LEARNING SECOND FOREIGN LANGUAGE
HỌC NGOẠI NGỮ THỨ HAI
Nhân một chuyến đi chơi nhớ đời với nhiều trắc trở, gặp được những người đồng hành thú vị lại giúp mình khẳng định hơn về những giá trị bản thân đã xây dựng. Một trong số đó là việc học ngoại ngữ thứ hai. Chuyện là có cô bạn người Nhật không rành tiếng Việt, còn mình không giỏi tiếng Nhật, hai đứa khổ sở lắm mới giao tiếp được chút ít, cơ mà câu chuyện lúc nào cũng dang dở. May thay, cuối cùng hành trình đã trở nên thú vị hơn, khi chúng mình phát hiện có mối nhân duyên với tiếng Pháp. Và nhờ tiếng Pháp, hai đứa đã có những kết nối rất thú vị: chuyện học ngoại ngữ, chuyện yêu xa, chuyện tình đầu là tình cuối, chuyện đàn ông Việt - đàn ông Nhật, v.v..
Bài viết lấy cảm hứng từ chuyến đi thú vị này cũng như những trải nghiệm quý giá mình có được kể từ khi học tiếng Pháp. Mình sẽ không bàn về những thuận lợi, khó khăn hay lợi ích của học ngoại ngữ nói chung và tiếng Pháp nói riêng vì những thông tin này có rất nhiều trên internet, tìm là thấy ngay. Thay vào đó, mình sẽ chia sẻ những trải nghiệm cá nhân về các nội dung sau đây:
- Nên chọn ngoại ngữ thứ hai nào để học? (tức là bạn đã biết ít nhất một ngoại ngữ trước đó, chẳng hạn tiếng Anh)
- Kim chỉ nam cho bất kỳ người học ngoại ngữ nào là gì?
- Làm thế nào để duy trì một ngoại ngữ mà tính ứng dụng thực tế không cao? (tức là trong cuộc sống ít sử dụng tới)
CHỌN LỰA NGOẠI NGỮ THỨ HAI
Ngoài tiếng Anh, khá phổ biến ở Việt Nam từ thế hệ 8X trở đi, nếu có ý định học thêm một ngoại ngữ khác mà chưa biết chọn lựa thế nào thì sau đây là hai gợi ý cho bạn.
1. Tham khảo top 20 ngôn ngữ được nói nhiều nhất trên thế giới tại đây. Chọn ngôn ngữ được nhiều người nói sẽ tăng cơ hội sử dụng trong thực tế hơn. Ngoài ra, cũng sẽ có nhiều phương tiện hỗ trợ học tiếng như phần mềm, ứng dụng, website, mạng xã hội, v.v...
Top 20 ngôn ngữ được nói nhiều nhất trên thế giới |
2. Dựa theo nguồn gốc ngôn ngữ. Chọn lựa ngôn ngữ có nhiều điểm tương đồng với ngôn ngữ mẹ đẻ hoặc ngoại ngữ mình đã biết sẽ tiết kiệm được thời gian học cũng như cảm thấy hứng thú hơn.
Một số gợi ý:
- Tiếng Việt, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn (khác nguồn gốc nhưng có nhiều giao thoa trong lịch sử phát triển ngôn ngữ)
- Tiếng Anh, tiếng Đức
- Tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Ý
KIM CHỈ NAM CHO NGƯỜI HỌC NGOẠI NGỮ
Harry sẽ chia sẻ nhiều hơn ở một bài viết khác. Ở đây, chỉ muốn nhắn nhủ với mọi người rằng, theo kinh nghiệm của Harry thì học ngoại ngữ cũng giống như tạo một thói quen mới vậy. Hãy tưởng tượng khi muốn tập thói quen ngủ sớm và đúng giờ, tập thể dục mỗi ngày, ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước, giảm thức uống có đường, v.v... khó khăn thế nào thì để có thói quen sử dụng được một ngôn ngữ mới cũng cần nhiều nỗ lực và tính kỷ luật như vậy. Cho nên, bỏ qua năng khiếu, trí thông minh của từng người thì điều duy nhất ai cũng cần có đó là "SỰ KIÊN TRÌ".
LÀM THẾ NÀO ĐỂ DUY TRÌ NGOẠI NGỮ
Khi có được một vốn ngoại ngữ nhất định, việc duy trì những thành quả đó còn khó khăn hơn việc học rất nhiều. Vì chúng ta thường dễ bị cuốn theo các vấn đề cấp bách khác trong cuộc sống. Nếu không sử dụng thường xuyên thì rất dễ lãng quên như một kỉ niệm đẹp. Cho nên, gợi ý của Harry để duy trì ngoại ngữ thứ hai (ít có cơ hội sử dụng trong thực tế) đó là hãy tận dụng nó vào các công việc thiết thực hàng ngày:
- Xem/nghe tin tức để cập nhật tình hình thế giới. Ví dụ tin tức về dịch bệnh COVID-19, nếu chỉ nghe tiếng Việt chúng ta dễ bị nhà đài dẫn dắt suy nghĩ. Thay vào đó, sử dụng những ngoại ngữ đã biết để xem thế giới nói gì. Từ đó, có nhiều nguồn để tham chiếu, so sánh giúp có cái nhìn toàn diện hơn.
- Đọc tài liệu (sách, tạp chí, bài báo, trình chiếu, v.v...) về các chủ đề mình đang quan tâm, có thể liên quan đến nghề nghiệp hoặc là các lĩnh vực khác. Mặc dù tiếng Anh khá phổ biến và có thể tìm được nhiều tư liệu tham khảo, nhưng mỗi tác giả thuộc các ngôn ngữ khác nhau sẽ có lối tư duy, cách tiếp cận vấn đề khác nhau. Chưa kể, những tác phẩm khi đã dịch sang tiếng khác sẽ ít nhiều không còn chính xác như bản gốc.
Nhận xét