MEMORIES IN CANADA - PART 4: SMALL FAMILY WILLOWDALE

HỒI KÝ GIA NÃ ĐẠI

Nhà mình ở đó mọi người

PHẦN 4. GIA ĐÌNH NHỎ WILLOWDALE

Hầu hết thời gian học tập tại Canada, mình cư trú tại một căn nhà thuộc sở hữu của Hội Dòng Anh em Đức mẹ (les Frères maristes) do 3 thầy (les frères) quản lý. Căn nhà khá to có tường lát gạch nâu đỏ, giống kiểu nhà thờ Đức Bà hay các công trình kiến trúc của Pháp tại Việt Nam, tọa lạc trên con đường Willowdale thơ mộng hai bên rợp bóng những cây phong lá vàng, lá đỏ mỗi độ thu về. Căn nhà có phần đơn sơ ở một vị thế khá đắt đỏ bao quanh là những biệt thự sân vườn sang trọng. Nhà nằm ngay dưới chân đồi, trên đỉnh đồi là tòa tháp chính của đại học Montreal có khoa Y và khoa Răng Hàm Mặt. Từ nhà đến trường chỉ mất khoảng 10 phút đi bộ, hay muốn nhanh hơn thì dùng thang cuốn kéo dài từ ga tàu điện ngầm (ở chân đồi) đến trước cửa chính của trường (trên đỉnh đồi).

Một góc đường Willowdale

Như đã đề cập trong các kỳ trước, mình được đôi vợ chồng người Việt (cô BĐ và chú H) giới thiệu đến đây sinh sống. Thầy quản lý có trình bày hiện nhà chỉ còn dư một phòng trong 3-4 tháng vì có một bạn sinh viên đang đi thực tập xa, có thể cho mình ở tạm trong thời gian này để chờ tìm chỗ ở ổn định. Sau này, thầy cũng là người giới thiệu mình đến trọ ở nhà đôi vợ chồng lớn tuổi người Việt (mình gọi là Ông Bà trong bài viết trước) và cho mình quay trở lại 6 tháng sau đó khi nhà có phòng trống. Chính vì vậy đây có lẽ là nơi gắn bó nhất với mình trong những năm tháng ở Montreal và ảnh hưởng nhiều đến cách tổ chức làm việc, cách kết nối với mọi người của mình sau này.

Những ngày tháng sống cùng các thầy, các bạn sinh viên bản địa và quốc tế tại đây cho mình nhiều trải nghiệm và cảm nhận về tình anh em yêu thương như chính châm ngôn của những người sáng lập ra cộng đồng Dòng Anh em. Ngoài những bạn đang sống cùng nhau, thông qua các thầy, mình còn được biết đến một cộng đồng nhỏ - gọi là gia đình Willowdale - tập hợp các thế hệ sinh viên đã sống chung dưới mái nhà này. Mỗi dịp lễ tết quan trọng, thầy quản lý đều gửi email chúc mừng và cập nhật tình hình hiện tại ở đây để các bạn cựu thành viên đều biết; ngược lại các bạn cũng phản hồi email và cho biết thêm cuộc sống hiện tại của họ. Điểm chung là tất cả email đều rất ấm áp và ngập tràn yêu thương theo cảm nhận của cá nhân mình.

Mùa thu trên đoạn đường Willowdale

Trước khi nhận mình vào nhà chung, thầy có email trình bày về một số nguyên tắc hay đúng hơn là quy định sinh hoạt của mọi người để mình suy nghĩ xem có phù hợp khi đến ở hay không. Một trong số đó là buổi họp nhà chung cứ mỗi 2 tuần 1 lần vào tối thứ Bảy. Thông thường, trong buổi họp, thầy quản lý sẽ nêu các thông báo và phân công liên quan đến hoạt động của cả nhà như chào mừng thành viên mới, tổ chức sinh nhật cho các thành viên trong tháng, viết thiệp chúc mừng, tổ chức lễ Halloween, Giáng sinh, năm mới, v.v... Mình đặc biệt để ý là mọi người đều rất nghiêm túc và tự giác chia sẻ công việc, ai có việc bận thì sẽ sắp xếp phụ trách ở lần sau. Không khí rất vui vẻ và đoàn kết. 

Ngoài ra, thầy cũng nhắc nhở một số vi phạm để mọi người chỉnh đốn như quên đóng cửa sau khi vào nhà (mùa đông ở đây rất lạnh nên sẽ làm tiêu tốn điện sưởi), mang giày ướt vào nhà (toàn bộ nhà được lót thảm nên sẽ khó vệ sinh và bị ẩm mốc), không giữ vệ sinh toilet, v.v... Thầy tuyệt nhiên là không nhắc đến tên ai, trừ khi người đó tự lên tiếng và giải trình, mà chỉ nêu vấn đề và nhắc nhở cả nhà cùng thực hiện vì lợi ích chung. Hầu như các vi phạm chỉ xảy ra một lần, nên mình chưa chứng kiến lần nào có cãi vã hay xung đột, hay đến mức phải không cho thành viên đó ở nữa.

Điểm đặc biệt trong buổi họp nhà chung là chia sẻ của từng thành viên vào cuối buổi. Trước ngày họp, các thành viên của nhà chung đều nhận được email thông báo nội dung họp cũng như chủ đề chia sẻ của ngày hôm đó, thường thì chủ đề này đã được thống nhất ở lần họp trước. Chẳng hạn như "kỷ niệm nhớ nhất lúc còn nhỏ", "người bạn thân nhất", "kỷ niệm về một người thân trong gia đình", "kỷ niệm đáng nhớ khi sống ở Canada", v.v... Đây thật sự là một hoạt động rất có ý nghĩa đối với mình. Nhờ những buổi chia sẻ này, mình tự tin hơn khi giao tiếp bằng tiếng Pháp, hiểu được tính cách và suy nghĩ của các thành viên khác và cũng rút ra được nhiều bài học từ các bạn. Mình không giỏi học ngoại ngữ, nên trong những buổi trò chuyện này, mình phải học cách vận dụng những gì mình biết để mô tả điều mình muốn nói, nhiều khi hơi dài dòng, nhưng thực sự đã giúp mình tăng kỹ năng giao tiếp rất nhiều. Các bạn khi học ngoại ngữ cũng vậy, đừng chú trọng vào ngữ pháp hay từ vựng quá, học ngoại ngữ là để tăng thêm phương tiện giao tiếp, còn việc thi cử có điểm số hay tấm bằng chỉ là mục tiêu ngắn hạn trong một cột mốc nào đó thôi. Việc sử dụng được ngoại ngữ đó lâu dài và thường xuyên rèn luyện để duy trì mới là điều khó khăn. 

Vì có xuất thân khác biệt nhất (từ một vùng nông thôn ở một nước châu Á đang phát triển, trong khi các bạn đều đến từ châu Âu hoặc Nam Mỹ) nên những câu chuyện của mình được mọi người rất quan tâm vì ở một thế giới không giống ai :). Sau nhiều buổi kể chuyện, các bạn còn trêu mình "cuộc đời mày có thể viết thành một cuốn sách, như cuốn Cuộc đời của Pi chẳng hạn". Mình xem đó như một lời khen còn chuyện viết sách thì thôi để sau, haha. Cá nhân mình nghĩ rằng mọi người cảm thấy thú vị vì cách kể chuyện của mình phần nhiều do chịu ảnh hưởng cách viết văn của một người cô (cô S) từ thời luyện thi học sinh giỏi môn Văn cấp 2 với phương pháp tổng-phân-hợp mà bọn học sinh tụi mình thời đó ấn tượng mãi không quên. Vì vậy, mà thường trong mỗi câu chuyện mình luôn có đoạn gợi mở, mô tả chi tiết và kết luận, đồng thời bao giờ cũng có gửi gắm một thông điệp để người nghe ghi nhớ và có thể áp dụng được.

Tiệc Giáng sinh năm 2013 tại nhà chung

Chuyện sinh hoạt ở nhà chung của bọn mình rất nghiêm túc, ngoài quy định họp định kỳ, còn có bảng quy định giờ ăn trưa và ăn chiều cùng nhau, trên đó ghi tên của tất cả thành viên, ai có việc bận thì buổi sáng trước khi ra khỏi nhà phải đánh dấu vào để cô giúp việc biết mà chừa phần hay giảm lượng thức ăn; sau bữa ăn các thành viên sẽ thay phiên nhau rửa chén dĩa; thỉnh thoảng sẽ phân công tổng vệ sinh nhà, gọt táo để làm mứt, gọt bí đỏ để làm súp vào mùa Halloween, v.v... Nghe kể thì thấy chẳng khác nào môi trường quân đội, nhưng thật ra không khí rất thoải mái và vui vẻ. Bọn mình cùng làm việc, cùng nói chuyện, chia sẻ nhiều thứ trong cuộc sống, ai cũng rất tích cực và tự nguyện. Đó cũng là lý do vì sao chúng mình gọi đây là gia đình Willowdale. 

Bánh Noel cả nhà cùng làm

Một trong những người mình luôn yêu mến và ghi nhớ là thầy quản lý nhà chung (thầy R). Năm đó thầy đã 69 tuổi nhưng rất vui tính, năng động và biết sử dụng nhiều công nghệ để phục vụ cho việc quản lý sinh viên cũng như trao đổi thông tin. Đây là điều làm mình ngạc nhiên và cần học hỏi. Tuổi tác không phải là lý do để chúng ta từ chối học tập, đổi mới! Thầy cũng rất tâm lý và có năng khiếu sư phạm vì từng là giảng viên của trường đại học. Định kỳ mỗi vài tháng hay trước khi rời khỏi nhà chung, thầy sẽ lên lịch hẹn riêng từng người để nói chuyện. Mình không rõ các thành viên khác như thế nào nhưng buổi trò chuyện với mình rất ấm áp và dễ chịu. Thầy hỏi cảm nhận của mình trong thời gian sống tại đây, cả cảm nhận chung về đất nước và con người Canada. Mặc dù tiếng Pháp của mình có khi khó hiểu, nhưng thầy vẫn kiên nhẫn lắng nghe và làm rõ ý mình muốn nói. Thầy cũng cho mình biết phản hồi về bản thân mình. Tựu trung thì không có gì chê cả nên mình ngại không kể ở đây nhé mọi người, để mọi người tự cảm nhận về mình vậy!

Ngoài thầy R, nhà chung còn có hai thầy khác nữa. Mỗi người một tính cách nhưng ai cũng rất chân thành và nhiệt tình. Mặc dù các thầy Hội Dòng Anh em Đức mẹ nhưng khi biết mình theo đạo Phật, có thầy còn tinh tế tặng cho mình một tượng Phật để ở bàn làm việc trong ngày đầu mình đến nhận phòng. Trong suốt quá trình sống tại nhà chung, mình chưa bao giờ thấy có sự phân biệt về khác biệt tôn giáo. Nếu có, thì đó là những chia sẻ, tìm hiểu về các điều tốt đẹp mà các tôn giáo mang lại cho tín đồ của mình. Có lẽ trường năng lượng nào thì sẽ thu hút những người có cùng trường năng lượng đó nên các bạn sinh viên ở cùng mình ai cũng rất dễ thương. Mình khen thật lòng chứ không phải nói theo kiểu hoa mỹ để được lòng mọi người. Mặc dù gắn bó cùng nhau chỉ trong vòng hơn 1 năm, nhưng tụi mình vẫn giữ liên lạc qua mạng xã hội hay qua email. 

Tiệc Halloween ở nhà chung năm 2014

Cách xa nửa vòng trái đất, nhiều lúc mình thấy mọi thứ diễn ra như giấc mơ mỗi lần có dịp gặp lại bạn bè ở nhà chung. Lần đó là nhỏ bạn người Pháp (bạn A) ở chung nhà Willowdale đi du lịch châu Á và ghé Việt Nam thăm mình, sẵn tiện mang cho mình cái khung bằng tốt nghiệp của trường Université de Montréal (nơi mình tốt nghiệp Thạc sĩ Khoa học răng miệng). Rồi bạn ở nhà mình một vài đêm, chở bạn đi ăn món Việt, nhổ răng khôn cho bạn. Bạn A là người gốc Phi, sống và có quốc tịch Pháp, nhưng lại sang Canada để học và tìm việc. A có tính cách khá phóng khoáng và cởi mở, là một sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin nhưng lại có đam mê nghệ thuật. Nhờ gương mặt ăn ảnh nên bạn còn có nghề tay trái là mẫu ảnh. Mình quan sát và học hỏi ở bạn lối sống tự do và thoải mái trong việc thể hiện ý kiến và quan điểm cá nhân. Một phần có thể đó cũng là tính cách của mình nên thấy hai đứa nói chuyện và chơi chung rất hợp. Sau này tính cách thẳng thắn của mình trong công việc đôi khi lại bị nói là "mỏ hỗn" nên chắc mình cũng tém tém lại bớt, chứ không chắc bị sếp đì cho xói trán kaka.

Lần khác, lúc mình học nghiên cứu sinh tại Nhật, một thằng bạn người Pháp (bạn H) của mình cũng quen biết lúc ở nhà chung trước đây đi du lịch sang Nhật rồi ghé thăm mình. Cuộc hội ngộ sau gần chục năm làm mình phấn khích và bối rối. Không ngờ sau ngần ấy năm, tụi mình lại gặp nhau giữa một đất nước thứ ba chứ không phải là Việt Nam hay Canada. Hôm đó là buổi trưa tại ga Ochanomizu, quận Bunkyo, thuộc Tokyo, Nhật Bản. Thằng bạn mình cũng là một đứa rất đặc biệt. Bạn từ trước giờ không chơi mạng xã hội, toàn liên lạc qua tin nhắn điện thoại hay email. Gia đình bạn cũng có một truyền thống rất đặc biệt: đó là thể hiện tình cảm bằng những cái ôm. Mà nói đặc biệt là vì ôm rất lâu mọi người ạ. Thông thường, nếu xã giao thì mình chỉ ôm nhẹ một cái rồi thả ra, còn nó là ôm vừa chặt vừa lâu. Lúc mới biết, thấy nó ôm một bạn nam khác cùng nhà mà mình còn nghĩ là thằng này chắc có tình cảm gì đó, sau này nói chuyện nhiều mới biết đó là cách gia đình nó thể hiện tình cảm, sự thấu hiểu và gắn bó với nhau. Có những thứ không phải chỉ thể hiện qua lời nói, ánh mắt là được. Ôm cũng là một cách truyền đi năng lượng yêu thương cho người khác. Sau này, có lần đọc sách về "body language" (ngôn ngữ cơ thể) mình biết thêm một cách lý giải là khi ôm nhau chúng ta đang đưa ra những vùng yếu điểm nhất của cơ thể về phía đối phương (ngực, bụng) ở cự lý gần nhất chính là thể hiện sự tin yêu tuyệt đối của mình với họ; hơn nữa, khoảng cách gần gũi đó là còn gọi là vùng "thân thiết" chỉ dành cho bản thân hoặc người mình yêu thương thôi.




Để kể về những người bạn ở nhà chung thì chắc còn lâu mới hết chuyện. Nhưng mình tin rằng gặp gỡ nhau là duyên số hay định mệnh. Mỗi thành viên đều cho mình những bài học, làm cho hành trình Gia Nã Đại của mình thêm màu sắc. Kết thúc một hành trình không có nghĩa là kết thúc tất cả. Tình cảm và sự trân quý dành cho ngôi nhà nhỏ Willowdale là một thứ còn lâu mới kết thúc. Yêu thương tất cả!

Thành viên nhà chung trong một lần đi dã ngoại


Nhận xét

Bài đăng phổ biến