FOR VIETNAMESE LEARNING JAPANESE

CHIA SẺ TÀI NGUYÊN HỌC TIẾNG NHẬT 

TRÌNH ĐỘ SƠ CẤP


Chào mọi người, sau một khoảng thời gian học tiếng Nhật, mình thấy cần chia sẻ một số tài nguyên và kinh nghiệm cho những bạn thích học ngoại ngữ như một cách làm mới và phong phú thêm cho cuộc sống hoặc có dự định học tiếng để tìm cơ hội học tập, làm việc tại Nhật Bản hoặc cho công ty Nhật. 

1. BẮT ĐẦU NHƯ THẾ NÀO? 

Để bắt đầu học một ngôn ngữ mới, cách tiếp cận tốt nhất là học tiếng với giáo viên người Việt. Việc này khá quan trọng vì khi mới ban đầu, bạn cần hiểu rõ những đặc trưng cơ bản để có một cái nhìn tổng quát về ngôn ngữ muốn học, cụ thể ở đây là tiếng Nhật. Sau khi nắm bắt những khái niệm chung, bạn có thể lựa chọn cách học với giáo viên (học kèm, học tại trung tâm) hay tự học để nâng cao trình độ của mình. Sự tiến bộ trong học ngoại ngữ về sau phần lớn phụ thuộc vào sự nỗ lực của cá nhân.

2. CHỌN SÁCH SONG NGỮ HAY ĐƠN NGỮ?

Ở trình độ sơ cấp (N5, N4) (về các cấp độ trong kỳ thi năng lực Nhật ngữ, xem tại đây: http://gotojapan.vn/tong-hop-thong-tin-ve-cac-muc-cap-do-trong-tieng-nhat/), mình cần có thời gian làm quen với ngôn ngữ mới, nên ưu tiên sách song ngữ (Việt-Nhật, Anh-Nhật,...) vì sẽ có phần giải thích bằng thứ tiếng mình đã biết để dễ tiếp thu.
Tiếng Việt và tiếng Nhật được gọi là những ngôn ngữ đồng văn (cùng với tiếng Hàn và tiếng Trung), khá gần nhau (ngoại trừ hệ thống chữ viết). Các từ có nguồn gốc từ chữ Hán có phát âm gần giống nhau, ví dụ như: chú ý (tiếng Việt), 注意(ちゅうい- đọc là "chiu i") (tiếng Nhật), an tâm (tiếng Việt), 安心(あんしん - đọc là "an sin")... Về ngữ pháp, tiếng Nhật và tiếng Việt sử dụng cấu trúc "đề - thuyết" thay vì "chủ - vị" như các ngôn ngữ châu Âu khi phân tích câu. (Mọi người có thể tham khảo cuốn "Tiếng Việt - văn Việt - chữ Việt" của thầy Cao Xuân Hạo để hiểu rõ hơn về quan điểm này). Về văn hoá, người Nhật và Việt cùng chia sẻ một số nét truyền thống được thừa hưởng từ nền văn minh Trung Hoa nên dễ cảm nhận khi học tiếng. Vì vậy, sách song ngữ Việt-Nhật là phù hợp nhất cho các bạn mới bắt đầu. 
Sau này, khi đã nắm vững các kiến thức căn bản, các bạn có thể mua thêm sách Anh-Nhật như bộ Genki I, II để hiểu thêm tiếng Nhật dưới góc nhìn của một ngôn ngữ khác. Đó cũng là một cách mình tự làm giàu thêm vốn tiếng Anh của mình "Học ngoại ngữ mới bằng ngoại ngữ cũ". Ngày nay, khi làn sóng Âu-Mỹ xâm nhập sâu vào đất nước Nhật Bản, có khá nhiều từ ngoại quốc đã du nhập và trở thành một phần không thể tách rời trong tiếng Nhật, hoặc được viết dưới dạng chữ Roman (Romanji) hoặc được phiên âm bằng bảng chữ cứng (Katakana). Ví dụ, hamburger (ハンバーガー) (đọc là "ham-ba-ga"), team(チーム)(đọc là chi-mư). Do đó, biết tiếng Anh cũng là một lợi thế khi học tiếng Nhật.

3. TÀI NGUYÊN HỌC TẬP THEO CHUYÊN ĐỀ 

Đây là phần chính mình muốn chia sẻ với các bạn. 

Bảng chữ mềm Hiragana và bảng chữ cứng Katakana 

- Bảng chữ
- Cách học 

Hán tự 

Hán tự là một phần quan trọng khi học tiếng Nhật. Ưu điểm khi biết Hán tự là có thể đoán được nghĩa của từ mặc dù không biết cách đọc hay phát âm. Việc này rất quan trọng khi sống và làm việc ở Nhật, khi cần đọc thông báo trên đường, nơi công cộng, đọc cách sử dụng các sản phẩm, hoá đơn, thực đơn,... Ngoài ra, như đã trình bày ở trên về nguồn gốc của tiếng Việt và tiếng Nhật, Hán tự mà tiếng Nhật sử dụng thuộc bộ chữ Hán giản thể (mặc dù một số từ cách sử dụng hoặc ý nghĩa khác với chữ Hán của tiếng Trung), mỗi chữ Hán sẽ có âm Hán Việt tương ứng. Vì vậy, khi học Hán tự mình lưu ý nên học âm Hán Việt luôn. Điều này có hai tác dụng. Một là từ âm Hán Việt có thể suy ra cách đọc âm Hán Nhật (xem thêm bên dưới). Hai là biết nghĩa của âm Hán Việt bạn sẽ hiểu và thấy yêu hơn tiếng Việt của mình đó. Ví dụ, từ "thủy chung" được ghép từ hai chữ Hán-Việt là "thuỷ" (bắt đầu) và "chung" (kết thúc), vậy "thuỷ chung" có nghĩa là đi cùng ai từ khi bắt đầu đến khi kết thúc, như trong tình yêu chẳng hạn. 
Mặc dù trong các kỳ thi năng lực Nhật ngữ có 5 cấp độ từ thấp lên cao (N5, N4, N3, N2, N1), mỗi cấp độ sẽ yêu cầu một số lượng Hán tự nhất định. Chẳng hạn, cấp độ N5 khoảng 100 Hán tự (http://www.tanos.co.uk/jlpt/jlpt5/), N4 khoảng 300 Hán tự (http://www.tanos.co.uk/jlpt/jlpt4/). Tuy nhiên, mình nhận thấy nên học Hán tự càng nhiều càng tốt vì những lợi ích đã nói ở trên. Sau đây sẽ chia sẻ cả nhà những nguồn học liệu phù hợp nhé. 
  • Bộ Hán tự 360 của JVC Hội thân hữu Nhật Việt (giá tầm trên dưới 500.000đ/bộ, miễn phí giao hàng trong nước): https://gakuzai.com/products/han-tu-360, gồm có:
    • Sách hướng dẫn học Hán tự, trong đó có hướng dẫn cách chuyển âm Hán Việt sang Hán Nhật 
    • Bộ flashcard học Hán tự 
    • 2136 Hán tự theo cấp độ 
    • 2136 Hán tự theo bộ thủ 
    • ...
Bộ sách chia sẻ một số cách ghi nhớ Hán tự, cho các bạn cái nhìn tổng quan về toàn bộ Hán tự thông dụng trong tiếng Nhật. 
  • Game học tiếng Nhật "Learn Japanese with Bucha", có thể cài đặt trên điện thoại. Đây là ứng dụng học tiếng Nhật dành cho người Việt dưới dạng game, bạn có thể sử dụng để học hoặc kiểm tra kiến thức. Game thiết kế theo cấp độ từ N5 đến N1, hoàn toàn miễn phí, nhưng hơi phiền là mỗi khi qua game mới lại có quảng cáo 10-30 giây.
  • Bộ thẻ ghi nhớ (flashcard) "Bộ thẻ học Kanji thông dụng A, B, C" của MacBooks chuyên sách ngoại ngữ (https://www.facebook.com/mcbooksvn/) (giá khoảng 500.000đ/bộ/200-300 Hán tự): Đây là bộ thẻ học Hán tự bao gồm chữ Hán, âm Hán-Việt, nghĩa, âm Hán-Nhật, âm thuần Nhật kèm hình ảnh và ví dụ minh hoạ.
  • Ứng dụng Quizlet, ví dụ như https://quizlet.com/213118477/han-tu-flash-cards/, một số Hán tự đã được nhiều người biên soạn, mình có thể truy cập vào và học miễn phí. 
  • Ngoài ra, mọi người có thể tìm mua quyển "Nhớ Hán tự thông qua chiết tự chữ Hán" của Phạm Thị Thái Thuỳ, "Tự nguyên Hán tự" của tác giả Atsuji Tetsuji, do Phan Thị Mỹ Loan và Nguyễn Đỗ An Nhiên dịch. Giá mỗi quyển 50.000-80.000đ. Hai quyển này lý giải ý nghĩa và cách hình thành một số chữ Hán giúp mình có thể nhớ lâu hơn. Quyển 1 là sách dành học tiếng Trung nên có một số chữ không sử dụng trong tiếng Nhật. Mọi người cần kiểm tra với từ điển (mình đề cập bên dưới) để biết từ đó có dùng hay không. Đọc hết quyển này cũng được khoảng gần 500 Hán tự. Quyển 2 thì hơi khó đọc, do tác giả đi sâu vào nguồn gốc của chữ và kèm chứng liệu lịch sử, nên nếu không có thời gian hoặc không hứng thú thì có thể bỏ qua. Số lượng Hán tự mình học được trong quyển này cũng hạn chế, tầm khoảng 100 chữ.


Luyện từ vựng và đọc hiểu 

Các kỳ thi năng lực Nhật ngữ tập trung vào hai kỹ năng chính là nghe và đọc hiểu. Vì vậy, đọc hiểu đóng vai trò quan trọng không chỉ trong đời sống (như đã trình bày ở trên trong phần học Hán tự) mà còn trong các kỳ thi tiếng Nhật dành cho người nước ngoài. Rèn luyện kỹ năng đọc hiểu thường xuyên giúp mình nhớ được nhiều từ vựng và cách ứng dụng vào trong các văn cảnh cụ thể. Sau đây là các tài liệu Harry đã học và thấy hữu ích.
  • Bộ sách tiếng Nhật "Japanese Graded Readers" 5 cấp độ (từ 0 đến 4): có phiên bản giấy và ebook trên Google Play và App store. Mỗi cấp độ gồm nhiều truyện ngắn với đề tài đa dạng: truyền thuyết, truyện cười, lịch sử về sushi, onsen, văn học nước ngoài,... giúp luyện đọc và hiểu hơn về văn hoá và con người Nhật Bản. Bộ này mình mượn tại thư viện của trường nên cũng không rõ giá bao nhiêu. Mọi người có thể tham khảo giá trên internet nhé! 
(http://www.mrbabu.com/images/detailed/47/the-complete-set-japanese-graded-readers_758_800x.jpg)
  • Trang web tin tức "News Web Easy" (https://www3.nhk.or.jp/news/easy/tập hợp các bài viết về Nhật Bản và thế giới, mỗi bài khá ngắn, có phiên âm cách đọc Hán tự (furigana), giải nghĩa từ khó và file đọc bản tin để luyện nghe. 
  • Bộ sách (ebook + mp3) "Japanese Reader Collection" của tác giả Clay và Yumi Boutwell (16$/bộ): bộ sách tiếng Nhật có kèm file mp3 để luyện nghe, bao gồm nhiều câu chuyện ngắn kèm phần giải nghĩa từ và ngữ pháp bằng tiếng Anh ở từng trang, sau đó là toàn truyện bằng tiếng Nhật và bản dịch bằng tiếng Anh để tham khảo.
  • Sách luyện thi N5 Hajimete no nihongo Tango 1000 - bản Nhật Việt (kèm CD) (có đủ 5 cấp độ)  (http://giaotrinhtiengnhat.com/sach-tieng-nhat/sach-luyen-thi-n5-hajimete-no-nihongo-tango-1000.html: sách tổng hợp từ vựng theo cấp độ, kèm ví dụ để hiểu rõ từ vựng trong văn cảnh cụ thể. Điểm thú vị là sách có cái bookmark đi kèm bằng nhựa trong trùng với màu của từ vựng (đóng vai trò như kính lọc), khi che lại thì chỉ thấy được nghĩa của từ vựng (in màu đen) mà không thất từ vựng, dùng để kiểm tra từ xem đã nhớ chưa.  

(http://bizweb.dktcdn.net/thumb/grande/100/335/968/products/combo-sach-luyen-thi-hajimete-no-nihongo-n5-n1.jpg?v=1543478967447)
  • Ứng dụng Quizlet, ví dụ như https://quizlet.com/213118477/han-tu-flash-cards/, một số Hán tự đã được nhiều người biên soạn, mình có thể truy cập vào và học miễn phí. Ngoài ra, trong quá trình học, Harry cũng có biên soạn một số từ vựng, các bạn có thể tìm tài khoản của Harry (huy_nguyen41) để lấy bài học. Tất cả các bài đều để ở chế độ public.
  • Khoá học trực tuyến của trung tâm Akira: phần tự vưng có phát âm và hình ảnh sinh động. Điểm trừ là chỉ sử dụng Hán tự theo cấp độ nên nhiều từ vựng có Hán tự ngoài giới hạn 100 từ của cấp độ N5 chỉ được viết bằng chữ Hiragana, làm mình không luyện được nhiều Hán tự và cũng khó nhớ từ.

Luyện nghe 

Các tài liệu luyện nghe một phần đã trùng lặp ở trên nên mình sẽ không nói lại để tránh bị dài quá. Ngoài các phương tiện trên, một nguồn học liệu mình rất thích đó là Youtube. Tại Nhật, các chương trình truyền hình thường luôn có phần phụ đề bên dưới, rất dễ theo dõi và hiểu nếu không nghe kịp. Đây là một ví dụ mà mọi người có thể dùng để luyện nghe: https://www.youtube.com/watch?v=qBQG4YPYMww

Ngữ pháp 

Nhiều trung tâm Nhật ngữ đăng nhiều bài viết rất hữu ích về ngữ pháp. Đây là một trong những trang khá hệ thống mà mọi người có thể tham khảo:
Bên trên, trong khoá học trực tuyến của  trung tâm Akira, Harry đã giới thiệu cũng có lồng ghép ngữ pháp trong từng bài học, mọi người có thể lựa chọn phương pháp học phù hợp với mình. 

Khác 

Ngoài ra, để học tốt ngoại ngữ thì không thể không sử dụng đến từ điển. Sau một thời gian sử dụng, mình nhận thấy, ứng dụng từ điển hữu ích nhất cho mình là Mazii, có phiên bản trên web và smartphone luôn nhé. https://mazii.net/#!/search. Đây là từ điển Nhật - Việt nên giao diện thân thiện và dễ sử dụng. Có thể tra từ, hán tự, ngữ pháp,... bằng cách gõ tiếng Việt, tiếng Nhật (romanji, kanji, hiragana, katakana), chọn nét hoặc viết chữ vào biểu tượng tương ứng. 


Cuối cùng, không thể không nhắc đến một phương tiện vô cùng hữu hiệu, nhất là trong tình huống khẩn cấp hoặc khi cần hiểu nghĩa của cả câu mặc dù đã tra nghĩa của từng từ mà vẫn không hiểu. Đó là ứng dụng Google translate. Mình thích nhất là chức năng dịch bằng hình ảnh, mọi người nếu chưa biết có thể xem một ví dụ bên dưới để hiểu hơn về chức năng này nhé. Không phải chỉ dùng để học tiếng Nhật mà còn hữu ích khi đi du lịch mà không biết tiếng địa phương đó khi cần giao tiếp. 


Cuối cùng, Harry chúc mọi người thành công khi chinh phục một ngôn ngữ hơi "khó chịu" này nhé! Mọi góp ý hay thắc mắc có thể comment dưới bài viết này! 


Nhận xét

Bài đăng phổ biến