STORAGE OF AN AVULSED TOOTH PRIOR TO REPLANTATION

BẢO QUẢN RĂNG RƠI KHỎI Ổ TRƯỚC KHI CẤY LẠI

GIỚI THIỆU

Rơi răng khỏi ổ (tooth avulsion) thường gặp do té ngã, chấn thương thể thao (sports injury), tai nạn giao thông (traffic accident), bị hành hung (assault) với tần suất từ 0,6-20,8% trong tổng số các loại chấn thương răng (traumatic dental injuries). Hầu hết chấn thương liên quan đến răng trước (anterior teeth), cụ thể là răng cửa giữa và cửa bên hàm trên (maxillary central and lateral incisors). Chấn thương răng vĩnh viễn dẫn đến mất răng gây ra các vấn đề về chức năng, tâm lý và thẩm mỹ (functional, psychological and esthetic problems). Rơi răng khỏi ổ làm ảnh hưởng đến hệ thống phân bố thần kinh-mạch máu (compromised neurovascular supply), hoại tử tủy (pulp necrosis) và làm mất tế bào dây chằng nha chu (loss of periodontal ligament cells). Tế bào dây chằng nha chu là lớp mô liên kết sợi dày đặc bao quanh chân răng giúp neo giữ răng vào ổ răng (alveolar socket). Sự lành thương của các tế bào này là yếu tố sơ khởi khi đánh giá can thiệp răng rơi khỏi ổ.

Đặt lại răng rơi khỏi ổ vào ổ răng tức thì giúp tăng cơ hội sống cho răng cao nhất, nhưng nhân viên cấp cứu thường không có đủ kỹ năng để thực hiện thủ thuật này. Trong một số tình huống, khuyến cáo bảo tồn răng rơi khỏi ổ tạm thời trong một loại dung dịch chuyên chở (medium) để bảo tồn sự sống của dây chằng nha chu. Thao tác này giúp răng không bị khô ở ngoài môi trường xương ổ (extra-alveolar dry time). Việc để khô tế bào dây chằng nha chu sau 30-60 phút làm hoại tử (necrosis) các tế bào này và giảm khả năng lành thương của răng sau ghi đặt lại vào ổ răng (replantation). Dung dịch đệm bảo quản lý tưởng là dung dịch không hoặc rất ít nguy cơ nhiễm khuẩn, có sẵn khi cần, có pH và nồng độ sinh lý (physiologically compatible pH and osmolatity) để duy trì độ sống của tế bào dây chằng nha chu. pH phù hợp là 6,6-7,8, nồng độ dung dịch tối ưu là 230-400 mOsmol/kg.

Một số dung dịch bảo quản sinh lý theo các hướng dẫn là dung dịch muối cân bằng Hank (Hank's balanced salt solution, HBSS), sữa, nước muối sinh lý (saline) hoặc nước bọt của người bị nạn (victim's own saliva). Những dung dịch bảo quản thay thế bằng chứng còn hạn chế là keo ong (propolis), lòng trắng trứng (egg white), nước dừa tươi (coconut water) hoặc dung dịch bù nước Ricetral (rehydration solution - ORS). Các tổng quan trước đây tập trung chủ yếu vào hiệu quả bảo quản của các dung dịch khác nhau nhưng chưa xác định rõ các kỹ thuật bảo quản thay thế như túi nhựa (plastic bags), hộp chứa (containers), giấy bọc thực phẩm (cling film).

KẾT QUẢ TÌM KIẾM VÀ BÀN LUẬN 

Tổng quan thực hiện theo tiếp cận GRADE (Grading of Recommendations, Assessment, Development and Evaluation) bằng Công cụ phát triển hướng dẫn trực tuyến (GRADEpro) (http://www.gradepro.org/). 

Câu hỏi PICO của tổng quan:

  • Dân số (population): người lớn hoặc trẻ em có răng vĩnh viễn rơi khỏi ổ răng
  • Can thiệp (intervention): tất cả các loại dung dịch, phương tiện và kỹ thuật bảo quản 
  • So sánh (comparison): nghiên cứu có nhóm chứng là nước bọt của bệnh nhân hoặc sữa bò đã thay đổi thành phần chất béo (cow's milk with varying fat content)
  • Kết quả (outcome): tỉ lệ nhiễm khuẩn (infection rate), tỷ lệ sống của răng (tooth survival or viability), đau (pain), rối loạn chức năng (malfunction, như ăn nói), màu răng, tỷ lệ cấy lại răng thành công 
  • Thiết kế nghiên cứu (study design): tổng quan hệ thống (systematic review) và các nghiên cứu thử nghiệm (experimental studies)

Kết quả tìm kiếm y văn hệ thống ghi nhận có 5115 bài báo. Sau khi loại bỏ các bài giống nhau, các nghiên cứu không phù hợp, còn lại 33 nghiên cứu.

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Quốc tế Chấn thương răng (International Association of Dental Traumatology), HBSS (dung dịch inter alia glucose, ion Na, K, Ca, Mg) là dung dịch bảo quản răng rơi khỏi ổ. ORS là dung dịch chứa NaCl, glucose, KCl, và kali citrate. HBSS và ORS có pH và nồng độ dung dịch phù hợp cho tế bào tăng trưởng giúp bảo tồn sự sống của tế bào dây chằng nha chu. Màng bọc thực phẩm duy trì lớp dịch mỏng quanh bề mặt răng giúp giữ ẩm và tạo ra môi trường sinh lý cho sự sống của tế bào. Keo ong, một sản phẩm nhựa của tổ ong có màu vàng hoặc nâu nhạt, chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học (kháng viêm, kháng khuẩn) như polyphenols. Các đặc tính này giúp tối ưu hóa sự sống của tế bào dây chằng nha chu.

Lựa chọn dung dịch bảo quản răng tạm thời phù hợp khi cấp cứu tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể ở từng quốc gia. HBSS là sản phẩm bảo quản răng phổ biến nhất tại Hoa Kỳ, có thể tìm thấy trong bộ sản phẩm cấp cứu nha khoa hoặc cấp cứu chung trong các sự kiện thể thao. Tuy nhiên, thực tế, ít có sẵn tại các địa điểm tai nạn như trường học, nhà riêng, khu cắm trại (camps) hoặc sân vận động (sport fields). Nếu được thì ưu tiên sử dụng HBSS hoặc dung dịch keo ong hòa tan (diluted propolis solution). Màng bọc thực phẩm là lựa chọn thay thế đơn giản và có sẵn tại nhà. Dung dịch ORS thường có sẵn trong bộ cấp cứu ở nhiều quốc gia. Điểm bất lợi là cần phải điều chỉnh lại thành phần muối và nước. Bằng chứng của một nghiên cứu cho thấy tiềm năng bảo quản răng của nước cơm so với sữa; tuy nhiên, thời gian nấu cơm để lấy nước rồi để nguội sẽ làm trì hoãn thời gian bảo quản răng sau khi rơi khỏi ổ.

Lựa chọn tiếp theo là sữa bò (không phân biệt loại sữa hay thành phần chất béo). Khuyến cáo sữa là lựa chọn phổ biến để bảo quản răng trước khi đến cơ sở y tế vì có pH (6,7) và nồng độ (280 mOsm/kg) phù hợp cho tế bào dây chằng nha chu. Ngoài ra, sữa còn có đường, khoáng chất và tiệt khuẩn. Lưu ý, sữa bơ (buttermilk) có pH (4,2) và nồng độ (142 mOsm/kg) tương đối thấp không phù hợp cho tế bào. Ngược lại, nước hoặc nước muối sinh lý không cải thiện tỷ lệ sống của tế bào dây chằng nha chu so với sữa và nước bọt. Nước máy (tap water) thường có nồng độ quá thấp làm ly giải tế bào nhanh chóng (rapid cellular lysis), nên không nên dùng bảo quản răng. Mặc dù nước muối sinh lý có nồng độ phù hợp (280 mOsm/kg) nhưng lại thiếu các chất dinh dưỡng (nutrients) như Mg, Ca và glucose cần cho quá trình chuyển hóa (metabolism) của tế bào dây chằng nha chu. Cuối cùng, dầu thầu dầu (castor oil) và chiết xuất từ củ nghệ (turmeric extract) không thể bảo tồn sự sống của tế bào dây chằng nha chu. Các dung dịch khác như dung dịch đệm probiotic (probiotic medium), EGCG (chẳng hạn, trà xanh chứa catechin nồng độ cao), hộp Dentosafe(R) (một sản phẩm bảo quản răng trên thị trường châu Âu), chiết xuất sầu đâu (neem extract), lòng trắng trứng, gel lô hội (aloe vera gel), nước dừa tươi (coconut water) còn thiếu bằng chứng về hiệu quả bảo quản răng.

KẾT LUẬN 

Tổng quan hệ thống này cho thấy các bằng chứng hiện nay còn hạn chế và ủng hộ hiệu quả bảo quản tạm thời răng rơi khỏi ổ bằng các dung dịch HBSS, keo ong, ORS hoặc giấy bọc thực phẩm so với sữa bò. Cần thêm các nghiên cứu tiến cứu có thiết kế tốt để cung cấp thêm bằng chứng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Storage of an avulsed tooth prior to replantation: A systematic review and meta-analysis

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Hướng dẫn xử lý chấn thương răng

Nhận xét

Bài đăng phổ biến