AROMATHERAPY AND DENTISTRY

AROMA LIỆU PHÁP HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ NHA KHOA 

THUẬT NGỮ VÀ ĐỊNH NGHĨA 

Aromatherapy/ L'aromathérapie: Liệu pháp/trị liệu hương thơm, liệu pháp/trị liệu tinh dầu, aroma liệu pháp (sử dụng trong bài viết này). Thuật ngữ "aromatherapy" có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp (aroma nghĩa là mùi, therapy là điều trị y khoa, trị liệu). Aroma liệu pháp là phương pháp điều trị hoặc biện pháp dự phòng một số bệnh lý về thể chất, tâm lý, thần kinh sinh dưỡng bằng cách sử dụng tinh dầu (essential oil/ huile essentielle), tinh chất thơm (vegetable essence/ essence végétale), thủy nhũ thơm (aromatic hydrosol/ hydrolats aromatiques) và dầu thực vật (vegetable oil/ huile végétale). Aroma liệu pháp là một nhánh nhỏ của thực vật liệu pháp/ thảo mộc liệu pháp - sử dụng cây cỏ trong điều trị bệnh (phytotherapy/ phytothérapie).

Essential oil/ L'huile essentielle: tinh dầu, là sản phẩm chiết xuất (chưng chất bằng hơi nước, chưng cất khô, phương pháp cơ học) từ các loại thực vật có hương thơm ở nồng độ đậm đặc. Tinh dầu có chứa chất béo và phân tử hương dễ bay hơi, hòa tan trong dầu hoặc cồn, không tan trong nước. Tinh dầu có nhiều tính năng trong y khoa, ẩm thực, thẩm mỹ, chất độc sinh học, v.v...

Vegetable essence/ Essence végétale: tinh chất thơm, là các chất có hương thơm tự nhiên do thực vật tiết ra. Ví dụ, tinh chất thơm từ cánh hoa hồng, từ vỏ của các loại quả có múi (chanh, cam, quýt, bưởi). Có thể chiết xuất tinh chất thơm bằng phương pháp ép lạnh (cold expression extraction /une extraction par expression froid), chiết lọc (percolation). Khác biệt so với tinh dầu vì tinh chất thơm là sản phẩm nguyên vẹn sau quá trình chiết xuất mà không có bất kỳ thay đổi tính chất nào. 

Aromatic hydrolats (hydrolate, hydrosol, aromatic distilled water)/ hydrolats aromatiques: thuật ngữ "hydrolat" có nguồn gốc từ tiếng La tinh, "hydro" là nước, "lat" là sữa, xin tạm dịch là dung dịch thủy nhũ thơm. Là một trong hai sản phẩm được tạo ra bằng phương pháp chưng cất cùng với tinh dầu. Thủy nhũ thơm có mùi hương nhẹ hơn so với tinh dầu vì thành phần của nó gồm nước và khoảng 0,1-5% tinh dầu, thường có màu đục như sữa. Cũng vì có nồng độ tinh dầu thấp nên thủy nhũ thơm ít cần thận trọng khi dùng, nhưng lại kém bền do dễ bị oxy hóa, cần đậy kín và bảo quản lạnh.

Vegetable oil/ huile végétale: dầu thực vật, là một sản phẩm chất béo thu được từ các loài thực vật. Thành phần chính của dầu thực vật là acid béo. Thường sử dụng dầu thực vật trong aroma liệu pháp làm chất dẫn cho tinh dầu khi bôi ngoài da vì tinh dầu hòa tan trong dầu thực vật.

Phần trình bày bên dưới chỉ tập trung vào tinh dầu. Vì đây là nhóm chính trong aroma liệu pháp.

Một số tinh dầu thường gặp, lưu ý khi tìm mua nên đối chiếu với tên tiếng Anh/ Pháp/ danh pháp khoa học (in nghiêng) (trong ngoặc) vì có nhiều loại tinh dầu có trùng tên tiếng Việt, cẩn thận khi sử dụng để không gặp tác dụng ngoại ý.

Ví dụ:

Tên tiếng Việt (Tên tiếng Anh/ tên tiếng Pháp/ danh pháp khoa học)

Tinh dầu Oải hương (Common lavender/ Lavande vraie/ Lavandula vera miller)

GIỚI THIỆU 

Aroma liệu pháp đã được sử dụng trong dân gian từ lâu và hiện nay được sự quan tâm của giới khoa học. Mặc dù không thể thay thế hoàn toàn các phương thức chữa trị chính thống, nhưng aroma liệu pháp có thể xem như một dạng thức hỗ trợ, nâng đỡ trong quá trình trị liệu các bệnh lý ở người. Ai trong chúng ta cũng sẽ ít nhất một lần mắc phải các bệnh lý răng miệng như áp tơ, hôi miệng, viêm nướu hay sâu răng, hoặc lo lắng khi đến khám răng. Những vấn đề này dù ít hay nhiều cũng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, hiểu biết về aroma liệu pháp có thể xoa dịu phần nào những khó khăn về sức khỏe đó.

ỨNG DỤNG CỦA AROMA LIỆU PHÁP TRONG NHA KHOA

Bên dưới tóm tắt một số ứng dụng của aroma liệu pháp mà bác sĩ (BS) hoặc bệnh nhân (BN) có thể ứng dụng để hỗ trợ các can thiệp nha khoa và chăm sóc sức khỏe răng miệng.

LO LẮNG (Anxiety/ Anxiété)

Nhiều BN lo lắng khi đến phòng khám nha khoa. Vấn đề tâm lý này khởi phát từ cảm giác thiếu an toàn khi BN nghe tiếng tua-bin (the noise of the turbine/ le bruit de la turbine), khi bị tiêm thuốc tê (puncture/ la piqûre), khi đang ở trong môi trường y tế (dụng cụ y tế, áo choàng trắng, mùi thuốc sát trùng, v.v...). Hiện nay, ngoài một số loại thuốc như hydroxyzine, alprazolam, diazepam, có thể sử dụng aroma liệu pháp để giúp BN thư giãn trước khi can thiệp nha khoa. 

Cụ thể, có thể bôi (cutaneous/ par voie cutanée) vài giọt hỗn hợp tinh dầu vào vùng giữa mỏm xương ức và rốn - đám rối dương (solar plexus/ plexus solaire) - tương ứng với luân xa (chakra) thứ 3 theo y học cổ truyền của Ấn độ giáo (hình 1, 2) - 3 lần/ngày. 

Hình 1. Vị trí đám rối dương.

Hỗn hợp số 1:

  • Tinh dầu Oải hương (Common lavender/ Lavande vraie/ Lavandula vera miller): 1 giọt (drop/ goutte)
  • Tinh dầu Ngọc lan tây (Ylang Ylang/ Zanthoxylum armatum): 1 giọt
  • Tinh dầu Long não (Ravensara aromatica/ Ravensare aromatique/ Ravensara aromatica): 1 giọt
  • Tinh dầu Cỏ roi ngựa chanh (Vervain citronnelle/ Verveine citronnée/ Lippia citriodora): 1 giọt

Hỗn hợp số 2:

  • Tinh dầu Hoa cam đắng (Neroli/ Néroli/ Citrus aurantium): 1 giọt 
  • Tinh dầu Kinh giới (Origanum majorana/ Marjolaine des jardins/ Origanum majorana): 1 giọt 
  • Tinh dầu Hạnh nhân (Almond/ Amande douce): 5 giọt

Hình 2. Sơ đồ 7 luân xa trong cơ thể.

Trong đó, tinh dầu Oải hương (Lavender/ Lavande) và Ngọc lan tây (Ylang Ylang/ Zanthoxylum armatum) đã được chứng minh có hiệu quả làm dịu và thư giãn. Ngoài ra, còn có một số hỗn hợp tinh dầu sử dụng bằng đường hít (olfactory/ par voie olfactive) hoặc đường uống (oral/ par voie orale).

ÁP-TƠ MIỆNG (Aphtous ulcers/ Apthes)

Có nhiều dung dịch dùng đề điều trị áp tơ miệng. Một số có tác dụng giảm đau (analgesic/ antalgique), số khác dùng nhằm mục đích vệ sinh/ sát trùng tổn thương (antiseptic/ antiseptique).

Dung dịch 1: vệ sinh tổn thương, dùng tăm bông bôi tại chỗ vài giọt tinh dầu Trà (Tea tree/ Melaleuca alternifolia) hoặc tinh dầu Oải hương (Lavender/ Lavande) hoặc tinh dầu Nguyệt quế (Noble laurel/ Laurier noble/ Laurus nobilis) 3-5 lần/ngày.

Dung dịch 2: vệ sinh tổn thương. Bôi tại chỗ hỗn hợp tinh dầu Tràm gió (Niaouli/ Melaleuca quinqueneruia) và tinh dầu Trà (Tea tree/ Melaleuca alternifolia).

Dung dịch 3: giảm đau và sát trùng tổn thương. Dùng tăm bông bôi trực tiếp lên tổn thương 2-5 lần/ngày hỗn hợp:

  • Tinh dầu Nguyệt quế (Noble laurel/ Laurier noble/ Laurus nobilis): 2ml
  • Tinh dầu Trà (Tea tree/ Melaleuca alternifolia): 1ml
  • Tinh dầu Oải hương (Lavender aspic/ Lavande aspic/ Lavandula spica): 1ml
  • Tinh dầu Sả java hoặc ceylan (Java lemongrass/ Citronnelle de Java hoặc Ceylon lemongrass/ Citronnelle de Ceylan/ Cymbopogon): 1ml 

Một số nghiên cứu chứng minh tinh dầu Oải hương (Lavender aspic/ Lavande aspic/ Lavandula spica) có hiệu quả giảm loét và đau nhanh hơn so với nhóm không dùng tinh dầu. Những dung dịch này có thể thay thế các điều trị bằng thuốc đối với các áp-tơ đơn giản. Tuy nhiên, đối với các dạng áp tơ khổng lồ (giant aphthae/ aphte géant) hoặc áp tơ tái phát (recurrent aphthae/ apthe récurrent) cần có ý kiến của chuyên gia.

VIÊM NƯỚU MIỆNG HERPES TÁI PHÁT

Virus Herpes Simplex (Herpes Simplex Virus/ Virus Herpes Simplex) thường nhiễm nguyên phát không triệu chứng (90% các trường hợp) và tái kích hoạt vào các giai đoạn căng thẳng (stress), cảm cúm (flu/ grippe), thay đổi sinh lý (kinh nguyệt - period/ règle), chấn thương (sau nhổ răng). Tần suất tái phát dày hơn đối với những BN bị suy giảm miễn dịch. Bên cạnh điều trị chính bằng thuốc kháng virus (Acyclovir), có thể hỗ trợ bằng aroma liệu pháp.

Nhóm 1: tác dụng kháng virus (antiviral). Dùng tăm bông bôi lên vị trí tổn thương một trong các tinh dầu sau, 1 giọt mỗi 2 giờ:

  • Tinh dầu Long não-Rã hương (Ravintsara/ Cinnamomum camphora)
  • Tinh dầu Tràm gió (Niaouli/ Melaleuca quinqueneruia)
  • Tinh dầu Tràm gió (Cajeput/ Melaleuca cajuputii)

Nhóm 2: tác dụng lành thương (healing/ cicatrisant) và giảm đau (analgesic/ antalgique). Dùng tăm bông bôi lên vị trí tổn thương tinh dầu Oải hương (Lavender aspic/ Lavande aspic/ Lavandula spica) khi cảm thấy đau nhiều. 

Khi sử dụng hai nhóm dung dịch trên, cần chú ý bảo vệ môi trước ánh sáng mặt trời (khi tổn thương trên môi). Có thể bổ sung thêm các vitamin B6, B9, B12 và kẽm giúp lành thương và tăng cường hệ miễn dịch.

Một nghiên cứu đánh giá hiệu quả kháng virus HSV1 và 2 của tinh dầu Bạc hà (Pepper mint/ Menthe poivrée/ Mentha piperita) ghi nhận đặc tính kháng khuẩn (99%) và kháng virus. Một nghiên cứu khác chứng minh hiệu quả kháng virus Herpes của tinh dầu Trà (Tea tree/ Melaleuca alternifolia)Một hỗn hợp dung dịch kết hợp các tinh dầu trên có tác dụng kháng virus được đề nghị bên dưới. Bôi 1-2 giọt dung dịch này mỗi 2 giờ ngay khi có những dấu hiệu đầu tiên của nhiễm Herpes như bỏng rát (burning/ brulure), ngứa (itching/ démangeaisons). Cụ thể:

  • Tinh dầu Long não-Rã hương (Ravintsara/ Cinnamomum camphora): 1,5ml
  • Tinh dầu Trà (Tea tree/ Melaleuca alternifolia): 1ml
  • Tinh dầu Bạch đàn chanh (Lemon eucalyptus/ Eucalyptus citronné/ Eucalyptus citriodora): 1ml
  • Tinh dầu Cúc bất tử (Helichrysum Immortal/ Hélichryse Immortelle/ Helichrysum angustifolium or Helichrysum italicum): 0,75ml hoặc 42 giọt 
  • Tinh dầu Oải hương (Lavender/ Lavande fine/ Lavandula officinalis): 0,5ml hoặc 29 giọt 
  • Tinh dầu Bạc hà (Pepper mint/ Menthe poivrée/ Mentha piperita): 0,25ml hoặc 15 giọt

CHỨNG HÔI MIỆNG (Bad breath-Halitosis/ Mauvaise haleine-Halitoses)

Nguyên tắc điều trị chứng hôi miệng/ hơi thở nặng mùi là cần xác định được nguyên nhân thực sự của bệnh lý, loại bỏ trường hợp do nguyên nhân tâm lý vì không phải là chứng hôi miệng thực sự. Có nhiều nguyên nhân như bệnh lý tại chỗ (sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu), đường tiêu hóa, đường hô hấp, do thuốc, thói quen (vệ sinh răng miệng kém, hút thuốc).
Tinh dầu rất hiệu quả trong hỗ trợ BN có vấn đề về hơi thở. Hiện nay có các loại nước súc miệng, viên nhộng hoặc chai xịt có chứa tinh dầu để mang lại hơi thở thơm tho. Một trong các hỗn hợp tinh dầu có thể dùng để súc miệng là:
  • Tinh dầu Bạc hà (Pepper mint/ Menthe poivrée/ Mentha piperita): 1ml
  • Tinh dầu Chanh (Lemon/ Citron/ Citrus limonum): 1ml
  • Tinh dầu Quế (Cinnamon/ Cannelle/ Cinnamomun): 1ml 
Cho 30 giọt hỗn hợp trên vào 30ml nước sạch/nước cất. Sau khi chải răng xong, ngậm trong miệng khoảng 2 phút, không súc lại bằng nước.
Có nhiều nghiên cứu dùng tinh dầu để phòng ngừa hoặc điều trị chứng hôi miệng. Các tinh dầu Bạc hà, Quế và Trà có hiệu quả thật sự chống lại vi khuẩn gây hôi miệng.

CHỐNG CHỈ ĐỊNH SỬ DỤNG TINH DẦU

Không sử dụng hoặc không chỉ định sử dụng tinh dầu, nhất là tinh dầu qua đường uống, đối với các trường hợp sau:
  • Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú
  • BN mắc bệnh động kinh vì sử dụng tinh dầu qua đường uống có thể gây co giật (convulsion)
  • BN đang uống thuốc điều trị bệnh lý khác vì tinh dầu có thể làm thay đổi hiệu quả của thuốc. Cần xác định nguy cơ tương tác thuốc với loại tinh dầu muốn sử dụng. Một số tinh dầu có thể ức chế đông máu, tăng cường hoạt tính của một số thuốc thuộc nhóm kháng vitamin K, chống đông máu, chống kết tập tiểu cầu, tương tác với thuốc điều trị đái tháo đường. Eugenol trong một số tinh dầu có hoạt tính oxy hóa monoamine trong thuốc chống trầm cảm (anti-depressant/ anti-dépresseur).

KẾT LUẬN

Nói chung, aroma liệu pháp đã được sử dụng từ lâu trong dân gian nhưng chưa có nhiều thử nghiệm lâm sàng đánh giá hiệu quả của liệu pháp này. Tuy nhiên, những bằng chứng hiện tại cho thấy đây có thể là một phương thức bổ trợ trong y khoa. Ngoài các ứng dụng nêu trên, tài liệu tham khảo bên dưới còn đề cập đến một số bệnh lý vùng miệng khác như lichen phẳng, viêm nướu, viêm nha chu, sâu răng, sau nhổ răng, mọc răng, nấm miệng, v.v... Mọi người có nhu cầu thì tìm hiểu thêm, vì các bằng chứng chưa rõ ràng nên không trình bày ở đây.

Tinh dầu được chứng minh có nhiều đặc tính như kháng viêm (anti-inflammatory/anti-inflammatoire), kháng khuẩn (antibacteria/ antibactériennes), kháng virus (antiviral), kháng nấm (antifungal/ antifungique) và sát khuẩn (antiseptic/ antiseptique). Đây là một phương thức đáng chú ý trong bệnh lý miệng (oral pathology/ pathologie buccodentaire).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Nhận xét

Bài đăng phổ biến