SHORT-TERM EFFECTS OF STAIN-CAUSING BEVERAGES ON TOOTH BLEACHING

ẢNH HƯỞNG NGẮN HẠN CỦA MỘT SỐ THỨC UỐNG CÓ MÀU ĐỐI VỚI ĐIỀU TRỊ TẨY TRẮNG RĂNG


GIỚI THIỆU

Răng đổi màu là một trong những mối quan tâm về thẩm mỹ của bệnh nhân trong xã hội hiện đại. Tùy theo nguyên nhân, có nhiều giải pháp để điều chỉnh màu răng như các biện pháp vệ sinh dự phòng hằng ngày (routine prophylaxis), tẩy trắng răng (tooth bleaching), gắn veneer hoặc mão răng (crown). Trong đó, tẩy trắng răng là một giải pháp hiệu quả và tương đối bảo tồn để loại trừ các vết dính nội sinh (intrinsic stains) hoặc ngoại sinh (extrinsic stains). Các bằng chứng cho thấy tẩy trắng giúp làm sáng màu răng và có những ảnh hưởng tích cực đến chất lượng sống liên quan sức khỏe răng miệng (oral health-related quality of life).
Tuy nhiên, tẩy trắng cũng có một số tác dụng bất lợi (adverse effects) như thay đổi cấu trúc mô răng (structural alterations), làm mất khoáng bề mặt và cấu trúc bên dưới (surface and subsurface demineralization), làm suy giảm độ vi cứng bề mặt (surface microhardness) và làm gia tăng độ thô ráp bề mặt (surface roughness) của men và ngà răng. Các thay đổi này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để màng sinh học (biofilm) và sắc tố (pigments) ngoại lai bám dính trên bề mặt răng. Một số thức uống có màu có thể làm sậm màu răng như cà phê, trà, rượu đỏ (red wine) và cola. Các thức uống này thường có tính acid nên có thể gây mòn răng ở nhiều mức độ. Khi tiêu thụ các thức uống này, chất khoáng và chất tạo màu có khả năng tác động đến cấu trúc men răng thông qua quá trình mất/khử khoáng (demineralizing) và tái khoáng (remineralizing).
Dựa trên các dữ kiện này, có nhiều lo lắng sử dụng các thức uống có màu ảnh hưởng tiêu cực trên kết quả điều trị tẩy trắng. Vì vậy, bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân tránh sử dụng thực phẩm có màu trong và sau quá trình trị liệu. Một nghiên cứu in situ báo cáo sử dụng cà phê và cola trong thời gian tẩy trắng tại nhà (at-home bleaching treatment) và tẩy trắng tại phòng khám (in-office bleaching treatment) làm thay đổi màu răng đáng kể. Tuy nhiên, một số nghiên cứu in vitroin situ báo cáo uống cà phê và rượu đỏ trong giai đoạn tẩy trắng răng không làm cho men răng dễ đổi màu. Do đó, chưa có sự thống nhất về việc tránh tiêu thụ các thức uống có màu (stain-causing beverages) trong và ngay sau khi tẩy trắng.

TÓM TẮT VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP

Thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng (randomized controlled clinical trial) với 21 đối tượng cho mỗi nhóm (3 nhóm: trà, cà phê và nước máy (tap water)). Tiêu chuẩn chọn vào (inclusion criteria) (1) 18-30 tuổi có sức khỏe toàn thân tốt (good general health), (2) có răng cửa và răng nanh hàm trên (maxillary incisors and canines) đã mọc hoàn toàn, không có phục hình, (3) có ít nhất một răng trước hàm trên (maxillary anterior tooth) có màu A3 hoặc sậm hơn theo bảng so màu Vita Easyshade Advance 4.0. Tiêu chuẩn loại trừ (exclusion criteria) gồm (1) bệnh nhân có bệnh lý toàn thân (systemic diseases) hoặc các rối loạn niêm mạc miệng (oral mucosal disorders), (2) bệnh nhân đang mang thai (pregnant) hoặc cho con bú (breastfeeding), (3) bệnh nhân dị ứng với các thành phần của sản phẩm nghiên cứu, (4) bệnh nhân hút thuốc hoặc uống rượu, (5) bệnh nhân đã từng tẩy trắng, (6) bệnh nhân uống hơn 3 tách cà phê hoặc trà mỗi ngày và (7) bệnh nhân đang điều trị chỉnh nha (orthodontic treatment).
Làm sạch răng tất cả bệnh nhân bằng bột pumice trộn nước và đài cao su (rubber cup) trước khi bắt đầu thử nghiệm. Bệnh nhân trong mỗi nhóm sẽ súc miệng bằng 50mL một trong 3 dung dịch (trà ô long, cà phê Nestle, nước máy) trong 30 giây, 4 lần/ ngày trong 4 tuần (trong và sau khi tẩy trắng). Trong giai đoạn thử nghiệm, bệnh nhân không được sử dụng các thức uống có màu khác. Trong thời gian này, hướng dẫn bệnh nhân chải răng hằng ngày bằng kem đánh răng Crest ít nhất 15 phút sau khi súc miệng bằng các sản phẩm thử nghiệm.
Đánh giá màu răng theo hệ thống Commission International Eclairage (CIE) L*a*b. Trong đó, L là trục sáng-tối (lightness-darkness), a là trục đỏ-xanh lá (red-green axis) và b là trục vàng-xanh dương (yellow-blue).

KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN

Giá trị pH trung bình (average pH values) của cà phê, trà và nước máy trong nghiên cứu này lần lượt là 5,90, 5,18 và 7,11.
Độ nhạy cảm của răng (tooth sensitivity) không có khác biệt ý nghĩa giữa 3 nhóm thử nghiệm tại các thời điểm đánh giá (trong khi tẩy trắng, 1 tuần và 3 tuần sau tẩy trắng). Nhạy cảm chủ yếu trong thời gian tẩy trắng và sau đó 1 giờ nhưng không kéo dài trên 48 tiếng.
Dựa trên các kết quả của nghiên cứu, các tác giả nhận thấy:
  • súc miệng bằng trà và cà phê trong khi tẩy trắng tại ghế không ảnh hưởng đến hiệu quả của điều trị
  • súc miệng bằng trà sau khi tẩy trắng tại ghế không ảnh hưởng đến hiệu quả của điều trị
  • súc miệng bằng cà phê sau khi tẩy trắng tại ghế có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của điều trị
Nhóm tác giả lý giải khác biệt về kết quả so với các nghiên cứu trước đây là do thiết kế nghiên cứu (study designs). Đây là một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân thực tế, so với các nghiên cứu khác là in vitroin situ (chủ yếu trong phòng thí nghiệm). Lý do có thể liên quan đến hướng dẫn sử dụng các sản phẩm tẩy trắng do nhà sản xuất cung cấp. Hầu hết các hướng dẫn này đều yêu cầu không được tiêu thụ các thực phẩm có màu trong và ngay sau giai đoạn tẩy trắng. Vì vậy, với kết quả này, nghiên cứu đã cung cấp thêm các bằng chứng giúp làm sáng tỏ ảnh hưởng của thức uống có màu (cụ thể là cà phê và trà) lên kết quả tẩy trắng tại ghế.
Răng đổi màu không phải chỉ do các sắc tố trong thực phẩm mà còn tùy thuộc vào môi trường pH. Giá trị pH thấp của trà và cà phê có khả năng làm hòa tan men răng (enamel dissolution), gia tăng độ xốp bề mặt (surface porisity), tạo thuận lợi cho các sắc tố bám vào bề mặt răng. Hơn nữa, các anion polyphenol khá nhiều trong hai thức uống này có khả năng tương tác với các phân tử cation trong nước bọt tạo thành lớp sắc tố dày (thickened layers of stained materials), dẫn đến đổi màu răng (tooth discoloration). Đó là lý do nhóm nghiên cứu lựa chọn hai thức uống này đại diện cho nhóm thực phẩm có màu có khả năng ảnh hưởng nhiều nhất đến màu răng. Theo báo cáo từ các nhà sản xuất, mỗi người tiêu thụ trung bình 3,2 tách cà phê/ngày trong thời gian 15 phút. Căn cứ theo đó, nhóm nghiên cứu tính toán thời gian nuốt để chọn lựa quy trình nghiên cứu là súc miệng với cà phê hoặc trà 4 lần/ngày, mỗi lần 30 giây để mô phỏng tình huống thực tế.
Từ kết quả của nghiên cứu súc miệng bằng trà hoặc cà phê trong thời gian tẩy trắng tại ghế không ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, các tác giả cho rằng điều trị tẩy trắng và quá trình tái khoáng hóa (remineralization) men răng nhờ nước bọt đã góp phần bảo vệ răng khỏi các sắc tố trong thời gian tẩy trắng.
Liên quan đến đổi màu răng sau tẩy trắng khi súc miệng với cà phê có khả năng do thức uống này chứa nhiều thành phần sắc tố màu vàng (yellow colorant content) so với trà. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh là mặc dù đánh giá chung (L*a*b) về màu răng thay đổi có ý nghĩa đối với cà phê nhưng độ sáng của răng thay đổi rất ít, không có ý nghĩa trên lâm sàng.

KẾT LUẬN

Dựa trên kết quả của nghiên cứu và các hiểu biết cá nhân, xin gợi ý một số lời khuyên sau dành cho đồng nghiệp và bệnh nhân quan tâm đến tẩy trắng:
  • Đa số mọi người có thể sử dụng trà, cà phê trong và sau khi tẩy trắng bằng ống hút, và không ngậm thức uống lâu trong miệng để tránh kéo dài thời gian tiếp xúc của răng với các sắc tố.
  • Đối với những người cơ địa nhiều vết dính do bề mặt men răng không trơn láng, nên hạn chế thực phẩm có màu trong và ngay sau khi tẩy trắng.
  • Người lớn tuổi thường có màu răng sậm hơn và có hiệu quả tẩy kém hơn thanh niên cũng cần lưu ý các loại thực phẩm có màu. Tuy nhiên, đây không phải là chống chỉ định tuyệt đối. Điều quan trọng vẫn là hãy chọn lựa phương thức làm cho mình thấy vui vẻ nhất. Suy cho cùng, thẩm mỹ hay ẩm thực chỉ là những phương thức giúp cuộc sống thêm ý nghĩa. Nếu vì nó mà để mình bị lệ thuộc thì không nên.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến