SOME LEARNING MATERIALS OF SURGICAL PATHOLOGY OF THE HEAD AND NECK

 MỘT SỐ HỌC LIỆU GIẢI PHẪU BỆNH VÙNG ĐẦU CỔ


Bệnh vùng miệng (Oral Diseases) hoặc bệnh lý miệng (Oral Pathology) hay nói rộng hơn là vùng đầu-cổ có một số khác biệt về thuật ngữ giữa Việt Nam và các nước sử dụng tiếng Anh mà Harry đã từng giới thiệu trong bài viết trước. Thông thường, khi nghe giảng hoặc đọc sách về mảng này, chúng ta rất quen thuộc với dàn ý gồm các phần Dịch tễ học, Bệnh căn, Lâm sàng, Cận lâm sàng (+/- Giải phẫu bệnh), Điều trị và Tiên lượng. Sinh viên sẽ nhớ được các phần Dịch tễ, Bệnh căn trong quá trình học và kiểm tra; bác sĩ hành nghề sẽ quen dần với các hình ảnh lâm sàng và cận lâm sàng, điều trị thì phân chia ra nhiều chuyên khoa từ nha khoa trẻ em, nội khoa vùng miệng, phục hình, chỉnh hình răng mặt, nha chu, chữa răng, nội nha, phẫu thuật miệng, phẫu thuật hàm mặt, v.v... nên mỗi bác sĩ sẽ có thế mạnh riêng. Tuy nhiên, giải phẫu bệnh (một phần quan trọng trong cận lâm sàng) thì khá xa lạ với nhiều bác sĩ Răng Hàm Mặt. Hầu hết chỉ dựa trên kết luận do bác sĩ Giải phẫu bệnh cung cấp, còn các mô tả trong báo cáo giải phẫu bệnh thì không phải ai cũng hiểu tường tận. Đó có thể là xu hướng tất yếu của quá trình chuyên môn hóa. 

Bài viết này không khuyến khích bất kỳ ai theo học Giải phẫu bệnh đầu cổ mà chỉ cung cấp các nguồn học liệu hữu ích cho những ai có mối quan tâm và muốn trau dồi thêm kiến thức liên quan, cùng bắt đầu thôi nào!

Nguồn học liệu chính (có độ khả tín cao) gồm có:

  • Sách (giấy hoặc ebook) của nhà xuất bản uy tín hoặc tác giả nổi tiếng
  • Website của các tổ chức hàn lâm, học thuật đã được kiểm chứng qua thời gian
  • Khóa học trực tuyến (online course) của các trường-viện đại học uy tín
  • Các tạp chí chuyên ngành (xem thêm cách đánh giá tài liệu uy tín tại đây)
Ngoài ra, còn có các diễn đàn (như Personal Blog), nhóm trực tuyến (như Facebook, LinkedIn, ResearchGate), videoclip trên Youtube dành cho cộng đồng Giải phẫu bệnh và Giải phẫu bệnh Răng Hàm Mặt mọi người có thể tự tìm hiểu thêm nhé.
Phần học liệu bên dưới sẽ bao gồm các nguồn học liệu chính, được trình bày theo tiến trình học Giải phẫu bệnh đầu cổ của Harry như sau (tập trung vào các ô có tô màu, vì các phần khác mọi người đều phải học qua rồi):

MÔ HỌC VÀ PHÔI THAI HỌC 

Phần này đã có trong chương trình đào tạo bác sĩ nói chung, ở đây mình tập trung ôn lại các nội dung liên quan đến mô học vùng miệng gồm:
  • LOẠI MÔ: biểu mô, mô liên kết, sụn, xương, mô cơ, mô thần kinh
  • CƠ QUAN: da, hệ bạch huyết, ống tiêu hóa trên, tuyến nước bọt
Một số nguồn học liệu:
  • Sách "New Alas of Histology - Light microscopy, histochemistry and electron microscopy"(1973) của Mariano S. H. Di Fiore. Mặc dù sách cũ nhưng đáp ứng đủ các nội dung cần thiết đã nêu ở trên. Nội dung được trình bày xúc tích, dễ hiểu, kèm hình mô học thực và vẽ tay, format sách làm Harry rất ưng ý khi đọc.
  • Khóa học trực tuyến "Introduction à l'histologie: exploration des tissus du corps humain" (2020) mang đến một trải nghiệm khá năng động và hiện đại trên nền tảng giáo dục trực tuyến Pháp ngữ FunMOOC. Bạn nào không hiểu tiếng Pháp có thể sử dụng công cụ chuyển ngữ trên smartphone, khóa học rất trực quan nên nhìn hình cũng có thể hiểu được. Nội dung trình bày cô đọng các ý chính liên quan đến các loại mô trong cơ thể. Mỗi nội dung kết hợp bài giảng, hình vẽ, slide mô học trực tuyến (kính hiển vi ảo - virtual microscope) mà người học có thể thao tác trực tiếp để quan sát. Bạn cũng có thể tải video về máy và nghiền ngẫm từ từ nếu chưa hiểu rõ.


  • Sách "Diagnostic Pathology: Normal Histology", Matthew R. Lindberg, Laura W. Lamps (2018), 2nd edition, Elsevier: sách thuộc series về Diagnostic Pathology, tinh thần chung của series là giới thiệu khái quát tất cả khía cạnh về giải phẫu bệnh nên có thể tìm thấy nhiều nội dung cơ bản trong quyển này như tế bào, mô học, hoá mô miễn dịch, miễn dịch huỳnh quang, kính hiển vi điện tử đến đặc điểm mô học của tất cả hệ cơ quan trong cơ thể, trong đó có vùng đầu cổ và khoang miệng (Phần 7). Nếu ngán đọc chữ thì đây là một lựa chọn phù hợp để có cái nhìn tổng quan mô học vùng miệng trước khi đi sâu đánh giá mô bệnh học.
  • Sách "Atlas of Oral Histology", Harikrishnan Prasad, Krishnamurthy Anuthama (2019), Elsevier: sách trình bày tóm tắt đặc điểm mô học của mô cứng và mô mềm vùng miệng. Hình ảnh không nhiều, với lại cách trình bày không được chỉnh chu lắm. Mình không có định kiến, nhưng ấn tượng đọc sách lần đầu mặc dù chưa coi tên tác giả mà đã đoán ngay là style của tác giả Ấn Độ. Mọi người đọc thì cẩn thận đối chiếu thêm các sách khác!
  • Sách "Orban's Oral Histology and Embryology", G S Kumar (2019), Elsevier: sách trình bày khía cạnh mô học và nguồn gốc phôi thai các cấu trúc mô cứng và mô mềm chủ yếu ở vùng miệng như men, ngà, tủy, xê măng, dây chằng nha chu, niêm mạc miệng, tuyến nước bọt và một số cấu trúc đặc biệt có liên quan như hạch lym-phô, khớp thái dương-hàm, xoang hàm.
  • Sách "Ten Cate’s Oral Histology Development, Structure and Function", Antonio Nanci (2017), Elsevier: mô học và nguồn gốc phôi thai các cấu trúc mô cứng và mô mềm chủ yếu ở vùng miệng như men, ngà, tủy, xê măng, dây chằng nha chu, niêm mạc miệng, tuyến nước bọt và một số cấu trúc đặc biệt có liên quan như hạch lym-phô, khớp thái dương-hàm, xoang hàm.

GIẢI PHẪU BỆNH VÀ KỸ THUẬT NHUỘM MÔ

Một số sách trong này Harry có liệt kê bên bài "Sách bệnh lý miệng" rồi, nhưng ghi lại ở đây cho nó hệ thống. Ngoài ra, các kỹ thuật nhuộm mô chuyên biệt rất dễ tìm kiếm trên internet, nhất là trang web của các hãng sản xuất và phân phối kính hiển vi, nên ở đây Harry chỉ điểm qua sách về hóa mô miễn dịch vốn còn xa lạ với bác sĩ Răng Hàm Mặt thôi.
  • Sách "Robbins Basic Pathology", Vinay Kumar, Abul K. Abbas, Nelson Fausto, Richard N. Mitchell (2018), Saunders (Elsevier): Sách này do thầy mình giới thiệu cho mình học. Sách gồm 23 chương, có thể chia thành 2 phần lớn. Phần 1 trình bày các hiện tượng bệnh lý cơ bản cấp độ tế bào và phân tử: chấn thương tế bào, chết tế bào, viêm, sửa chữa mô, rối loạn huyết động, bệnh lý miễn dịch, tân sinh, bệnh nhiễm, bệnh di truyền. Phần 2 trình bày bệnh học theo cơ quan: mạch máu, tim, hệ thống miễn dịch, phổi, thận, khoang miệng và ống tiêu hóa, gan-mật, tụy tạng, v.v... Phiên bản mới nhất năm 2018, trên 900 trang.
  • Sách "Essential Pathology for Dental Students", Harsh Mohan, Sugandha Mohan (2017), Jaypee Brothers Medical Pub, Section 1-4: Sách trình bày các hiện tượng bệnh lý căn bản ở cấp độ tế bào và mô học như cấu trúc tế bào sinh lý và bệnh lý, quá trình viêm, lành thương, bệnh lý nhiễm, rối loạn dịch thể và huyết động học, tân sinh. Các nội dung trình bày ngắn gọn, phù hợp cho các bạn sinh viên mới bước vào lĩnh vực này.
  • Sách "Diagnostic Immunohistochemistry theranostic and genomic applications" (2010), David Dabbs, Third Edition. Sách trình bày về nguyên tắc và tiêu chuẩn thực hành của các kỹ thuật hóa mô miễn dịch giúp mọi người có cái nhìn khái quát về chủ đề này. Bệnh học phân tử và ứng dụng hóa mô miễn dịch trong chẩn đoán các loại bệnh là các nội dung tiếp theo. Sách có 952 trang nên chủ yếu để tham khảo những phần quan tâm chứ đọc hết thì chắc mệt xỉu. 
  • Sách "Immunohistochemistry in Tumor Diagnosis" (2018), Muin S.A. Tuffaha, Hans Guski và Glen Kristiansen. Nếu ai còn hoang mang về hóa mô miễn dịch với các câu hỏi đại loại như khi nào thì cần chỉ định marker nào thì sách này có thể là một gợi ý. Sách trình bày từng loại marker cũng như ý nghĩa của nó cho từng nhóm bệnh, đặc biệt có sơ đồ hướng dẫn lựa chọn marker rất dễ hiểu. Với 259 trang thì không đến mức đáng sợ khi đọc.
  • Sách "Rosai and Ackerman's Surgical Pathology" (2017), John E. Goldblum, Jesse K. McKenney, Laura W. Lamps và Jeffrey L. Myers, 11th Edition, Elsevier. Quyển này mình biết tới nhưng chưa đọc, mọi người xem review tiếng Anh ở đây nhé "For over 60 years, residents and practicing pathologists have turned to Rosai and Ackerman's Surgical Pathology for definitive guidance on every aspect of the field, delivered in a readable, easy-to-digest, and engaging manner. In the two-volume 11th Edition, a dynamic new author team ensures that this classic text retains its signature anecdotal style while revising the content to bring you fully up to date. Widely used for board exam preparation, as well as for everyday reference in practice, this leading resource equips you to effectively and efficiently diagnose the complete range of neoplastic and non-neoplastic entities."

GIẢI PHẪU BỆNH RĂNG HÀM MẶT

  • Sách "Diagnostic Pathology: Head and Neck," Lester D. R. Thompson, Bruce M. Wenig, Susan Muler và Brenda Nelson (2016), 2nd edition, Elsevier: Sách này trình bày nhiều phần giải phẫu vùng đầu cổ nên tương đối dày (hơn 1.000 trang), trong đó có khoang miệng, tuyến nước bọt và xương hàm là những phần gần gũi với bác sĩ Răng Hàm Mặt nhất. Sách trình bày từng bệnh lý súc tích ở dạng gạch đầu dòng nên không ngán khi đọc, thông thường nội dung của mỗi bệnh (thuật ngữ, lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, đại thể, vi thể, xét nghiệm khác, chẩn đoán phân biệt) chỉ gói gọn trong một trang. Ngoài cuốn này, series sách còn có "Diagnostic Pathology: Soft Tissue Tumors" (2016), "Diagnostic Pathology: Lymph Nodes and Spleen with Extranodal Lymphomas" (2018) đôi khi cũng cần có để tra cứu thêm.
  • Sách "Diagnostic Surgical Pathology of the Head and Neck", Douglas R. Gnepp (2009), Elsevier: Sách trình bày các bệnh lý vùng đầu-cổ, mỗi bệnh lý được mô tả chi tiết gồm phần đại cương (overview), tần suất bệnh (prevalence), bệnh căn (etiology), đặc điểm lâm sàng (clinical features), đặc điểm mô bệnh học (histologic features), chẩn đoán phân biệt (differential diagnosis), điều trị và tiên lượng (treatment and prognosis). Đặc biệt, sách này mô tả rất chi tiết về mô bệnh học, phù hợp cho ai muốn nghiên cứu sâu về giải phẫu bệnh vùng đầu-cổ. Hình như chưa thấy phiên bản nào mới hơn, nội dung bên trong thì có nhiều cái đã out-date rồi nên phần xét nghiệm hóa mô miễn dịch nên cập nhật thêm các bài báo mới từ Pubmed, sách tổng cộng có 1224 trang. Phiên bản mới nhất của quyển này có thay đổi chút ở tựa đề là Gnepp's Diagnostic Surgical Pathology of the Head and Neck (2021). Đây là phiên bản mà Harry đã mong chờ từ lâu.
  • Sách "Differential Diagnoses in Surgical Pathology Head and Neck", William H. Westra, Justin A. Bishop và Jonathan I. Epstein (2017): Sách trình bày các bệnh lý vùng đầu cổ theo ý tưởng chẩn đoán phân biệt và atlas hình ảnh mô học giúp người đọc nhớ rõ các chi tiết quan trọng từ dịch tễ, bệnh căn, lâm sàng đến cận lậm sàng và điều trị. Mặc dù có 1.367 trang nhưng các thông tin trên được trình bày dạng bảng phân biệt nên rất cô đọng, chủ yếu là nhiều hình ảnh.
  • Sách "AFIP Atlases of Tumor and Non-tumor Pathology Series 5 - Tumors of the Salivary Glands", Justin A. Bishop, Lester D. R. Thompson, Paul E. Wakely, Ilan Weinreb (2021), American Registry of Pathology. Thầy mình gọi cuốn này là cuốn kinh thánh của bệnh lý tuyến nước bọt, nên mọi người thử tìm đọc xem có gì hấp dẫn không nhé!
  • Sách "WHO Classification of Head and Neck Tumours," Adel K. El-Naggar, John K.C. Chan, Jennifer R. Grandis, Takashi Takata, and Pieter J. Slootweg (2017), 4th edition, the International Agency for Research on Cancer. Sách cập nhật phân loại, thuật ngữ định danh về giải phẫu bệnh các loại bướu vùng đầu-cổ. Phần trọng tâm của từng bệnh là các thông tin mới được cập nhật từ các nghiên cứu về giải phẫu bệnh, di truyền và sinh học phân tử liên quan đến chẩn đoán, điều trị và tiên lượng bệnh.
  • Loạt sách phân loại bệnh lý của WHO có ít nhiều liên quan đến vùng đầu cổ còn có:
    • WHO Classification of Skin Tumours (2017)
    • WHO Classification of Tumours of Hematopoietic and Lymphoid Tissues (2017)
    • WHO Classification of Tumours of Soft Tissue and Bone (2020)
  • Website "pathologyoutlines.com", truy cập vào trang web, gõ tên bệnh ở thẻ tìm kiếm (góc trên cùng bên phải màn hình), kết quả sẽ ra như hình bên dưới với từ khóa "lichen planus". Bám vào link "lichen planus - Pathology Outlines" sẽ ra toàn bộ thông tin liên quan đến bệnh đó. Đặc biệt, có phần mô tả mô bệnh học và hình ảnh mô bệnh học để tham khảo. Qua thời gian tham khảo, Harry nhận thấy thông tin của trang web rất hiện hành, do sự đóng góp và cập nhật thường xuyên của nhiều tác giả. Đây là link đến phần Giải phẫu bệnh vùng miệng. Ngoài ra, bạn cũng có thể đăng ký tài khoản trên trang web để nhận thông báo định kỳ hằng tháng, các khoá học, hội nghị, tham gia viết bài và tìm kiếm công việc.

Ngoài ra, trên trang web này cũng giới thiệu một số đầu sách về Giải phẫu bệnh Răng Hàm Mặt. Vì mình không có đủ và cũng chưa đọc hết sách nên không thể review toàn bộ sách bên dưới.
  • Kho "Slide giải phẫu bệnh ảo" thuộc Hiệp hội Giải phẫu bệnh kỹ thuật số (Digital Pathology Association) tập hợp danh sách các dữ liệu slide mô học kỹ thuật số từ nhiều trường đại học và trung tâm nghiên cứu khác nhau. Tùy theo chính sách của từng nơi mà có thể truy cập tự do hoặc cần đăng ký thành viên. Khi truy cập vào danh sách thư viện dữ liệu này, mọi người có thể xem mục nào có "Free Access" là có thể vào xem miễn phí. Đây là kho dữ liệu tổng hợp, nên cần thời gian kiểm tra mục nào có bệnh lý vùng miệng mà mình quan tâm. Do dung lượng của một file ảnh toàn bộ slide giải phẫu bệnh (whole slide image) khá lớn, 2-3GB/file cũng như chính sách về chia sẻ dữ liệu y tế nên số lượng slide được công bố chưa đa dạng.

Giao diện kho giải phẫu bệnh ảo.

  • Một nguồn slide giải phẫu bệnh ảo khác là Spectrum WebScope. Có thể truy cập tự do bằng đường link trên.

Với nguồn WSI phong phú hiện nay do sự phát triển mạnh mẽ của Giải phẫu bệnh kỹ thuật số (digital pathology) và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), việc học giải phẫu bệnh Răng Hàm Mặt đã có phần sinh động và tiện lợi hơn. Tuy nhiên, nếu thật sự yêu thích thì cách học một thầy-một trò cùng quan sát mẫu bệnh phẩm dưới kính hiển vi vẫn là tốt nhất. Các học liệu nêu trên chỉ là một phần hỗ trợ trong con đường trau dồi kiến thức bệnh lý miệng thôi. Chúc mọi người có thêm động lực để học tốt nhé!

CÙNG CHỦ ĐỀ

Nhận xét

Bài đăng phổ biến