HOW TO SELF-TRAIN SPECIALTY FRENCH IN DENTISTRY
CÁCH TỰ LUYỆN TIẾNG PHÁP
CHUYÊN NGÀNH RĂNG HÀM MẶT
Lợi ích của việc học ngoại ngữ trong chuyên ngành đó chính là chúng ta có thể (1) thường xuyên cập nhật các kiến thức hay xu hướng mới mà chưa được giảng dạy ở môi trường đại học trong nước (vì những kiến thức này cần có thời gian kiểm chứng, cũng như không phù hợp ở trình độ sơ cấp của sinh viên); (2) phát triển tư duy và góc nhìn đa chiều trong chuyên môn (vì mỗi quốc gia, dân tộc đều có bối cảnh kinh tế-xã hội và văn hóa khác nhau, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến cách thức vận hành và phát triển trong các lĩnh vực chuyên ngành); (3) đối chiếu thông tin giữa các ngôn ngữ để lựa chọn giải pháp phù hợp cho bối cảnh của mình (đây là một bước quan trọng trong phát triển tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định). Ngoài ra, cũng không quên là chúng ta còn có thêm cơ hội làm việc, học tập ở môi trường nước ngoài, phụ trách các sự kiện cần sử dụng ngôn ngữ đó hoặc chăm sóc sức khỏe răng miệng cho khách hàng là người nước ngoài nữa. Vậy nên phải bắt tay vào tự huấn luyện thôi nào!
BƯỚC 1. XÁC ĐỊNH TỪ KHÓA TÌM KIẾM
Toàn bộ nội dung chia sẻ bên dưới dựa trên nền tảng sử dụng các nguồn học liệu miễn phí trên internet kết hợp với phương pháp học tập cá nhân của Harry, nên lưu ý đầu tiên dành cho mọi người chính là cần xác định được từ khóa tìm kiếm (dĩ nhiên là bằng tiếng Pháp mọi người nhé). Từ khóa tìm kiếm chính là những từ liên quan trực tiếp đến chủ đề mà chúng ta quan tâm. Để việc tìm kiếm hiệu quả hơn, mọi người nên xác định từ khóa càng chi tiết và cụ thể thì càng tốt. Ví dụ, nếu sử dụng từ khóa "les traitements endodontiques" thì kết quả tìm kiếm sẽ rất rộng tất tần tật về điều trị nội nha, trong khi nếu chúng ta đang quan tâm về điều trị nội nha tái tạo trên răng vĩnh viễn chưa trưởng thành thì nên sử dụng nhóm từ khóa "le traitement endodontique régénérative sur les dents permanentes immatures". Kết quả tìm kiếm sẽ khu trú và chính xác hơn. Mọi người cũng không cần quá quan tâm đến các mạo từ (le, la, les, des) mà chỉ cần các từ khóa chính là đủ để Google đề xuất cho chúng ta các kết quả phù hợp rồi. Ngoài ra, trong quá trình luyện đọc hay luyện nghe, chúng ta sẽ bắt gặp các từ khóa hay chủ đề mình chưa biết hay quan tâm được nhắc đến, khi đó mọi người nhớ ghi chú lại để tìm kiếm sau này.
BƯỚC 2. LUYỆN PHÁT ÂM VÀ ĐỌC HIỂU
Bằng cách sử dụng các từ khóa về chủ đề quan tâm trên các công cụ tìm kiếm trực tuyến như Google, Bing, chúng ta sẽ thu được nhiều đề xuất. Mặc dù sách và bài báo chuyên ngành tiếng Pháp thường ít và hạn chế tiếp cận miễn phí so với tiếng Anh, chúng ta vẫn có thể thấy rất nhiều luận văn tiếng Pháp được chia sẻ miễn phí khi sử dụng công cụ tìm kiếm nêu trên. Các luận văn này thường ở dạng pdf nên mọi người có thể tải về miễn phí.
Sau khi đã có tài liệu trong tay, chúng ta sẽ bắt đầu quá trình luyện tập. Vì mặc định ở trình độ này, chúng ta đã có hiểu biết cơ bản về từ vựng, ngữ pháp, phát âm tiếng Pháp nên Harry sẽ đi thẳng luôn vào cách luyện tập nhé. Mình thường chia ra thành hai bước nhỏ như sau:
- Đầu tiên là luyện phát âm, bằng cách đọc to, rõ phần nội dung tài liệu đã tải về. Ở bước này, mình chỉ tập trung luyện giọng và phát âm là chính nên sẽ không quan tâm đến từ vựng hay các nội dung khó hiểu. Mỗi ngày mình sẽ luyện đọc khoảng 1-5 trang tùy theo quỹ thời gian cá nhân. Ngoài ra, để tạo phản xạ về ngữ điệu như người bản xứ, mình sẽ mở các chương trình talkshow để nghe thụ động trong thời gian tập thể dục hay đi dạo chẳng hạn.
- Tiếp theo là luyện đọc hiểu, quay lại tài liệu đã luyện phát âm ở trên, lúc này mình sẽ đi vào chi tiết để hiểu vấn đề. Trong quá trình đọc, sẽ bắt gặp các từ khó hay khái niệm mới. Có nhiều từ chuyên ngành rất khó hình dung nếu chỉ tra bằng từ điển. Vì vậy, kinh nghiệm của mình là lại nhờ đến anh Google Translate để dịch cả câu hay đoạn văn chứa từ vựng đó để xem gợi ý dịch của ảnh có dễ hiểu hơn hay không. Cách khác là sử dụng Google để tìm kiếm bằng Hình ảnh hay các tài liệu khác có đề cập đến từ vựng đó sẽ giúp cho mình hiểu được dễ dàng hơn. Đây là một công đoạn khá mất thời gian, nhưng mọi người đừng nản lòng vì có khi để hiểu được một từ mình phải tra cứu rất nhiều nguồn, đọc rất nhiều tài liệu. Cho nên, mình không đặt mục tiêu phải đọc hiểu hết bao nhiêu trang/ngày mà xác định thời gian luyện đọc hiểu là 30 phút/ngày chẳng hạn để chủ động trong việc quản lý thời gian.
BƯỚC 3. LUYỆN NGHE VÀ THÔNG DỊCH
Trước đây để tìm kiếm các video chuyên ngành khá khó, nhưng từ dạo dịch COVID-19 bùng phát, Harry phát hiện ra có nhiều kênh Youtube thường xuyên đăng tải các video webinar hay hội nghị chuyên ngành Răng Hàm Mặt bằng tiếng Pháp khá chất lượng, chủ đề lại đa dạng mà lại còn miễn phí. Không biết các kênh này còn đăng tải miễn phí đến khi nào, nên mọi người hãy tranh thủ nhé, nếu thích thì tải về luôn để sau này xem lại. Ở đây, mình gợi ý một vài kênh như Eugenol, LearnyLib, Adfasso, Generation Implant, Laboratoire PROTILAB. Ngoài ra, mọi người cũng có thể sử dụng các từ khóa tìm kiếm như mình đã trình bày ở bước 1 để tìm kiếm trên Youtube nhé.
Sau khi tìm được các video yêu thích, giờ mình sẽ bắt đầu luyện nghe mọi người nhé. Tùy theo mục đích và trình độ hiện tại, mọi người có thể áp dụng một trong các cách thức bên dưới. Harry thì hay thay đổi để tạo sự tươi mới mỗi lần luyện tập, cũng như tùy theo độ khó của nội dung và cách phát âm, tốc độ nói của báo cáo viên có dễ nghe hay không.
- Cấp độ 1: Luyện nghe có phụ đề. Nhấp vào biểu tượng mở phụ đề tự động để bắt kịp các ý mà báo cáo viên trình bày. Lưu ý là phụ đề tự động không chính xác 100% đâu mọi người nhé, nhưng cá nhân mình thì thấy cũng có ích lắm, nhất là gặp mấy bác nói nhanh và phát âm khó nghe quá.
- Cấp độ 2: Luyện nghe không phụ đề
- Cấp độ 3: Luyện nghe và thông dịch. Nghe từng đoạn rồi bấm dừng để tập dịch hay trình bày lại đoạn vừa nghe để kiểm tra mức độ hiểu. Thường thì nếu chỉ nghe cứ nghĩ mình hiểu rồi nhưng khi tập dịch ra mới thấy mình không hiểu hết mọi người ạ. Ngoài ra, cách luyện tập này cũng tạo cho mình một trường từ vựng chuyên ngành có thể bật ra tức thì khi gặp phải tình huống thực tế cần sử dụng đến.
- Cấp độ 4: Luyện dịch đuổi. Là vừa nghe vừa dịch tiếp lời của báo cáo viên mà không bấm nút dừng lại, cũng không bật phụ đề mọi người nhé. Harry vẫn còn lâu mới lên tới cấp độ này nên vẫn phải luyện tập thường xuyên.
Nhận xét