APPRENDRE LE FRANÇAIS DE SPÉCIALITÉ AVEC DR HARRY 1

TIẾNG PHÁP CHUYÊN NGÀNH CÙNG HARRY

KỲ 1. HỌC THEO KỸ NĂNG

Bài viết này sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm và tài liệu tự học tiếng Pháp chuyên ngành Răng Hàm Mặt cho những ai quan tâm. Mọi thắc mắc và chia sẻ các bạn có thể ghi ở bình luận bên dưới.


XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU HỌC TIẾNG PHÁP CHUYÊN NGÀNH

Để bắt đầu học ngoại ngữ nói chung và tiếng Pháp chuyên ngành nói riêng, cần xác định mục tiêu học của bạn là gì. Từ đó sẽ dễ xác định được phương pháp học phù hợp cũng như thời gian ưu tiên cho nó mỗi ngày bên cạnh các hoạt động khác. Nếu không, sẽ dễ rơi vào vết xe đổ của nhiều người. Đó là học dồn do hứng thứ khoảng thời gian đầu đến mức trì trệ các hoạt động khác; sau đó thấy khó lại bỏ bê không đụng đến nữa. Trường hợp nữa là học được một thời gian với lượng kiến thức nhất định, nhưng không duy trì lại quên hết những gì đã học. Vậy nên, hãy viết ra hoặc xác định mục tiêu học tiếng Pháp chuyên ngành càng cụ thể càng tốt. Một số gợi ý như sau:

  • Để đi du học về chuyên ngành ở một nước nói tiếng Pháp, nghĩa là phải chia sẻ đều các kỹ năng nghe-nói-đọc-viết
  • Để tự đọc hoặc tìm kiếm được tài liệu chuyên ngành: chủ yếu là kỹ năng đọc-hiểu
  • Để có thể tham gia các khóa học trực tuyến chuyên ngành: cần nắm vững nghe-hiểu và đọc-hiểu
  • Để trở thành dịch giả chuyên ngành: kỹ năng chính là đọc-hiểu 
  • Để trở thành thông dịch viên chuyên ngành: nói và nghe-hiểu 
Mặc dù bốn kỹ năng trong học ngoại ngữ có sự tương hỗ, nhưng để làm chủ được cả bốn thì đòi hỏi rất nhiều thời gian (>3 năm) theo kinh nghiệm của một người không có năng khiếu học ngoại ngữ như mình. Do đó, khi xác định rõ mục tiêu từ đầu, bạn sẽ biết mình nên tập trung vào những bài tập nào để ưu tiên phát triển kỹ năng đó, và sẽ tiết kiệm được kha khá quỹ thời gian cho các việc cần thiết khác. Một bằng chứng rõ ràng là thời mình học phổ thông, do cách dạy ở trường lúc đó tập trung vào làm bài tập ngữ pháp và đọc hiểu, gần như không thực hành nói hoặc nghe hiểu nên khi vào đại học, mình có thể đọc hiểu các tài liệu tiếng Anh chuyên ngành nhưng giao tiếp cơ bản thì không biết gì luôn.

YÊU CẦU VỀ NĂNG LỰC TIẾNG PHÁP CHUNG ĐỂ HỌC TỐT CHUYÊN NGÀNH

Đối với ngoại ngữ chuyên ngành Răng Hàm Mặt, cá nhân mình rút ra hai đặc điểm sau:

  • Dù là nói hay viết thì vẫn là văn phong khoa học: ngữ pháp đơn giản, câu cú ngắn gọn, câu văn đơn ý (không có nghĩa bóng, "read under the line"). Do đó, nắm vững ngữ pháp ở mức trung cấp là có thể đọc hiểu và nghe hiểu các chủ đề chuyên ngành rồi.
  • Dùng nhiều thuật ngữ có gốc La-tinh hoặc Hi Lạp (như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, v.v...) hoặc gốc Hán ngữ (Việt, Trung, Nhật) nên nếu nắm vững được một ngoại ngữ cùng nhóm, mình sẽ tiếp thu nhanh hơn khi học ngôn ngữ thứ hai.
Vậy nên, có vài lời khuyên cho bạn trước khi bắt đầu học một ngoại ngữ chuyên ngành mới:
  • Nắm vững kiến thức chuyên môn bằng tiếng Việt, để làm nền tảng đối chiếu khi tiếp cận tài liệu ngoại văn, nhất là khi đọc/nghe mà không hiểu rõ hoặc hiểu theo ý ngược lại với kiến thức nền tảng thì cần thận trọng kiểm tra lại hoặc hỏi thêm ý kiến chuyên gia.
  • Đạt được trình độ Trung cấp trước khi bắt đầu học ngoại ngữ chuyên ngành (ví dụ, tiếng Pháp là DELF B1, tiếng Nhật là JLPT N3) (xem thêm Hình dưới) để có đủ kiến thức về cấu trúc ngữ pháp và các từ thông dụng (không phải là thuật ngữ) - thường khác nhau hoàn toàn giữa các ngoại ngữ. Ví dụ, liên từ "và" trong tiếng Anh là "and", tiếng Pháp là "et", tiếng Tây Ban Nha là "y", tiếng Nhật là "to". Trong khi thuật ngữ "Bệnh học miệng" trong tiếng Anh là "oral pathology", tiếng Pháp là "pathologie buccodentaire", tiếng Tây Ban Nha là "patología bucal", tiếng Nhật là "khẩu xoang bệnh lý".
  • Chọn ngoại ngữ thứ hai gần với ngôn ngữ mình đã biết sẽ tiết kiệm được thời gian học và có hứng thú hơn một ngoại ngữ mới hoàn toàn. Liên quan đến việc chọn lựa ngoại ngữ thì có thể tham khảo bài viết trước của mình ở đây.

Thang điểm phân cấp trình độ ngoại ngữ 
(Nguồn: https://www.freeonlinemusicacademy.com/wp-content/uploads/2018/09/Screen-Shot-2018-09-24-at-14.26.15.png)

PHƯƠNG PHÁP VÀ NGUỒN LUYỆN ĐỌC HIỂU

Phương pháp học cũng giống như với học ngoại ngữ thông thường. Sau đây là một vài lưu ý nhỏ dành cho ai chưa có kinh nghiệm hoặc để tham khảo cách học của Harry.

Bước 1: học từ vựng, ở đây là thuật ngữ (terminology/ terminologie)

  • Học nghĩa của gốc từ (root/ racine), tiền tố (prefix/ préfixe) và hậu tố (suffix/ suffixe). Phần này gần giống với tiếng Anh, nên nếu bạn là dân học Anh ngữ thì khi chuyển sang tiếng Pháp sẽ đỡ tốn công học. Lúc trước mình được cô giáo tặng cho một quyển từ điển mini chuyên ngành (khoảng 300 trang), bản giấy nên không nhớ để giới thiệu ở đây. Bạn dùng Google tìm kiếm bằng các từ khóa "Dictionnaire d'odonto-stomatologie", "Dictionnaire d'odontologie", "Dictionnaire du chirurgien dentiste" rồi chọn cuốn nào thấy ưng thì mua nha. Sách tiếng Pháp ít có bản miễn phí lắm. Mỗi ngày cứ lấy ra học hết 10 từ thuộc 1 trong 3 thể loại nêu trên để tăng dần vốn từ vựng.
  • Học từ ở phần Danh mục thuật ngữ trong sách chuyên ngành tiếng Việt. Phần cuối của một số sách chuyên ngành như Giải phẫu bệnh, Mô phôi răng miệng, Cắn khớp học, v.v... có danh phục thuật ngữ Việt-Anh-Pháp, hãy tận dụng để học nếu chương trình hiện tại không có giảng viên tiếng Pháp chuyên ngành. Tự học từ đầu sẽ khá khó khăn, vì không có người hướng dẫn các từ cơ bản nên bạn có thể theo dõi các bài dịch chuyên ngành trước của mình để đối chiếu Pháp-Việt, dần dần sẽ quen thôi. Những bài viết tiếp theo Harry sẽ chia sẻ thêm từ vựng ở từng lĩnh vực để mọi người có thêm nguồn học liệu.
Khi học từ vựng, hãy quy định số lượng từ học mỗi ngày và thời gian dành học từ (ví dụ 30 phút), ôn lại vào ngày tiếp theo. Chia ra các nhóm từ dễ nhớ, khó nhớ để dễ dàng lấy ra ôn khi cần. Có thể sử dụng flashcard giấy hay phần mềm (ví dụ như Quizlet) để dễ quản lý từ vựng.

Bước 2: luyện đọc hiểu văn bản

  • Đọc tăng dần cấp độ để không bị nản nhé. Cấp độ gồm (a) độ dài văn bản và (b) độ khó của nội dung
    • (a) Để xác định được chính xác độ dài bao nhiêu phù hợp với mình thì nên quy ước thời gian đọc-hiểu mỗi ngày, chẳng hạn 30 phút, có thể sử dụng đồng hồ hẹn giờ. Khi đến giờ dù chưa đọc xong thì cứ tạm ngưng để làm việc khác, dùng bookmark đánh dấu để đọc tiếp vào hôm sau. Dù bài đọc dài đến đâu thì khi đã thiết lập thời gian cố định như vậy, lượng đọc hiểu của mình sẽ tăng dần theo trình độ và thói quen luyện tập rồi. 
    • (b) Độ khó của nội dung có thể chia ra: 
      • (1) văn bản mô tả: cung cấp thông tin bệnh lý, công dụng thuốc, hệ thống phân loại bệnh lý, cách sử dụng dụng cụ-thiết bị, quy trình thủ thuật, phẫu thuật thông dụng (bao gồm phần phương pháp và kết quả trong bài báo khoa học); khó hơn là các dữ liệu mới hoặc hiếm gặp. Loại này khó ở chỗ có nhiều từ vựng chuyên môn, nhưng cấu trúc ngữ pháp và hàm ý trong câu đơn giản, chủ yếu dạng câu khẳng định, liệt kê. Khi đọc nhiều lần các bạn sẽ quen với các thuật ngữ, là một tiền đề quan trọng để đọc hiểu ở cấp độ tiếp theo.
      • (2) văn bản tổng hợp-phân tích: lý giải cơ chế bệnh, sinh-bệnh lý, sinh học phân tử, (bao gồm phần giới thiệu và bàn luận trong bài báo khoa học). Loại này khó hiểu vì sử dụng cấu trúc ngữ pháp phức tạp hơn, câu văn dài, liên kết ý giữa các câu và các đoạn, cần kỹ năng ghi nhớ và tổng hợp thông tin. Nên sau khi nắm vững các thuật ngữ ở cấp độ 1, bạn chỉ cần tập trung phân tích cấu trúc câu thì sẽ dễ tiếp thu hơn là phải làm hai việc cùng lúc.
      • Như vậy, khi đọc một tài liệu hãy xác định tính chất của văn bản theo hai cấp như trên. Điều này sẽ giúp bạn xác định được phần nào phù hợp cho mình, không bị nản do rơi vào phần khó. Có nghĩa là không nhất thiết phải đọc hết toàn bộ nội dung của một bài báo hay tài liệu khi đang trong giai đoạn luyện tập. Thay vào đó hãy đánh dấu lại những phần khó để tiếp cận sau một thời gian học (ví dụ sau 6 tháng).
  • Sau khi đã biết các thuật ngữ, mọi người sử dụng các từ này để tìm kiếm trên Google để luyện tập, mở rộng vốn từ và kiến thức của mình. Ban đầu hãy tìm bằng các từ đơn lẻ như "parodontologie", "orthodontie"; sau đó kết hợp thêm các từ như "classification" (classification des maladies parodontales, classification des pathologies buccodentaires); cuối cùng là tìm kiếm theo cấu trúc PICO để ứng dụng ngoại ngữ truy xuất thông tin theo vấn đề chuyên môn. Với mỗi kết quả tìm kiếm, hãy đọc lướt và chọn một liên kết cảm thấy phù hợp để luyện đọc hiểu. Lưu ý, ở giai đoạn luyện tập, không cần để ý đến chất lượng của nguồn thông tin nhưng khi muốn nâng cao kiến thức chuyên ngành hoặc muốn ứng dụng những gì đọc được vào thực hành thì bạn cần đánh giá chất lượng của nguồn tham khảo. Đây là kỹ năng riêng nên mình không nói chi tiết ở đây.
  • Một số nguồn luyện tập đọc hiểu tiếng Pháp chuyên ngành:
    • ID - L'Information Dentaire- Le portail de la médecine bucco-dentaire: tạp chí chuyên ngành Răng Hàm Mặt đa lĩnh vực. Tuy nhiên, không phải bài nào cũng đọc được toàn văn mà phải đăng ký và đóng phí hằng năm. Mình chỉ đọc những bài miễn phí hoặc đọc đoạn đầu của các bài báo tính phí để luyện ngoại ngữ thôi vì phí đăng ký cũng khá cao.
    • Ordre National Des Chirurgien-Dentaire: trang web Hướng dẫn Quốc gia cho Bác sĩ Răng Hàm Mặt ở Pháp, có ba nhóm nội dung cho bác sĩ, sinh viên và bệnh nhân. Trong từng mảng sẽ cung cấp các file pdf (có thể download được) về các quy định liên quan đến nha khoa.
    • Ordre des Dentists du Québec: tương tự trang web trên, nhưng cái này là của tỉnh Québec - Canada. Có nhiều thông tin liên quan đến nha khoa có thể tìm kiếm ở đây để tham khảo.
    • Thư viện online của Đại học Montréal: thư viện mở này cho phép tìm kiếm tài liệu như sách, tạp chí, luận văn, v.v... Nếu là sinh viên của trường thì có thể truy xuất miễn phí. Còn với đối tượng khác, mọi người có thể tận dụng phần truy cập luận văn, vì tài liệu này không yêu cầu đăng nhập và trả phí. Sau khi gõ từ khóa (mot-clé), mọi người hãy chú ý tài liệu nào là luận văn và cho xem miễn phí, có gắn thẻ "accès en ligne" ở góc trái bên dưới của trang web.
Ngoài ra, mình cũng chia sẻ nguồn tài liệu lưu trữ riêng ở đây, đã chia theo lĩnh vực, để mọi người ôn luyện thêm.

MÌNH ĐÃ LUYỆN NÓI NHƯ THẾ NÀO?

Từ nguồn tài liệu đọc-hiểu ở trên, mọi người có thể kết hợp để luyện nói mỗi ngày gồm hai bước:

Bước 1: Tập phát âm bằng cách đọc lại nội dung bài đọc ở trên, khác với tiếng Anh cần phải biết được phiên âm từng chữ, tiếng Pháp có ưu điểm là chỉ cần biết cách phát âm cơ bản (đã học ở trình độ sơ cấp), đại khái như cách ráp vần của tiếng Việt, thì mình có thể áp dụng để tập đọc từ và văn bản chuyên môn dễ dàng. Nên luyện đọc thường xuyên để các cơ vùng miệng quen với các âm này, đọc càng trôi chảy thì khi nói sẽ nhanh và tự nhiên hơn.

Bước 2: Luyện độc thoại. Mặc dù luyện nói với người đối diện sẽ tăng khả năng phản xạ nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng, nếu tập với người bản xứ lại còn khó có cơ hội hoặc tốn kém nữa. Vì vậy, mình thường luyện nói bằng cách tự trình bày một vấn đề bằng các từ vựng học được từ bài đọc hiểu. Cứ tập dần từ việc lặp lại các câu có sẵn trong bài đọc, rồi tự đặt câu đơn giản đến trình bày ý kiến về một tình huống lâm sàng cụ thể. Đầu tư hơn thì ghi âm và nghe lại để phát hiện lỗi khi nói.

LUYỆN NGHE HIỂU LÀ PHẦN KHÓ NHẤT VỚI MÌNH

Phần nghe hiểu, mọi người có thể thực hiện theo hai kiểu nghe. Lưu ý có thể kết hợp hai kiểu mỗi ngày, không bắt buộc phải chọn một trong hai:

Kiểu 1: Nghe vô thức

Thường mình mở file nghe khi đang làm việc gì đó khác (nấu ăn, tập thể dục, đi dạo, v.v...) không cần tập trung vào nội dung của bài nói. Mình thấy luyện nghe kiểu này giúp tai mình quen với các âm (mặc dù không hiểu nghĩa), khi chuyển qua bước nghe ý thức thì sẽ dễ dàng nắm bắt nội dung hơn. Một ưu điểm khác là giúp não mình quen với ngoại ngữ mới, nên khi nghe lâu dần không bị cảm giác nặng đầu như thời gian đầu. Mình thầy rõ điều này qua hai lần đi du học. Điểm chính đối với kiểu nghe này là đừng chọn bài nghe quá nhanh, nhưng cũng đừng quá chậm, có thể nhỉnh hơn trình độ của mình một chút mọi người nhé!

Kiểu 2: Nghe ý thức

Ban đầu chỉ cần tập nghe để nắm bắt ý chính. So với luyện nghe ngoại ngữ tổng quát thì nghe các nội dung chuyên ngành sẽ dễ hơn, vì chủ đề đã có sự giới hạn trong lĩnh vực mà mình biết, có kiến thức căn bản, chủ yếu là để làm quen với cách nói của người bản xứ. Sau một thời gian, có thể kết hợp mở file nghe và tập ghi chú, xem thêm phần luyện viết bên dưới. Trong khi tài liệu đọc phong phú thì video hay audio chuyên ngành khá hiếm. Nhưng bạn đừng lo lắng, với kinh nghiệm của mình khi đã luyện nghe nhiều các nội dung tổng quát hoặc y khoa nói chung thì khi có cơ hội tiếp xúc với nội dung nha khoa khả năng nghe hiểu của mình vẫn đủ dùng. Theo dõi và đăng ký các khóa học Liên đại học giữa Việt Nam và Pháp, hội nghị nha khoa Pháp-Việt cũng là cách giúp bạn luyện tập, kiểm tra trình độ nghe hiểu của mình.

Nguồn luyện nghe gồm có: 

  • Youtube là kho video phong phú mà mình thường sử dụng, áp dụng cách tìm kiếm như với Google mình đã trình bày ở trên. Cũng lưu ý là các video có tính chuyên môn sâu thường khó tìm trên plateforme này, có thể vì vấn đề bản quyền hoặc lý do y đức.
  • FUNMOOC là một nền tảng trực tuyến cung cấp các khóa học bằng tiếng Pháp. Trong đó, có nhiều chủ đề về y khoa. Dĩ nhiên không có chuyên sâu về Răng Hàm Mặt nhưng có thể tận dụng để luyện nghe các chủ đề y khoa, cũng sẽ hỗ trợ phần nào cho các bạn. Với các khóa học đào tạo liên tục thường có tính phí, nên mình không giới thiệu ở đây.
  • Plate-forme EDUlibre cung cấp các khóa học trực tuyến miễn phí đa lĩnh vực, trong đó có mục "Santé" cũng là một gợi ý giúp các bạn tăng cường kỹ năng nghe hiểu. Số lượng khóa học không nhiều bằng các flateforme tiếng Anh nhưng theo mình đã quá nhiều cho những ai muốn học tập nghiêm túc, vì chúng ta còn có nhiều mối ưu tiên khác nữa mà!

LUYỆN VIẾT KHÔNG DỄ DÀNG!

Lý do mình đề nghị các bạn phải có trình độ từ trung cấp trở lên là để có kỹ năng viết căn bản thì khi chuyển qua sử dụng các thuật ngữ sẽ dễ dàng hơn. Theo mình, đây là kỹ năng khó tự kiểm soát nhất. Nếu được, hãy tham gia các khóa học viết căn bản để được thầy cô sửa chữa, góp ý. Ngoài ra, nếu có cơ hội, các bạn sinh viên hãy đăng ký trình khóa luận, đề tài bằng tiếng Pháp. Với trải nghiệm của mình, đây là cơ hội quý giá để mình tập trung hết mức tăng cường các kỹ năng cần thiết, trong đó có kỹ năng viết. Cơ bản cũng có hai bước:

Bước 1: Viết câu hoặc đoạn văn, dựa trên tài liệu và hiểu biết từ phần đọc-hiểu phía trên, hoặc viết lại các câu tự đặt (trong phần luyện nói). Ngược lại, có thể viết một đoạn văn hoặc bài hoàn chỉnh rồi tập nói lại cho lưu loát.

Bước 2: Luyện viết ghi chú nhanh. Phần luyện tập này chỉ thực hiện được khi đạt một trình độ cao hơn bước 1. Khi nghe giảng bằng tiếng Pháp trực tiếp hay trực tuyến, hãy tập viết tay hoặc đánh máy các ý chính của bài giảng để rèn luyện phản xạ viết của mình.

Một trong những lợi ích của việc học ngoại ngữ chuyên ngành là mình có được nguồn tham khảo chuyên môn tăng gấp đôi hoặc hơn so với chỉ biết tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Có khi tìm tài liệu bằng tiếng Anh không có hoặc tốn tiền, thì cũng có thể tìm phiên bản ngoại ngữ khác. Hơn nữa, mình cũng có thể đối chiếu các quan điểm điều trị khác nhau, các khuyến cáo của các nước để có cái nhìn toàn diện hơn về các vấn đề còn tranh cãi, từ đó ứng dụng vào thực tế tại nơi học tập và làm việc. Hoặc khi có vấn đề đọc không hiểu mà có từ hai phiên bản ngôn ngữ trở lên mình sẽ đối chiếu hai bản để xem cách diễn đạt nào dễ hiểu, hoặc kiểm tra mình đã hiểu đúng chưa, có lợi lắm các bạn nhe! Ngoài ra, biết thêm ngoại ngữ cũng sẽ mở rộng trường quan hệ hiệu quả, biết thêm nhiều thầy cô trong lĩnh vực mà mình yêu thích, dù sau thì nha khoa ở Việt Nam vẫn còn trẻ và nhiều chuyên ngành hiện chưa có đủ chuyên gia.

Mong rằng những chia sẻ này sẽ giúp được cho các bạn yêu thích và có mong muốn học tiếng Pháp chuyên ngành. Sắp tới, Harry sẽ dành thời gian để chia sẻ thêm từng chủ đề cụ thể để các bạn có thêm động lực và nguồn tài liệu tự học. Chào thân ái!

KỲ 2. CHUỖI BÀI HỌC TIẾNG PHÁP CHUYÊN NGÀNH

Nhận xét

Bài đăng phổ biến