HONEY IN ORAL HEALTH AND CARE

MẬT ONG VÀ SỨC KHỎE RĂNG MIỆNG 

Lược dịch từ bài báo "Honey in oral health and care: A mini review" đăng trên tạp chí J Oral BioSci, tháng 3 năm 2019.

GIỚI THIỆU

Mật ong (honey) là một sản phẩm thiên nhiên do ong mật (honey bees) tạo ra từ mật hoa (nectar of flowers). Mỗi con ong góp mật từ hàng trăm bông hoa và tiêu hóa mật hoa bằng men tiêu hóa (digestive enzymes) trong dạ dày, phân cắt đường sucrose của mật hoa thành đường đơn glucose và fructose. Sau giai đoạn "tiêu hóa" này, mỗi con ong sẽ nhả sản phẩm (regurgitate) đã tiêu hóa chưa hoàn thiện ra và truyền qua miệng một con ong khác để tiếp tục tiêu hóa sản phẩm. Quá trình này lặp đi lặp lại trong khoảng 20 phút cho đến khi toàn bộ lượng mật hoa chuyển hóa hoàn toàn thành mật ong thô (raw honey). Tiếp theo, ong mật phun mật ong thô vào các lỗ tổ ong (cells of honey comb), vỗ/đập cánh (flap their wings) để làm khô mật, sau đó bịt kín (seal) lỗ bằng sáp ong (wax). 
Về mặt hóa học, 17-20% thành phần mật ong là nước. Tùy thuộc vào loại mật hoa mà thành phần hóa học khác (make-up) cũng như mùi vị (flavor) và màu sắc (thay đổi trong biên độ màu sắc từ trong suốt - colorless, vàng rơm - straw-like, vàng hổ phách - amber đến đen) của mật ong có sự thay đổi. Tùy theo số loại mật hoa mà ong mật thu được để tạo ra mật mà người ta chia ra các loại (1) mật ong đơn hoa (monofloral honey) hoặc (2) mật ong đa hoa (multifloral hoặc polyfloral honey).

THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA MẬT ONG

Theo nghiên cứu, mật ong tự nhiên có chứa hơn 200 hợp chất. Đường chiếm từ 90-95% thành phần khô (dry matter) của mật ong, tiếp theo là nước, acid hữu cơ (organic acids) và chất khoáng (mineral compounds). Các loại đường bao gồm: đường đơn (monosaccharides) fructose và glucose; đường đôi (disaccharides) maltose, sucrose, maltulose, turanose, isomaltose, laminaribiose, nigerose, kojibiose, gentiobiose, và B-trehalose; và đường ba (trisaccharides) maltotriose, erlose, melezitose, v.v... khác nhau tùy theo từng loại mật. 

Ngoài ra, mật ong cũng có chứa khoảng 4-5% đường fructo-oligosaccharides. Đây là các phân tử khó tiêu hóa (indigestible), là nguồn nguyên liệu prebiotics tốt cho hệ vi khuẩn có lợi (probiotics) ở đường ruột, giúp tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa. Các hợp chất khác trong mật ong tốt cho sức khỏe toàn thân (systemic health) là men (như glucose oxidase và catalase), amino acids, vitamins (B1, B2, B3, B6 và C), canxi (calcium), sắt (iron), kẽm (zinc) và kali (potassium), v.v... Các acid hữu cơ thường gặp là acetic, butyric và citric acid. Kế nữa là các hợp chất polyphenols, có nhiều hiệu quả dược lý (pharmacological effects). 

Các nghiên cứu phát hiện các hoạt tính dược lý của mật ong bao gồm chống oxy hóa (antioxidant), kháng viêm (anti-inflammatory), kháng khuẩn (antibacterial), chống gây đột biến (antimutagenic), lành thương (wound healing), điều trị đái tháo đường (antidiabetic), kháng virus (antiviral), kháng nấm (antifungal) và phòng chống ung thư (antitumoral).

MẬT ONG VÀ SỨC KHỎE RĂNG MIỆNG

Tóm tắt tác dụng của mật ong với sức khỏe răng miệng bằng hình ảnh. Nguồn: bài bào gốc

Tổng hợp tác dụng của mật ong trên sức khỏe và bệnh lý miệng. Nguồn: bài báo gốc

CÁCH SỬ DỤNG MẬT ONG THAM KHẢO

Theo nghiên cứu của Amna và cs. (2017) so sánh mức độ viêm niêm mạc giữa nhóm bệnh nhân xạ trị có sử dụng mật ong (nhóm can thiệp) và không sử dụng mật ong (nhóm chứng), các tác giả hướng dẫn cách thức dùng mật ong cho nhóm can thiệp như sau:
Ngậm 20ml mật ong Ziziphus 15 phút trước và sau xạ trị. Vừa ngậm vừa nuốt chậm từ từ để mật ong tráng đều bề mặt niêm mạc miệng và hầu họng. Đồng thời thực hiện tương tự trước khi đi ngủ. Quy trình này nên thực hiện hằng ngày từ ngày đầu tiên bắt đầu xạ trị đến khi kết thúc liệu trình (khoảng 5-6 tuần).

Một tổng quan năm 2019 cập nhật hướng dẫn thực hành phòng ngừa và điều trị viêm niêm mạc miệng cho BN ung thư đầu cổ kết luận: khuyến cáo sử dụng mật ong kết hợp tại chỗ và toàn thân (combined topical-systemic) để phòng ngừa viêm niêm mạc miệng (Cấp độ bằng chứng: III).

KẾT LUẬN

Tóm lại, mật ong là một sản phẩm tự nhiên có nhiều công dụng trong y khoa được biết đến từ lâu. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh các lợi ích của mật ong trong phòng chống bệnh lý vùng miệng như sâu răng, viêm nướu, viêm niêm mạc miệng do tia xạ. Tuy nhiên, các bằng chứng hiện thời chưa đủ mạnh để khuyến cáo sử dụng mật ong trong quy trình thực hành tiêu chuẩn để điều trị các bệnh lý này. Ngược lại, cũng có các nghiên cứu cho thấy sử dụng núm vú giả (comforters) có thoa mật ong làm tăng nguy cơ sâu răng ở trẻ nhỏ. Vì vậy, cần có thêm các nghiên cứu để khẳng định các giá trị của mật ong trong chăm sóc sức khỏe răng miệng.

Ở góc độ cá nhân, mọi người có thể tham khảo cách sử dụng mật ong như đề cập ở trên để hướng dẫn cho bệnh nhân hoặc người nhà đang xạ trị vùng đầu cổ để phòng ngừa viêm niêm mạc miệng, khô miệng và hôi miệng. Một số lưu ý khi sử dụng mật ong:

  • Đây chỉ là điều trị hỗ trợ bên cạnh việc tuân thủ các hướng dẫn y khoa của bác sĩ điều trị và chăm sóc sức khỏe răng miệng thường quy (chải răng, dùng chỉ nha khoa, chỉ kẽ răng, ngậm máng fluoride). 
  • Để phòng ngừa nguy cơ sâu răng do thành phần đường trong mật ong, nên vệ sinh răng miệng sau khi ngậm mật ong 30 phút đến một tiếng.
  • Vì nghiên cứu đề cập ở trên sử dụng mật ong Ziziphus, tác dụng của các loại mật ong khác có thể thay đổi ít nhiều. Nếu không tìm mua được sản phẩm này, nên chọn mua loại mật tự nhiên biết rõ nguồn gốc, tránh dùng mật ong giả hoặc đã pha trộn. Vì là sản phẩm tự nhiên nên người dùng sẽ không sợ các tác dụng phụ không mong muốn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

https://caytrongvatnuoi.com/nghe-nuoi-ong/ket-cau-cua-to-ong/#:~:text=T%E1%BB%95%20ong%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c%20c%E1%BA%A5u%20t%E1%BA%A1o,ra%20t%E1%BB%AB%20c%C3%A1c%20tuy%E1%BA%BFn%20s%C3%A1p.

https://www.healthline.com/nutrition/probiotics-and-prebiotics

https://academic.oup.com/fqs/article/1/2/107/3860141

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5545960/

https://link.springer.com/article/10.1007/s00520-019-05256-4


Nhận xét

Bài đăng phổ biến