MEMORIES IN CANADA - PART 3: VIETNAMESE INTIMATE RELATIONSHIPS

HỒI KÝ GIA NÃ ĐẠI

PHẦN 3. NHỮNG MỐI THÂM TÌNH VIỆT

Ấn tượng đầu tiên bao giờ cũng là những ấn tượng khó phai, khắc cốt ghi tâm nhất. Canada trong ký ức của mình nhiều năm sau vẫn là hình ảnh những thảm lá phong mùa thu rải đầy khắp góc phố. Cuộc hành trình đến với một vùng đất không có trong kỳ vọng và tưởng tượng không chỉ có những bức tranh mùa thu tuyệt đẹp mà còn có cả những chông gai và lo lắng. Nhưng trên hết, mình vẫn giữ trong lòng hình ảnh những con người xuất hiện trong khoảnh khắc đó, ngắn ngủi nhưng đầy duyên số.

Người đầu tiên có lẽ chính là cô Ne (sau này là người hướng dẫn đề tài Thạc sĩ) của mình. Mình chưa bao giờ gặp gỡ hay biết đến cô từ trước lần hẹn tại một quán cà phê ở Quận 1. Điều đặc biệt hơn cô lại là một người Canada gốc Việt. Qua những buổi trò chuyện, càng bất ngờ hơn khi phát hiện ra cô là em/chị họ của cô AL (người cô lão thành trong ngành Răng Hàm Mặt mà mình nhắc đến từ kỳ 1). Ngoài dáng vẻ nhỏ nhắn của một cô gái Việt Nam thì mình ấn tượng nhiều nhất là ở phong cách làm việc của cô Ne. Trong những lần cùng cô đi đến nhà của các bệnh nhân tham gia vào nghiên cứu để gắn các thiết bị đo đạc chỉ số giấc ngủ (polysomnography - đa ký giấc ngủ), mình có dịp quan sát và học hỏi được cách làm việc chuyên nghiệp của cô mà sau này vẫn luôn thường xuyên áp dụng. Mặc dù ở các buổi huấn luyện đầu, việc gắn thiết bị diễn ra khá suôn sẻ và mình không nhận thấy có vấn đề gì cũng như than phiền của bệnh nhân, nên cứ nghĩ sẽ tiếp tục làm như thế cho các bệnh nhân còn lại. Tuy nhiên, sau mỗi lần ghi nhận thông số, cô đều gọi mình đến và chỉ ra một số thứ cần thay đổi hay hoàn thiện hơn, đôi khi rất tinh tế. Chẳng hạn như chuyện cô nghĩ ra dùng một cái vớ da của phụ nữ (dĩ nhiên là mới mua) cắt bỏ phần đầu ở mũi chân để luồn toàn bộ dây nối các điện cực đo sóng não, nhịp tim, nhịp thở, mạch vào chung với nhau để khi bệnh nhân nằm ngủ không bị khó chịu hay làm rối dây. Điều này làm cho mình rất ngạc nhiên và nể phục, mình hiểu rằng, trong quá trình làm việc, luôn phải quan sát và phân tích, tìm ra những chỗ chưa tốt để khắc phục chứ không được hài lòng với những thứ hiện tại.

Ngoài ra, cô cũng rất kiên nhẫn và chu đáo với mình, thực sự đúng như vài trò của một người đồng hành, tutor hay supervisor trong học tập và nghiên cứu. Điều này không phải giảng viên nào cũng làm được! Đây thật sự là những điều mình mong đợi từ giảng viên hướng dẫn và cũng là điều mình học hỏi và triển khai với các sinh viên mình được phân công phụ trách sau này. Khi bắt đầu khóa học, cô chủ động hướng dẫn mình nên lựa chọn những môn học nào, vừa để kịp thời gian hoàn thành đủ số tín chỉ trong năm đầu, vừa đủ lượng kiến thức cần thiết cho quá trình nghiên cứu. Cô cũng khuyên mình nên tìm và xin thêm học bổng nếu thấy đủ điều kiện, kiểu như rải truyền đơn, cô sẽ ký xác nhận cho mình, để có đủ chi phí sinh hoạt. Về nghiên cứu, cô soạn sẵn một bộ thư mục gửi cho mình theo thứ tự trình tự thực hiện nghiên cứu để mình biết cách tổ chức các tệp thông tin như Đề cương, Luận án, Dữ liệu, Xử lý thống kê, Bài báo, v.v... Khi phải về nước trước khi tốt nghiệp và đăng ký gửi luận văn qua mạng để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, cô là người giúp mình sửa bài và tự đi in để nộp cho phòng đào tạo của trường. Nhiều năm sau cứ mỗi dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, mình lại gửi thư hỏi thăm sức khỏe và hay gọi cô bằng từ thân mật là ma soeur (chị tui). Mình rất vui là cách đây mấy năm cô khoe là đã có gia đình và một bé gái rất xinh.

Người thứ hai không phải một mà là đôi vợ chồng người Việt (cô BĐ và chú H) mà mình đã kể từ kỳ trước. Cô chú đón mình từ sân bay và tìm nhà cho mình tạm trú khi mới qua Canada. Một mối nhân duyên là cô BĐ là em gái của một cô giáo dạy mình thời đại học. Cuộc sống đúng là một mắt xích của những mối lương quyên! Cô BĐ và chú H cho mình cảm giác của một gia đình trí thức với ba bạn nhỏ được giáo dục tốt, sống chan hòa và tình cảm. Dù chỉ là một sự gặp gỡ ngắn ngủi nhưng đối với mình đó là những mối thâm tình, cho mình cảm nhận rõ tình đồng hương ở một nơi xa xôi. Mình luôn khắc ghi những tấm lòng luôn dang rộng vòng tay giữa lúc mình thật sự bơ vơ ở nửa vòng trái đất. Cũng vì vậy mà sau này, khi gặp phải những hoàn cảnh tương tự, các bạn trẻ mới sang nước ngoài du học hay làm việc, mình luôn hỗ trợ nhiều nhất có thể. Mình tin rằng chúng ta giúp đỡ nhau không phải để nhận được sự đền đáp, mà bằng cách trao lại sự tử tế cho một người khác cũng chính là sợi dây nối dài tấm lòng biết ơn đó.

Người thứ ba lại là một cặp vợ chồng người Việt dễ thương khác. Mình thường gọi là Ông-Bà, vì thời điểm gặp mình ông đã 90, còn bà 76 tuổi (cũng cỡ tuổi ông bà của mình). Ngoài ba mẹ mình thì ông bà là cặp vợ chồng mà mình học hỏi được rất nhiều cách giữ lửa trong một mối quan hệ lâu dài. Ông nhân từ, bà hồn hậu, tuy thỉnh thoảng vẫn cãi nhau chuyện vặt, nhưng rồi cuối ngày vẫn cặm cụi ngồi bên nhau đọc kinh Thiên Chúa, gọi em xưng anh nghe thật là cảm động. Ông là điển hình của một người trí thức, từ nhỏ học ở Tây, cốt cách sang trọng, uy nghiêm nhưng lại rất tinh tế và lạc quan lúc nào cũng nở nụ cười hiền từ, chân thành. Lần đó, khi thấy tuýp kem đánh răng của mình sắp hết mà chưa bỏ, sợ mình không có tiền mua hay sao, ông lại lấy một tuýp kem mới rồi ghi mấy dòng chữ bên cạnh "cháu lấy cái này mà dùng". Thấy cái ghế ở phòng khách bị gãy chân, ông lại dán lên mấy dòng chữ "ghế hư cháu đừng ngồi". Ở tuổi 90, ông vẫn lái xe chở bà đi chơi siêu thị hằng ngày. Bí kíp sống lâu sống khỏe mà ông truyền lại cho mình là bình rượu tỏi, theo ông đọc, là cách duy trì tuổi xuân của người Hy Lạp. Ông và bà vẫn đều đặn mỗi ngày dùng một ly rượu tỏi cũng mấy chục năm rồi. Ngoài ra, dù tuổi cao, nhưng ông vẫn vận động mỗi ngày, mùa hè thì làm vườn trồng cây, mùa đông thì xúc tuyết.

Ông và công thức làm bánh kẹp gia truyền

Bà là một người phụ nữ Bắc Bộ chính hiệu, lấy chồng từ thời mười bảy mười tám tuổi, tuy học hành không nhiều như ông nhưng bà lại là người quán xuyến mọi công việc nhà, chu toàn cuộc sống cho chồng con. Bà kể thời ở Sài Gòn, bà là chủ của hiệu tóc Thanh Nữ ở khu đường Hàm Nghi bây giờ. Thấm thoắt mấy chục năm trôi qua, sống nơi đất khách quê người bà vẫn giữ cái giọng nói lẫn phong cách của người phụ nữ Bắc Bộ. Dù từ ngày mới qua đến giờ bà không biết nói tiếng Pháp, nhưng bà lại có cách giao tiếp rất thú vị, đó chính là qua ẩm thực. Mỗi lần đi lễ nhà thờ, bà hay dắt mình theo, rồi bà đến chào Cha xứ, ngoài chữ "Bonjour, mon père" (Xin chào, Cha!) thì hiển nhiên là không nói được gì khác, bà lại dúi vào tay Cha nào là chả giò, chả lụa, giò thủ các thứ tự làm. Cho nên thấy ai cũng có vẻ thân thiện và quý mến bà lắm! Đúng là con đường đi đến trái tim là con đường đi qua bao tử! Ở nhà, nhờ có bà mà mình ít khi thèm món Việt. Ngày nào bà cũng nấu đồ ăn mới, thực đơn thay đổi liên tục, có bún riêu, phở, bánh cuốn, xôi khúc, chả giò, v.v... Mình hay đi học về muộn, khi tới nhà khi ông bà thường đã đi ngủ, cho nên bao giờ bà cũng gửi cho mình một tâm thư ở trên bàn, kiểu như "Huy lấy bún riêu trong tủ lạnh hâm lại mà ăn". Tuy chân phương nhưng với mình đó là cả một tình cảm đong đầy! À, một điều trùng hợp thú vì là cả ông và một trong số 4 người con của ông có cùng ngày sinh với mình là 11/3, nên mình cũng được tổ chức sinh nhật ké trong thời gian sinh sống tại nhà của Ông Bà.

Đồ ăn bà nấu mà mấy bức tâm thư của bà

Ông bà trong ngày sinh nhật của ông và mình 11/3

Người thứ tư là một anh sếp người Việt chủ tiệm sushi mà mình có thời gian ngắn phụ bếp. Ông này nhìn bề ngoài nhỏ nhắn, điển trai nhưng thuộc dạng "giang hồ" chính hiệu (cái này là qua lời kể của ổng chứ mình không tự nhận xét vậy đâu haha). Lúc mới nói chuyện mình cũng không được thiện cảm lắm, vì kiểu như hai anh em không sinh trưởng cùng một môi trường, một thế giới (cái này cũng là ổng hay nhắc mỗi lần nói chuyện với mình, chứ mình cũng không có phân biệt gì đâu). Anh T là một con người với nhiều khía cạnh đối lập: nhỏ nhắn, thư sinh nhưng có một quá khứ lừng lẫy chốn giang hồ ở cả Việt Nam và Canada; nói năng cộc cằn mày tao mi tớ, chửi thề đ* má đ* mẹ nhưng lại là người sống trọng tình trọng nghĩa, yêu thương vợ con hết mực. Do biết mình không có xe và không biết lái xe, nên sau giờ làm, là ổng đều chở mình về tận nhà, thường khi tới nơi là 1-2h sáng. Trên đường về, hai anh em hay nói chuyện trên trời dưới đất, mà chủ yếu là ổng kể mình nghe thôi, cái ông nhìn nam tính mà nhiều chuyện lắm mọi người ơi. Cũng qua những câu chuyện đó, mình như sống thêm một cuộc đời khác, nào là chuyện cúp cua trốn học, chuyện nhậu nhẹt, đánh nhau, chuyện gái gú các thể loại. Toàn những thứ mình chỉ nghe qua sách báo hay phim ảnh, chưa thấy người thực việc thực. Và điều mình rút ra là, ở trong thế giới nào, xã hội nào, thì vẫn có những người tốt, trọng tình trọng nghĩa, không phải xã hội làm bạn biến chất, mà chính bạn có đủ bản lĩnh để sống đúng bản chất của mình hay không thôi. Câu nói mỗi khi nấu ăn ổng hay bảo mình là "Cái gì mày nhắm mày ăn được thì mày hãy đưa ra cho khách" là câu châm ngôn trong nghề của ổng, để lên án những người kinh doanh ẩm thực vì trọng lời cao mà sử dụng đồ kém chất lượng. Mình thấy câu này rất phù hợp, cho dù là ở đâu hay ngành nghề nào! Giờ mình làm nghề nha, cũng tâm niệm y vậy, nên mình hay nói với khách hàng nếu là người nhà em thì em sẽ chọn loại điều trị này, bla bla bla (không biết khách có tin không hay lại nghĩ em PR này nọ nữa, khộ lắm!).

Team đầu bếp-phụ bếp có ông sếp mình kể ở trên để mọi người tự đoán ổng là ai :) Hình chụp cũng 10 năm rồi mà lúc đó là sau giờ làm tầm 12-1 giờ sáng nên thiếu ánh sáng  

Dù trong thời gian ngắn ngủi thôi, Canada lại đón tiếp mình bằng những con người cùng nguồn cội đầy yêu thương và ấm áp. Mỗi người một tuổi đời, một hoàn cảnh, trở thành công dân Canada từ trước hay sau năm 1975. Mỗi cuộc gặp gỡ là một bài học, một lần vun đắp cho mình thêm về tình đồng bào dân tộc. Còn nhiều người Việt nữa đã bước qua cuộc đời mình trong những năm tháng đó mà không thể kể hết ở đây, chỉ mong rằng dù đang ở đâu, ở chiều không-thời gian nào, họ vẫn có một cuộc đời thật đẹp!

Nhận xét

Ngọc Anh đã nói…
Idol viết chân thực quá 🥰
Nặc danh đã nói…
Vô tình tỉnh giấc lúc 3h sáng, vô tình thấy bài đăng của anh về part 3, và thế là lại lật đật tìm về part 1 để được “sống” một cuộc đời khác qua từng câu chữ. Và bây giờ là 4h30 sáng, em vẫn còn suy nghĩ thật nhiều. Cảm ơn anh Huy và câu chuyện của anh đã truyền cho em thật nhiều cảm hứng. Chúc anh nhiều sức khoẻ và sớm ra part 4 nhé ạ!

Bài đăng phổ biến