MEMORIES IN CANADA - PART 7: FINANCIAL ISSUE

HỒI KÝ GIA NÃ ĐẠI

Mộc góc trường mùa thu

PHẦN 7. CHUYỆN TIỀN NONG KHI DU HỌC

Như đã kể ở những phần trước, việc du học Canada của mình không nằm trong dự định. Vì vậy, mình không có kế hoạch hay chuẩn bị gì cho chuyến đi này, nhất là khoản tài chính. Mà thật ra gia đình mình cũng chỉ đủ ăn đủ mặc chứ cũng không có khả năng cho mình đi du học tự túc (dù là có kế hoạch từ trước đi chăng nữa). Nhưng trong thâm tâm mình, luôn có một niềm tin rằng một ngày nào đó mình sẽ bước ra thế giới bằng sự cố gắng của bản thân, chỉ là không lường được sự cố gắng đó nhiều đến mức nào thôi. Khi có cơ hội đến Canada, mình quán triệt tư tưởng là chỉ cố gắng hết mình rồi tới đâu thì tới (lý do chi tiết thì mình có kể ở những phần đầu rồi). Ít nhất nếu không có đủ tiền ở lại học cho xong thì mình cũng có khoảng thời gian du lịch ở xứ sở lá phong rồi còn gì. Mình nghĩ thế rồi cứ tiếp tục bước thôi, tính ra mình cũng đơn giản thật! Nói đơn giản vậy, nhưng khi bước tới xứ người rồi mình mới thấy nỗi lo tài chính lớn dần mọi người ạ. Nhiều đêm nằm ngủ mà đầu óc vẫn mơ màng, không biết ngày mai mình có tìm được việc không, rồi chi phí tháng này có đủ để chi trả không,... Đúng là một trải nghiệm giúp mình trưởng thành hơn, nhưng chỉ trải một lần thôi, chứ đừng trải nhiều quá haha. Sau lần du học này, mình xác định là lần sau mà đi nữa thì phải có đủ tài chính mình mới xách balô lên và đi.

Khoảng thời gian đầu ở Canada, ngoài việc thích nghi với môi trường mới, đặc biệt là việc học tập và nghiên cứu khá căng thẳng thì mình cũng phải lo tìm cách trang trải chi phí. Thời điểm đó, có ba cách mà mình nghĩ tới: (1) là tiết kiệm chi phí sinh hoạt nhiều nhất có thể; (2) là tìm thêm nguồn học bổng khác ngoài khoản hỗ trợ của tổ chức AUF (tổ chức đã gắn bó với mình trong 6 năm đại học và cho mình suất học bổng thạc sĩ) và (3) là tìm việc làm thêm.

Nói về chuyện tiết kiệm, cũng may là mình sống khá đơn giản, không có thú vui du lịch đây đó, nên khoảng thời gian du học, địa điểm mình lui tới hằng ngày chỉ có ba nơi: nhà trọ - trường học - khu thể thao phức hợp của trường. Nhỏ bạn người Ả rập từng khuyên mình tranh thủ đi thăm thú đây đó, như thác Niagara chẳng hạn, vì không biết năm thuở mười thì mới tới Canada. Mình chỉ cười trừ rồi bỏ qua. Tiền bạc thiếu thốn thì cũng vay mượn được, nhưng đi chơi mà phải nợ nần thì mình không thích, vả lại mình thích đi với ai đó hơn là đi đâu đó. Đi với người muốn đi thì đi đâu cũng được. Vì vậy, kiểu 10 điểm đến không thể bỏ qua hay những nơi đẹp nhất trên thế giới nếu không đi thì phí một đời đối với mình chỉ là hư ảo. Cảnh đẹp trên đời này thì không thiếu, nhưng người bên cạnh mình đủ để chia sẻ thì không nhiều. Được cái, Canada với mình cái gì cũng mới, mỗi ngày chỉ cần đi dạo quanh nhà cũng thấy đủ thoả mãn rồi. Mở ngoặc ra là trường mình học (Université de Montréal) nằm trên một quả đồi cao, xung quanh thì có nhiều khu biệt thự (nhà trọ của mình ở nằm trong số đó) nên cảnh xung quanh cũng đẹp hút hồn. Những buổi chiều mùa thu đi dạo quanh khu vực đó, nhìn lá phong chuyển màu khi vàng khi đỏ thiệt là ngây ngất! Vậy nên, mình hầu như không đi thăm thú đâu một mình, chỉ tranh thủ mấy dịp các thầy quản lý nhà trọ của mình có tổ chức sinh hoạt tập thể ở đâu đó thì mình tham gia, vừa để hiểu về văn hoá, về con người, bạn bè quốc tế, lại tiết kiệm được chi phí đi lại, ăn ở (do các chương trình này được các thầy trong nhà dòng bảo trợ).

Đường tới trường mùa xuân

Quay lại chuyện nhà trọ, nhờ cô BD giới thiệu, mình đến sống cùng các bạn sinh viên quốc tế trong một ngôi nhà trên đường Willowdale. Chi phí hằng tháng gồm ăn-ở-điện-nước-wifi là 600 CAD (thời điểm đó 1 CAD khoảng 18.000đ), đặc biệt là mỗi ngày đều có cô đầu bếp nấu ăn cho cả nhà - đây là điều mình thích nhất, vì không phải mất thời gian đi chợ,  nấu ăn, rồi suy nghĩ ăn món gì, mà ăn một mình lại hay bỏ bữa hoặc lười nấu. Tuy nhiên, thi thoảng mình cũng tự chế biến đồ Việt vì ăn đồ Tây toàn hotdog, khoai tây nghiền, hamburger quài mình cũng ngán. Đi xa rồi mới thầy đồ ăn Việt vẫn là chân ái! (Mình thì theo chủ nghĩa "ăn để sống" nên cũng dễ ăn, dễ nuôi, dù thích đồ Việt hơn đồ ngoại nhưng mình cũng không thèm đến mức phải ăn được đồ Việt, trộm vía vậy nên đi đâu, ở đâu cũng thấy ổn). Chi phí khác thì có tiền đi lại, mình ở sát trường nên đi bộ 5 phút là tới cũng đỡ tốn kém; điện thoại thì mình mua gói dịch vụ sử dụng 3G được lấy Iphone dùng miễn phí (dĩ nhiên là họ tính vào hợp đồng hết cả rồi, mình bắt buộc phải sử dụng gói dịch vụ 3G của họ tối thiểu 2 năm mới được đổi nhà mạng khác, còn đổi giữa chừng thì phải bù tiền, cũng may là thời gian học thạc sĩ của mình cũng vừa đúng 2 năm). Thời này mình thích đi bơi, được cái trường đại học có hẳn cái sân vận động lớn kế bên, hồ bơi vừa to vừa sạch, lại được điều hoà nhiệt độ nước nên mùa nào cũng bơi được, chi phí thì 1 năm chỉ có 100 CAD. Tính tới tính lui, mỗi tháng mình tốn khoảng 700-800 CAD. Học bổng AUF cho mình thời đó đổi ra khoảng 990 CAD, xài tiết kiệm thì mỗi tháng dư được gần 200 CAD. Éo le là học bổng này chỉ cho có 10 tháng (theo quy định của tổ chức AUF), dị chi là dư được 2.000 CAD nếu mình chỉ học 10 tháng (mà thật ra chương trình học Master ở đại học Montreal là 2 năm lận mọi người, tự nhiên lúc đó thấy mệt ngang). Lại càng bi kịch hơn, lúc qua nhập học mới phát hiện là tiền học phí mình phải đóng khoảng 6.000 CAD cho năm đầu tiên (đã được giảm khoảng 18.000 CAD nhờ học bổng hỗ trợ cho sinh viên các nước đang phát triển mà cô Ne xin cho mình), trong khi mình chỉ mượn gia đình 3.000 CAD để đóng học phí (theo như lời cô Ne thông báo cho mình qua email từ trước). Nên giờ không lẽ chạy qua báo cho cô Ne cũng ngại, đành ngậm đắng nuốt cay kiếm tiền bù vô chứ sao bây giờ. Đang lo lắng không biết vay mượn ở đâu thì được tin là có thể chia ra nhiều lần đóng, chứ không cần đóng một lần. Vậy là tạm thời cũng bớt căng thẳng. Sau đó vừa kết hợp tiết kiệm, xin được thêm một vài học bổng, lương từ công việc đi làm thêm mình cũng đủ tiền để trang trải học phí.

Về nguồn học bổng, khi đăng ký nhập học, mình nhận được rất nhiều thông tin về học bổng từ trường qua email (mỗi sinh viên sẽ được cấp một email của trường, mã số sinh viên và password) hay website của trường. Sau này, lúc học ở Nhật cũng vậy. Nhưng học bổng ở Canada thì không cho trọn gói như ở Nhật. Mỗi học bổng chỉ mang tính chất khuyến khích, khoảng vài ngàn đô (mức học phí của trường là khoảng 24.000-25.000 CAD/năm). Mình trước giờ cũng không có kinh nghiệm xin học bổng, nhất là ngại việc mình xin nhiều thì có ảnh hưởng gì đến thầy cô hướng dẫn không (vì các giấy tờ xin học bổng đều cần xác nhận của người hướng dẫn), nên mình hỏi ý kiến của cô Ne chọn xin học bổng nào thì phù hợp. Cô bảo mình cứ thấy cái nào đủ điều kiện thì nộp hết đi, rồi ai cho thì mình nhận, chứ không cần chọn lựa gì đâu, cô sẽ ký xác nhận hết cho mình. Đây cũng là kinh nghiệm cho mấy bạn du học sinh nè. Có được một supervisor thông cảm và hỗ trợ hết mình cũng thấy đời nhiều màu hồng lắm mọi người ạ. Bởi vậy sau này mỗi lần hướng dẫn sinh viên, học viên mình luôn nhớ về khoảng thời gian này, để thấu hiểu, chia sẻ cho các bạn, hỗ trợ nhiều nhất có thể, chỉ cần các bạn cố gắng và quyết tâm là được, còn đối tượng chỉ muốn làm cho có hay mục tiêu cần bằng cấp hơn kiến thức, kỹ năng thì xin phép không nhận hướng dẫn cho đỡ mệt đầu. May thay, sau nhiều lần nộp hồ sơ, mình cũng được cấp hai cái học bổng gọi là khuyến khích cho việc hoàn thành khoá học Master sớm hơn dự kiến. Mỗi cái khoảng 2-4.000 CAD, cũng không nhớ rõ lắm. Vậy là cũng yên tâm về khoản học phí, còn lại là tiền sinh hoạt phí. Vì thời điểm mình qua, chưa biết năng lực tới đâu, có kịp hoàn thành các tín chỉ lý thuyết và thu thập đủ mẫu nghiên cứu trong năm đầu hay không. Nếu kéo dài qua năm thứ hai thì học phí sẽ vẫn là 25.000 CAD (học phí full-time, học bổng giảm học phí của năm 1 không được duy trì đến năm thứ hai) thay vì 800 CAD (nếu chuyển sang chế độ viết luận), đồng thời sinh hoạt phí mỗi tháng cũng không dưới 600 CAD như mình đã trình bày ở trên. Với tính cách lo xa, thì mình nghĩ cần phải tìm thêm nguồn thu nhập để dự trù cho khoảng chi phí doi thêm đó.

Trường mình mỗi lần mùa đông tới

Nếu không xét đến chuyện thiếu thốn tiền bạc, mình cũng thật sự muốn trải nghiệm công việc làm thêm ngoài giờ khi du học thế nào (vì trước đó cũng nghe các anh chị đi trước hay kể về chuyện du học, mà du học thì không thiếu chuyện đi làm part-time, lúc nghe cũng thấy thú vị lắm). Sẵn tiện lúc này tính toán thấy thiếu trước hụt sau, mình có thêm động lực để tìm việc. Sau khi hỏi thăm một cô bạn người Việt, vô tình quen được khi đi học chung tiếng Pháp, mình biết là để xin đi làm phải có giấy phép làm việc dành cho người nước ngoài ở Canada, với lại giấy giới thiệu hay chấp thuận gì đó của trường (có giới hạn số giờ làm việc mỗi tuần đối với sinh viên). Làm việc hợp pháp thì mức lương sẽ cao hơn và có trừ một phần vào thuế. Nhưng xin giấy phép đi làm cũng tốn kha khá tiền. Mình cân nhắc không nghĩ sẽ làm lâu dài (tối đa cũng 2 năm, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ thì mình về nước rồi) nên mình chọn phương án đi làm cho các chủ người Việt (tức là đi làm bất hợp pháp đó mọi người, mình trước giờ không thích làm gì trái pháp luật, nhưng có những thực tế phải chấp nhận, cũng không khuyên các bạn chọn hướng nào, tuỳ theo hoàn cảnh thực tế nhen). Nghe nói chủ Việt thì họ thông cảm, không yêu cầu giấy phép làm việc nhưng ngược lại họ cũng sẽ trả lương thấp hơn, nhưng không bị trừ thuế. Thời điểm đó mình đi làm là 10 CAD/giờ, còn thấy trên bảng hiệu quảng cáo phí tư vấn luật sư lúc đó là 40 CAD/giờ (ghi vậy để các bạn đánh giá mức lương như vậy cao hay thấp, còn mình có lương là mừng rồi). Để tìm việc, mình lên các trang Facebook hội nhóm người Việt ở Canada để đọc tin đăng tuyển người. Cũng có nhờ cô BD và một số người Việt mình quen giới thiệu việc làm thêm nếu có. Sau vài lần trao đổi mình được nhận vào làm phụ bếp và bồi bàn cho một tiệm sushi của anh chị người Việt. Sau công việc đó, mình lại đi làm cho một chủ tiệm sushi khác (anh chủ mình có kể trong phần 3). Do mình vẫn ưu tiên cho việc học hơn, nên chỉ xin đi làm vào hai ngày cuối tuần. Mỗi tháng tính ra cũng được 400-500 CAD. Mặc dù không nhiều, nhưng nếu tiết kiệm thì mình nghĩ vẫn đủ sống. 

Ngoài học bổng và việc làm thêm, mình có tham gia dịch thuật cho một công ty tại Việt Nam. Tính ra tiền lương dịch thuật không bao nhiêu, nhưng mình cũng rất trân trọng công việc này. Dịch thuật chuyên ngành giúp mình hiểu rõ hơn về ngành nghề, phát triển kỹ năng ngoại ngữ và cập nhật thêm kiến thức về chuyên ngành. Nhờ công việc này mà mình bén duyên với chuyện biên dịch. Sau này các dự án biên dịch do mình khởi xướng cũng chính nhờ những kỹ năng trong buổi đầu tập tành dịch bài này. Khoảng tiền dịch thuật này cũng giúp mình trang trải cuộc sống khi trở về nước sau thời gian du học. Mình xác định là sau khi tốt nghiệp đại học có thể chưa lo được cho gia đình thì mình cũng nên phấn đấu để không phải dựa dẫm vào họ. Có vậy, ba mẹ mới tin tưởng và yên tâm khi mình ra ngoài xã hội. Trộm vía là từ lúc trở thành bác sĩ đến sau này, mình chỉ mượn rồi trả chứ chưa xin tiền của gia đình bao giờ. Vì xác định du học chỉ là một giai đoạn khám phá bản thân, trau dồi thêm kiến thức chuyên môn ở nước ngoài, nên mình vẫn giữ kết nối với cộng đồng chuyên môn trong nước, công việc dịch thuật cũng là một phần trong số đó, để khi trở lại môi trường trong nước, mình không bị bỡ ngỡ vì thiếu cập nhật tình hình trong nước, "quên" từ chuyên ngành vì dùng ngoại ngữ quá nhiều. 

Ngoài vấn đề ngôn ngữ, cách thức học tập khác biệt thì vấn đề tài chính là một yếu tố quan trọng các bạn cần cân nhắc khi du học trong trường hợp gia đình không có điều kiện. Để có thể học tốt, thì đầu óc mình phải tỉnh táo và không lo lắng hay bị phân tâm quá nhiều cho các chuyện bên lề khác. Đó là lý do ở đầu phần này mình nói chỉ muốn trải nghiệm việc du học trong điều kiện tài chính eo hẹp một lần thôi. Mình may mắn có nhiều sự hỗ trợ bên cạnh việc tính toán vun vén của bản thân. Nếu quay trở lại, mình cũng không có lựa chọn khác. Nhưng nếu để đưa ra lời khuyên cho các bạn có kế hoạch du học, hãy đảm bảo nguồn tài chính cơ bản ổn định để chuyên tâm cho việc học nhé. Mình nói "cơ bản ổn định" vì mình biết là nhu cầu của mỗi người mỗi khác. Mình biết có nhiều bạn quen sống thoải mái ở Việt Nam, khi du học bằng học bổng toàn phần mà vẫn không đủ tiền sinh hoạt, phải cần sự hỗ trợ của gia đình. Cá nhân mình thì vẫn trung thành với phương châm "tiết kiệm là quốc sách"! Mong rằng với những chia sẻ ở phần này, các bạn có dự định du học sẽ có thêm nguồn tham khảo để chuẩn bị tốt hơn cho tương lai của mình nhé!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến