SOME SPELLING ERRORS IN VIETNAMESE DENTISTRY TERMINOLOGY

SỬ DỤNG THUẬT NGỮ RĂNG HÀM MẶT ĐÚNG CHÍNH TẢ

Ngôn ngữ nói chung và thuật ngữ nha khoa nói riêng luôn nằm trong quá trình vận hành và phát triển, đặc biệt là khi thế giới ngày càng phẳng, sự giao thoa, tiếp nhận hay Việt hóa từ vựng từ các nền văn hóa là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, trong lĩnh vực đòi hỏi sự chính xác và bằng chứng như Răng Hàm Mặt, Harry chỉ đề xuất mọi người, nhất là các bạn trẻ lưu tâm hơn khi sử dụng các thuật ngữ trong trao đổi chuyên môn.

MỘT SỐ LƯU Ý VỀ CHÍNH TẢ LIÊN QUAN ĐẾN THUẬT NGỮ

BỆNH MẠN TÍNH

Nhiều bác sĩ, kể cả giảng viên cũng như sách chuyên ngành hay dùng nhầm là "bệnh mãn tính", đến cả Google cũng hay tự động đề xuất mình sửa "mạn" thành "mãn", đây là một kiểu phát triển của ngôn ngữ, cái sai dùng quen thì mặc định là đúng. Nguyên nhân sử dụng sai có thể do không biết nguồn gốc từ Hán-Việt của "mãn" và "mạn", cũng có thể do cách phát âm hai dấu nặng kế nhau (bệnh mạn) sẽ khó hơn dấu nặng và ngã (bệnh mãn). Về mặt nghĩa Hán-Việt, "MÃN" (滿) có nghĩa là "tràn, đầy, trọn vẹn" (mãn nguyện, hạnh phúc mỹ mãn, viên mãn) hay "đạt tới một trình độ, kỳ hạn nào đó" (mãn kinh, mãn hạn, mãn khóa); còn "MẠN" (慢) là "chậm chạp, trì hoãn, kéo dài" (mạn tính) đối nghịch với "CẤP" (急) là "vội vàng, gấp gáp, nhanh" (cấp tính). Vậy, sử dụng đúng nên là "BỆNH MẠN TÍNH" mọi người nhé!

CA LÂM SÀNG

Khi trình bày báo cáo ca lâm sàng hay số ca bệnh, có nhiều bác sĩ và sinh viên hay dùng "Case lâm sàng" hoặc "Cas lâm sàng". Thật ra cách dùng này cũng không gây hiểu nhầm gì nhưng xét về mặt ngôn ngữ thì lại không hay lắm, nhất là đối với chúng ta, những người làm việc cần có sự chỉn chu và khoa học. Cái không hay ở đây là khi sử dụng ngôn ngữ chúng ta cần đảm bảo tính nhất quán, ngoại trừ những thuật ngữ tiếng nước ngoài mọi người đã chấp nhận mà không dịch ra được (chẳng hạn như implant, inlay, onlay, v.v...). Ở đây, từ "CA" theo mình là xuất phát từ từ tiếng Pháp (CAS) cũng có phát âm tương tự như "CA" (chữ "s" cuối là âm câm, không phát ra khi đọc). Từ "CA" cũng như một số từ gốc tiếng Pháp khác đã được du nhập và Việt hóa (ví dụ, áp-xe [abcès], áp-phích [affiche], nhà ga [le gare], xe buýt [le bus], v.v...). Khi dùng thì chúng ta nên lấy từ đã được Việt hóa để trình bày nhằm đảm bảo tính thống nhất của cả bài mọi người nhỉ!

CHẨN ĐOÁN

Rất nhiều sinh viên trong các lần trình chuyên đề cứ quen dùng từ "Chuẩn đoán". Nguyên nhân có lẽ là do có nhiều tài liệu hoặc thầy cô cũng hay dùng từ này. Đây là một từ Hán Việt nên chúng ta lại phải phân tích dựa vào từ điển Hán-Việt để hiểu rõ. Từ "CHUẨN (準) nghĩa là "đúng, theo như vậy, cứ như vậy" (tiêu chuẩn, chuẩn mực, chuẩn bị), còn "CHẨN" (診) nghĩa là "xem xét, khám nghiệm". Kết hợp hai từ này với từ "ĐOÁN" (斷) nghĩa "phán đoán, đưa ra nhận xét" thì mọi người sẽ thấy từ CHẨN ĐOÁN sẽ đúng với bản chất công việc là "xem xét và đưa ra phán đoán" hơn là CHUẨN ĐOÁN "phán đoán chuẩn mực hay phán đoán theo như vậy". Bởi vì, nếu phán đoán đúng thì đâu cần chỉ định xét nghiệm, đầu cần theo dõi điều trị, cũng không cần có thêm các thuật ngữ chẩn đoán sơ bộ, chẩn đoán xác định làm gì đúng không?

GIẢI PHẪU, PHẪU THUẬT

Từ "PHẪU" (剖) trong "giải phẫu", "tiểu phẫu", "phẫu thuật" đều là dấu ngã. Theo từ điển Hán-Nôm, nghĩa của "PHẪU" là mổ xẻ, phân tích ra cho rõ ràng. Còn từ "PHẨU" thì mình không thấy sử dụng.

PHIM TOÀN CẢNH

Theo một số thầy cô từng kể, thì Panorex là tên một hãng sản xuất (brand name) máy chụp phim X quang (cái này mình chưa kiểm chứng được), trong đó có phim toàn cảnh (panoramic film). Khi trình bày, nhiều người hay dùng "Panorex" thay vì "Phim toàn cảnh". Về nguyên tắc, chúng ta sẽ gọi tên sự vật theo bản chất của nó chứ không dùng tên thương mại, vừa để tránh hiểu nhầm (vì một hãng sản xuất sẽ có nhiều sản phẩm chứ không phải chỉ một loại, hay cùng loại sản phẩm có thể do nhiều nhà sản xuất tạo ra với tên thương mại khác nhau), vừa để tránh mang danh nghĩa quảng cáo cho một hãng sản xuất nào đó. Ngoài ra, để chi tiết hơn, nhất là khi trình bệnh án hay viết báo cáo ca lâm sàng trên các tạp chí, chúng ta sẽ ghi tên gọi chung của sản phẩm + tên thương mại/nhà sản xuất. Quy tắc này có thể áp dụng cho tất cả sản phẩm, thiết bị trong nha khoa. Ví dụ: xi măng GIC quang trùng hợp (Vitre-bondTM, 3M ESPE, St. Paul, Hoa Kỳ), composite quang trùng hợp (Tetric EvoFlow, Ivoclar Vivadent, Schaan, Liechtenstein). 

5 NGUYÊN TẮC KHI SỬ DỤNG KẾT HỢP THUẬT NGỮ TIẾNG NƯỚC NGOÀI

Phần này đưa ra một số lưu ý liên quan đến sử dụng tiếng nước ngoài, thường là tiếng Anh, trong phần trình bày (viết/nói) bằng tiếng Việt. Đây là những nguyên tắc nhỏ để tạo sự thống nhất và chuyên nghiệp khi giao tiếp trong môi trường hàn lâm.

  1. Chỉ sử dụng thuật ngữ tiếng Anh nếu không có từ tiếng Việt tương đương và thuật ngữ đó đã được giới chuyên môn công nhận, ví dụ: implant, inlay, onlay
  2. Nên kèm theo giải thích tiếng Việt phía sau (để trong ngoặc đơn nếu trên văn bản, hoặc giải thích cho người nghe nếu đang trình bày miệng) khi muốn sử dụng một thuật ngữ tiếng Anh không thông dụng, ví dụ: sealant (chất trám bít hố rãnh)
  3. Nên kèm theo thuật ngữ tiếng Anh (để trong ngoặc đơn) khi trình bày một thuật ngữ bằng tiếng Việt mà không chắc cách dịch của mình có đúng không, ví dụ: u sợi-răng nguyên bào men (ameloblastic fibro-odontoma)
  4. Sử dụng thuật ngữ tiếng Anh ở dạng số ít, không có mạo từ (ví dụ: sử dụng "implant", chứ không dùng "the implant" hay "implants")
  5. Nên tra cách phát âm của thuật ngữ để nói cho chuẩn theo tiếng nước người ta khi trình bày miệng
Ngoài ra, với các thuật ngữ khó hay hiếm gặp mọi người có thể tham khảo thêm bài viết "Cách biên dịch thuật ngữ hiếm gặp" nhé!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến