TRAIN AND SELF-TRAIN DURING A GRADUATE PROGRAM

CÁCH HUẤN LUYỆN VÀ TỰ HUẤN LUYỆN TRONG CHƯƠNG TRÌNH SAU ĐẠI HỌC Ở NƯỚC NGOÀI?

Mỗi người đến với hành trình du học bậc sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) sẽ có những mong muốn hay mục tiêu khác nhau. Phần chia sẻ bên dưới là những trải nghiệm cá nhân của Harry với mục tiêu sau cùng là tích lũy đủ giá trị để tham gia vào hoạt động giáo dục y khoa tại Việt Nam. Cần nhấn mạnh rằng đây là định hướng riêng trong bối cảnh giáo dục đại học ở Việt Nam, không hoàn toàn phù hợp cho những ai có ý định định cư hay tìm việc ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp hoặc hành nghề tư nhân sau khi về nước. Tuy nhiên, những mô tả thực tế này có thể sẽ giúp các bạn trẻ có dự định du học vạch định con đường học vấn của bản thân tốt hơn, tránh mơ hồ khi bước chân đến một miền đất mới; đồng thời các chia sẻ từ kinh nghiệm cá nhân sẽ là những gợi ý về phương pháp học tập dành cho những ai thấy phù hợp. Mình tin rằng nắm rõ thực trạng của cơ sở đào tạo ngoài nước để tận dụng triệt để nó theo những mục tiêu tương lai sẽ giúp bạn cảm nhận được mỗi giây phút trôi qua luôn mang đầy ý nghĩa!

Một thực tế mà có thể nhiều bạn trẻ không nắm rõ là chương trình sau đại học ở nước ngoài, ít nhất là tại một số trường mình biết (Canada, Nhật) có nội dung khá "đơn giản", chủ yếu tập trung vào công việc nghiên cứu (thường là nghiên cứu y sinh, khoa học cơ bản) và đăng bài báo. Ngoài nghiên cứu,  các khóa học/tín chỉ bắt buộc chỉ chiếm 5-10% tổng thời gian theo học chương trình thạc sĩ/tiến sĩ. Tuỳ theo giáo sư/ bộ môn/ phòng thí nghiệm mà áp lực công việc sẽ khác nhau. Có những bạn phải làm việc liên tục, đăng nhiều bài trong một năm, cũng có bạn chỉ cần một bài báo là đủ điều kiện tốt nghiệp mà cũng không quá căng thẳng. Người có việc đã đành, chỉ cần cố gắng hoàn thành những gì được giao, còn kẻ nhàn rỗi nếu không biết tận dụng 3-4 năm "tự do" ở nước ngoài để tích lũy các giá trị cho công việc trong tương lai sẽ dễ rơi vào cảnh lúc du học thì vui chơi quá mức, khi về nước giảng dạy thì bỡ ngỡ vì cái gì cũng xa lạ, chưa được trang bị kiến thức, kinh nghiệm lẫn kỹ năng.

Làm giảng viên y khoa phải giữ nhiều vai trò, trong đó mình tóm gọn trong bộ ba: nhân viên y tế - giảng viên - nhà nghiên cứu khoa học. Dựa trên chương trình tiến sĩ mà mình khái lược ở trên, sẽ thấy sau khi tốt nghiệp, một tiến sĩ còn thiếu rất nhiều thứ khi hoà vào dòng chảy lao động tại môi trường giảng dạy đại học ở Việt Nam. Với bằng cấp nước ngoài và nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao đang gia tăng tại các cơ sở đào tạo mới mọc, chắc hẳn sẽ không khó để tìm việc khi về nước. Tuy nhiên, quan sát thực tế cho thấy, nhiều bạn mới về sẽ bị loay hoay với môi trường làm việc mới (văn hóa công sở, quan hệ đồng nghiệp, cơ chế chính sách làm việc), công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng mà bản thân chưa được đào tạo trong thời gian ở nước ngoài, v.v... Do có chút ít trải nghiệm và khoảng nghỉ giữa hai lần du học, mình hiểu được ít nhiều về nhu cầu nhân lực ở vị trí công việc mình yêu thích cũng như xác định được mục tiêu rõ ràng hơn. Sau đây là tóm tắt thực trạng tại một vài cơ sở đào tạo nước ngoài và hoạt động huấn luyện cũng như tự huấn luyện của mình trong suốt thời gian theo học chương trình thạc sĩ và tiến sĩ để mọi người tham khảo.

