ORAL MANIFESTATIONS OF COVID-19 DISEASE
BIỂU HIỆN Ở MIỆNG CỦA BỆNH COVID-19
GIỚI THIỆU
Virus corona 2 gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng (severe acute respiratory syndrome coronavirus 2 - SARS-Cov-2) là một virus RNA chuỗi đơn (single-chain RNA virus). Triệu chứng lâm sàng phổ biến nhất là sốt (fever), đau đầu (headache), đau họng (sore throat), khó thở (dyspnea), ho khan (dry cough), đau bụng (abdominal pain), nôn ói (vomiting) và tiêu chảy (diarrhea). Thụ thể cho SARS-CoV-2 là thụ thể men chuyển angiotensin 2 (angiotensin converting enzyme 2 receptor - ACE 2) gặp ở phổi, gan, thận, dạ dày-ruột, bề mặt biểu mô của tuyến mồ hôi (sweat glands) và nội mô mao mạch ở da (endothelia of dermal papillary vessels).
Theo các báo cáo đến nay, biểu hiện bệnh COVID-19 ở da gồm có tổn thương dạng bóng nước (vericelliaform lesion), tổn thương giả bệnh cước (pseudochilblain), tổn thương giống hồng ban đa dạng (erythema multiforme-like lesion), tổn thương dạng mày đay (urticaria form), dạng dát sần (maculopapular), chấm xuất huyết (petechiae), ban xuất huyết (purpura), tổn thương dạng bệnh khảm (mottling), tổn thương dạng mảng tím xanh hình lưới (livedo reticularis-like lesion). ACE2 đã được tìm thấy trên niêm mạc miệng, đặc biệt mật độ ở lưng lưỡi (dorsum of tongue) và tuyến nước bọt (salivary glands) cao hơn so với niêm mạc má (buccal mucosa) và khẩu cái (palates). Đến thời điểm này, chỉ có một tổng quan mô tả biểu hiện ở miệng của bệnh COVID-19, tập trung chủ yếu vào thay đổi vị giác. Do đó, trong bài viết này, sẽ tổng hợp các dạng tổn thương ở miệng trên bệnh nhân COVID-19.
PHƯƠNG PHÁP
Bài tổng quan thực hiện tìm kiếm trên hai nền tảng dữ liệu số là thư viện PubMed và Google Scholar bằng cách kết hợp các từ khóa "COVID-19" OR "SARS-CoV-2" OR "coronavirus disease 2019" AND "oral" OR "buccal mucosa" từ tháng 12/2019 đến tháng 9/2020. Tổng cộng có 35 bài báo phù hợp với các tiêu chí của tổng quan.
KẾT QUẢ
Biểu hiện vùng miệng của bệnh COVID-19 bao gồm loét (ulcer), chợt (erosion), bóng nước (bulla), mụn nước (vesicle), mụn mủ (pustule), lưỡi nứt nẻ và trụi gai (fissured and depapillated tongue), dát (macule), sần (papule), mảng (plaque), nhiễm sắc (pigmentation), hơi thở hôi (halitosis), tổn thương trắng (whitish areas), vảy rướm máu (hemorrhagic crust), hoại tử (necrosis), chấm xuất huyết (petechiae), sưng (swelling), hồng ban (erythema) và chảy máu tự phát (spontaneous bleeding).
Các dạng tổn thương cơ bản ở da và niêm mạc miệng. Nguồn: https://d16qt3wv6xm098.cloudfront.net/nekbHHEGR-mcqy5hxhMlSvLFSeKtzoAD/_.png |
Các chẩn đoán đề nghị là viêm miệng áp tơ (aphthous stomatitis), tổn thương dạng herpes (herpetiform lesions), nhiễm nấm Candida (candidiasis), viêm mạch máu (vasculitis), tổn thương dạng bệnh Kawasaki (Kawasaki-like lesion), tổn thương dạng bệnh hồng ban di cư (Erythema migrans-like lesion), viêm niêm mạc (mucositis), ban do thuốc (drug eruption), bệnh lý nha chu hoại tử (necrotizing periodontal disease), tổn thương dạng viêm họng bóng nước (angina bullosa-like lesion), viêm khóe môi (angular cheilitis), hội chứng Sweet không điển hình (atypical Sweet syndrome) và hội chứng Melkerson-Rosenthal (Melkerson-Rosenthal syndrome).
Tổn thương miệng có triệu chứng đau (painful), cảm giác nóng rát (burning sensation) hoặc ngứa (pruritus) trong 68% trường hợp. Tần suất tương đương ở hai giới (49% ở nữ, 51% ở nam). Thời gian xuất hiện tổn thương ở miệng có thể trước khi có triệu chứng toàn thân 4 ngày cho đến sau đó 12 tuần. Thời gian lành thương từ 3 đến 28 ngày tính từ khi xuất hiện.
Các liệu pháp điều trị gồm có nước súc miệng chứa chlorhexidine, nystatin, fluconazole uống, corticosteroid tại chỗ hoặc toàn thân (topical or systemic corticosteroids), kháng sinh toàn thân (systemic antibiotics), acyclovir toàn thân (systemic acyclovir), nước bọt nhân tạo (artificial saliva) và liệu pháp điều hòa quang-sinh học (photobiomodulation therapy) tùy theo bệnh căn.
BÀN LUẬN
Nội ban (enanthema) có thể phát triển trong nhiều bệnh nhiễm virus như bệnh sốt dengue (dengue fever disease), viêm họng mụn nước (herpangina), bệnh do vi rút Ebola, nhiễm vi rút herpes người (human herpes virus infections), sởi (measles) và bệnh ban đào trẻ em (roseola infantum). Bệnh lý nhiễm, đặc biệt là có bệnh căn do vi rút, là nguyên nhân chính của nội ban (88%). Các dạng nội ban như loét dạng áp tơ (aphthous-like ulcers), nốt Koplik (Koplik's spots), nốt Nagayama (Nagayama's spot), chấm xuất huyết (petechiae), tổn thương dát-mụn nước (papulovesicular lesions), tổn thương sần-dát (maculopapular lesions), mảng trắng hoặc đỏ (white or red patches), sưng nướu và môi (gingiva and lip swelling) xuất hiện trên các loại nhiễm vi rút khác nhau. Nội ban có thể xuất hiện trên niêm mạc sừng hóa (keratinized mucosa) như khẩu cái cứng (hard palate), nướu răng (gingiva) và lưng lưỡi (dorsum of tongue) và niêm mạc không sừng hóa (nonkeratinized mucosa) như niêm mạc môi và má (labial and buccal mucosa). Mô tả chi tiết cho từng loại nội ban có thể đọc thêm trong tài liệu tham khảo bên dưới.
KẾT LUẬN
Mức độ trầm trọng của các tổn thương vùng miệng có mối liên hệ với độ tuổi của người bệnh và độ nặng của bệnh COVID-19. Vệ sinh răng miệng kém, nhiễm trùng cơ hội, stress, bệnh lý nền (underling diseases) (đái tháo đường, suy giảm miễn dịch), chấn thương (trauma), tắc mạch (vascular compromise), tăng đáp ứng viêm thứ phát với COVID-19 có khả năng là các yếu tố chỉ báo quan trọng cho sự phát triển của các tổn thương miệng trên bệnh nhân COVID-19.
Nhận xét