MEMORIES IN CANADA - PART 2: AN UNEXPECTED DESTINATION

HỒI KÝ GIA NÃ ĐẠI

PHẦN 2. ĐIỂM ĐẾN BẤT NGỜ

Ngày đầu đặt chân đến thành phố Montreal, mình được hai cô chú người Việt (cô BĐ và chú H) đón tại sân bay quốc tế của thành phố. Sau đó, thì được hai cô chú chở về tận nhà trọ, nơi mà trước đó cô BĐ qua quen biết đã liên hệ cho mình tạm trú trong khoảng 3 tháng đầu. Ngồi trên xe, ngước nhìn qua ổ cửa kính ô tô, chiều mùa thu Montreal nhè nhẹ buông, cả không gian nhuộm trong ánh nắng vàng dìu dịu thật khiến trái tim bé nhỏ không khỏi nao lòng. Mình thật sự đã bước hai chân trên vùng đất lạ - Canada - tất cả như là một giấc mơ.

Nhớ những ngày sau khi nhận được trả lời từ chối cấp thị thực của Lãnh sự quán Pháp tại Sài Gòn, như đã kể ở phần 1, mình không lấy gì tiếc nuối hay thất vọng. Mỗi ngày vẫn đều đều làm công việc chuyên môn, khi thì ở trường, khi thì ở bệnh viện, khi thì ở phòng mạch tư, mình vẫn kiên trì tích lũy kiến thức và kinh nghiệm cho mục tiêu trở thành giảng viên Bệnh lý miệng. Sau này khi nghĩ lại, mình lại cho rằng có khi đây là một may mắn. Vì so với nhiều bạn trẻ được nhận học bổng ngay khi vừa tốt nghiệp và khăn gói lên đường du học, mình có thời gian cọ xát với môi trường làm việc trong nước, tiếp xúc nhiều ca lâm sàng, xây dựng mối quan hệ với các thầy cô - đồng nghiệp. Lúc du học trở về, mình dễ dàng hơn khi hòa nhập vào môi trường trong nước, không bị sốc văn hóa hay cần thời gian thích nghi lại. Cần mở ngoặc đây chỉ là những suy nghĩ của mình sau khi chiêm nghiệm lại hành trình đã qua, chứ không cổ xúy hay khuyến khích chuyện du học lúc nào đâu nhé mọi người. Nếu mong muốn lớn nhất của bạn là du học thì hãy nỗ lực và nắm bắt cơ hội ngay khi có thể!

Trong khoảng thời gian đó, cô giáo hướng dẫn khóa luận bằng tiếng Pháp của mình (cô N) cùng cô giáo chủ nhiệm (cô Th) mà mình đã nhắc ở phần 1 vẫn "nung nấu" trong lòng ý định tìm mọi cách để mình có thể du học, vì học bổng đã bảo lưu kia nếu không sử dụng thì quá phí phạm. Dĩ nhiên là mình cũng nỗ lực hết mình phần vì được các cô quan tâm, phần vì mình tuy không có đam mê ra nước ngoài nhưng khi xác định làm việc gì thì luôn tâm niệm phải dốc hết 100% sức lực, sau này dù kết quả có thế nào cũng không phải hối tiếc. Sau thời gian tìm hiểu, cô N biết là học bổng của AUF không chỉ giới hạn trong nước Pháp mà còn chấp nhận cả những quốc gia/trường đại học nói tiếng Pháp (như Bỉ, Canada). Cô N hỏi ý mình vì trong thời gian học tập tại Pháp cô có dịp tham dự buổi giảng của thầy trưởng khoa Nha - đại học Montreal ở Canada (thầy GL), nên nếu mình đồng ý cô sẽ gửi email nhờ thầy giúp đỡ. Thầy GL lúc đó là trưởng một phòng nghiên cứu về đau miệng mặt (đặc biệt là loạn năng khớp thái dương hàm) và giấc ngủ, cũng là một lĩnh vực về bệnh lý vùng đầu cổ. Dĩ nhiên, đây chỉ là gợi ý của cô, và cũng xem như thử vận may, chứ thật ra cũng không biết cách xa nửa vòng trái đất thầy có biết mình là ai không giữa cả rừng email gửi tới hằng ngày.