KIẾN TẬP VÀ THỰC TẬP LÂM SÀNG

Tùy theo bộ môn mà bạn được giáo sư đồng ý tiếp nhận, công việc có liên quan lâm sàng sẽ khác nhau. Vì số lượng bộ môn ở các nước phát triển khá nhiều, như trường của mình có trên 30 bộ môn liên quan đến nha khoa; do đó, công việc được chuyên môn hóa rất cao, sẽ có những bộ môn chỉ chuyên về lâm sàng (khám chẩn đoán, chỉnh nha, phẫu thuật hàm mặt, v.v...), đồng nghĩa bạn có nhiều cơ hội tiếp xúc với bệnh nhân và ngược lại những bộ môn chỉ làm công việc tại phòng thí nghiệm/xét nghiệm (giải phẫu bệnh, bệnh học phân tử) thì hầu như không bao giờ gặp được bệnh nhân.
Đối với các bộ môn có liên quan trực tiếp đến lâm sàng (gọi tắt là bộ môn lâm sàng), chủ yếu chúng ta sẽ được giao phụ trách các công việc hành chính, chuẩn bị dụng cụ, vật liệu; khi quen việc cũng như được sự tin tưởng của giáo sư, thì sẽ được làm một số thủ thuật đơn giản dưới sự giám sát của các thầy hay bác sĩ bệnh viện. Nói chung, cần chuẩn bị trước tinh thần là không bao giờ được phụ trách hoàn toàn một ca lâm sàng. Nên hiểu rõ điều này và xác định mục tiêu của mình là kiến tập để nắm rõ quy trình, học hỏi cách vận hành công việc lâm sàng, cập nhật các máy móc, trang thiết bị, vật liệu hiện đại của cơ sở đào tạo để không bị chán nản hay "vỡ mộng". Lý do đơn giản là vì các nước phát triển chưa chấp nhận bằng cấp đào tạo bác sĩ Răng Hàm Mặt và chứng chỉ hành nghề nha khoa của Việt Nam. Đối với các bạn mới tốt nghiệp đại học rồi học thẳng chương trình tiến sĩ ở nước ngoài thì cũng không có đủ thời gian tích lũy để xin chứng chỉ hành nghề ở Việt Nam. Cần mở ngoặc là một số trường hợp nếu có đủ kỹ năng, thể hiện sự phấn đấu liên tục (tham gia kiến tập, hội chẩn, hỗ trợ đồng nghiệp, v.v...) được giáo sư ghi nhận và tin tưởng, bạn sẽ được tiếp cận nhiều khâu trong quy trình lâm sàng, nhưng đây là trong phạm vi quản lý và đánh giá riêng của giáo sư, chứ không nằm trong chương trình học được quy định từ trước. 
Đối với các bộ môn không liên quan trực tiếp lâm sàng (gọi tắt là bộ môn cận lâm sàng), chúng ta sẽ được huấn luyện và tham gia vào hầu hết quy trình. Tuy nhiên, thường bao giờ cũng có một thầy chịu trách nhiệm đứng tên cùng với mình trong tất cả các thủ tục giấy tờ. Các công việc trong phòng xét nghiệm/thí nghiệm hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe hay tính mạng của người bệnh nên cũng dễ hiểu vì sao chúng ta được phép thực hiện mà không cần có giấy phép hay chứng chỉ hành nghề. Mặc dù không được tiếp xúc với lâm sàng như các bộ môn lâm sàng nhưng bù lại làm việc trong các bộ môn cận lâm sàng lại có đủ cơ sở vật chất và dễ tìm kiếm đề tài nghiên cứu hơn. Nhiều bạn của mình mặc dù thuộc bộ môn lâm sàng nhưng khi cần làm nghiên cứu cũng phải hợp tác hay thuyên chuyển qua các bộ môn cận lâm sàng/phòng thí nghiệm để thực hiện đề tài nghiên cứu tốt nghiệp.
Ngoài công việc của bộ môn và nghiên cứu chính, nếu sắp xếp được thời gian, cũng có thể xin phép hay nhờ giáo sư của mình giới thiệu đến các bộ môn khác để kiến tập lâm sàng (như mình thì xin đi xem các thầy đặt implant cho bệnh nhân). Một cách khác là đăng ký thêm các tín chỉ phụ ở các bộ môn mình muốn tìm hiểu vào đầu học kỳ, nội dung học thường sẽ bao gồm lý thuyết và kiến tập lâm sàng. Ngoài ra, tùy theo chính sách của từng trường, như trường hợp ở Canada, mình được đăng ký học miễn phí các lớp đào tạo liên tục dành cho bác sĩ địa phương do trường tổ chức để cập nhật các kiến thức và kỹ năng lâm sàng trong hành nghề nha khoa. Nếu có điều kiện (thời gian và tài chính), bạn cũng có thể tìm kiếm và đăng ký các workshop và hands-on do các hiệp hội hay công ty thiết bị và vật liệu nha khoa tổ chức (ví dụ như các chứng chỉ về chỉnh nha, implant hay vi phẫu chẳng hạn). Cuối cùng, là tự tìm công việc bán thời gian liên quan đến nha khoa, thông thường cần biết tiếng bản xứ để giao tiếp, công việc mà người nước ngoài được phép làm là trợ thủ nha khoa, không cần có giấy phép hành nghề nha khoa, nhưng phải có giấy phép làm việc (work permit) theo quy định của từng nước để được trả lương, quản lý thuế thu nhập theo quy định.
Nói chung, cơ hội thực hành lâm sàng tại cơ sở nước ngoài so với trong nước khá khiêm tốn. Cần tranh thủ kiến tập, nâng cao kỹ năng quan sát và ghi chép, phát triển tư duy, tạo nền tảng lý thuyết vững chắc để khi quay lại môi trường trong nước có thể hoàn thiện kỹ năng lâm sàng trong thời gian ngắn. Ngoài các nội dung kể trên, mình vẫn thường xuyên trao đổi, hội chẩn chuyên môn với các bác sĩ trong nước, nghe trình ca lâm sàng của các bạn sinh viên, đọc và đánh giá các ca lâm sàng của đồng nghiệp gửi. Như vậy, sẽ giúp củng cố kiến thức và kinh nghiệm lâm sàng.

HỌC LIỆU TRỰC TUYẾN VÀ TRỰC TIẾP

Tại các trường đại học có hai nguồn học liệu chính không thể bỏ qua là trực tiếp và trực tuyến. Học liệu trực tiếp gồm có hệ thống thư viện của trường, thư viện liên kết với các trường đại học khác và tủ sách chuyên ngành ở các bộ môn/bệnh viện. Thông thường, có thể sử dụng thẻ sinh viên để vào tất cả các hệ thống thư viện này mà không cần tốn phí gì khác. Khi mới nhập học, nên dành thời gian tìm hiểu và đi dạo quanh các thư viện để xem có những sách nào mình cần tìm, cách thức tìm sách trên hệ thống trực tuyến của trường, cách thức mượn và trả sách hay photocopy nếu được. Cũng cần lưu ý tủ sách chuyên ngành ở bộ môn, mặc dù số lượng đầu sách không nhiều nhưng toàn là sách tuyển chọn và có giá trị. Nhiều cuốn mới xuất bản và giá tương đối đắt đỏ nhưng lại khó tìm thấy bản ebook nên tranh thủ đọc và sử dụng trong thời gian học tại trường.

Sách chuyên ngành bệnh lý miệng 

Học liệu trực tuyến ở các trường đại học cũng rất phong phú, chủ yếu là ebook và tạp chí chuyên ngành. Thông thường nếu sử dụng mạng internet của trường và ID (mã định danh) của sinh viên có thể truy cập vào các tạp chí uy tín mà trường đã trả phí hằng năm để tải bài báo miễn phí. Một lưu ý khác mà có thể bạn không để ý là cổng thư viện online của trường cũng sẽ cung cấp một giải pháp nào đó để có thể tải bài từ xa khi đang sử dụng mạng internet ngoài campus (như ở nhà riêng hay ở nước ngoài). Cách thức có thể hơi khác nhau tùy theo loại dịch vụ mà trường sử dụng, vì vậy, nên vào trang chủ Thư viện của trường để tìm hiểu để tận dụng tối đa các tiện ích này. Sau khi tốt nghiệp, ID sinh viên của bạn sẽ bị vô hiệu hóa nên sẽ không truy cập vào được nữa. 

5 giải pháp tiếp cận miễn phí bài báo khoa học từ nguồn có tính phí

5 bước đánh giá nhanh độ tin cậy của bài báo khoa học

Với lượng học liệu phong phú như trên, không chỉ có ích cho công việc nghiên cứu chính mà còn giúp mình tìm hiểu các chủ đề quan tâm đến chuyên ngành nói riêng và nha khoa nói chung. Mình thường dành thời gian đọc và tổng hợp tài liệu, nếu thấy quan trọng thì lưu lại vào các thư mục riêng để sau này dễ tìm (xem thêm ở đây); nếu liên quan đến chuyên ngành chính mà mình theo học thì sẽ tranh thủ soạn bài Word hay Powerpoint để dành xem lại hay giảng dạy về sau; nếu thấy có nhiều điểm mới thì có thể viết thành các tổng quan (xem thêm ở đây) gửi đăng báo trong nước để chia sẻ kiến thức với đồng nghiệp.

NGUỒN DỮ LIỆU Y KHOA

Hành nghề nha khoa cần dựa trên kiến thức và kinh nghiệm tích lũy, chứ không phải chỉ cần xông xáo bắt tay vào làm mà đầu óc trống rỗng là được. Chắc hẳn mọi người đã nghe đến chuyện là một bác sĩ nha khoa thì phải hình dung trong đầu kết quả trước khi bắt đầu điều trị cho bệnh nhân rồi đúng không? Có người làm nhiều quen tay nhưng thiếu tư duy, không phân tích rõ bản chất của vấn đề thì suốt đời cũng chỉ dậm chân tại chỗ hay thậm chí thụt lùi so với bạn bè cùng trang lứa, mà thiệt thòi nhất là về phía bệnh nhân. Vậy nên, đừng quá quan trọng một vài năm không hành nghề rồi thua kém bạn bè. Thay vào đó, mình tăng cường kiến thức và kinh nghiệm lâm sàng bằng cách học trên bệnh án, ca lâm sàng của nước bạn. Dù không được trực tiếp can thiệp trên bệnh nhân, nhưng mình hoàn toàn có thể truy xuất hồ sơ bệnh án, xem tiền sử bệnh, bệnh sử, hình ảnh lâm sàng, kết quả cận lâm sàng và các thông tin liên quan khác (dĩ nhiên không được để lộ thông tin cá nhân của bệnh nhân hoặc sao chép dữ liệu ra ngoài cơ sở đào tạo), phân tích những ca lâm sàng như vậy, tự đặt câu hỏi, rồi tìm lời giải bằng nguồn học liệu nêu trên, cuối cùng thì cầu cứu đến các thầy nếu vẫn chưa thấu hiểu vấn đề. 

Để khai thác triệt để dữ liệu y khoa, làm chủ kỹ năng đọc hiểu tiếng bản xứ là yếu tố then chốt, mình dành ra hai năm đầu để luyện đọc hiểu các từ chuyên môn (xem thêm các bài về Ngoại ngữ chuyên ngành Anh-Pháp-Nhật). Lúc đầu không hiểu thì có thể sử dụng từ điển hay Google Translate bằng cách scan hình ảnh (cũng hơi bất tiện vì nhiều từ chuyên ngành dịch sai hoặc dễ bị người khác hiểu lầm là mình đang chụp hình lại hồ sơ bệnh án), khi quen rồi thì có thể đọc hiểu thoải mái, tự tin hơn, chỉ cần mình có quyết tâm - kiên trì là được. Việc phát triển tư duy và triết lý điều trị đối với mình có vai trò quan trọng hơn thao tác hay kỹ năng tay chân. Ngoài giờ nghiên cứu, mình sẽ truy cập vào hệ thống quản lý bệnh án của bệnh viện, đọc lại hồ sơ bệnh án, các kết quả giải phẫu bệnh, xem lam giải phẫu bệnh, các báo cáo mô bệnh học và can thiệp trên bệnh nhân. Qua đó, mình có thể hiểu rõ và nhận thấy khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề ở nước ngoài so với Việt Nam là gì, cái nào nên học, cái nào không nên. Đây chính là cách phát triển tư duy phản biện trong khoa học nói chung.

CÁC HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ GIẢNG DẠY

Theo đuổi con đường sau đại học, đa phần chúng ta sẽ bén duyên với công việc giảng dạy hoặc đã có niềm yêu thích với nó. Tuy nhiên, giảng dạy không phải chỉ dựa vào năng khiếu, đam mê, kiến thức chuyên ngành mà cần có kỹ năng sư phạm. Bên cạnh thời gian trau dồi kiến thức chuyên môn và nghiên cứu, cũng nên tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ giảng dạy của trường. Với đặc thù là các trường đại học quốc tế có nhiều sinh viên nước ngoài, có nhiều hoạt động hỗ trợ học tập cho sinh viên đại học cần sự tham gia của học viên cao học biết tiếng Anh. Mình từng tham gia các lớp về đào tạo kỹ năng thương lượng, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề thông qua các thực trạng của từng nước, mô phỏng bệnh nhân, v.v... với vai trò là một teaching assistant (trợ giảng). Qua đó, vừa có cơ hội thực hành tiếng Anh, vừa tích lũy cho mình kinh nghiệm về cách thức truyền đạt hiệu quả nhất cho sinh viên, lại còn có lương nữa.

Ngoài các hoạt động trợ giảng kể trên, tùy bộ môn, học viên cao học còn được sắp xếp làm trợ giảng (teaching assistant) hay phụ tá nghiên cứu (research assistant) theo cơ chế hoạt động của từng nơi. Công việc trợ giảng này thường được giáo sư chỉ định (vì có lương) mà cũng tương đối nhẹ nhàng như chuẩn bị tài liệu giảng dạy, hỗ trợ sinh viên trong quá trình thực tập các học phần tại bộ môn, canh thi cuối khóa. Nhờ vậy, mình cũng biết thêm về cách thức và tình hình giảng dạy của các trường, có thể đối chiếu với mô hình trong nước để khắc phục những điểm hạn chế. Tham gia tích cực các hoạt động này cũng giúp bạn ghi điểm trong mắt của thầy cô hướng dẫn. Vì vậy, hãy ghi chú rõ ràng các giờ lên lớp của thầy cô và không bao giờ được đến trễ nhé.

Ngoài hoạt động trợ giảng tại trường, với sự phát triển của các nền tảng học trực tuyến, mình cũng tham gia giảng dạy online cho một số lớp ở Việt Nam hay tự lập các nhóm làm việc để huấn luyện kỹ năng dịch thuật và kiến thức chuyên ngành cho các bạn trẻ. Mình cũng luôn giữ liên lạc với các thầy cô, đồng nghiệp ở Việt Nam, tham gia vào các nhóm biên soạn sách, tài liệu giảng dạy, dịch thuật. Mỗi hoạt động như vậy lại là cơ hội giúp mình nhận ra những thiếu sót của bản thân, tăng cường kỹ năng sư phạm trong môi trường thực tế, không bị bỡ ngỡ khi quay lại làm việc trực tiếp.

CÁC KHÓA HỌC TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ VÀ CÓ PHÍ

Giảng dạy và học tập là hai hoạt động không thể tách rời, ngoài các hoạt động trợ giảng, cần bổ sung thêm các kiến thức và kỹ năng sư phạm như: phương pháp giảng dạy sau đại học, cách học tập hiệu quả, phương pháp ghi nhớ, ghi chú hiệu quả, thiết kế powerpoint, v.v... thông qua các lớp học trực tuyến (có khá nhiều nền tảng trực tuyến cung cấp các khóa học về kỹ năng sư phạm miễn phí như FUN-MOOC (tiếng Pháp), EDUlib (tiếng Anh), GACCO (tiếng Nhật), Udemy (tiếng Tây Ban Nha), v.v... Thông qua các khóa học này mình vừa tự trang bị thêm kiến thức sư phạm, vừa rèn luyện kỹ năng nghe-đọc hiểu ngoại ngữ. Một khóa học có phí tại Việt Nam mình thấy phù hợp là chuỗi bài thiết kế powerpoint của 9Slide, mọi người có thể google để tìm hiểu thêm.

Tại các trường mình theo học, cũng thường xuyên tổ chức các khóa học hay workshop về nghiên cứu, kỹ năng mềm hoàn toàn miễn phí. Nội dung thì vô cùng phong phú từ các chủ đề về ngôn ngữ (lớp ngữ pháp, lớp giao tiếp, lớp đọc viết và tranh luận khoa học), lịch sử Nhật Bản, bàn luận các vấn đề xã hội, đọc và thảo luận nội dung sách; kỹ năng thiết kế và thuyết trình, nghiên cứu khoa học (y đức, viết và công bố bài báo), v.v... Sắp xếp tham dự các khóa học này là những cơ hội để gặp gỡ bạn bè, có thêm nhiều quan điểm và góc nhìn về cuộc sống, hiểu rõ hơn nơi mình đang học tập và chắc chắn là những hành trang quan trọng trong sự nghiệp giáo dục y khoa sau này.

Trên đây là tóm tắt các hoạt động huấn luyện và tự huấn luyện của mình trong hai năm học Thạc sĩ ở Canada và bốn năm học Tiến sĩ tại Nhật. Mong rằng với các chia sẻ cá nhân và trải nghiệm thực tế này sẽ giúp cho các bạn có mong muốn du học hiểu rõ hơn về bối cảnh ở các nước phát triển và lựa chọn con đường phù hợp cho bản thân cũng như nhận ra các cách thức học tập phù hợp dựa trên nguồn lực hiện có. Ngoài ra, những ai muốn theo đuổi nghiệp giáo ở trong nước cũng có thể xem đây là một tham khảo để tìm ra hướng phát triển bản thân phù hợp. Chúc mọi người sẽ hoàn thành thật tốt các mục tiêu đã đặt ra nhé!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến