THE POTENTIALS OF GREEN TEA IN ORAL CARE

TIỀM NĂNG CỦA TRÀ XANH TRONG VIỆC CHĂM SÓC RĂNG MIỆNG


GIỚI THIỆU

Trà xanh (tên khoa học Camellia sinensis) là một thức uống chức năng (functional beverage) phổ biến, có những lợi ích tiềm năng đối với sức khỏe nhờ các thành phần dinh dưỡng (nutrient content) nếu sử dụng thường xuyên. Trà xanh (green tea) là loại trà không lên men (non-fermented tea), chiếm khoảng 20% sản lượng trà trên toàn thế giới. Người ta phơi khô (dry) và hấp hơi (steam) lá trà tươi (fresh leaves) để giữ lại polyphenol oxidase. Tác dụng cải thiện sức khỏe (health-promoting effects) của trà xanh xuất phát từ thành phần polyphenol (catechins), trong đó quan trọng nhất là epigallocatechin-3 gallate (EGCG) và epicatechin-3 gallate (ECG). Nghiên cứu đã báo cáo các hợp chất polyphenol trong trà xanh có đặc tính điều trị đái tháo đường (anti-diabetic), điều trị tăng huyết áp (anti-hypertensive), hạ cholesterol và bảo vệ tim mạch (cardio-protective). [2, 4]

Chiết xuất tinh khiết (purified extract) EGCG từ trà xanh có nhiều đặc tính kháng vi sinh vật (antimicrobial properties) đã biết. EGCG là polyphenol chính trong trà xanh và có hoạt tính sinh học nhiều nhất như chống oxi hóa (antioxidant), kháng viêm (anti-inflammatory), kháng khuẩn (antibacterial), chống ung thư (anticarcinogenic). Ngoài ra, EGCG có phổ kháng khuẩn rộng với các vi khuẩn Gram dương và Gram âm, trong khi độc tính thấp (low toxicity) và có tính tương hợp mô (tissue compatibility).[1, 4]

SÂU RĂNG

Thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng (randomized controlled clinical trial) của Vilela và cs (2020) đánh giá hiệu quả giảm vi khuẩn gây sâu răng của trà xanh và EGCG ở trẻ em cho thấy súc miệng bằng dung dịch EGCG làm giảm nồng độ Streptococci mutansLactobacilli trong khoang miệng của trẻ từ 5-12 tuổi. Nghiên cứu gồm có 4 nhóm súc miệng bằng dung dịch EGCG, trà xanh, chlorhexidine (CHX) và nước cất (distilled water) trong một phút. Phần trăm vi khuẩn Streptococci mutans giảm sau khi súc miệng với dung dịch EGCG nhiều hơn so với nhóm súc miệng với trà xanh và nước cất nhưng thấp hơn nhóm dùng CHX (lần lượt là 95,5%-CHX, 79,9%-EGCG, 68,3%-trà xanh và 50,6%-nước cất). Còn với vi khuẩn Lactobacilli, phần trăm giảm sau khi súc miệng lần lượt là 86,2%-CHX, 72,09%-EGCG, 58,17%-trà xanh và 41,96%-nước cất. Mặc dù dung dịch EGCC có hoạt tính kháng khuẩn tốt hơn trà xanh nhưng cả hai đều có thể là phương thức thay thế súc miệng bằng CHX.[1]

Ghi chú: nước súc miệng trà xanh trong nghiên cứu điều chế từ lá trà khô (dried leaves) Camellia Sinensis (Yamamotoyama(R), Midori tea Industry Ltda, Sao Miguel Arcanjo/SP, Brazil). Theo hướng dẫn của nhà sản xuất, đổ 180mL nước nóng (trước khi bắt đầu sôi) vào 2g lá trà (khoảng 1 muỗng cà phê- 1tsp) và đậy kín trong 5 phút. Lọc lấy nước để súc miệng.[1]

Tuy nhiên, theo kết quả của một tổng quan gần đây (2020) kết luận hiện chưa có đầy đủ bằng chứng ủng hộ trà xanh là một phương thức chính thống để phòng ngừa sâu răng.[2] Tuy nhiên, có thể xem đây là một phương thức hỗ trợ phòng ngừa sâu răng đối với các đối tượng có nguy cơ sâu răng cao hoặc biện pháp thay thế trong thời gian ngắn ở nơi điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu.

Ngoài đặc tính kháng khuẩn, một tổng quan khác còn ghi nhận tác động của các sản phẩm nước súc miệng chứa chiết xuất trà xanh đến độ pH của nước bọt. Theo đó, nước súc miệng trà xanh (green tea mouthwash) làm tăng pH nước bọt tương tự probiotics trong nghiên cứu so sánh; do đó, có lợi trong phòng ngừa mất khoáng men răng.[4]

BỆNH NHA CHU

Tổng quan hệ thống và phân tích meta đánh giá hiệu quả của trà xanh (Camellia Sinensis) trên bệnh nha chu công bố năm 2020. Trong đó, phần lớn các nghiên cứu (n=15) đánh giá các chỉ số nướu và vệ sinh răng miệng như: chỉ số nướu (gingival index, GI), chỉ số mảng bám (plaque index, PI), chỉ số chảy máu nướu (gingival bleeding index, GBI) và chỉ số chảy máu khi thăm dò (bleeding on probing index, BPI). Nhìn chung, trà xanh có tác dụng làm giảm các chỉ dấu viêm (markers of inflammation) như GI, GBI và BOP ở mức trung bình, chứng tỏ cơ chế tác động chính trên hệ miễn dịch của ký chủ (host immune system) hơn là trên mầm bệnh ở miệng (oral pathogens). Phân tích theo dưới nhóm (subgroups), trà xanh có hiệu quả hơn nhóm chứng sử dụng triclosan hoặc giả dược (placebo). Ngược lại, hiệu quả giảm các chỉ số GI và PI kém hơn so với chlorhexidine.[2]

Cũng theo kết quả phân tích của tổng quan trên, có 8 nghiên cứu đánh giá các chỉ số nha chu (periodontal indices). Trà xanh có hiệu quả giảm độ sâu túi thăm dò (probing pocket depth, PPD) đáng kể so với nhóm giả dược và ở mức trung bình so với triclosan. Ngoài ra, trà xanh có tác dụng giảm chỉ số mất bám dính lâm sàng (clinical attachment loss, CAL) ở mức trung bình.[2]

Một nghiên cứu khảo sát hiệu quả của chíp phóng thích catechin trà xanh tại chỗ (green tea catechin strips) sau khi lấy cao răng và xử lý mặt chân răng (scaling and root planning, SRP) trên bệnh nhân viêm nha chu mạn (chronic periodontitis) ghi nhận số lượng mầm bệnh nha chu (A. actinomycetemcomitansP. intermedia) và PPD giảm có ý nghĩa so với nhóm chỉ can thiệp SRP. Kết quả này góp phần khẳng định tác dụng tích cực của sản phẩm trà xanh dùng tại chỗ hỗ trợ điều trị viêm nha chu không phẫu thuật (non-surgical periodontitis therapy), mà không có tác dụng phụ có hại (negative side-effects) nào.[2] Tuy nhiên, một tổng quan hệ thống và phân tích meta mới đây (2021) kết luận không chắc chắc trà xanh có hiệu quả hỗ trợ điều trị nha chu không phẫu thuật vì các nghiên cứu liên quan có nhiều nguy cơ sai lệch (risk of bias), không đồng nhất (inconsistency) và có những điểm chưa chính xác (imprecision).[3]

Với các bằng chứng hiện thời, trà xanh không thể thay thế chlorehexidine trong điều trị bệnh lý nha chu. Tuy nhiên, các nghiên cứu liên quan sẽ góp phần mở ra các giải pháp thân thiện môi trường, hạn chế được tình trạng đề kháng kháng sinh (antibiotic resistance) trên toàn thế giới.[2]

TÁC DỤNG GIẢM ĐAU

Tổn thương niêm mạc miệng và vết thương phẫu thuật là các nguồn đau phổ biến trong nha khoa. Các thành phần trong trà xanh cũng có hoạt tính lành thương. Một số nghiên cứu ghi nhận hiệu quả này trong các nước súc miệng chứa trà xanh. Trong một thử nghiệm lâm sàng thiết kế nửa miệng mù đôi (a clinical trial with split-mouth double blind design) trên bệnh nhân tiểu phẫu răng khôn ngầm (impacted third molar removal), sử dụng nước súc miệng trà xanh hằng ngày sau phẫu thuật có tác dụng giảm đau và giảm số lượng thuốc giảm đau (painkiller pills) trong 7 ngày hậu phẫu đầu tiên. Chưa ghi nhận tác dụng phụ nào đáng kể đối với nước súc miệng này.[4]

Ngoài ra, trà xanh cũng có hiệu quả giảm đau trong viêm quanh thân răng (periodontitis). Thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên đánh giá tác dụng giảm đau của nước súc miệng trà xanh và CHX trên các bệnh nhân viêm quanh thân răng cấp. Kết quả nghiên cứu ghi nhận nước súc miệng trà xanh giúp giảm đau và số lượng thuốc giảm đau nhưng không có tác dụng giảm cứng khít hàm (trismus). Ngược lại, một thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân chỉnh nha (orthodontic patients), nước súc miệng trà xanh giảm đau không hiệu quả bằng acetaminophen trong suốt thời kỳ di chuyển răng (orthodontic tooth movements).[4]

Nhìn chung, các thành phần trong trà xanh có tác dụng giảm đau trung bình. Mặc dù không hiệu quả bằng các loại thuốc giảm đau thông dụng nhưng ít tác dụng phụ trầm trọng là một thuận lợi mà bác sĩ có thể cân nhắc trên một số đối tượng đặc biệt.

KẾT LUẬN

Với những bằng chứng hiện tại, không ủng hộ sử dụng trà xanh hay các sản phẩm có chiết xuất từ trà xanh để điều trị các bệnh lý răng miệng phổ biến như sâu răng, viêm nướu và giảm đau trong nha khoa. Tuy nhiên, với những ai yêu thích sử dụng các liệu pháp từ thiên nhiên hoặc đối tượng có nhiều chống chỉ định sử dụng thuốc thì trà xanh là một gợi ý giúp tăng cường sức khỏe răng miệng. Mọi người có thể sử dụng trà xanh (cách pha xem ở mục "Sâu răng") theo một số tình huống như sau:

  • trên người khỏe mạnh: súc miệng với trà xanh (thay thế cho các loại nước súc miệng bán trên thị trường) hỗ trợ cho chải răng với kem đánh răng có fluor
  • sau nhổ răng hay tiểu phẫu thuật răng khôn: nếu lo lắng chải răng không làm sạch được vùng gần ổ nhổ răng cũng có thể súc miệng bằng trà xanh để hỗ trợ làm sạch mảng bám, giảm đau và giảm viêm
  • trên người lớn tuổi mang hàm giả (mất toàn bộ răng)/có nhiều bệnh nền hay hiện dùng nhiều thuốc kê toa: vệ sinh hàm giả sau khi ăn + súc miệng với trà xanh để ngăn ngừa tình trạng viêm niêm mạc nhẹ và giúp hơi thở thơm tho
  • trong điều kiện khó khăn như du lịch bụi, công tác xã hội ở vùng sâu vùng xa, v.v... không có bàn chải và kem đánh răng có thể súc miệng bằng trà xanh khi mới dậy, sau khi ăn và trước khi ngủ như là giải pháp tạm thời giúp ngăn ngừa sâu răng, viêm nướu và hơi thở hôi 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Efficacy of green tea and its extract, epigallocatechin-3-gallate, in the reduction of cariogenic microbiota in children: a randomized clinical trial
  2. Impact of Green Tea ( Camellia Sinensis) on periodontitis and caries. Systematic review and meta-analysis
  3. Different applications forms of green tea (Camellia sinensis (L.) Kuntze) for the treatment of periodontitis: a systematic review and meta-analysis
  4. Camellia Sinensis Mouthwashes in Oral Care: a Systematic Review

Nhận xét

Bài đăng phổ biến