AYURVEDA AND DENTISTRY

 Y HỌC CỔ TRUYỀN ẤN ĐỘ - AYURVEDA VÀ SỨC KHỎE RĂNG MIỆNG 

GIỚI THIỆU

Y học Ayurveda là y học cổ truyền có ảnh hưởng rộng rãi nhất. Từ Ayurveda gồm "veda" (sự hiểu biết) (savoir) và "ayur" (sự trường thọ) (la longévité) hay "khoa học cuộc sống" (science de la vie). Những hiểu biết này có từ thiên niên kỉ thứ 3 trước công nguyên cho đến này vẫn còn giá trị. Theo suy nghĩ của người Ấn Độ, các hiện tượng sinh dưỡng và tâm lý (phénomènes somatiques et psychiques) không tách rời nhau. Y học Ayurveda là một tiếp cận toàn diện (une approche holistique), trong đó đặt con người trong một tổng thể của nó (globalité) bao gồm các điều kiện hữu cơ (condition organique), sinh học (condition biologique), tâm lý (condition psychologique), tâm linh (condition spirituelle) và môi trường (condition environnementale) để thấu hiểu, phòng ngừa và chữa trị các loại bệnh lý. Sức khỏe thể chất (la santé physique) và tinh thần (la santé mentale) là điều kiện thiết yếu cho tất cả mục đích sống. Ngược lại, y học tây phương hay còn gọi là y học đối chứng (la médecine allopathique) dựa trên nền tảng dùng thuốc (médicaments) để trung hòa các hậu quả hoặc nguyên nhân gây ra bệnh. Tiếp cận này không thể giải quyết triệt để các tác dụng phụ (les effets secondaires) lên trên cá thể. Ở khía cạnh này, y học Ayurveda coi việc chữa lành không chỉ tập trung vào bệnh lý mà còn các vấn đề liên quan khác.

Trong lĩnh vực sức khỏe răng miệng, y học ayurveda chú ý đến các nguyên tắc vệ sinh răng miệng (les règles d'hygiène orale) cũng như điều trị các bệnh lý răng miệng (pathologies bucco-dentaires), gọi chung là danta swasthya.

KHÁI NIỆM CƠ BẢN

Theo các tài liệu về Ayurveda, vi vũ trụ trong cơ thể con người (le microcosme humain) và đại vũ trụ (la macrocosme) (là môi trường tự nhiên mà con người sinh sống) có 5 thành tố cơ bản tương tự nhau, gọi chung là panchabhuta:

  1. Không gian (l'espace/ éther/ akasa)
  2. Không khí (l'air/ vâyu)
  3. Lửa (le feu/ agni)
  4. Nước (l'eau/ âpa)
  5. Đất (la terre/ prithvi)

Hình 1. Các thành tố cơ bản theo y học Ayurveda. Nguồn: https://www.planetayurveda.com/pa-wp-images/panchmahabhuta-five-elements.png

5 thành tố cơ bản này có tính chất (rasa) và năng lực (virya) tác động đến môi trường và cơ thể con người (Hình 2). Để biết thêm chi tiết, bạn đọc có thể tra cứu phần tài liệu tham khảo bên dưới.

Hình 2. 5 thành tố cơ bản và các tính chất, năng lực tương ứng. Nguồn [1]
Tựu trung, 5 thành tố cơ bản trên cùng các tính chất và năng lực tương ứng duy trì hoạt động sống trong cơ thể con người thông quá quá trình tiêu hóa (la digestion) tạo ra các chất cần thiết cho cơ thể (ahara-rasa) và các chất thải tiêu hóa (urines, fèces). Các chất cần thiết góp phần xây dựng 6 loại mô (dhatu-rasa): máu (le sang), cơ (la chair), mỡ (la graisse), xương (les os), tủy (la moelle) và mô mầm (la semence). Chất thải từ hoạt động của các loại mô này (les résidus tissulaires) và chất thải tiêu hóa gọi chung là mala. Sự cân bằng giữa dhatu và mala quyết định sức khỏe toàn thân biểu hiện dưới dạng khí chất (humeurs). Bất kỳ yếu tố nào ảnh hưởng đến cân bằng này sẽ gây ra bệnh. Phòng ngừa và điều trị bệnh theo y học Ayurveda dựa trên nguyên tắc tái cân bằng khí chất bằng các loại thực phẩm và thuốc có tính chất tương khắc với loại khí chất đó (propriétés antagonistes).

ỨNG DỤNG TRONG NHA KHOA

Que chải răng (le bâton à mâcher)

Trong y học Ayurveda, người ta sử dụng que chải răng làm từ cành cây để loại bỏ mảng bám (la plaque dentaire). Chỉ có một số loại cây đặc biệt phục vụ cho mục đích này như Salvadora persica (miswak), Azadirachta indica, Glycyrrhiza glabra, Acacia Catechu L., Termmalia arjuna, v.v... Chọn que gỗ có chiều dài từ 15-20 cm, đường kính 1-1,5cm. Người dùng nhai phần đầu que gỗ để lộ các sợi gỗ (les filaments) có tác dụng tương tự như lông bàn chải (les poils d'une brosse à dent). Nhúng đầu que vào nước để làm ẩm các sợi gỗ trước khi dùng làm sạch răng. Khi phần sợi bị xơ, dùng dao cắt bỏ rồi tiếp tục sử dụng đoạn gỗ tiếp theo theo quy trình trên. Cũng theo y học Ayurveda, tùy theo khí chất (l'humeur) của từng người mà chọn lựa loại cây phù hợp làm que chải răng. Về mặt hóa học, trong cây mismak có chứa một số thành phần như flo, silic, acid tannic, nhựa resin, alcaloide, tinh dầu (huiles essentielles), hợp chất lưu huỳnh (composés de souffre), vitamin C, muối bicarbonate, clorua, canxi và benzylisothiocyanate có tác dụng vệ sinh, kháng khuẩn, bảo vệ men răng, kích thích tiết nước bọt, tăng cường lành thương mô nướu. Với nhiều công dụng trên, mismak không chỉ dùng làm que chải răng mà còn dùng để sản xuất nước súc miệng (bain de bouche) và kem đánh răng (dentifrice).

Về cơ bản, que chải răng theo trường phái Ayurveda cũng có công dụng tương tự bàn chải răng đang sử dụng phổ biến hiện nay. Kiến thức về y học Ayurveda góp phần khẳng định vai trò của vệ sinh, cụ thể là chải răng hằng ngày, đối với sức khỏe răng miệng. Bài viết không khuyến cáo thay thế bàn chải răng bằng que chải răng.

Hình 3. Cách sử dụng que chải răng. Nguồn [1]

Dụng cụ vệ sinh lưỡi (le grattoir à langue)

Sử dụng dụng cụ vệ sinh lưỡi mỗi ngày sau khi thức dậy. Dụng cụ vệ sinh lưỡi có dạng chữ U (en forme de U) hoặc một số biến thể khác. Đặt phần đuôi chữ U lên mặt lưng lưỡi, càng sâu càng tốt, rồi kéo nhẹ nhàng từ sau ra trước, lặp lại động tác 5-10 lần. Sau đó, tiến hành chải răng, dùng chỉ nha khoa (le fil dentaire). Dụng cụ vệ sinh lưỡi có thể làm bằng vàng, bạc, sắt, nhưng thường dùng loại bằng đồng. Theo Ayurveda, đồng là nguyên tố vi lượng cần thiết để kích hoạt nhiều protein trong cơ thể người cũng như vi khuẩn. Tuy nhiên, khi ở dạng hợp chất nồng độ cao, đồng sẽ có tác dụng diệt khuẩn. Có hai cơ chế liên quan. Một là đồng kích thích đại thực bào (les macrophages) tổng hợp các yếu tố kháng khuẩn. Hai là đồng ngăn cản vi khuẩn gắn kết với sắt nhằm tham gia vào quá trình phát triển của chúng. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu đầy đủ về cơ chế kháng khuẩn của đồng.

Hình 4. Cách sử dụng dụng cụ vệ sinh lưỡi. Nguồn [1]
Về mặt khoa học, các nghiên cứu đánh giá chải lưỡi giúp giảm mùi hôi hơi thở theo cảm nhận chủ quan của người dùng, đồng thời tác dụng chải lưỡi bằng dụng cụ chải lưỡi có hiệu quả giảm các hợp chất sulfur bay hơi (chất gây mùi hôi ở miệng) 75% so với bàn chải răng là 45%. Lưu ý chung cho mọi người là nên vệ sinh lưỡi nhẹ nhàng bằng dụng cụ thích hợp 2-3 lần/tuần hoặc khi thấy lưỡi có nhiều mảng bám. Hiện nay, trên thị trường, có các bộ kit gồm bàn chải lưỡi và kem vệ sinh lưỡi hoặc cây vệ sinh lưỡi riêng lẻ có thể sử dụng tuỳ theo nhu cầu và sở thích.

Súc miệng bằng dầu (le tirage à l'huile)

Y học Ayurveda dùng dầu để pha chế các sản phẩm có thể nuốt được hoặc bôi trên da để xoa bóp (massage). Trong nha khoa, súc miệng bằng dầu để làm sạch khoang miệng. Loại dầu ayurveda có tên Kavala Graha dùng trong các liệu pháp điều trị đái tháo đường (le diabète) hoặc hen suyễn (l'asthme). Sản phẩm này cũng có hiệu quả tại chỗ trong dân gian Ấn Độ để điều trị sâu răng (la carie), hơi thở hôi (l'halitose), chảy máu nướu (les saignements de gencives), khô miệng (la sécheresse orale), nứt môi (les lèvres craquelées).

Có thể dùng một số loại dầu ăn (des huiles comestibles) để súc miệng như dầu hướng dương (l'huile de tournesol), dầu dừa (l'huile de noix de coco) hay dầu mè (l'huile de sésame). Cách súc miệng khá đơn giản. Ngậm 1 muỗng canh dầu hoặc hỗn hợp dầu trong miệng, cử động lưỡi và má để dầu lan đều các vị trí của khoang miệng trong vòng 10-15 phút. Khi nhả ra nếu dầu vẫn còn màu vàng nghĩa là thời gian súc miệng chưa đủ. Nếu dầu nhả ra nhão quánh (visqueuse) và có màu trắng sữa (blanc laiteux) là đạt yêu cầu. Không được nuốt vì trong dầu này có chứa vi khuẩn và độc chất cần loại bỏ. Nên súc miệng vào buổi sáng, trước khi chải răng.

Không có nhiều nghiên cứu đánh giá hiệu quả của liệu pháp súc miệng bằng dầu. Tuy nhiên, thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng của Asokan (2009) cho thấy không có khác biệt chỉ số mảng bám (l'indice de plaque), chỉ số nướu biến đổi (l'indice gingival modifié) và mức độ khúm vi khuẩn trước và sau súc miệng bằng dầu mè và chlorhexidine. Ưu điểm của dầu là không thay đổi màu răng, rẻ tiền, tiện lợi vì có sẵn trong nhà, không bị dị ứng, không bị bám mùi kéo dài. Nhược điểm duy nhất là thời gian súc miệng lâu, khoảng 10-15 phút. Nghiên cứu thực hiện trên dầu dừa của Peedikayil cũng cho kết quả tương tự.

Yoga

Viêm nha chu (la parodontite) giữ vai trò bệnh căn (un rôle étiologique) và cộng gộp trong các bệnh tim mạch (les maladies cardiovasculaires), bệnh mạch máu não (la maladie cérébrovasculaire), tiểu đường (le diabète), bệnh hô hấp (les maladies respiratoires) cũng như các sự cố trong thai kỳ (des problèmes lors des grossesses). Các đáp ứng viêm trong bệnh nha chu bị chi phối bởi các tác nhân tại chỗ, môi trường và di truyền (des facteurs locaux, environnementaux et génétiques).

Yoga giúp phát triển tinh thần và thân thể thông qua các bài tập (des exercices) và thiền hành (la méditation). Mặc dù chưa có hiểu biết đầy đủ về tác dụng của yoga đối với sức khỏe toàn thân và răng miệng, hiệu quả giảm stress là một lợi ích có thể nhắm tới đối với bệnh nhân nha chu. Tham khảo bài Yoga, stress và bệnh nha chu để biết thêm chi tiết.

Thảo mộc liệu pháp (la phytothérapie)

Các loại thảo mộc có tác dụng kháng khuẩn (contre les bactéries) và giảm đau (antidouleurs) có thể là một lựa chọn thay thế các loại thuốc kháng sinh và giảm đau hiện nay để hạn chế các tác dụng phụ (les effets secondaires).

Theo y học Ayurveda, nhiều loại thảo mộc có tác dụng trong điều trị răng miệng như: hoa lài (jasmin à grandes fleurs/ Jasminum grandiflorum), chanh (citron/ Citrus limon), xoài (mangue/ Mangifera indica), trà xanh (Thé vert/ Camelia sinensis), lô hội (Aloe vera), nghệ (curcuma/ Curcuma longa), v.v... Tham khảo lại các bài viết sau để hiểu rõ đặc tính của một số thảo dược thông dụng:

Lợi ích của lô hội trong nha khoa

Aroma liệu pháp hỗ trợ điều trị nha khoa 

Vai trò của nghệ trong sức khoẻ răng miệng

Tiềm năng của trà xanh trong việc chăm sóc răng miệng

Ong mật liệu pháp (l'apithérapie)

Ong mật liệu pháp sử dụng mật ong (le miel) và sáp ong (la propolis) trong điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn ở miệng (les infections buccales), loét miệng (les ulcères buccaux), bệnh nha chu (les maladies parodontales), viêm miệng do tia xạ (la stomatite après radiothéparie), hơi thở hôi (l'halitose) và sâu răng (les caries). Xem bài Mật ong và sức khỏe răng miệng để biết thêm chi tiết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ayurveda et santé orale
  2. A magic of ayurveda in dentistry: A review

Nhận xét

Bài đăng phổ biến