CLARIFYING SOME TERMS RELATING ORAL PATHOLOGY

LÀM RÕ MỘT SỐ THUẬT NGỮ LIÊN QUAN BỆNH LÝ MIỆNG

Thời gian qua, một số đồng nghiệp quan tâm tìm hiểu về bệnh lý miệng và đặt cho Harry một số câu hỏi. Trong đó, có một vấn đề nổi bật là còn vài nhầm lẫn về mặt thuật ngữ (có thể do quá trình chuyển ngữ hoặc bối cảnh hoạt động chuyên ngành giữa các nước khác nhau) mà Harry thấy cần làm sáng tỏ để giúp mọi người thuận tiện hơn khi tìm kiếm tài liệu bằng tiếng Anh. Bài viết này sẽ tập trung vào vấn đề bé tí ti nhưng có thể gây phiền phức đó mọi người nhé!

1. Bệnh lý miệng (Bệnh lý vùng miệng/ Bệnh học miệng): Oral Pathology

Đây là thuật ngữ có điểm khác biệt lớn nhất về nội hàm giữa tiếng Việt và tiếng Anh khi dùng chỉ tên bộ môn. Bệnh lý miệng (tại Sài Gòn) thường đề cập đến bộ môn chuyên về bệnh vùng miệng gồm các nội dung khám, chẩn đoán, đặc điểm bệnh vùng miệng, điều trị nội khoa và xử trí bệnh nhân nha khoa có bệnh toàn thân. Ngược lại, thuật ngữ tiếng Anh "Oral Pathology" dùng chỉ bộ môn chuyên về Giải phẫu bệnh vùng miệng, tức là phụ trách giảng dạy về Sinh lý bệnh cơ bản và chuyên biệt vùng miệng cho sinh viên nha khoa và thực hành chẩn đoán giải phẫu bệnh vùng miệng. Ngoài ra, còn những bộ môn chia sẻ các học phần về bệnh vùng miệng như Diagnostic Oral Pathology (Chẩn đoán bệnh vùng miệng), Orofacial Pain Management (Xử trí đau miệng-mặt), Pharmacology (Dược lý trong nha khoa), Oral Medicine (Nội khoa vùng miệng). Ngược lại, các hội nghị/hội nhóm quốc tế hay tại Việt Nam đều dùng Pathology/Giải phẫu bệnh nói chung với ý nghĩa tương đương. Ví dụ, Association of Pathology, European Congress of Pathology.

Trong các sách hay tài liệu tiếng Việt và tiếng Anh cũng cần lưu ý. Sách tiếng Việt có số lượng ít nên phân chia chưa rõ, riêng sách tiếng Anh mọi người lưu ý khi tên sách hoặc tài liệu có các thuật ngữ sau:

  • Oral Pathology (Bệnh lý miệng): tài liệu thường trình bày tất cả khía cạnh của bệnh vùng miệng (dịch tễ, lâm sàng, cận lâm sàng - giải phẫu bệnh, điều trị-tiên lượng). Sách loại này thường không hoặc đề cập hạn chế về giải phẫu bệnh.
  • Clinical Oral Pathology (Bệnh lý miệng lâm sàng): cũng tương tự như trên, đặc biệt nhấn mạnh không có phần giải phẫu bệnh.
  • Oral Medicine (Nội khoa vùng miệng): thuật ngữ này tập trung vào mảng điều trị nội khoa, thường ít tách rời mà đi kèm với "Oral Pathology".
  • Oral diseases (Bệnh vùng miệng): thuật ngữ này có thể dùng thay thế cho "Oral Pathology".
  • Surgical Oral Pathology: sách loại này sẽ trình bày kỹ về Giải phẫu bệnh của bệnh vùng miệng. Trường hợp khác là tác giả dùng từ "Clinical and Pathologic Features", "Clinicopathologic Characteristics" nếu muốn nói là trong tài liệu này sẽ trình bày cả lâm sàng và giải phẫu bệnh của bệnh vùng miệng.
  • Pathophysiology of oral diseases (Sinh lý bệnh bệnh vùng miệng): tài liệu chuyên về giải thích cơ chế sinh bệnh.
Ngoài ra, tài liệu có thể dùng một số từ có phạm vi rộng hơn "vùng miệng" là "vùng đầu-cổ" (Head and Neck), "vùng miệng và hàm mặt" (Oral and Maxillofacial), "vùng miệng-mặt" (Orofacial).
Sách nhóm này có thể tham khảo tại đây.

2. Biểu hiện vùng miệng: Oral Manifestations

Biểu hiện vùng miệng (kể cả tiếng Việt và Anh) dùng để chỉ cho các tổn thương xuất hiện trong miệng có nguyên nhân toàn thân. Ví dụ, viêm nướu do mảng bám là bệnh vùng miệng (oral diseases), nhưng viêm nướu viền đỏ là biểu hiện vùng miệng trên bệnh nhân HIV/AIDS; hoặc u hạt sinh mủ là tổn thương vùng miệng, nhưng u hạt thai nghén (có bản chất giống u hạt sinh mủ) là biểu hiện vùng miệng trên phụ nữ có thai.

Tức là, biểu hiện vùng miệng là bệnh vùng miệng có nguyên nhân toàn thân. Vì vậy, khi tìm kiếm thông tin, mọi người chú ý không nên dùng thuật ngữ "biểu hiện vùng miệng" khi muốn tìm kiếm các bệnh vùng miệng nói chung. Thay vào đó, nên sử dụng các thuật ngữ đã đề cập ở mục 1. Còn "biểu hiện vùng miệng" thường là một phần trong các tài liệu đề cập đến bệnh nhân nha khoa có bệnh toàn thân. Tham khảo sách liên quan tại đây.

3. Biến dạng thông thường vùng miệng: Variants of Normal and Common Benign Conditions

Biến dạng thông thường vùng miệng dùng để chỉ các thay đổi về hình thái mô miệng so với dân số chung, hầu hết không ảnh hưởng đến chức năng và thẩm mỹ nên không cần điều trị. Thuật ngữ này trong tiếng Anh không có sự thống nhất, vì bệnh căn của các biến dạng này khác nhau, cũng như mức độ ảnh hưởng hay nhu cầu cần điều trị trải dài tự không cần làm gì đến các can thiệp xâm lấn. Khi không cần điều trị thì xếp vào biến dạng thông thường, nếu cần điều trị thì là bệnh lý. Do vậy, có thể tìm thấy trong một chương sách hoặc trải dài nhiều chương sách về Bệnh lý miệng ở mục 1. Một số từ khóa có thể dùng để tìm kiếm là:

  • Variants of Normal and Common Benign Conditions
  • Developmental Defects of Oral and Maxillofacial Region
  • Developmental Disturbances of the Oral Region 
  • Morphological variations of (+ Site)
  • Normal Variations of Oral Anatomy and Common Oral Soft Tissue Lesions
  • Normal Variants of Oral Cavity
  • Soft Tissue Tumors
  • Pigmented Lesions
  • White Lesions/ Benign Chronic White Mucosal Lesions 
  • Diseases of the Oral Mucosa 
  • Tongue Disorders 

4. Tổn thương cơ bản vùng miệng: Morphology of Oral Lesions

Thuật ngữ "tổn thương cơ bản vùng miệng" được định nghĩa trong một số tài liệu tiếng Việt là tổn thương đầu tiên chưa bị thay đổi do điều trị, ví dụ như mụn nước, bóng nước, loét, chợt, hòn, mảng, bướu. Tuy nhiên, định nghĩa này theo Harry là không đủ thuyết phục và ít có ý nghĩa về mặt lâm sàng. Thứ nhất, một tổn thương có thể diễn tiến theo thời gian dù có điều trị hay không. Chẳng hạn, nhiễm herpes tái phát ở môi biểu hiện đầu tiên là cảm giác châm chích tại vị trí sau đó có ban đỏ, rồi nổi mụn nước; mụn nước vỡ ra thành vết loét, đóng mài và lành thương. Cũng có trường hợp sau khi xuất hiện mụn nước, bệnh nhân được cho bôi thuốc kháng virus, tổn thương đóng mài rồi cũng lành thương. Như vậy, trong trường hợp này cái nào là tổn thương cơ bản, cái nào không? Thứ hai, bệnh nhân có thể đến gặp bác sĩ ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh, và có thể không nhớ hay không biết biểu hiện trước đó của bệnh là gì nên không thể xác định được tổn thương ban đầu qua hỏi bệnh sử, bác sĩ chỉ ghi nhận được hình thái của tổn thương lúc khám lâm sàng.
Ngoài ra, các tài liệu tiếng Anh mà Harry tìm được cũng không thấy đề cập đến tổn thương cơ bản, thay vào đó, các tác giả thường nói về "Hình thái của tổn thương vùng miệng" hơn (Morphology of Oral Lesions). Hình thái là một trong các yếu tố quan trọng khi mô tả một tổn thương vùng miệng, các yếu tố khác là vị trí (site), màu sắc (color), kích thước (size), ranh giới (border), số lượng (quantity), consistency (mật độ) và tính chất bề mặt (texture). Theo đó, mọi người có thể sử dụng các yếu tố này khi mô tả tổn thương qua hỏi bệnh sử, khám lâm sàng hay ghi nhận diễn tiến bệnh trong quá trình theo dõi và điều trị. Ví dụ, khi khám lâm sàng tổn thương bạch sản, có thể mô tả "một mảng trắng đồng nhất kích thước 3x5cm ở niêm mạc má trái, giới hạn rõ, bề mặt trơn láng, sờ mềm." Không cần thiết xác định đâu là tổn thương cơ bản.
Về cách thức và thuật ngữ mô tả tổn thương, chị đồng nghiệp của Harry có giới thiệu cuốn này: Michael A. Kahn, J. Michael Hall. The ADA Practical Guide to Soft Tissue Oral Disease. 2nd ed. Wiley-Blackwell; 2018. Có thể tải miễn phí trên trang pdfdrive.com.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến