GOSSIPING ABOUT TEACHING CAREER
TẢN MẠN CHUYỆN LÀM GIẢNG VIÊN
Chuyện mình làm giảng viên thật ra không có gì là lạ. Từ thời tiểu học, mình đã đặc biệt yêu thích bảng đen phấn trắng. Mỗi lần học bài, mình thích đứng trên bảng viết này viết nọ (ba mình luôn trang bị một cái bảng trong nhà dù có chuyển nhà đi đâu thì cũng mang theo). Lúc đó viết bảng không phải để giảng dạy cho ai cả, chỉ là viết ra để mình dễ hệ thống kiến thức và dễ nhớ hơn. Lâu dần nó trở thành một thói quen. Sau này, đến thời cấp ba, khi chuẩn bị chọn lựa con đường vào đại học, mình nghĩ đến chuyện chọn ngành sư phạm Hoá hay Sinh vì đam mê đứng trên bục giảng của mình vẫn không thay đổi. Gia đình và thầy cô thì tư vấn cho mình chọn lựa một ngành nghề khác cùng khối B (Toán, Hoá, Sinh), vì nhiều lý do. Sau khi phân tích, đắn đo tới lui thì mình chọn ngành Răng Hàm Mặt. Ngoài những ưu điểm của ngành dựa theo kinh nghiệm của ba mẹ, năng lực của bản thân dựa theo đánh giá của thầy cô, thì mình vẫn nuôi hi vọng rằng nếu cố gắng học tốt thì vẫn có thể đeo đuổi công việc giảng viên ở trường đại học về nha khoa. Thời đó mình ngây ngô lắm, cứ nghĩ học giỏi thì sẽ được trường giữ lại làm giảng viên thôi. Ngoài cố gắng về thành tích học tập, thì cũng chưa biết chuẩn bị gì cho công việc giảng dạy đâu.
Trong suốt những năm ngồi ở giảng đường đại học, qua lời bạn bè nhận xét và tự đánh giá, mình thấy bản thân cũng có một vài tố chất để trở thành giảng viên, như là cách mình soạn bài sau giờ học ở trường, cách mình trình bày các kiến thức đã học cho tụi bạn cùng lớp khi chuẩn bị ôn thi. Vì vậy, mình càng củng cố niềm tin một ngày nào đó có thể đứng trên bục giảng. Thời gian này mình cũng quan sát các thầy cô ở trường về bài giảng, về phong cách giảng dạy, cách giao tiếp với sinh viên như thế nào. Mục đích không phải để xoi mói mà tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của các bậc tiền bối để định hình phong cách của bản thân, hiểu được những mong mỏi của sinh viên đối với một giảng viên. Chẳng hạn như mình nhận thấy là các thầy cô Y Dược xuất thân là những cá nhân kiệt xuất, ưu tú lắm nên đánh giá sinh viên có phần khắt khe, nhiều khi không quan tâm quá trình nỗ lực của sinh viên thế nào, chỉ đánh giá cuối môn, rồi điểm số thì không bao giờ thấy xuất hiện 10 điểm, xuất chúng lắm là được 9 mà chỉ đếm được trên một bàn tay thôi. Rồi mình đúc kết rằng để trở thành giảng viên hay làm nghề giáo không hề đơn giản, có rất nhiều giá trị cần được trau dồi, rèn luyện bên cạnh tố chất và niềm đam mê sẵn có. Thế là mình bắt đầu liệt kê các giá trị mà một người thầy cần có và vạch ra kế hoạch để hoàn thiện dần. Thời điểm đó là khoảng năm 2010-2011. Nói vậy để các bạn biết rằng mình làm gì cũng cần có mục tiêu và kế hoạch, chứ không phải cứ giỏi chuyên môn, có bằng cấp này kia là tự động trở thành giảng viên. Ngành nghề nào với mình cũng cần có sự đầu tư!
Bên dưới mình chia sẻ một số giá trị cứng lẫn mềm mà mình đã xác định cần theo đuổi để giúp mình làm tốt công việc giảng viên đại học, các bạn có thể đọc cho biết, đây cũng chỉ là góc nhìn cá nhân chứ không phải tiêu chuẩn, tiêu chí gì cao siêu đâu nhé!
- Bằng cấp là thứ đầu tiên để được công nhận là giảng viên, ít nhất là trong môi trường Việt Nam. Vì xã hội trọng bằng cấp, vì các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, hay là gì chăng nữa thì vẫn phải có tấm bằng sau đại học để chính thức được công nhận hay ký hợp đồng giảng viên. Hiểu theo một nghĩa tích cực, thì mình cần có kiến thức, kỹ năng và thái độ ở một tầm nhất định thì mới có thể giữ vai trò truyền đạt lại cho người khác. Loại trừ những người chạy theo bằng cấp để được này được nọ, thì cá nhân mình tích luỹ được nhiều giá trị chính nhờ con đường "chạy theo" bằng cấp đó. Vì biết là điều kiện cần để thực hiện mơ ước đứng trên bục giảng, nên mình luôn trong tư thế sẵn sàng để đi học (bất kỳ đâu), cốt là có được tấm bằng bằng thực lực. Nên các bạn trẻ nếu có cơ hội, hãy dũng cảm chọn đi, chứ đừng lần lựa, kén chọn, vừa muốn có gia đình, vừa có sự nghiệp riêng, rồi có cả bằng cấp cao nữa thì chắc là cũng đạt được nhưng sẽ đánh đổi nhiều thứ khác mà cái gì đầu tư không nghiêm túc thì cũng không thể thành công như người khác được.
- Tiếp theo, là giảng viên, cần có kiến thức đủ sâu rộng về lĩnh vực mà mình theo đuổi. Cái này là điều kiện bất di bất dịch hay không thể thoả hiệp được; vì vậy, mình chưa bao giờ ngừng học hỏi để hoàn thiện. Nhiều bạn thắc mắc vì sao mình phải làm dự án này, dự án kia. Chính là để tạo cho bản thân động lực và cơ hội tiếp xúc với nhiều kiến thức mới, cũng như lắng nghe phản hồi từ đồng nghiệp để răn mình "chưa bao giờ là giỏi cả"! Mỗi lần thực hiện dự án, ngoài kiến thức thu được, mình còn rèn luyện nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, lãnh đạo, quản lý thời gian, v.v... Ngoài việc học theo chương trình đào tạo sau đại học, mình còn có nhiều nguồn khác như sách, tài liệu, hội thảo, hội nghị, webinar, khoá học trực tuyến,... Điều mình còn thiếu có lẽ chính là thời gian để tiêu hoá hết đống kiến thức đó và trí não siêu việt để nhớ hết thôi mọi người ạ :)
- Kỹ năng chuyên môn cũng là thứ không thể bỏ qua, vì nếu giỏi lý thuyết mà thiếu thực hành thì khó thuyết phục được đồng nghiệp, không thể chuyển tải trọn vẹn kiến thức cho sinh viên của mình. Vì lẽ các chú chim non nớt cần sự chỉ dạy, kể cả từ những sai lầm của người thầy để giúp các bạn có thêm kinh nghiệm thực tiễn và tránh gặp phải các lỗi lầm tương tự. Kỹ năng thì cần có thời gian trau dồi, nhưng biết cách làm đúng vẫn tốt hơn là làm sai rồi sửa. Mình chỉ lưu ý một điều là cần tập trung vào kỹ năng chuyên môn mà bạn đã chọn, học nhiều thứ hay ho khác cũng tốt, nhưng nếu không tiết chế, bạn sẽ dễ bị mất thời gian, rốt cuộc cái gì cũng không đến nơi đến chốn. Người ta vẫn hay nói "Một nghề cho chín, còn hơn chín nghề" là vậy!
- Thái độ là điều tiếp theo cần chú trọng, được thể hiện trong nhiều mặt của ngành nghề. Mình không liệt kê cụ thể ở đây vì sẽ làm cho phần chia sẻ bị giáo điều và thuyết giảng. Mọi người cứ tự rút ra những bài học cho bản thân nhé. Trên hết, theo mình, vẫn là thái độ khiêm nhường, đừng bao giờ cho mình là giỏi, vì khi đó, mình sẽ không mất đi mục tiêu phấn đấu mỗi ngày. Vậy nên, ai khen thì mình cũng chỉ cười cảm ơn thôi. Sau này, học với các thầy ở Nhật, mình tiếp thu thêm tư tưởng và phong cách này từ các thầy. Người Nhật hiếm khi thể hiện bản thân trước đám đông, cái gì biết thì chia sẻ, không biết thì lắng nghe và tiếp thu. Vậy nên, gặp mình mà nghe mình nói không biết gì thì mọi người cũng hiểu là mình không biết gì thiệt đó! Đừng tin tưởng mình quá, lúc nào cũng cần có tư duy phản biện nhé!
- Một người thầy, đối với mình, cần tạo được động lực và truyền cảm hứng học tập cho sinh viên. Không chỉ ở lời nói mà thông qua hành động, để tiếp thêm cho các bạn niềm tin, động lực phấn đấu. Cái khó không phải là cho các bạn bao nhiêu điểm, có làm các bạn sợ hay nể mình hay không, có sinh viên nào dám vắng mặt các giờ lý thuyết hay không, mà chính là tạo cho các bạn niềm hứng khởi đến giảng đường mỗi ngày. Mặc dù biết môn học đó khó nhưng bạn vẫn không bỏ cuộc, vẫn cố gắng bằng hết sức của mình để đạt được một kết quả tương ứng. Có nhiều cách để truyền cảm hứng, mình thường hay chia sẻ cách học tập làm sao để nhớ nhanh và hiệu quả; cung cấp thêm một số công cụ hay tài liệu tóm tắt về kiến thức cần biết; nói rõ về mục tiêu học tập mà các bạn cần đạt đến là gì, vì sao cần có mục tiêu đó. Mình tin rằng khi các bạn biết được đích đến thì các bạn sẽ tự phấn đấu hơn là ép các bạn học hành, thi cử để đạt kết quả tốt mà không biết để làm gì. Còn thực tế, những việc mình làm có đủ để truyền cảm hứng cho các bạn hay không thì chắc chỉ có cá nhân đó biết :)
- Ngoại ngữ là một công cụ vô cùng quan trọng đối với người giảng viên. Muốn giỏi kiến thức thì phải thường xuyên cập nhật từ nhiều nguồn, nhất là các tài liệu tiếng nước ngoài. Chưa kể, sử dụng được ngoại ngữ, mình sẽ có nhiều cơ hội để trao đổi chuyên môn với các thầy quốc tế hay tu nghiệp ở nước ngoài. Biết thêm một ngoại ngữ, sẽ cho giảng viên có cái nhìn rộng mở hơn từ các nền văn hoá, chấp nhận sự khác biệt của những đứa học trò, để thông cảm và sẻ chia, bớt đi những thành kiến, đối xử với các em công bằng và cá nhân hoá. Học được ngoại ngữ là một chuyện còn để duy trì mới là điều thử thách! Mình luôn nhận lời tham gia các dự án biên dịch hay phiên dịch, khi thì tự tạo các dự án riêng chính là để việc học ngoại ngữ được liên tục. Các bạn quan tâm có thể vào blog để xem lại các bài chia sẻ cách học ngoại ngữ chuyên ngành tiếng Anh, Pháp Nhật của mình nhé!
- Đánh giá người học là một kỹ năng mà giảng viên cần làm chủ. Trong những năm đi học, mình cảm nhận cách đánh giá của giảng viên nhiều khi bất công, không thoả đáng sẽ làm triệt tiêu động lực và nỗ lực của các em. Đánh giá kết quả học tập cần có quá trình thay vì chỉ dựa trên điểm thi cuối khoá. Nhà trường và các tổ chức thường xuyên có các hội thảo hay webinar về đánh giá người học, việc của mình chỉ là dành thời gian tham gia để biết cách đánh giá phù hợp. Cá nhân mình cũng thử nhiều cách từ đánh giá quá trình, nhận xét-góp ý trực tiếp khi các em thực hành, thưởng phạt trong các giờ học, v.v... Để biết được hiệu quả của việc đánh giá thì cần có thời gian, nhưng chí ít khi mình có nhận thức về tầm quan trọng của việc đánh giá người học thì sẽ giúp mình cân bằng, điều chỉnh hành vi và thái độ những khi quá phiến diện hay bị cảm xúc lấn át, nhất là lúc bị mấy ẻm chọc điên thì thầy cô cũng khó bình tĩnh. Đánh giá người học phải kèm thêm một khoá thiền định nữa mọi người nhen :)
- Giọng nói là một vũ khí lợi hại của giảng viên không thua gì ca sĩ. Không phải ai sinh ra cũng có chất giọng hay, đẹp. Nhưng là giảng viên, thì cần chú ý cách phát âm, âm lượng của giọng nói sao cho đủ thu hút và sinh viên dễ tiếp thu bài giảng. Thú thiệt là mình cũng không tự tin về giọng nói lắm, nên có thời gian mình đã đăng ký học lớp luyện giọng để biết cách lấy hơi, giữ hơi, phát âm sao cho tròn vành rõ chữ. Nhiều bạn bè thấy mình đi đâu cũng hát hò nghêu ngao mấy bài bolero mà không biết là ngoài yêu thích dòng nhạc này thì mục đích của mình là để luyện phát âm. Với giai điệu nhẹ nhàng, chầm chậm của thể loại nhạc này đủ để mình trau chuốt từng chữ chứ không gấp gáp hay nuốt chữ như nhạc rap, nhạc dance. Hát khi di chuyển nhất là leo cầu thang là một bài tập thể lực giúp mình điều hoà hơi thở để không bị hụt hơi khi nói chuyện. Kết hợp với giọng nói chính là kỹ năng thuyết trình, trình bày trước đám đông, ngôn ngữ hình thể hay cơ thể. Phần này mình tiếp thu nhiều từ sách về "body language, public speaking" rồi ứng dụng vào thực tế để cải thiện dần. Mình sợ tự đánh giá không đúng nên cũng hay hỏi phản hồi, cảm nhận của đồng nghiệp sau những lần thuyết trình hay lấy phiếu nhận xét của sinh viên để rút kinh nghiệm.
- Kỹ năng soạn thảo văn bản là một kỹ năng mà bất kỳ giảng viên nào cũng cần có để soạn bài giảng, giáo trình, sách, tài liệu, bài báo khoa học, v.v... Lời khuyên của mình dành cho các bạn là dù có thể tự học hay mày mò cách sử dụng Microsoft Word thì cũng nên học qua một khoá tin học văn phòng để có nền tảng và tư duy sử dụng các công cụ soạn thảo văn bản một cách bài bản. Thực tế khi nhận bài từ các đồng nghiệp, mình chưa tìm được ai có bài soạn ưng ý cả, tức là có rất nhiều lỗi soạn thảo: dư thiếu khoảng trắng, dấu câu, dãn dòng... Chỉ cần bấm nút tab lên là thấy hiện quá trời lỗi. Vì sao mình nhấn mạnh kỹ năng này? Ngoài việc thể hiện sự chỉn chu của người làm nghề giáo nó còn giúp ích cho việc biên tập sau này đỡ mất thời gian và công sức. Ai đã từng viết sách thì sẽ hiểu. Kỹ năng này thường song hành với kỹ năng viết. Phong cách khoa học luôn cần rõ ràng và mạch lạc. Đó cũng là lý do vì sao mình tham gia viết sách, viết blog, v.v... Mỗi lần viết rồi đọc lại hay nhờ đồng nghiệp đánh giá mới thấy nhiều lỗi trình bày ghê! Mà được cái là năng lực viết của mình cũng ngày một tốt hơn.
- Thiết kế giáo án điện tử/bài trình chiếu cũng là một kỹ năng cần được đầu tư. Mình nhận thấy vấn đề này từ những năm học đại học. Bài giảng của thầy cô thường có quá nhiều chữ kết hợp với giọng nói đều đều thì không khác gì liều thuốc cho những giấc ngủ sâu. Không chỉ có giảng viên của mình, các bài giảng của nhiều thầy ở Nhật mà mình tham dự cũng có phong cách tương tự, rất là chán luôn. Soi chiếu lại các bài trình của các keynote speaker (báo cáo viên đinh, diễn giả chính) trong các hội thảo, hội nghị quốc tế, thì sẽ hiểu rõ vì sao chúng ta cần nỗ lực trau dồi kỹ năng này. Vấn đề cốt lõi trong thiết kế bài giảng không phải là nơi để thể hiện khả năng mỹ thuật hay thiết kế mà chính là sự rõ ràng, súc tích và trực quan khi trình bày các vấn đề khoa học. Qua nhiều năm tìm hiểu và tham dự các khoá học về thiết kế trình chiếu, mình cũng đúc kết kha khá về kỹ năng này. Có dịp, cũng có chia sẻ cho đồng nghiệp và sinh viên trong các buổi workshop trước đây. Thật ra để tìm hiểu thì không khó nhưng để áp dụng vào từng bài giảng thì cần có sự ý thức và nỗ lực không ngừng của người giảng viên. Đôi khi vì thời gian gấp rút, mình cũng chưa cảm thấy hài lòng về các bài giảng đã soạn, lần nào dạy về cũng phải chỉnh sửa lại.
- Nghiên cứu khoa học là một lĩnh vực không thể tách rời khỏi giảng dạy. Mặc dù liệt kê sau cùng nhưng thực ra quá trình trở thành một giảng viên luôn gắn liền giữa học tập chuyên môn và kỹ năng nghiên cứu. Để hoàn thành một dự án nghiên cứu cần có sự phối hợp của nhiều kỹ năng, trong đó có cả những điều mình đã kể ở trên (ngoại ngữ, trình bày, soạn thảo, v.v...); ngoài ra, còn có kỹ năng tìm kiếm tài liệu, đánh giá và quản lý tài liệu, tổng hợp tài liệu,... Còn nhiều thứ liên quan nữa mà vì đây không phải bài chính nói về nghiên cứu nên mình xin tạm dừng ở đây. Các bạn có thể tìm đọc thêm các sách viết về nghiên cứu khoa học của thầy Đỗ Văn Dũng, Nguyễn Văn Tuấn để trau dồi thêm kỹ năng nghiên cứu của mình.
Nói tới đây, các bạn có thể thắc mắc vì sao giảng viên cần trau dồi những giá trị hay kỹ năng này. Vậy nên, dựa trên trải nghiệm của bản thân, mình sẽ liệt kê bên dưới những công việc của một giảng viên để các bạn tham khảo. Những công việc bên dưới mình thực hiện trong cả năm học, và ít nhiều cũng sẽ cần đến các kỹ năng ở trên.
- Soạn thảo giáo án và giảng dạy lý thuyết
- Hướng dẫn thực hành
- Xây dựng bảng kiểm và đánh giá trình ca lâm sàng/bệnh án, chuyên đề
- Xây dựng chương trình, đề cương chi tiết
- Soạn thảo/biên tập giáo trình, sách chuyên khảo, hướng dẫn, quy trình chuyên môn
- Thực hiện nghiên cứu khoa học, báo cáo khoa học và công bố đề tài khoa học
- Báo cáo, tham luận tại các hội nghị, hội thảo
- Đánh giá đề tài nghiên cứu khoa học, luận văn, luận án
- Phản biện bài báo
- Thẩm định giáo trình, sách chuyên ngành
- Biên dịch tài liệu phục vụ giảng dạy, tham khảo, hội thảo, hội nghị
- Phiên dịch báo cáo quốc tế
- Ra đề thi, coi thi, chấm thi
- Phục vụ kiểm định chất lượng giáo dục
- Cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cho cộng đồng
- ...
Nhận xét