HOW TO BECOME A SUCCESSFUL PERSON?

LÀM SAO ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI THÀNH CÔNG?

Xin chào các độc giả của blog talkwithHarry! Hôm nay mình bàn về một chủ đề mà chắc nhiều bạn trẻ còn lăn tăn trên con đường khám phá bản thân lắm nè. Đó là làm sao để trở thành người thành công. Harry nghĩ rằng đây không phải là một câu hỏi của riêng ai, và cũng không có một đáp án chung cho tất cả. Vậy nên, dựa trên những trải nghiệm và bài học rút ra từ bản thân, Harry có một vài điều muốn chia sẻ cùng các bạn. Theo mình, muốn trở thành người thành công bước đầu tiên là nên xác định định nghĩa người thành công đối với mình là gì?

  • Là người có nhiều tiền.
  • Là người được xã hội kính trọng.
  • Là người có gia đình êm ấm, hạnh phúc.
  • Là người nổi tiếng được truyền thông săn đón.
  • Là người được tôn sùng là cha đẻ của một lĩnh vực nào đó.
  • ...

Cũng cần xác định cái gọi là người thành công là ánh nhìn của xã hội dành cho mình, hay là bản thân mình cảm nhận như vậy. Nhiều người chạy theo cuộc sống vì mong muốn được xã hội công nhận, mọi người tung hô, giới chuyên môn biết đến. Đó cũng là động lực để bản thân phấn đấu nhưng lâu dài thì không bền, dễ bị áp lực để được như hình ảnh mà mọi người kỳ vọng, đặt để. Cũng có thể lạc hướng, đến một lúc tự thấy không ý nghĩa gì.

Bởi vậy, xác định được đâu là mục tiêu của bản thân, theo đuổi mục tiêu đó đến cùng, trên đường đi có thể trượt chân vấp ngã, nếm trải những cay đắng, tận hưởng những quả ngọt, theo mình đó chính là thành công. Hay nói cách khác thành công không phải đích đến mà chính là hành trình.

Để đạt được thành công như vậy là sự tổng hoà của nhiều yếu tố: tố chất, đam mê, nỗ lực, thái độ của bản thân và nhiều nguồn lực hỗ trợ của xã hội. Người có TỐ CHẤT làm gì thì cũng không cần phải mất nhiều thời gian, công sức để đạt được kết quả hay chỉ cần người nào đó khơi gợi là có thể tìm ra giải pháp. Năng khiếu là vốn quý, được thừa hưởng từ nhiều thế hệ, gần nhất là cha mẹ, nên một phần trong chúng ta là gia đình. Không thể thành công nếu không biết ơn nguồn cội. Kể cả người mồ côi, người sinh ra từ ống nghiệm cũng có nguồn gốc, không nhất thiết phải biết mình là con của ông A, bà B mới gọi là có nguồn, có gốc. Lòng biết ơn về những nguồn lực đã tạo ra mình, cho mình những tố chất hơn người là tự sâu bên trong, chứ không chỉ là biểu hiện ở phương diện vật chất, hình thức. Câu hỏi đặt ra là vì sao phải biết ơn những nguồn lực đã tạo ra mình, cho mình tố chất đó trong khi năng khiếu là của bản thân mình, đâu có vay mượn hay nhờ vả ai? Thực ra thì suy cho cùng, trên thế giới này, đâu có gì là chỉ của chính mình. Trong hàng tỷ tỷ con người, vì sao lại có sự kết hợp giữa hai người để tạo ra mình, trong hàng triệu trứng và tinh trùng, vì sao lại có sự kết hợp của hai nửa bộ nhiễm sắc thể để tạo ra mình, vì sao trong hàng triệu đứa bé được sinh ra, mình có thể tồn tại và phát triển để có cơ hội thể hiện những tố chất đó bên ngoài? Tất cả là những sự ngẫu nhiên? có sắp đặt từ một đấng vô hình? hay may mắn có được? Không ai có thể trả lời rõ ngọn ngành! Rồi một ngày, một người có năng khiếu bẩm sinh, vì một tai nạn có thể không thể kéo dài đời sống, vì một bệnh tật có thể không còn cơ hội thể hiện tố chất đó ra ngoài. Suy nghĩ vậy, để thấy rằng lòng biết ơn là thứ duy nhất mà chúng ta có thể làm cho những gì mà ta đã ngẫu nhiên, may mắn hay có sự sắp đặt để nhận được. 

Có tố chất nhưng không yêu thích, làm được vài bữa lại thấy chán, lại tìm việc khác thì cũng không thể thành công. Tố chất giúp đoạn đường chúng ta đi ngắn hơn nhưng sẽ không đến đâu, không học được gì nếu chỉ đi vài bước lại đổi hướng. ĐAM MÊ với điều mình làm là một mũi tên hai chiều: yêu thích mới làm, càng làm càng giỏi lại càng yêu thích thêm. Cho nên mới có người nói chúng ta chỉ đam mê cái gì mà chúng ta giỏi thôi. Từ sự đam mê đó, cho chúng ta động lực để NỖ LỰC từng ngày. Thỏ có tố chất chạy nhanh nhưng không cố gắng thì đến khi ngoảnh lại chẳng thấy ai, nhìn phía trước thì đã thấy rùa đứng bên vạch đích. Có nhiều bạn chia sẻ em không biết đam mê của em là gì luôn anh ơi, nên vẫn hoang mang, loay hoay tìm kiếm. Kỳ thực thì không ai có thể tìm ra câu trả lời bằng chính bản thân mình. Nếu chưa có một đam mê nào cụ thể: công việc chuyên môn, học thuật chuyên sâu, sở thích học ngoại ngữ, chơi nhạc cụ, chia sẻ với cộng đồng, v.v... thì cũng đừng cảm thấy lạc lõng. Mình biết rằng những người mình từng gặp không ít thì nhiều cũng ở trong hoàn cảnh như bạn. Vậy nên, đầu tiên là hãy tìm cho mình một công việc có ích phù hợp với năng lực hay những gì bạn đã được đào tạo, nỗ lực hết mình để đạt được kết quả tốt, đừng ngại lắng nghe sự chỉ trích hay phê bình để giúp mình hoàn thiện. Trên đoạn hành trình đó, bạn ắt hẳn sẽ nhận ra nguồn đam mê bất tận của chính mình. Mình tin rằng, điều quan trọng không phải là tìm ra được đam mê ở độ tuổi nào. Mà hãy xem thử chúng ta đã học được gì, thay đổi bản thân thế nào trên con đường tìm ra đam mê đó. Như bản thân mình chẳng hạn, đam mê lớn nhất chính là giúp mọi người và bản thân tìm ra giải pháp cho một vấn đề. Nghe cũng ngộ nghĩnh ha!

Sống một thời gian thấy nhiều người được xã hội công nhận tài năng và xem là mẫu hình của thành công nhưng còn thiếu một yếu tố cũng không kém phần quan trọng đó là THÁI ĐỘ. Con người vốn chỉ là hạt cát giữa sa mạc rộng lớn, nên sống biết trước biết sau, có nghĩa có tình, giỏi chuyện này thì dở chuyện khác, mà dù có giỏi tất cả mọi thứ thì cũng nên nhớ rằng 'ta là muôn loài' và 'muôn loài cũng là ta'. May mắn thừa hưởng tài năng từ di truyền, may mắn được cơm ngon áo đẹp, gặp được những người thầy tốt, học trò quý,... tất cả chỉ là hội tụ của nhiều cơ duyên. Bản thân có giỏi tới mấy cũng không thể một tay che trời, xoay chuyển càn khôn. Đến khi ốm đau bệnh tật hoạn nạn mới thấy trước đây mình sao may mắn thế! Sống không phải để ai nhớ tới mình mà là qua chuỗi ngày đó mình học hỏi được gì, chuyển biến nhận thức ra sao. Có nổi tiếng đến mấy thì cũng chẳng còn ai nhớ đến khi trải qua vài thế kỷ. Mà khi đó sự nổi tiếng với ta có còn ý nghĩa? Nhưng vì sao phải cố gắng để nổi tiếng, làm ra những điều không ai sánh kịp? Đó là phương tiện, là mục tiêu ngắn hạn khi chưa nhận thức đủ sâu. Những điều tuyệt vời mà bản thân tạo ra vốn dĩ không phải chỉ do ta tạo ra mà như nói ở trên là sự tổng hoà của nhiều yếu tố nội tại lẫn ngoại lai. Cho nên những điều đó không phụng sự cho sự nổi tiếng, hào nhoáng của bản thân, mà chính là giúp cho hành trình của những người khác (có thể không đủ tố chất, đam mê, nỗ lực) được ngắn hơn, bớt gian nan hơn. Trên hành trình tạo ra các giá trị đó cũng giúp bản thân mình trưởng thành và khôn lớn.

Yếu tố sau cùng như đã liệt kê ở trên đó chính là CÁC NGUỒN LỰC HỖ TRỢ CỦA XÃ HỘI. Con người chúng ta là một giống loài có tính xã hội và cộng đồng, không thể sống thiếu bầy đàn hay sự hỗ trợ của những người xung quanh. Thử nhắm mắt lại mà suy nghĩ về đoạn hành trình mà bạn đã trải qua từ lúc có nhận thức và ký ức tuổi thơ đến hiện tại, chúng ta đã bao nhiêu người nâng đỡ, bao nhiều lần may mắn vượt qua những khó khăn trong cuộc sống? Cha mẹ sinh thành và nuôi dưỡng, thầy cô giáo dục yêu thương, những tổ chức xã hội tạo điều kiện cho chúng ta được học tập, lao động và cống hiến, những người xa lạ có thể không biết đến sự tồn tại của ta nhưng bằng một kết nối vô hình mang đến cho chúng ta nhiều giá trị của cuộc sống: cơm ta ăn, áo ta mặc, bút ta viết, sách ta đọc, nhạc ta nghe, máy tính ta sử dụng,... Tất cả đều là những nguồn lực mà mỗi con người bé nhỏ không thể nào tạo ra được. Chúng ta chỉ có thể sống hết mình, lao động để trả ơn cho những nguồn lực vô tận đó. Bằng cách đó chính là chúng ta đang góp vào nguồn lực hỗ trợ của xã hội để nâng đỡ cho những cá nhân khác.

Một năm lại trôi qua với nhiều biến động, mình không còn nghĩ nhiều về sự thành công. Vì mình đang sống và lao động hết mình để mang lại giá trị cho cộng đồng. Mình biết ơn và trân trọng tất cả mọi thứ đã trải qua. Suy cho cùng, chúng ta sống trên trái đất này là để trải qua những bài học, học cách THÍCH NGHI với những biến đổi của vũ trụ, chứ không phải trở thành một người phi thường giải cứu thế giới, thay đổi hành tinh. Hãy gạt đi những ý nghĩ như "không có mình thì không có việc gì xong (không có mợ, chợ vẫn đông)", "điều tôi làm là tuyệt vời nhất", "mọi thứ phải theo ý tôi", "tôi đã đạt được những thành tựu mà không phải ai cũng dễ dàng đạt được". Kết lại cho câu hỏi ở đầu đề: "Với mình, mỗi ngày trôi qua là một thành công, vì mình đã nỗ lực hết mình cho những đam mê bằng những tố chất mình có và sự hỗ trợ của xã hội". Vậy là đủ an yên và hạnh phúc! 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến