EXPERIENCE IN PRACTICING WRITING SKILL IN ACADEMIC ENGLISH
KINH NGHIỆM HỌC VIẾT TIẾNG ANH TRONG LĨNH VỰC HỌC THUẬT
Học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng tùy theo mục tiêu mà sẽ tập trung vào một số trong 4 kỹ năng chính: Nghe-hiểu, Nói, Đọc-hiểu và Viết. Theo Harry, trong 4 kỹ năng này, khó học và cải thiện nhất là 2 phần Nói và Viết vì đòi hỏi người học phải tự "tạo ra sản phẩm" bằng chính phương tiện ngôn ngữ đang học. Trước đây, Harry đã có một bài nói về cách mình tự luyện phát âm, có thể xem lại tại đây. Lần này, dưới góc nhìn của một người học Viết, Harry sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm để học, cải thiện và ứng dụng kỹ năng này trong môi trường hàn lâm, học thuật cả nhà nhé.
CÓ NỀN TẢNG KIẾN THỨC CĂN BẢN 💪
Dù học gì thì cũng cần có những kiến thức căn bản. Đối với kỹ năng Viết, các kiến thức căn bản là từ vựng và ngữ pháp. Muốn xây nhà to thì trước tiên phải có gạch, cách thức sắp xếp gạch thành mảng tường. Muốn viết một câu thì đương nhiên cần có các đơn vị cơ bản là từ vựng, và các công thức sắp xếp từ như thế nào cho hợp lý (ngữ pháp). Dựa trên quá trình học tiếng Anh của bản thân, Harry thấy kiến thức được cung cấp trong 12 năm học văn hóa là tương đối đầy đủ. Hồi nhỏ Harry chỉ học ngoại ngữ ở trường chứ không qua bất kỳ trung tâm ngoại ngữ nào, thời gian còn lại tự học là chính. Còn bạn nào chưa từng tiếp xúc hay học tiếng Anh bài bản, thì có thể tham khảo cách bắt đọc học một ngoại ngữ của Harry tại đây. Nhưng bây giờ bạn nào có điều kiện hơn hoặc cảm thấy học ở trung tâm phù hợp với bản thân thì cứ theo học nhé, nhớ chọn trung tâm uy tín là được!
HỌC VIẾT VỚI GIÁO VIÊN 👧
So với các kỹ năng khác có thể tự luyện, theo mình, học Viết đòi hỏi phải có giáo viên hướng dẫn mới nhanh tiến bộ. Khi học viết với giáo viên, mình được cung cấp các cấu trúc câu và từ vựng để nâng cao cấp độ. Ví dụ như khi thi IELTS, thầy cô sẽ cho mình biết nếu sử dụng từ vựng A, cấu trúc B thì thuộc band 6.0, nếu muốn lên band 7.0, 8.0 thì phải dùng từ vựng C, cấu trúc D. Bạn nào học luyện thi tiếng Anh sẽ thấy hiệu quả rất rõ ràng. Chưa kể, khi viết bài mà có người sửa, chỉ ra lỗi sai thì mình mới nhớ lâu, còn như tự luyện ở nhà, sẽ cần thời gian lâu hơn, không phù hợp với người không có năng khiếu học ngoại ngữ như mình. Mình ưu tiên học viết với giáo viên người Việt trước, một là chi phí thấp hơn, hai là dễ trao đổi và hiểu rõ ý nghĩa, cách sử dụng từ vựng, cấu trúc câu cũng như kỹ năng viết lại (paraphrase) câu mẫu.
Bạn nào tự tin về khoảng giao tiếp tiếng Anh thì cứ học với người nước ngoài nhé! Theo mình thì không nên học với một giáo viên, mà nên là 2 (người thứ hai, nếu được thì chọn giáo viên bản ngữ). Vì bản tính mình cẩn thận, không tin tưởng hay thần tượng tuyệt đối một ai. Mình học viết thêm với người thứ hai để đối chiếu kiến thức có gì mâu thuẫn với người trước hay không. Đặc biệt, nếu học với giáo viên bản ngữ mình sẽ có lợi thế hơn trong việc tiếp thu các phong cách viết tự nhiên theo ngôn ngữ của họ.
Đối với các bạn học viết dùng trong môi trường học thuật, thiên về tự nhiên như mình thì còn bước quan trọng thứ ba, đó là theo học các seminar, workshop về viết do thư viện của các trường đại học tổ chức. Các khóa học này khá phổ biến, chỉ là mình có nhận thấy sự cần thiết để bỏ thời gian tham gia hay không. Điểm khác biệt chính giữa viết tiếng Anh khi thi lấy bằng và viết chuyên đề khoa học là tiêu chí về sử dụng từ vựng và cấu trúc câu. Một bên đòi hỏi sự phong phú, phức tạp trong cách dùng từ và cấu trúc, kèm theo ý kiến cá nhân, đôi lúc có tính chủ quan. Bên còn lại đòi hỏi sự đơn giản trong cấu trúc, đồng nhất về từ vựng, đảm bảo tính khách quan dựa trên các bằng chứng cụ thể. Mọi người xem thêm ví dụ bên bảng dưới để hiểu rõ hơn nhé.
THỰC HÀNH VIẾT THƯỜNG XUYÊN ✍
Muốn giỏi thì phải rèn luyện, cái này là đúng với mọi lĩnh vực mọi người nha. Nghe vậy các bạn sẽ nghĩ cái này là đương nhiên, không có gì là bí kíp cả. Ờ, chắc là vậy! Chỉ là mình muốn chia sẻ cách thực hành của mình thôi. Mình không có nhiều thời gian học ngoại ngữ, nên cách mình thực hành là cố gắng đưa cuộc sống hàng ngày của mình "chìm ngập" trong cái ngôn ngữ mà mình muốn học. Mình thực hành viết bằng nhiều cách như: viết nhật ký (diary), viết danh sách công việc phải làm hàng ngày (daily to-do list), viết các ý tưởng hay kế hoạch, soạn bài giảng, nhắn tin với bạn bè, vân vân và mây mây. Nói chung, cần có sự thường xuyên, mỗi ngày một ít hơn là chỉ tập trung vào một số thời điểm.
ĐỌC NHIỀU, ĐA CHỦ ĐỀ 📖
Trước đây có đứa em đồng nghiệp rất giỏi tiếng Anh mách nước cho Harry là nếu muốn viết tốt thì cứ đọc nhiều là được, lúc đó nghe cũng hơi lạ lạ, không tin cho lắm. Dù sau này không để ý nhưng do thích tìm hiểu các chủ đề quan tâm bằng tiếng Anh, Harry thấy lượng từ vựng của mình phong phú lên hẳn. Thú vị là có những từ rất quen, nhưng trong các lĩnh vực khác nhau lại chỉ các vấn đề khác nhau, dù có những điểm tương đồng. Nên đọc nhiều giúp mình mở rộng nghĩa của từ vựng hơn. Ngoài ra, khi đọc mình cũng học được cách viết, cách dùng từ của các tác giả nữa, nên giúp bài viết của mình sau này phù hợp với ngữ cảnh hơn.
Nguồn tài nguyên đọc thì khá đa dạng, chủ yếu là Harry tìm kiếm bằng từ khóa chủ đề quan tâm trên Google, tập hợp các bài cùng chủ đề lại, nếu có thời gian thì tổng hợp thành một bài văn ngắn 1-2 trang giấy A4 hoặc 10 Slides Powerpoint. Việc này giúp mình rèn kỹ năng tổng hợp kiến thức, xây dựng một trường từ vựng và luôn tiện là tập paraphrase lại các câu viết luôn.
Nguồn thứ hai là sách 📕(ebook hoặc sách in). Ebook thì mình hay mua trên Amazon (thường dưới 100k/cuốn). Sách in thì tìm các nhà sách có bán sách ngoại văn. Lưu ý là nên chọn sách phù hợp hoặc nhỉnh hơn trình độ của mình một tí thì sẽ có hứng thú đọc hơn. Bí kíp chọn sách rất đơn giản, đọc thử vài trang đầu hoặc một trang ngẫu nhiên, nếu không cần tra từ hoặc chỉ có vài từ không hiểu nghĩa hoặc dù không biết hết nghĩa các từ nhưng hiểu được ý của đoạn văn đó là chấp nhận được. Khi đọc thì highlight những câu hay, từ vựng mới để sau này xem lại. Mình học từ vựng theo kiểu mưa dầm thấm lâu chứ không ép bản thân phải nhớ ngay nên cảm thấy vui chứ ít bị áp lực. Có khi một từ mình phải tra đi tra lại 3-4 lần vì không nhớ nghĩa, nhưng cũng nhờ vậy mà sau đó sẽ nhớ luôn.
Nguồn thứ ba là các trang báo tin tức như The New York Times, các tài khoản mạng xã hội (Facebook, Linkedln, ResearchGate, v.v...) của các cá nhân hoặc tổ chức mà mình quan tâm. Có 2 kiểu đọc, (1) là đọc hiểu nội dung lấy thông tin, (2) là đọc chậm để học từ vựng, kết hợp với một phần mềm như Quizlet để lưu lại từ vựng và sau này có thời gian rảnh thì mở lên xem lại, trong ứng dụng này có các lựa chọn bài test để kiểm tra lại từ vựng. Chi phí cho một năm sử dụng khoảng 600k. Ứng dụng này do một em thầy giáo tiếng Anh giới thiệu cho Harry, thấy hay và bổ ích lắm!
THAM KHẢO CÁC BÀI MẪU 📑
Ngày xưa viết văn nhiều bạn cũng cần đọc văn mẫu để lấy ý, học theo cách viết của người khác mà đúng không. Quan trọng là đừng có copy-paste nguyên văn của người ta mà phải xào nấu (paraphrase) lại cho nó tươm tất, chủ ý là dùng văn của người ta để diễn đạt ý muốn nói của mình. Khi viết email xin việc, sơ yếu lý lịch (CV), giới thiệu bản thân (Personal statement), thư tiến cử của giáo sư, bài báo khoa học v.v... mình cũng lên Google tìm kiếm các bản mẫu (sample) hay bài báo cũng chủ đề để tham khảo. Qua đó, mình sẽ học được các mẫu câu trang trọng (formal) hoặc từ vựng chuyên ngành (terminology) phù hợp để ứng dụng vào bài viết của mình.
SỬ DỤNG PHẦN MỀM SỬA LỖI CHÍNH TẢ 🍎
Cuối cùng, sau khi đã có những kỹ năng viết nhất định bằng các cách học cũng như thực hành ở trên, thực tế khi viết luận, bài báo, email có tính chất quan trọng, thay vì nhờ những người có chuyên môn sửa lỗi (thấy cũng phiền), mình sẽ dùng thêm công cụ sửa lỗi chính tả. Bên cạnh chức năng tự sửa lỗi được tích hợp trong các phần mềm soạn thảo văn bản như Microsoft Word, Powerpoint mình sẽ sử dụng thêm ứng dụng chuyên dùng là Grammarly. Đây là ứng dụng có trả phí với nhiều lựa chọn như 600k/tháng, 3 triệu/năm tùy theo nhu cầu và khả năng tài chính. Khi đăng ký, ứng dụng này có thể cài đặt trên máy tính, hoặc phiên bản online, đồng thời sẽ tích hợp luôn trong các trình duyệt như Chrome. Vì vậy, bất kể khi nào gõ văn bản, bạn cũng sẽ có một trợ thủ đắc lực kiểm tra lỗi chính tả, cách dùng từ theo văn phong lựa chọn của bạn (trang trọng, thuyết phục, hàn lâm, chủ quan, v.v...), kiểm tra đạo văn (plagiarize) bằng cách đối chiếu văn bản hiện thời với các nguồn dữ liệu có sẵn trên internet.
Mong rằng những chia sẻ này sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình học tập, làm việc!
Nhận xét