HOW DOES MANGOSTEEN HELP OUR ORAL HEALTH?

QUẢ MĂNG CỤT GIÚP GÌ CHO SỨC KHỎE RĂNG MIỆNG?

GIỚI THIỆU

Măng cụt (tên khoa học Garcinia mangostana L.) có những tiềm năng dược lý. Nhờ hương vị đặc trưng và riêng biệt, măng cụt được mệnh danh là "queen of the fruits". Đặc biệt phần vỏ của quả măng cụt (mangosteen fuit peel) có chứa một lượng lớn xanthones, thuộc nhóm hợp chất polyphenolic, có nhiều hoạt tính sinh học in vitro cũng như các hợp chất quan trọng khác như flavonoids, tannins và anthocyanins. Một số nghiên cứu cho thấy xanthone có hiệu quả chống oxi hóa (antioxidant), kháng viêm (anti-inflammatory), giải dị ứng (antiallergy), kháng khuẩn (antibacterial), chống ung thư (anticancer) và kháng nấm (antifungal).[1,2]

Nguồn: https://media.springernature.com/original/springer-static/image/chp%3A10.1007%2F978-3-319-78030-6_65/MediaObjects/438254_1_En_65_Fig2_HTML.png

HIỆU QUẢ KHÁNG UNG THƯ ĐỐI VỚI UNG THƯ HỐC MIỆNG

Nghiên cứu in vitro của Sunitha và cs (2020) kết luận chiết xuất vỏ măng cụt (mangosteen pericarp extract) có hiệu quả độc tế bào (cytotoxic effects) đáng kể trên tế bào biểu mô gai ung thư lưỡi (dòng tế bào H357). Ngoài ra, chiết xuất vỏ măng cụt còn cảm ứng quá trình chết tế bào (apoptosis) sớm của dòng tế bào này sau thời gian ủ 48 giờ. Măng cụt điều hòa thuận (upregulate)/kích thích biểu hiện các protein tiền chết tế bào theo chương trình (pro-apoptotic protein) bao gồm caspases và Bax, điều hòa ngược (downregulate)/ ức chế biểu hiện của protein kháng chết tế bào theo chương trình (anti-apoptotic protein) Bcl-2. Vì vậy, có thể xem chiết xuất từ măng cụt là một tác nhân chống ung thư tiềm năng trong điều trị ung thư hốc miệng.[2]

HIỆU QUẢ KHÁNG VIÊM VÀ GIẢM ĐAU TRONG SÂU RĂNG VÀ VIÊM NƯỚU

Trong nghiên cứu in vitro của Armelia và cs (2019), chiết xuất từ vỏ măng cụt (peel extract) ức chế sự phát triển của vi khuẩn S. mutans P. gingivalis trong màng sinh học (biofilm) tùy theo nồng độ. Trong đó, nồng độ chiết xuất 100% (cách thức pha chế xem thêm tài liệu số 2) ức chế được vi khuẩn với thời gian ủ 6 giờ. Ngoài ra, hoạt tính kháng khuẩn (antimirobial activity) trên S. mutans tốt hơn P. gingivalis.[3]

Nghiên cứu in vitro của Yun và cs (2020) đánh giá hiệu quả kháng viêm và tạo xương (bone formation) của chiết xuất Garcinia mangostana L. và/hoặc keo ong (propolis) (chất keo kết hợp giữa nước bọt của ong mật và nhựa cây). Nghiên cứu đánh giá biểu hiện của các cytokine viêm (inflammatory cytokines) và xét nghiệm hoạt tính alkakine phosphotase (alkaline phosphatase activity test). Từ các dữ liệu, tác giả kết luận có tiềm năng sử dụng hỗn hợp chiết xuất măng cụt và keo ong là một sản phẩm tự nhiên an toàn để phòng ngừa và điều trị bệnh lý nha chu.[4]

TÁI TẠO XƯƠNG

Nghiên cứu của nhóm tác giả Kreshnoadi (2017) xác định hiệu quả bảo tồn xương ổ sau khi nhổ răng trên chuột Cavia cobaya của hỗn hợp chiết xuất vỏ măng cụt và vật liệu ghép xương dị loại xương bò đông khô khử khoáng (demineralized freeze-dried bovine bone xenograft materials). Kết quả nghiên cứu cho thấy hỗn hợp này có thể làm giảm viêm thông qua giảm biểu hiện yếu tố nhân κβ (expression of nuclear factor κβ), chất kích hoạt thụ thể của phối tử yếu tố nhân-κβ (receptor activator of nuclear factor-κβ ligand - RANKL) và hủy cốt bào (osteoclast) đồng thời gia tăng protein tạo hình xương-2 (bone morphogenetic protein-2 - BMP2) và tạo cốt bào (osteoblast).[5]

PHỤC HỒI ĐỘ BỀN DÁN TRONG CHỈNH NHA

Hiệu quả làm tăng độ bền dán (shear bond strength) của khâu chỉnh nha (orthodontic brackets) trên răng đã tẩy trắng (bleached teeth) nhờ chiết xuất vỏ măng cụt được khảo sát qua nghiên cứu của tác giả Alhasyimi và cs (2018). Nhiều bệnh nhân trước khi đến chỉnh nha đã trải qua liệu trình làm trắng răng. Can thiệp này có khả năng làm giảm độ bền dán của khâu chỉnh nha. Nghiên cứu này cho thấy chiết xuất từ vỏ măng cụt đóng vai trò là một tác nhân chống oxy hóa (antioxydant) trên bề mặt răng sau tẩy trắng, giúp phục hồi độ bền dán của khâu chỉnh nha bằng xi măng glass inomer biến đổi nhựa (resin-modified glass ionomer cement).[6]

KẾT LUẬN

Măng cụt là một loại quả phổ biến ở nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh phần cùi quả (pulp) có giá trị kinh tế cao, vỏ măng cụt cho thấy nhiều tiềm năng ứng dụng trong nha khoa. Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện nay đang dừng ở mức in vitro hoặc in vivo, cần thêm thời gian để kiểm chứng bằng các thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu tiến cứu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Medicinal properties of mangosteen (Garcinia mangostana L.): A comprehensive update
  2. Cytotoxic Effects of Mangosteen Pericarp Extracts on Oral Cancer and Cervical Cancer Cells
  3. Indonesian Mangosteen Fruit ( Garcinia mangostana L.) Peel Extract Inhibits Streptococcus mutans and Porphyromonas gingivalis in Biofilms In vitro
  4. Anti-inflammatory and in vitro bone formation effects of Garcinia mangostana L. and propolis extracts
  5. The potential of mangosteen ( Garcinia mangostana) peel extract, combined with demineralized freeze-dried bovine bone xenograft, to reduce ridge resorption and alveolar bone regeneration in preserving the tooth extraction socket
  6. Effect of mangosteen peel extract as an antioxidant agent on the shear bond strength of orthodontic brackets bonded to bleached teeth

Nhận xét

Bài đăng phổ biến