MEMORIES IN CANADA - PART 1: A RARE EVENT
HỒI KÝ GIA NÃ ĐẠI
PHẦN 1. MỘT SỰ VIỆC HI HỮU
Một buổi chiều mùa thu tháng 9 năm 2013 mình đặt chân đến thành phố Montreal thuộc tỉnh Quebec - một trong những khu vực chính nói tiếng Pháp ở Canada. Cảm giác háo hức và bất ngờ vẫn còn nguyên vẹn trong đầu mình đến tận bây giờ. Háo hức thì ai cũng hiểu, vì lần đầu tiên đặt chân đến một vùng đất mới để du học. Còn bất ngờ là vì sau rất nhiều thử thách và biến cố, mình lại đang hiện diện ở một vùng đất không nằm trong hoạch định.
Trở về thời điểm cách đó 1 năm, sau sáu năm trời nỗ lực, trải qua vô số kỳ thi tại trường Y Dược danh giá trong cả nước, mình cũng vừa kịp tốt nghiệp đúng hạn và dành được một suất học bổng du học chương trình Thạc sĩ do Tổ chức Pháp ngữ các trường đại học (AUF - Agence universitaire de la francophonie) tài trợ. Du học chưa bao giờ là mơ ước hay mục tiêu của mình, đơn giản đó là thành quả cho những nỗ lực đã qua (đạt điểm trung bình tích lũy trên 7,0, không thi lại hay nợ môn, có bằng tiếng Pháp DELF B2, đủ điều kiện và hoàn thành khóa luận tốt nghiệp tiếng Việt và tiếng Pháp). Với mình, học tập là con đường dài và cần sự kiên trì, môi trường tuy quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định bạn sẽ trở thành người như thế nào. Bằng chứng là mình đã trải qua thời tiểu học tại một thị trấn bé nhỏ, bốn năm trung học thì lăn lộn hết ba trường ở huyện lẻ từ An Giang đến Đồng Tháp, cấp ba may mắn được vào lớp chọn của trường điểm ở thị xã. Rồi mình cũng vào đại học như rất nhiều bạn bè cùng trang lứa bằng suất tuyển thẳng nhờ đạt học sinh giỏi cấp quốc gia năm đó. Có lẽ vì vậy mà khi nhận được học bổng, cả gia đình còn náo nức hơn cả mình, mở tiệc linh đình cả làng đều biết. Riêng mình, sau khi biết tin, mình dành thời gian tự chất vấn điều gì là quan trọng nhất ở hiện tại và định hướng tương lai, rồi việc du học đó có thỏa mãn những gạch đầu dòng đó hay không. (1) Hiện tại mình mong muốn có thể đón ba mẹ và em trai đến dự buổi lễ tốt nghiệp để chia sẻ thành quả mà mình đạt được, (2) là tu nghiệp về Bệnh lý miệng. Số 1 đối với mình ưu tiên hơn vì mỗi người chỉ có một lần trong đời, số 2 là con đường dài, có nhiều lựa chọn và ngã rẽ.
Sau khi cân nhắc, mình có vài buổi nói chuyện với một số thầy cô để trình bày về nguyện vọng. Trước hết là một người cô đáng kính (cô AL) - không chỉ riêng mình mà với rất nhiều thế hệ bác sĩ Răng Hàm Mặt. Qua tìm hiểu từ các tiền bối, mình biết được chương trình học thạc sĩ tại Pháp (trường có mối quan hệ hợp tác với khoa Răng Hàm Mặt trong nhiều năm qua) không có nhiều lựa chọn chuyên ngành, chủ yếu là Phục hình và Chỉnh nha - hai chuyên ngành khá hot đến tận bây giờ. Tuy nhiên, đó lại không phải là hướng đi mà mình mong muốn. Vì vậy, khi nói chuyện với cô AL, mình có phần dứt khoát "Nếu không được học đúng chuyên ngành Bệnh lý miệng thì con xin từ chối không đi". Có lẽ vì vậy mà sau đó cô đã trao đổi với thầy phụ trách chương trình đào tạo phía Pháp, để bổ sung nội dung thực tập/kiến tập Bệnh lý miệng vào Thư đồng ý tiếp nhận gửi cho mình. Việc này coi như xong (nhưng mà sau đó đây lại và vấn đề, mình sẽ nói tiếp ở dưới).
Người thứ hai mình đến gặp là cô giáo chủ nhiệm (cô Th) cũng là người trực tiếp liên lạc với các thầy ở Pháp. Theo thông lệ, thời gian sang Pháp sẽ vào đầu tháng 10 để làm các thủ tục nhập học và đăng ký môn học. Tuy nhiên, ngày lễ tốt nghiệp đại học của mình lại diễn ra vào giữa tháng 10. Với mong muốn được tham dự buổi lễ quan trọng cùng bạn bè gắn bó 6 năm cũng như được dịp để gia đình chứng kiến những thành quả mình đạt được như một món quà cảm ơn cho sự gian khổ của ba mẹ, mình trao đổi với cô chủ nhiệm xin dời lịch sang Pháp nếu không ảnh hưởng gì. Cần mở ngoặc ra là với một đứa sáu năm sống bằng tiền học bổng thì chắc chắn là mình không có dư dả để bay sang Pháp rồi đặt vé về dự lễ tốt nghiệp như một số bạn, vậy nên phương án này là bất khả thi. Cô chủ nhiệm có vẻ dùng dằng bảo là "tranh thủ sang sớm để làm thủ tục, nếu có khóa học nào sớm thì học luôn để rút ngắn thời gian và tiết kiệm sinh hoạt phí" (Do chương trình học ở Pháp có hai khóa học Master 1 và 2; phải hoàn thành 2 khóa học này thì khi chuyển đổi bằng mới tương đương bậc Thạc sĩ ở Việt Nam, mà hai khóa này có khi được tổ chức đồng thời). Mình cũng rất cương quyết "Em chỉ ngại nếu thay đổi lịch làm khó cho các thầy cô thì thôi, còn nếu dời được thì cô báo các thầy giúp em, em đã cân nhắc và hoàn toàn chấp nhận đánh đổi nếu có vấn đề gì sau đó". Vậy là cô cũng đồng ý.
Sau hai cuộc nói chuyện đó, mình tiếp tục lo hồ sơ xin thị thực ở Lãnh sự quán Pháp tại Sài Gòn, xem như là đã yên tâm phần nào. Trớ trêu thay, sau hàng chục năm với bao lớp bác sĩ tốt nghiệp từ khoa Răng Hàm Mặt sang Pháp du học, lần đầu tiên có một đứa bị Pháp từ chối cấp visa, đó chính là mình. Mình nhớ cảm giác lúc đó cũng không có gì trầm trọng lắm, như đã nói từ trước, du học với mình không phải là mục tiêu, nên mình đón nhận chuyện này khá dễ dàng. Mình báo lại với cô chủ nhiệm, sau khi tưởng mình nói giỡn thì cô chuyển sang cảm xúc "bị sốc" vì sự việc hi hữu như thế. Rồi cô loan tin khắp nơi, liên lạc với các thầy ở Pháp, rồi họp bàn tròn trong hội nghị Pháp-Việt được tổ chức ở Việt Nam sau đó. Mà mọi người biết rồi, phía cấp phép thị thực họ đâu có bao giờ nêu rõ lý do từ chối là gì. Các thầy cô hai bên thì cứ bàn tán, suy diễn các lý do, trong đó có nhắc đến việc sinh viên nước ngoài không được thực hành lâm sàng ở Pháp (việc này có liên quan đến nội dung trong thư tiếp nhận mình đã trình bày ở trên). Tuy nhiên, sau nhiều lần bàn luận, dĩ nhiên là không thể tác động đến Lãnh sự quán, mọi việc có vẻ đi vào bế tắc. Thời điểm này, chỉ có cách duy nhất là gửi đơn xin phía AUF gia hạn học bổng thêm một năm.
Về phía mình, như đã nói về hai mục tiêu chính ở trên, gia đình mình đã có một buổi lễ tốt nghiệp đầy ý nghĩa có cả nụ cười và nước mắt, vậy là mình đã xong được mục tiêu này. Sau đó, mình tiếp tục bắt tay vào mục tiêu số (2), thế là lại cặm cụi đi làm cộng tác viên (không lương) tại bộ môn Bệnh lý miệng, rồi xin làm việc tại một phòng khám tư để tự trang trải chi phí sau tốt nghiệp, tối rảnh thì đi học tiếng Nhật cho vui (cái này chắc là một tín hiệu từ vũ trụ chăng, xem phần 5 để biết thêm chi tiết nhé). Cô chủ nhiệm mình khi nhắc tới chuyện này lại nửa đùa nửa trách "Khi đó nếu không dự lễ tốt nghiệp, lo làm thủ tục sớm thì chắc đã không bị từ chối visa". Mình chỉ cười trừ "Như đã quả quyết với cô, em hoàn toàn chấp nhận đánh đổi để đạt được mục tiêu số 1 của mình, giờ thì đã toại nguyện, em không có gì tiếc nuối cả; vả lại, du học cũng không phải là đích đến của em, ở đâu em vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi chuyên ngành Bệnh lý miệng."
...
Nhận xét