Ph.D. IN DENTISTRY: IN VIETNAM OR ABROAD?

NGHIÊN CỨU SINH TIẾN SĨ:
VIỆT NAM HAY NƯỚC NGOÀI?


Với những trải nghiệm trong thời gian học cao học ở Canada và Nhật Bản, Harry xin chia sẻ một số ưu-nhược điểm của hai hình thức đào tạo bậc tiến sĩ trong và ngoài nước (chương trình đào tạo ở nước ngoài chủ yếu là tiếng Anh) để những ai quan tâm có thêm góc nhìn của người trong cuộc, để người trong kẹt tự biết đưa ra quyết định nào phù hợp cho chính cuộc đời mình. 
Trước tiên, hãy ngồi xuống lập ra danh sách những mong muốn của bạn khi dự định theo đuổi con đường nghiên cứu sinh là gì theo thứ tự ưu tiên giảm dần rồi đối chiếu với các ưu-nhược điểm của hai hình thức đào tạo mình trình bày bên dưới. Từ đó, mỗi người có thể tổng kết được đâu là hướng đi mà mình nên chọn.
Do tính đặc thù của khối ngành sức khoẻ, ngoài công việc nghiên cứu, nhiều người sẽ quan tâm đến cơ hội tiếp cận nội dung thực hành và hành nghề ở nước ngoài. Có thể tham khảo thêm bài viết về việc tự trau dồi kinh nghiệm làm việc khi học tập ở nước ngoài tại đây. Trong bài viết này, Harry chỉ giới hạn ở lĩnh vực Răng Hàm Mặt, các khối ngành khác chỉ có giá trị tham khảo thôi mọi người nhé!

NGHIÊN CỨU SINH TRONG NƯỚC

Được gì?

  • Làm việc với thầy cô hướng dẫn người Việt nên dễ trao đổi ý tưởng nghiên cứu.
  • Vẫn có thể duy trì công việc chuyên môn, phòng mạch nên thu nhập và tay nghề đảm bảo, có lượng bệnh nhân thân thuộc ổn định (đây là cơ sở để phát triển cơ sở tư nhân sau này). 
  • Nếu làm việc tại các cơ sở y tế đúng theo tiêu chuẩn vẫn đủ điều kiện xin cấp chứng chỉ hành nghề trong thời gian làm nghiên cứu.
  • Vẫn có thể tham gia các workshop lâm sàng, hội nghị hay hội thảo quốc tế nếu sắp xếp được thời gian.
  • Không cần cày ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng bản địa) để hòa nhập và phục vụ cho công việc học tập, chủ yếu cần kỹ năng đọc hiểu để đọc tài liệu liên quan đến nghiên cứu.
  • Ở gần gia đình, người thương, bạn bè - những chỗ dựa tinh thần rất quan trọng mỗi khi gặp khó khăn trong quá trình thực hiện đề tài.
  • Không bị thay đổi môi trường, không bị sốc văn hóa.
  • Nếu làm đề tài tại chính cơ quan đó thì hiểu được môi trường làm việc, các "phe cánh" trong nội bộ để có cách thích nghi và tồn tại.
  • Phát triển được được nhiều mối quan hệ xã hội phù hợp cho công việc của mình sau này.

Không được gì?

  • Ít có cơ hội nhận học bổng, phải tự chi trả học phí, chi phí nghiên cứu và các chi phí "bôi trơn" khác.
  • Trình luận án nghiên cứu sinh gồm nhiều vòng, vòng nào cũng căng thẳng không kém.
  • Khó tiếp cận với những trang thiết bị, kỹ thuật tiên tiến "hot trend" trong lĩnh vực nghiên cứu (ngoại trừ những dự án hợp tác với trường nước ngoài).
  • Khó đăng báo quốc tế uy tín vì nhiều nguyên nhân (trình độ ngoại ngữ, người hướng dẫn chưa có kinh nghiệm đăng báo, chi phí đăng báo cao, v.v...).
  • Ngoài nghiên cứu vẫn phải chu toàn việc gia đình, việc cơ quan, chuyên môn, phòng mạch nên thường bị quá tải, khó tập trung, nghiên cứu kéo dài trên 4 năm là chuyện bình thường.
  • Không có trải nghiệm sinh sống và làm việc tại các nước phát triển. Sống dài hạn tại các quốc gia này sẽ cho mình cái nhìn toàn diện và chân thật hơn về thế giới bên ngoài, những điều tốt và những mặt trái, từ đó sẽ có quyết định chính xác hơn, bớt dần tư tưởng sính ngoại.

NGHIÊN CỨU SINH NƯỚC NGOÀI

Được gì?

  • Thường xuyên sống và làm việc trong môi trường ngoại ngữ (thường là tiếng Anh) nên trình độ và phản xạ tốt hơn.
  • Có nhiều cơ hội nhận được học bổng hỗ trợ cho người nước ngoài (trước hoặc sau khi nhập học). Ngoài ra, còn được hỗ trợ chi phí nghiên cứu (thường trích từ dự án nghiên cứu của giáo sư), tham gia hội nghị quốc tế, lương trợ giảng (teaching assistant) hay lương phụ tá nghiên cứu (research assistant).
  • Có thể tham gia các workshop, khóa đào tạo ngắn hạn về lâm sàng (thực hành trên mô hình) được tổ chức tại trường đang theo học hay các cơ sở đào tạo khác.
  • Có thể kiến tập hoặc hỗ trợ công việc lâm sàng của giáo sư (thường không được thực hành trên bệnh nhân, vẫn có những ngoại lệ nếu ở Việt Nam đã có chứng chỉ hành nghề, có kỹ năng chuyên môn tốt, nhiều cố gắng trong quá trình học tập tại bộ môn ở nước ngoài).
  • Dễ đăng báo quốc tế vì đó là yêu cầu bắt buộc để được tốt nghiệp, thầy hướng dẫn có kinh nghiệm và quỹ nghiên cứu để chi trả biên tập tiếng Anh hoặc là người bản xứ nói tiếng Anh
  • Trình luận án thường đơn giản (trình một lần, thời gian trình 60 phút), chủ yếu về mặt thủ tục, vì cơ bản bài báo đã được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín có bình duyệt.
  • Có nhiều trải nghiệm về khác biệt văn hóa, giao lưu với bạn bè quốc tế, làm giàu vốn sống và mở rộng góc nhìn cá nhân.
  • Thường được tốt nghiệp sớm hoặc đúng hạn (3-4 năm) tuỳ theo khả năng và sự cho phép của giáo sư.
  • Có cơ hội việc làm trong lĩnh vực nghiên cứu tại nước sở tại hoặc các lab nghiên cứu ở các nước phát triển nhờ vào sự giới thiệu của thầy hướng dẫn, bước đầu tiên trong con đường trở thành thường trú nhân.
  • Dễ dàng xin visa du lịch đến các nước khác trong thời gian có visa du học tại các nước phát triển.
  • Bằng cấp nước ngoài cũng được ưu ái và trọng dụng hơn khi về nước làm việc.
  • Khoảng nghỉ không-thời gian (4 năm ở một xứ sở khác) cũng là một chất xúc tác tốt, giúp ngày trở về có thêm nhiều năng lượng tích cực để phát triển bản thân và công việc.

Không được gì?

  • Khác biệt ngôn ngữ và văn hóa nên bất đồng ý kiến với thầy hướng dẫn là điều không thể tránh khỏi.
  • Thời gian học ở nước ngoài không được xét để cấp chứng chỉ hành nghề của hệ thống y tế Việt Nam.
  • Gián đoạn hành nghề chuyên môn vì không có giấy phép thực hành/điều trị cho bệnh nhân của nước sở tại, tay nghề bị sụt giảm so với đồng nghiệp trong nước. Những ai theo đuổi chuyên ngành Chỉnh hình răng mặt cần lưu ý, vì thời gian đào tạo ở nước ngoài hầu như không thể tiếp tục theo dõi và điều trị cho các bệnh nhân đang điều trị trong nước, phải kết thúc điều trị hay chuyển cho bác sĩ khác.
    Tuỳ theo bộ môn, bạn có thể được sắp xếp hỗ trợ các thầy trong công việc lâm sàng, nhưng thường là những công việc không liên quan trực tiếp đến sức khoẻ của người bệnh (đổ mẫu, lấy dấu, thay thun, mắc cài, v.v...) và đặc biệt có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ bản xứ (Chỉ khi đã được tin tưởng nhờ cố gắng trong thời gian dài và gặp thầy giáo sư dễ tính thì bạn có thể được thực hiện một số thủ thuật quan trọng hơn, nhưng về nguyên tắc là không được). Bạn cũng có thể nhờ sự giới thiệu của thầy giáo sư để kiến tập tại các bộ môn khác. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm việc làm thêm tại các phòng khám tư để không bị quên nghề, điều kiện cần là có vốn tiếng bản địa đủ để giao tiếp với người bệnh (ví dụ tiếng Nhật, tiếng Pháp, v.v...), công việc cũng chỉ gói gọn trong phạm vị trợ thủ nha khoa.
  • Sống xa gia đình, cần phải tự lập trong cuộc sống, biết cách quản lý cảm xúc cũng như giữ gìn sức khỏe thể chất. Sự cô đơn là một trở ngại nhưng lại là liều thuốc để bản thân phát huy sức mạnh nội tại, dễ dàng vượt qua những sóng gió sau này.
  • Rời xa môi trường trong nước nên dễ bị sốc văn hóa khi quay trở về. Một số không thích nghi được hoặc không có đủ mối quan hệ trong nước sẽ quay lại tìm kiếm cơ hội việc làm ở các nước khác.
  • Công việc nghiên cứu và kỹ năng được đào tạo ở nước ngoài có thể không phù hợp với các vị trí việc làm trong nước vì một số lý do: khác biệt văn hóa nơi công sở, chênh lệch về cơ sở vật chất, khác biệt về định hướng nghiên cứu.
  • Cần thời gian để làm quen lại với công việc thực hành, một số có thể bị sốc hoặc trầm cảm do cảm thấy bản thân thua kém các thế hệ đi sau (đã có thời gian thực hành trong nước lâu hơn).
Trên đây là một số điểm cộng và trừ của hai hình thức học tập trong và ngoài nước. Hi vọng rằng những thông tin này có thể giúp mọi người tìm ra được hướng đi tốt nhất phù hợp với mong muốn và khả năng của bản thân. Dĩ nhiên là dù học ở ngoài hay trong nước thì cũng có những trường hợp ngoại lệ, nếu may mắn gặp được người thầy hướng dẫn tốt, đặc biệt là bản thân có chí cầu tiến, biết đâu là mục tiêu và ưu tiên của mình. Điều cuối cùng chỉ muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ rằng " Chúng ta cố gắng thì sẽ có được tất cả mọi thứ mong muốn, chỉ là mỗi thời điểm chỉ hoàn thành được một, còn gấp gáp, tham lam quá chỉ chuốc thêm ưu sầu, phiền não cho bản thân thôi, chả được lợi lạc gì cả!"

Nhận xét

Bài đăng phổ biến