Utilisation de bains de bouche antiseptiques pour réduire le risque d’aérobiocontamination par des coronavirus infectant l’être humain

SỬ DỤNG NƯỚC SÚC MIỆNG KHÁNG KHUẨN
CÓ LÀM GIẢM NGUY CƠ LÂY NHIỄM KHÍ DUNG
CỦA CORONAVIRUS GÂY BỆNH Ở NGƯỜI?

Sau bài viết do mình tự tổng hợp y văn được đăng vào ngày 23/4/2020 (có thể tham khảo tại đây), vừa qua, mình đọc được một tổng quan đăng tải trên trang web nha sĩ tiếng Pháp, toàn văn tham khảo tại địa chỉ:

Trong đó, nhóm 13 nha sĩ làm việc trong các cơ sở y tế khác nhau đã thực hiện một tổng quan hệ thống nhằm hai mục tiêu:
  1. Xác định loại nước súc miệng sát khuẩn có khả năng bất hoạt coronavirus gây bệnh ở người trong môi trường khoang miệng của người (tức nghiên cứu in-vivo)
  2. Xác định loại nước súc miệng sát khuẩn có khả năng bất hoạt coronavirus gây bệnh ở người trong môi trường in-vitro 
Dưới đây, mình sẽ trích dịch các thông tin quan trọng cũng như đưa ra một số nhận định cá nhân để quý đồng nghiệp và những ai quan tâm có thêm nguồn tham khảo.

VỀ PHƯƠNG PHÁP THU THẬP SỐ LIỆU 

Kết quả của tổng quan được thực hiện bằng tìm kiếm online trên cơ sở dữ liệu Medline. Hai nhóm từ khóa chính (1) liên quan đến coronavirus gây bệnh ở người (2) các thuốc sát khuẩn miệng. Thiết kế nghiên cứu trên người gồm báo cáo loạt ca đến các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng.

KẾT QUẢ TÌM KIẾM 

Nghiên cứu trên người 

Không có nghiên cứu nào thỏa mãn mục tiêu của tổng quan này.

Nghiên cứu in-vitro 

Có 8 nghiên cứu phù hợp với tiêu chí của tổng quan. Xem bảng tóm tắt bên dưới.
Trong số này, không có nghiên cứu nào đề cập đến SARS-CoV-2 đang gây dịch COVID-19 hiện tại. Cái này thì hiển nhiên như ăn chuối chiên rồi, dịch bệnh mới phát thì làm gì có thời gian để nghiên cứu và đăng tải bài báo! Đây cũng là mục tiêu phía sau của tổng quan này, để cho thấy sự cần thiết phải thực hiện các nghiên cứu liên quan.
Một số tác nhân kháng khuẩn mà tổng quan ghi nhận được là:
  • Povidone iodine với thời gian tiếp xúc 15 giây đến 20 phút có thể bất hoạt một số loại coronavirus HCoV (Human coronavirus)-229E, SARS-CoV (Severe acute respiratory syndrome virus) và MERS-CoV (Middle East respiratory syndrome coronavirus) trong môi trường in-vitro.
  • Chlorhexidine với thời gian tiếp xúc từ 5-60 phút không bất hoạt được HCoV-229E in-vitro.
  • Hydrogen peroxide hiệu quả bất hoạt HCoV-229E trong thời gian 1 phút trong môi trường in-vitro.
  • Không có nghiên cứu nào cho thấy hiệu quả của cetylpyridinium chloride, triclosan, hexetidine và các loại tinh dầu trong thành phần của nước súc miệng đang bán trên thị trường.

MỘT SỐ Ý KIẾN BÀN LUẬN QUAN TRỌNG

SARS-CoV-2 là loại thứ 7 trong nhóm coronavirus gây bệnh ở người được xác định đến thời điểm hiện tại. Theo các nghiên cứu, SARS-CoV-2 tồn tại trong nước bọt của người, và các tế bào niêm mạc miệng biểu hiện mạnh thụ thể ACE2 (men chuyển angiotensine 2) trên bề mặt thuận lợi cho sự bám dính của SARS-CoV-2. Hơn nữa, các tuyến nước bọt cũng là các bể chứa tiềm ẩn SARS-CoV-2, nhất là trên những người nhiễm không có triệu chứng, điều này lý giải cho sự hồi sinh của virus trong khoang miệng do hoạt động tiết nước bọt. Các dữ liệu này nhấn mạnh khoang miệng được xem là một khu vực nguy cơ lây truyền mầm bệnh này.
Thêm vào đó, các dữ liệu hiện tại cho thấy khả năng cao virus SARS-CoV-2 lây truyền chính qua các giọt bắn nước bọt khi ho hoặc hắt hơi từ đối tượng nhiễm bệnh. Thực tế, trong thực hành nha khoa, không hiếm trường hợp bệnh nhân bị ho hoặc hắt hơi do phản xạ với các thao tác trong miệng. Ngoài ra, việc sử dụng các dụng cụ quay, siêu âm hoặc đầu xịt hơi/nước cũng có thể là các vec-tơ lây truyền mầm bệnh. Cuối cùng là các mềm bệnh này tồn tại trong các hạt khí dung ở môi trường phòng khám qua nhiều giờ. Các yếu tố này đưa đến giả thiết rằng nước súc miệng kháng khuẩn có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm khí dung, nhất là trong phòng khám nha khoa. Lưu ý, đây là giả thiết của các tác giả, chưa có bằng chứng thực sự!
Tổng quan đề xuất trong thời gian tới, các nghiên cứu lâm sàng đặc biệt nên đánh giá khả năng hồi sinh của virus trong khoang miệng đơn giản từ hoạt động hô hấp và tiết nước bọt. Trong đó, cần đo lường động lực học của tải lượng virus và thời gian tồn tại của chất sát khuẩn trong môi trường miệng vì có thể đóng một vai trò quan trọng. Ngoài ra, cũng cần đánh giá tỷ lệ lợi ích/ rủi ro liên quan đến các tác dụng phụ của các dung dịch sát khuẩn này.

KẾT LUẬN CHUNG CỦA TỔNG QUAN

Vì hiện nay còn thiếu các nghiên cứu đánh giá hiệu quả bất hoạt virus SARS-CoV-2 trên người nên không thể đưa ra bất kỳ khuyến cáo chính thức nào về việc sử dụng các loại nước súc miệng kháng khuẩn giúp làm giảm tải lượng virus này trong khoang miệng. 

Cảm ơn mọi người đã quan tâm đến bài viết. Hãy đăng ký (subscribe) blog của Harry để nhận được thông báo khi có bài mới và chia sẻ thông tin nếu thấy hữu ích nhé!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN ĐẾN CHỦ ĐỀ PHÒNG NGỪA LÂY NHIỄM TRONG THỰC HÀNH NHA KHOA

Tiếng Việt

Tiếng Anh

Tiếng Pháp

Nhận xét

Bài đăng phổ biến