUYỂN DỤNG?

Thông tin cung cấp trong CV giúp nhà tuyển dụng có cái nhìn "sơ lược" về ứng viên để:
  • Đánh giá ứng viên thoả/không thoả các tiêu chí của nhà tuyển dụng dựa trên các thông tin được cung cấp
  • Chuẩn bị câu hỏi phỏng vấn để khai thác thêm các thông tin cần thiết nếu thấy đây là một ứng viên tiềm năng, phù hợp
  • Có thông tin của người thứ ba (reference) về ứng viên nếu cần tham khảo thêm ý kiến
  • Gợi mở các chủ đề thuộc sở trường, sở thích của ứng viên mà nhà tuyển dụng cùng quan tâm, giúp các buổi trao đổi, gặp gỡ tiếp theo thoải mái, hiệu quả hơn

3. NỘI DUNG CV GỒM NHỮNG PHẦN NÀO?

Dù là mục đích gì thì một CV cần những phần cơ bản sau đây:
  • Thông tin cá nhân (Name and contact): họ tên, nickname (nếu có), năm sinh, giới tính, quốc tịch, thông tin liên lạc như điện thoại, email, địa chỉ gửi thư
  • Quá trình học tập, đào tạo (Qualifications and Education): chủ yếu là các bằng cấp chính như trung học, cao đẳng, đại học, cao học,... nên giới hạn từ 3-5 cấp độ. Tiểu học, mẫu giáo thì khỏi cần ghi nha. Nội dung cần có:
    • Thời gian: tháng, năm
    • Tên chương trình đào tạo/bằng cấp
    • Cơ sở đào tạo, địa điểm (tỉnh/thành, quốc gia) 
  • Kinh nghiệm/kỹ năng nghề nghiệp/chuyên môn (Professional Skills, Work History) của ứng viên phù hợp với định hướng của nhà tuyển dụng: thời gian, vị trí và nội dung công việc, nơi làm việc. Nội dung cần có:
    • Thời gian: tháng, năm
    • Vị trí, chức vụ, nội dung công việc
    • Cơ sở thực hành/làm việc, địa điểm (tỉnh/thành, quốc gia) 
  • Kỹ năng khác (Soft-skills): những kỹ năng mềm ít nhiều có liên quan đến công việc/nội dung mà ứng viên muốn nhắm đến: ngoại ngữ, tin học, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tìm kiếm và xử lý tài liệu, kỹ năng tự học,... Giới hạn từ 3-5 skills là được. Nên dẫn chứng bằng các hoạt động cụ thể, tránh liệt kê quá nhiều kỹ năng một cách sáo rỗng.
  • Ví dụ 1: KHÔNG NÊN
    • Kỹ năng lãnh đạo
    • Kỹ năng làm việc nhóm
    • Kỹ năng nói trước công chúng
    • Kỹ năng viết báo
    • Kỹ năng thuyết phục 
  • Ví dụ 2: NÊN
    • Kỹ năng lãnh đạo: Tham gia khoá đào tạo "Kỹ năng lãnh đạo" dành cho thanh niên, chứng nhận của Đơn vị đào tạo kỹ năng ABC (ngày 01/01/2011)
    • Thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ước mơ xanh (từ 10/2012-10/2013)
    • Kỹ năng viết báo: Cộng tác viên của báo Khăn Quàng đỏ (10/2013-đến nay), đã được phát hành 15 truyện ngắn
  • Hoạt động xã hội (Social activities): phần này thể hiện ý thức trách nhiệm đối với xã hội và nhân sinh quan của ứng viên. Có thể các hoạt động này không liên quan đến vị trí công việc/nội dung mà ứng viên đang apply nhưng thông qua đó, nhà tuyển dụng biết được mức độ hoà nhập của bạn, những kỹ năng nêu phía trên có được ứng dụng thực tế hay không.
  • Sở thích (Hobbies & Interests): nghe nhạc, đọc sách, trồng cây... Không giới hạn sở thích của bạn, nhưng cần chú ý chuẩn bị những lý giải cho các sở thích đó, vì có thể nhà tuyển dụng sẽ đặt câu hỏi khi phỏng vấn trực tiếp. Harry không nghĩ rằng người ta đánh giá cao kiểu nói "Tôi thích thì tôi làm thôi". Theo một phương diện nào đó, nó thể hiện bạn là người thiếu chính kiến, không hiểu rõ về bản thân, làm việc tuỳ hứng, không có tính kỷ luật. Ngoài ra, thông qua các sở thích, nhà tuyển dụng phần nào đánh giá được tính cách con người của bạn, ví dụ như bạn là một người năng động yêu thích thể thao, hay sống nội tâm thiên về các hoạt động nghệ thuật,.... Từ đó, họ sẽ quyết định phần nào bạn có phù hợp hay không trước khi phỏng vấn trực tiếp. Mặt khác, cũng không nên liệt kê quá nhiều những sở thích kiểu "hưởng thụ" như shopping, tán gẫu, nghe nhạc, xem phim... Harry nói là không nên quá nhiều vì thực ra những cái này đa phần ai cũng giống nhau, không có gì đặc biệt để thể hiện tính cách con người bạn.
  • Ngoài ra, tuỳ theo mục đích gửi CV, bạn có thể thêm/bớt một số phần cho phù hợp như các tác phẩm, ấn phẩm, bài báo đã xuất bản (publications), giải thưởng (awards), học bổng (scholarships), quỹ tài trợ (funds) đã được nhận, tên các đề tài, sinh viên mình đã hướng dẫn, bài giảng, bài thuyết trình, hội nghị, hội thảo đã tham gia, tên người giới thiệu, tham khảo ý kiến (reference),...

4. THÔNG TIN NÊN TRÌNH BÀY THEO THỨ TỰ NÀO CHO HỢP LÝ?

Theo như các nội dung đã trình bày ở trên, các bạn có thể sắp xếp theo ý thích của mình. Harry chỉ nhấn mạnh các phần trọng tâm như sau:
  • Tên và thông tin liên lạc luôn ở vị trí đầu tiên
  • Phần nào bạn nghĩ quan trọng nhất, cần sự chú ý của nhà tuyển dụng nên đặt ở đoạn giữa
  • Phần nào mang tính bổ sung, mở rộng thì cho vào cuối trang
  • Nên trình bày theo thứ tự thời gian ngược. Vì nhà tuyển dụng thường quan tâm đến những thông tin gần đây nhất, và chỉ dừng lại khoảng 2-3 phút để lướt qua một CV.
  • Ví dụ: 
    • 2016-2018: làm việc tại Bệnh viện Nhiệt đới
    • 2015-2016: làm việc tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định
    • 2014: tốt nghiệp BS Y đa khoa Đại học Y Dược Tp. HCM
    • 2008-2014: theo học ngành BS Y đa khoa tại Đại học Y Dược Tp. HCM

5. TỰ THIẾT KẾ CV HAY SỬ DỤNG CÁC TEMPLATE CÓ SẴN?

Câu trả lời là tuỳ theo khả năng (tự thiết kế, nhờ người thiết kế, ý tưởng) và mong muốn của bạn. Nên nhớ rằng, thiết kế độc đáo chỉ góp phần làm tăng giá trị nhưng không phải là yếu tố quyết định kết quả duyệt một CV. Trừ khi bạn apply cho vị trí việc làm có liên quan đến lĩnh vực thiết kế :)
  • Tự thiết kế bạn có thể tham khảo các template mẫu và modify lại theo ý thích bằng các phần mềm (câu 6) hoặc tự soạn một template riêng.
  • Template có sẵn dễ dàng tìm kiếm bằng google với từ khoá "CV model", "CV template",... một số phải trả phí, một số thì miễn phí. Xem thêm mục tiếp theo!

6. NÊN SỬ DỤNG PHẦN MỀM NÀO ĐỂ VIẾT CV?

Phần mềm chỉ là công cụ hỗ trợ, còn nội dung, ý tưởng thiết kế, trình bày mới là cái thể hiện năng lực, đẳng cấp của bạn. Sử dụng phần mềm nào bạn cảm thấy quen thuộc, thoải mái nhất khi sử dụng, để tiết kiệm được thời gian và tận dụng tối đa các công cụ mà phần mềm đó mang lại. Có thể liệt kê như: Microsoft Office Word, Microsoft Office Powerpoint, Pages, Keynote, Libre Office Vanila, Photoshop, Corel,... Harry chọn cái đơn giản nhất là MS Word, ai thích cái khác thì tuỳ nhe.
Ngoài ra, hiện nay có các trang web hỗ trợ soạn thảo CV và resume trực tuyến. Khi truy cập bạn sẽ được cung cấp các template mẫu, giao diện thân thiện để mọi người đều có thể dễ dàng sử dụng. Dưới đây là một số ví dụ:

7. TIÊU CHUẨN THIẾT KẾ CV NHƯ THẾ NÀO?

Nguyên tắc thiết kế CV cũng tuân theo các nguyên tắc thiết kế chung, mọi người có thể tham khảo thêm thiết kế poster để có ý tưởng.
Không có quy định hay mẫu chuẩn cho một CV !!!
Vì như đề cập ở trên, CV đại diện cho tính cách, con người của bạn, giúp người tuyển dụng hiểu được ít nhiều về bạn trước khi tiếp xúc trực tiếp. Do đó, bạn có thể tự do thể hiện bản thân trong một CV từ nội dung đến hình thức.
Cơ bản là format A4, tối đa 3 trang, size chữ: 12-14, dãn dòng 1.5-2.
Bố cục: phân tầng hay phân cấp, là kiểu bố cục academic, dễ đọc, dễ theo dõi nội dung, thể hiện sự chỉnh chu, nghiêm túc.Màu sắc: tương phản rõ để dễ đọc, không dùng quá nhiều màu (nếu không giỏi về mảng phối màu, thẩm mỹ).
Có thể sử dụng các icon, hình ảnh minh hoạ, nhưng hạn chế quá nhiều hình ảnh để tránh rườm rà.

8. NGÔN NGỮ DÙNG TRONG CV LÀ NGÔN NGỮ NÀO?

Tuỳ thuộc vào yêu cầu của nhà tuyển dụng. Nhưng thông thường, Harry chuẩn bị một phiên bản tiếng Anh và một tiếng Việt. Bạn nào biết được nhiều thứ tiếng thì cứ soạn ra mỗi tiếng một version cho nó ngầu :), vừa luyện writing, vừa có của để dành khi cần. Tin Harry đi, không có gì là vô ích đâu!!!
Văn phông khoa học, rõ ràng, ngắn gọn, súc tích. Nếu được nên trình bày dạng gạch đầu dòng. Với kiểu trình bày này, mọi người nên chú ý "cấu trúc song song" nhé. Xem thử hai ví dụ dưới đây, chú ý phần gạch chân.
Ví dụ 1: KHÔNG NÊN 
  • 2010: tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa, Đại học Y Dược Tp. HCM
  • 2012-2014: học viên sau đại học, Đại học Y Dược Tp. HCM
  • 2014 đến nay: là bác sĩ điều trị tại Bệnh viện 115
Ví dụ 2: NÊN
  • 2010: tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa, Đại học Y Dược Tp. HCM
  • 2012-2014: theo học Thạc sĩ chuyên ngành RHM, Đại học Y Dược Tp. HCM
  • 2014 đến nay: công tác tại Bệnh viện 115 với chức danh Bác sĩ điều trị Tránh mắc lỗi chính tả bằng cách kiểm tra thật kỹ và nhờ người thân/bạn bè đọc lại trước khi gửi CV.
Sử dụng động từ đầu câu liệt kê để tạo ấn tượng mạnh cho người đọc
Ví dụ: 
  • Tham gia khoá học đào tạo kỹ năng mềm cho nhà nghiên cứu trẻ
  • Đạt Giải đặc biệt trong Cuộc thi Sinh viên NCKH cấp Thành (2014)

9. LÀM GÌ ĐỂ THÔNG TIN TRONG CV ĐẦY ĐỦ VÀ CẬP NHẬT NHẤT?

Dự định và chuẩn bị tất cả mọi thứ lúc rãnh rỗi, đừng đợi "nước tới chân mới nhảy", 100% là không kịp đâu !!!
Đầu tiên, dù hiện tại có cần hay không, thì ngay sau khi đọc xong bài này, các bạn nên bắt tay vào thiết kế và soạn cho mình một CV với đầy đủ thông tin nhất có thể, không cần quan tâm đến mục đích gửi CV để có được file CV gốc của bản thân.
Tiếp theo, cứ mỗi 6 tháng hoặc 1 năm (tuỳ theo mức độ hoạt động của từng người), bạn nên "ghé mắt" vào file CV gốc của mình để cập nhật những khoá học, kỹ năng hoặc hoạt động mới, tránh đợi đến lúc cần mới lôi ra viết thì dễ bỏ sót thông tin hoặc không nhớ nổi là mình đã làm những gì, vào mốc thời gian nào.
Bạn cũng nên lưu file trên các Bộ lưu trữ đám mây như Google Drive, Onedrive, Dropbox,... để khi cần dù ở đâu cũng có thể truy xuất được, nhất là những bạn đi du học, hay lỡ "lon ton" giữa phố bị giật mất con laptop là phải mò lại từ đầu.
Cuối cùng, khi được yêu cầu gửi CV, bạn chỉ cần mở file CV gốc đã được thiết kế và cập nhật lên, bỏ bớt những mục không phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng, tinh chỉnh và gửi CV là được.
Bạn nào có tài khoản ResearchGate (mạng xã hội dành cho giới nghiên cứu khoa học) thì sau khi điền đầy đủ thông tin trong profile, mạng xã hội này cũng cho phép bạn xuất ra một file CV định dạng docx. Sau khi xuất file, bạn có thể chỉnh sửa lại theo ý thích để tiết kiệm thời gian.

10. CẦN CÓ ẢNH CÁ NHÂN TRONG CV HAY KHÔNG?

Ngoại trừ trường hợp nhà tuyển dụng yêu cầu không đính kèm hình ảnh, theo Harry, các bạn nên "add" thêm tấm hình cá nhân vào CV.
Thông thường, nhà tuyển dụng không biết bạn là ai, nên thông qua nội dung CV cũng như hình ảnh cung cấp, họ sẽ biết rõ về bạn hơn.
Yêu cầu đối với ảnh cá nhân:
  • Vị trí đặt ảnh thường là góc trên bên trái hoặc phải.
  • Không nhất thiết phải quá nghiêm túc, lịch sự. Nhưng chú ý, chọn hình ảnh mà bạn cảm thấy tự tin về mình nhất, và phải có điểm riêng, để gây chú ý và ấn tượng với người đọc CV.
  • Đừng "photoshop" quá mức để người ta không bị "hụt hẫng" khi gặp trực tiếp haha.
  • Ngoài ra, cũng phải chú ý background của hình, đừng quá lộn xộn, xoá phông hoặc phông một màu là tốt nhất.
  • Chất lượng hình ảnh phải 2-3MB trở lên, kiểm tra bằng cách phóng lớn xem hình có bị mờ, nhoè hay không
  • Tối kỵ co kéo, điều chỉnh làm thay đổi tỉ lệ, biến dạng ảnh.

11. KHÁC BIỆT GIỮA CV VÀ RESUME

Có thể hiểu Resume là dạng rút gọn của CV, các nội dung cũng tương tự như CV nhưng được chắc lọc, không liệt kê dài dòng, giới hạn trong phạm vi một trang A4. Vì vậy, các bạn có thể tham khảo các thông tin phía trên để viết Resume. Tuy nhiên, hãy rút gọn nhất có thể các nội dung mang tính chất liệt kê, và không liên quan đến vị trí tuyển dụng mà bạn đang muốn nhắm tới, hãy tập trung nhấn mạnh các thế mạnh về bằng cấp, kinh nghiệm chứng tỏ bạn là một ứng viên phù hợp cho vị trí ứng tuyển. Có thể tham khảo các Resume mẫu trên internet để hoàn chỉnh Resume của bạn nhé!
Cuối cùng, xin cảm ơn cả nhà đã quan tâm đến nội dung của blog. Nếu thấy hiệu quả và bổ ích hãy chia sẻ và đăng ký Blog của Harry để nhận được các bài viết mới sớm nhất nhé!

LINK TẠO CV ONLINE

Tiếng Pháp: https://www.doyoubuzz.com/fr/, https://www.canva.com/fr_fr/creer/cv/
Tiếng Anh: https://www.canva.com/create/resumes/

LINK MỘT SỐ CV MẪU

Nhận xét

Bài đăng phổ biến