Tín hiệu tốt đầu tiên xuất hiện, cô N báo đã nhận được email hồi đáp của thầy GL đồng ý nhận mình sang học. Thầy Gl giới thiệu cô N và mình cho một giảng viên cấp dưới (cô Ne) - người có thể sẽ hướng dẫn mình trong tương lai để bàn thêm chi tiết về lộ trình làm hồ sơ du học. Việc trao đổi qua email khá là bất tiện, vì có nhiều vấn đề mà mình sẽ trình bày bên dưới, thời điểm này các ứng dụng họp online cũng chưa nở rộ và phổ biến như bây giờ, chưa kể trình độ nghe nói tiếng Pháp của mình cũng không đủ tự tin. Tín hiệu tốt thứ hai là thời điểm này cô Ne có lịch trình sang Việt Nam để thăm người thân (chuyện này sẽ kể chi tiết hơn trong phần 3), nên cô đã hẹn cô N và mình gặp mặt tại một quán cà phê ở quận 1 trên đường Đồng Khởi để trao đổi thêm. Qua buổi gặp mặt, cô Ne hiểu rõ hơn về tình trạng hiện tại của mình và có một số đề xuất. Vì học bổng AUF dựa trên tình hình thực tế tại Pháp chỉ bao gồm vé bay khứ hồi và sinh hoạt phí trong 10 tháng (700EUR/tháng, thời điểm này tương đương khoảng 900 CAD), mình được miễn học phí do đại học ở Pháp có hợp tác với Việt Nam. Trong khi chương trình đào tạo Thạc sĩ tại Canada có mức học phí mỗi học kỳ khoảng 8.000 CAD x 6 học kỳ/ 2 năm = 48.000 CAD (thời điểm đó 1 CAD gần bằng 1 USD) và không được miễn giảm. Cô Ne bảo sẽ giúp mình gửi hồ sơ xin học bổng hỗ trợ một phần học phí trong năm đầu dành cho đối tượng học viên cao học đến từ các nước đang phát triển như Việt Nam. Phần này sẽ giải quyết được 18.000 CAD, riêng mình sẽ chi trả khoảng 6.000 CAD còn lại. Để tiết kiệm chi phí ở năm thứ hai, mình cần hoàn thành nghiên cứu và các tín chỉ bắt buộc trong năm thứ nhất, để đăng ký tình trạng là "đang viết luận văn", khi đó học phí của năm thứ hai sẽ chỉ còn vài trăm CAD/học kỳ. Nghe tới đây cũng hơi lo lắng vì mình cũng chưa biết có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu học tập ở Canada hay không. Lo thì lo vậy nhưng mình cũng không thể tìm ra giải pháp nào tốt hơn. Ngoài ra, phần học bổng sinh hoạt phí cũng chỉ có 10 tháng, nên một áp lực khác là sau khi sang đó, phải tìm việc làm thêm để trang trải chi phí. Dĩ nhiên, mình có thể chọn giải pháp quay về Việt Nam để viết luận văn trong trường hợp không còn đủ kinh phí.

Nói chung, sau buổi gặp mặt hôm đó, mình cảm thấy con đường du học gần thêm một chút. À, mà mình cũng không đặt niềm tin hay hi vọng gì đâu mọi người ạ. Tính mình nó vậy, cái gì tới thì cứ tới, mình chỉ cố gắng hết sức thôi. Rồi thời gian trôi qua, mình trải qua giai đoạn xin cấp thị thực. So với thị thực của Pháp thì thị thực Canada rắc rối hơn nhiều (không biết bây giờ thì thế nào), đòi hỏi phải khám sức khỏe ở một phòng khám quốc tế mà họ chỉ định, rồi phải xin giấy phép vào tỉnh Quebec (nơi mình đến học) trước khi nộp hồ sơ thị thực, rồi gửi hồ sơ qua văn phòng đại diện chứ không đến thẳng Đại sứ quán hay Lãnh sự quán. Mình còn nhớ chị nhân viên ở văn phòng khá là quan liêu (hay là do quy định ???), mình có hỏi một số ý trong hồ sơ cần chuẩn bị vì không hiểu rõ thì chị bảo là đọc sao hiểu vậy chứ không giải thích gì thêm, nếu làm sai bị từ chối thì chị không chịu trách nhiệm. Ơ hay, chị nói xong mà mình muốn v* chị mấy phát mới đã cái nư, haha, mà thôi tại em đang cần chị nên em đành hiền dịu vậy!

Rồi ngày nhận được thị thực cũng đến, mình chuẩn bị lên đường với 30kg hành lý, 3.000 CAD mượn của mẹ (sau này đã trả đủ) để đóng học phí, 350EUR dằn túi của tổ chức AUF và thêm 500 USD của bạn người yêu mới quen đến tận bây giờ cho mượn bảo khi nào về có tiền thì trả (mà giờ cũng không nhớ đã trả hay chưa :)). Hành trình đi qua nửa vòng trái đất chính thức bắt đầu...

P.S: Mình gọi Canada là điểm đến bất ngờ, vì cho đến trước khi sang đây, mình không có mấy ấn tượng về đất nước này, chưa hề có ý định du lịch chứ nói tới chi là du học. Mình biết đất nước Canada qua trò chơi Vòng quanh thế giới hồi 4-5 tuổi gì đó, tất cả chỉ dừng lại ở quốc kỳ có hình lá phong đỏ, vậy thôi!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến