POLYPLOT - HOW TO LEARN MANY FOREIGN LANGUAGES

  TÁM CHUYỆN HỌC NHIỀU NGOẠI NGỮ


Polyglot là từ dùng để chỉ người thành thạo nhiều ngoại ngữ, trong đó "poly" có gốc từ Hy Lạp nghĩa là nhiều (tương đương với many, multi-), còn "glot" xuất phát từ từ Hi Lạp "glotta" nghĩa là ngôn ngữ (language) hay lưỡi (tongue); một thuật ngữ tương đương khác là multilanguage (từ này có lẽ quen thuộc hơn). Vì không rõ bao nhiêu thì gọi là nhiều, chiếu theo toán học, mình tạm cho nhiều là lớn hơn một. Vậy nên, bài viết này sẽ chia sẻ một số cảm nhận và kinh nghiệm của mình liên quan đến học nhiều ngoại ngữ. Nói trước mình không phải là một người có khiếu học ngoại ngữ (bằng chứng là mình dành rất nhiều thời gian từ lúc bắt đầu học đến khi đạt trình độ nhất định, cũng như phải duy trì hằng ngày, khi sử dụng thì dùng từ và mẫu câu rất đơn giản, chơn phương thôi) nên nếu mình có thể làm được thì chắc chắn nhiều người cũng có thể, đừng ngần ngại nếu có ý định học thêm một ngoại ngữ mới nhé! Còn bây giờ cùng bắt đầu thôi nào!

CÁC GIAI ĐOẠN CẢM XÚC KHI HỌC MỘT NGOẠI NGỮ MỚI

Dựa trên những trải nghiệm cá nhân mỗi lần học ngoại ngữ mới, mình thấy có những giai đoạn cảm xúc tương tự, mặc dù ở từng ngôn ngữ, mỗi giai đoạn có thể dài ngắn khác nhau. Vậy nên, nhận diện được mẫu hình (pattern) cảm xúc của bản thân khi học ngoại ngữ, bạn có thể kiểm soát việc học tốt hơn, giúp duy trì được cảm hứng học tập, nhất là vào những giai đoạn chán nản vì cảm thấy mình không tiến bộ. Sau đây là trình tự các giai đoạn cảm xúc khi học liên tục một ngoại ngữ mà mình đúc kết được:
  1. Háo hức làm quen khi bắt đầu học vì cảm thấy thú vị, có thể ứng dụng ngay các mẫu câu chào hỏi đơn giản với bạn bè, người bản xứ
  2. Chán nản lần 1 khi lượng kiến thức (từ vựng, ngữ pháp, v.v...) tăng lũy tiến mà bản thân không thể nhớ hết, nhất là khi làm bài tập, khi thầy cô hỏi bài
  3. Thích nghi với ngôn ngữ mới do quá trình thực hành, rèn luyện liên tục và đều đặn mặc dù chưa sử dụng thành thạo hay chưa hiểu hết nội dung
  4. Chán nản lần 2 vì thấy quá nhiều khía cạnh của ngôn ngữ mà mình không nắm rõ, đặc biệt là sau những sự kiện quan trọng cần sử dụng ngôn ngữ đó (trải qua các kỳ thi mà kết quả không như mong đợi, phỏng vấn xin việc, dịch thuật, sự kiện hay hoạt động giao lưu văn hóa, v.v...). Lưu ý, cảm giác chán nản này có thể lặp lại n lần, tùy theo kỳ vọng và mức độ rèn luyện của mỗi người.
  5. Tự tin sử dụng vốn từ hiện có để diễn tả các mong muốn và đọc hiểu, nghe hiểu hầu hết các nội dung liên quan trong đời sống và chuyên ngành
  6. Thưởng thức, xem ngoại ngữ là một sở thích, chủ động tìm hiểu các khía cạnh khác nhau của ngôn ngữ
Cá nhân mình mỗi lần rơi vào tình trạng thấy chán nản, thất vọng khi kết quả học tập không được như mong muốn, mình sẽ nhìn lại và tự đặt câu hỏi:
  • Mình đã đầu tư đủ mức (thời gian, công sức, phương pháp học tập) cho nó chưa? Mà chắc chắn là chưa nên mới chưa đạt được kết quả như mong muốn. Vậy nên mình sẽ lên kế hoạch (thời gian biểu và phương pháp) để khắc phục những khía cạnh còn thiếu sót đó.
  • Mình có đi đúng mục tiêu ban đầu khi thực hành ngoại ngữ này hay không? Nếu không thì phải xác định lại để tránh tâm lý so sánh với bạn bè rồi tự ti. Ví dụ mình xác định học tiếng Nhật để đọc tài liệu thì dĩ nhiên giao tiếp sẽ không tốt như các bạn có nguyện vọng đi làm ở Nhật.
Trước khi bắt đầu tập trung vào khắc phục các điểm yếu, hãy dành vài ngày để thư giãn, tham gia các hoạt động yêu thích khác. Vì khi đầu óc căng thẳng, tập trung vào một vấn đề liên tục, đầu óc sẽ bị bão hòa, làm cho mình có cảm giác càng học càng dở.

CÁCH THỨC HỌC NHIỀU NGOẠI NGỮ CÙNG LÚC

Mặc dù biết nhiều ngoại ngữ, nhưng mình chưa bao giờ bắt đầu học hai ngoại ngữ ở cùng thời điểm, tức là mình học nhiều ngoại ngữ cùng lúc nhưng ở các trình độ khác nhau. Mình từng có trải nghiệm khi bắt đầu học tiếng Pháp mà lúc đó tiếng Anh của mình chưa tốt, mình rất hay bị suy nghĩ lộn xộn, có khi từ tiếng Anh, có khi từ tiếng Pháp, lúc muốn nói từ tiếng Anh mà trong đầu chỉ hiện ra từ tiếng Pháp. Sau một thời gian, chỉ tập trung vào tiếng Pháp và đạt được trình độ ở mức trung cấp, mình mới quay lại học tiếng Anh, thì hiện tượng trên ít xảy ra nữa. Sau này trải nghiệm học tiếng Nhật thì mình lại khẳng định thêm là điều này đúng với mình. Cho nên, có mấy gợi ý như sau:
  • Học một ngoại ngữ đến trình độ trung cấp trước khi bắt đầu học ngôn ngữ khác
  • Tại mỗi thời điểm, tập trung học một ngoại ngữ nhưng phải duy trì những ngoại ngữ đã biết
Một trải nghiệm khác khi bắt đầu tiếp xúc với môi trường đa ngôn ngữ (cụ thể là lúc ở Canada) là mình rất hay bị nhức đầu do phải thay đổi ngôn ngữ liên tục khi giao tiếp với những người khác nhau. Sau một thời gian làm quen, thì tình trạng này không còn nữa, thậm chí lại thấy hứng thú khi có thể nói chuyện cùng lúc với nhiều bạn mà sử dụng các thứ tiếng khác nhau. Để khắc phục "hội chứng" đau đầu kể trên, mình tự tạo thói quen nghe mỗi ngày:
  • Tạo một folder đa thứ tiếng (đã và đang học), thường là các file nghe hiểu trong các sách luyện thi, rồi mở lên nghe khi đang chạy xe, chạy bộ, tập thể dục
  • Nếu ở nhà thì mở Youtube chuyển qua lại giữa các kênh tin tức, phim truyện, talkshow bằng các ngôn ngữ đã biết, mỗi chương trình tầm 30-60 phút
  • Cũng có thể mở podcast các kênh ngoại ngữ đã biết và cho nó chạy liên tục. Chỉ cần lên podcast rồi search "english show", "le programme français", "日本語の番組" chẳng hạn, bạn sẽ được đề xuất rất nhiều kênh hay ho
  • Nghe radio dạy ngoại ngữ bằng một ngôn ngữ khác tiếng Việt cũng là một lựa chọn, có thể giúp mình rèn luyện song song hai ngoại ngữ
Sau một thời gian, không chỉ giải quyết được tình trạng đau đầu, mình còn có thể thu nhận được nhiều thông tin đa chiều từ các kênh nội dung kể trên.

LÀM SAO ĐỂ HỌC GIỎI NGOẠI NGỮ NẾU MÌNH KHÔNG THÍCH HAY KHÔNG CÓ NĂNG KHIẾU?

Đối với cá nhân mình, học ngoại ngữ không hẳn là sở thích, mà là bản thân có thấy nó cần thiết hay không. Giống như mình bắt đầu học tiếng Anh từ lớp 2, mà đến lớp 12 vẫn chưa nói được câu nào cho ra hồn. Mãi đến lúc học đại học, thấy thầy cô bạn bè trao đổi với người nước ngoài trong các hoạt động giao lưu lẫn chuyên môn, mình mới thấy thật sự cần thiết và có kế hoạch học tập nghiêm túc với mục tiêu rõ ràng. Mỗi người sẽ có những sự kiện, tình huống trong đời làm cho ta vỡ lẽ và thay đổi nhận thức về một điều gì đó. Và nhận thức về việc cần thiết học ngoại ngữ cũng vậy!
Học ngoại ngữ cũng không cần có năng khiếu. Đa số đều cần nỗ lực rất nhiều để đạt được một trình độ nhất định. Thay vì đổ lỗi hay mong chờ vào tài năng thiên bẩm, vốn không thể thay đổi từ sau khi sinh ra đời, mình tin rằng xác định mục tiêu/sự cần thiết của một ngoại ngữ nào đó và kiên trì theo đuổi là yếu tố tiên quyết. Còn làm sao kiên trì thì mình có một chia sẻ nhỏ ở đoạn tiếp theo.
Trước tiên hãy tìm lý do hay động lực khiến bạn theo đuổi một ngoại ngữ nào đó. Mặc dù tất cả kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) đều cần thiết và có sự hỗ trợ qua lại, nhưng điều này không có nghĩa là bắt buộc phải hoàn thiện tất cả kỹ năng khi học ngoại ngữ. Nếu có nhiều mối bận tâm hay ưu tiên khác trong cuộc sống, hãy xác định nhu cầu thực tế của mình khi học một ngoại ngữ là gì. Chẳng hạn như muốn giao tiếp với người nước ngoài, muốn đọc báo tiếng Anh để xác nhận thông tin đa chiều hơn, muốn làm biên dịch/thông dịch viên, muốn đọc tài liệu chuyên ngành, v.v... Từ đó, bạn sẽ biết được mình cần chú trọng rèn luyện những kỹ năng nào, như thế sẽ tiết kiệm được thời gian và có kế hoạch cụ thể để đạt được các mong muốn đó. Khi đạt được một trình độ nhất định, bạn sẽ cảm thấy yêu thích nó và có thể tự trau dồi thêm cũng như nhận được những ích lợi từ ngoại ngữ đó. Mình rất tâm đắc với câu "Người ta chỉ yêu thích cái mà người ta giỏi thôi!" Còn đến mức nào gọi là giỏi thì người ta không có nói :)

CÓ CÁCH NÀO ĐỂ LÀM CHỦ NHANH CHÓNG MỘT NGOẠI NGỮ?

Câu trả lời là "Không có". Mình vẫn hay nhắc đi nhắc lại với bản thân "học ngoại ngữ là một quá trình." Để học được một ngoại ngữ trong thời buổi công nghệ hiện nay thì có rất nhiều công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách tận dụng các công nghệ đó, và cũng không phải ai cũng kiên trì theo đuổi. Ngoài thời gian học trên lớp, trung tâm ngoại ngữ hay các khóa học trực tuyến, hãy để bản thân tiếp xúc thường xuyên và liên tục với ngoại ngữ đó bằng nhiều phương thức, theo kiểu vô thức như: nghe nhạc, nghe tin tức, nghe talkshow, podcast lúc đang làm việc nhà, tập thể dục; hay kiểu tập trung như xem phim, viết nhật ký, đọc tin tức, biên dịch sách, bài báo, tổng hợp kiến thức chuyên ngành, v.v... Lưu ý là mỗi phương thức này phù hợp với người này nhưng không phù hợp với người khác. Bản thân mình chưa bao giờ học ngoại ngữ qua bài hát, vì mình khó cảm nhận âm nhạc bằng tiếng nước ngoài. Mình cũng hiếm khi xem phim để học ngoại ngữ. Nhưng mình đã thử qua hầu hết các phương thức kể trên vài lần rồi tự cảm nhận xem mình cảm thấy dễ chịu khi tiếp xúc với ngoại ngữ bằng phương thức nào, trước khi xếp nó vào danh mục các việc cần làm mỗi ngày.
Mong rằng mới những chia sẻ cá nhân này sẽ giúp bạn có thêm phương pháp và động lực để duy trì hoặc trau dồi một ngoại ngữ mới, mở ra nhiều cơ hội và viễn cảnh hay ho cho cuộc sống của mình nhé!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến