RECOMMANDATIONS D'EXPERTS POUR LA PRISE EN CHARGE DES PATIENTS NECESSITANT DES SOINS BUCCO-DENTAIRES EN PERIODE DE DECONFINEMENT DANS LE CADRE DE L'EPIDEMIE DE COVID-19

KHUYẾN CÁO CỦA CHUYÊN GIA VỀ VIỆC XỬ TRÍ BỆNH NHÂN CẦN CHĂM SÓC NHA KHOA Ở GIAI ĐOẠN NGỪNG PHONG TỎA TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19

PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN

Hội đồng quốc gia thuộc Hiệp hội Nha sĩ Cộng hòa Pháp đã thành lập Ủy ban khoa học gồm đại diện của giới trí thức, các trường đào tạo nghề quốc gia và các đại học giảng dạy kết hợp viện-trường. Nhóm làm việc gồm các thành viên thuộc Ủy ban khoa học này và đại diện của giới khoa học trong các lĩnh vực truyền nhiễm học (infectiologie), virus học (virologie), vệ sinh (hygiène) và dịch tễ học (épidémiologie) đã đề ra các khuyến cáo. Sau đó, toàn bộ khuyến cáo được gửi đến chuyên gia thuộc các cơ sở chuyên nghiệp đa lĩnh vực để đánh giá, bình luận và đề xuất sửa chữa. Bản thảo cuối cùng được Bộ Y tế Pháp thông qua. Phiên bản 1 đăng ngày 6/5/2020, phiên bản 2 đăng ngày 16/6/2020, phiên bản 3 đăng ngày 15/7/2020, xuất bản ngày 02/9/2021 trên tạp chí L'Information Dentaire số 30, năm 2021.

NGUYÊN TẮC CHUNG

Virus SARS-CoV-2 có thể lây truyền từ những người đã nhiễm (personne déjà infectée), đã/đang phát bệnh (malade) hoặc đang mang mầm bệnh mà không có triệu chứng (porteur asymptomatique), chủ yếu theo đường trực tiếp từ các phân tử được phát ra ngoài khi ho (la toux), hắt hơi (l'éternuement) hay nói chuyện; hoặc lây truyền gián tiếp khi tiếp xúc với các bề mặt cố định đã bị nhiễm từ trước. Do đó, để phòng tránh lây nhiễm SARS-CoV-2, cần dự phòng các loại hạt nhỏ (gouttelettes) và các hình thức tiếp xúc kể trên.

Lây truyền vi rút SARS-CoV-2 qua khí dung (aérosol) không phải là đường lây truyền chính nhưng cần lưu ý trong một số tình huống chăm sóc y tế, trong đó có nha khoa. Thực tế, nhiều trang thiết bị sử dụng trong thực hành nha khoa có thể tạo ra các giọt bắn hoặc khí dung tiềm tàng nguy cơ lây nhiễm.

Tỷ lệ miễn dịch cộng đồng (le taux d'immunité collective) cần thiết để bảo vệ toàn bộ dân số theo ước tính hiện nay là 70%. Tuy nhiên, hiện chưa rõ về hiệu quả bảo vệ của kháng thể trên người đã mắc bệnh hoặc do tiêm phòng vacxin COVID-19 tồn tại ngắn hạn hay dài hạn.

Các khuyến cáo dưới đây nằm trong phạm vi chiến lược quốc gia (của Pháp) để thoát khỏi tình trạng phong tỏa. Các chăm sóc nha khoa cho đến khi tình trạng bình thường hóa về y tế được thiết lập trở lại cần:

  • Nắm được thông tin cụ thể về loại hình can thiệp trước khi gặp bệnh nhân;
  • Tuân thủ các biện pháp dự phòng nguy cơ lây nhiễm thông thường (đối với nhân viên y tế);
  • Tuân thủ các biện pháp bảo vệ (đối với bệnh nhân) (giữ khoảng cách, mang khẩu trang, sát khuẩn tay, v.v...);
  • Tổ chức hoạt động và sử dụng trang thiết bị phù hợp cho từng cơ sở y tế;
  • Đánh giá nguy cơ của bệnh nhân trước khi xếp lịch hẹn;
  • Trì hoãn một số hoạt động tùy theo tình huống cụ thể; 
  • Lên lịch hẹn và cách thức tiếp đón bệnh nhân phù hợp;
  • Sử dụng các phương tiện bảo hộ phù hợp (bảo hộ mắt, khẩu trang FFP2 nếu cần, v.v...)
  • Thực hiện các quy trình cụ thể trong chăm sóc nha khoa và khử nhiễm.

PHÂN BIỆT CÁC TÌNH HUỐNG LÂM SÀNG TẠO RA KHÍ DUNG

Thực hành KHÔNG tạo ra khí dung:

  • Không sử dụng tay xịt hơi-nước (la seringue air-eau);
  • Không sử dụng dụng cụ quay (un instrument rotatif);
  • Không sử dụng dụng cụ siêu âm (un instrument à ultrasons);
  • Không sử dụng máy đánh bóng răng bằng hơi (un aéropolisseur) (Hình 1).

Thực hành có tạo ra lượng NHỎ khí dung chứa dịch thể (liquides biologiques) (tức là máu, nước bọt, v.v...):

  • Sử dụng tay xịt hơi-nước không thường xuyên và không xịt đồng thời hơi và nước;
  • Sử dụng một dụng cụ quay không thường xuyên, không đặt đê (ví dụ: điều chỉnh khớp cắn).

Thực hành có tạo ra lượng LỚN khí dung chứa dịch thể:

  • Sử dụng liên tục tay xịt hơi-nước;
  • Sử dụng liên tục dụng cụ quay, không đặt đê;
  • Sử dụng dụng cụ siêu âm;
  • Sử dụng máy đánh bóng răng bằng hơi.
Hình 1. Một số máy đánh bóng răng bằng hơi trên thị trường. Nguồn: https://www.dentaltix.com/fr/sites/default/files/aeropolisseurs-dentaires.jpg

PHÂN LOẠI BỆNH NHÂN NGUY CƠ

Cần đánh giá bệnh nhân trước buổi hẹn (qua điện thoại, thư điện tử hoặc các hình thức giao tiếp gián tiếp khác).
Phân loại bệnh nhân vào một trong 2 nhóm sau:
  • Nhóm 1: Bệnh nhân không thuộc nhóm 2
  • Nhóm 2:
    • Bệnh nhân mắc COVID-19 đang được cách ly (patient en isolement);
    • Bệnh nhân tiếp xúc gần (contact étroit) với bệnh nhân mắc COVID-19 trong vòng 14 ngày (patient en quatorzaine);
    • Bệnh nhân có triệu chứng của COVID-19. Các dấu hiệu chính là sốt (>38 độ C) (fièvre), ho (toux), khó thở (difficulté respiratoire), mất vị giác hoặc khứu giác đột ngột (perte soudaine de gout ou d'odorat), tiêu chảy bất thường (diarrhée inhabituelle), đau đầu bất thường (céphalées inhabituelles), mệt mỏi nhiều (fatigue important), thay đổi tổng trạng (altération de l'état général), đau cơ không rõ nguyên nhân (myalgies inexpliquées).

TỔ CHỨC PHÒNG KHÁM (Organisation des locaux)

Phòng chờ và khu vực tiếp tân/văn phòng (Salle d'attente et secrétariat)

  • Dọn dẹp tất cả các loại vật dụng như sách, tạp chí, đồ chơi trẻ em;
  • Hạn chế sử dụng phòng chờ:
    • Giảm số lượng ghế ngồi;
    • Tăng khoảng cách giữa các ghế chờ tối thiểu 1m;
    • Tránh sử dụng ghế bọc vải (chaises avec du tissu);
    • Hạn chế để bệnh nhân ngồi chờ;
    • Hạn chế người đi kèm (accompangants) (nếu không cần thiết);
  • Khử trùng bề mặt của các vật dụng tối thiểu 1 lần/ngày, riêng các vị trí thường xuyên tiếp xúc thì khử trùng nhiều lần hơn như tay nắm cửa (poignées), công tắc điện (interrupteurs), khung cửa ra vào (chambranle de porte);
  • Mở cửa thông khí tối thiểu 3 lần/ngày, mỗi lần ít nhất 15 phút;
  • Chuẩn bị sẵn dung dịch sát khuẩn tay chứa cồn (solution hydro-alcoolique) và khẩu trang (masque de protection) cho trường hợp bệnh nhân quên mang theo;
  • Chuẩn bị sẵn khăn giấy (mouchoirs à usage unique) và thùng rác có nắp đậy (poubelle avec couvercle);
  • Dán poster hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm coronavirus (quy tắc 5K), kỹ thuật rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn (les techniques de lavage/friction des mains) trên tường của phòng chờ;
  • Trang bị hệ thống chống giọt bắn (système antiprojections) tại phòng chờ như tấm chắn bằng kính hoặc nhựa.

Phòng điều trị (Salle de soins)

  • Nếu phòng điều trị có nhiều ghế (nha), cần tuân thủ các thao tác cũng như khoảng cách tối thiểu giữa các bệnh nhân là 1m; đồng thời không để nhiều bệnh nhân có mặt cùng lúc, nhất là khả năng can thiệp có tạo ra khí dung;
  • Nếu cơ sở vật chất cho phép, nên thực hiện điều trị luân phiên 2 ghế;
  • Bao phủ toàn bộ các bề mặt làm việc có khả năng bị dính giọt bắn để dễ lau chùi khi sử dụng các dụng cụ quay (khoảng cách an toàn tối thiểu đến nguồn tạo ra khí dung là 1,5m);
  • Khử trùng thường xuyên các thiết bị thông tin như bàn phím, chuột, điện thoại.

Thông khí trong phòng điều trị (Ventilation des locaux)

  • Khuyến cáo không thực hành điều trị có tạo ra khí dung nếu phòng điều trị không có cửa sổ và không thể thông khí được;
  • Tối thiểu nên duy trì một máy thông khí liên tục trong phòng điều trị;
  • Cần đổi mới không khí (renouvellement de l'air) trước khi tiếp nhận bệnh nhân mới. Thời gian đổi mới không khí tùy thuộc loại hình can thiệp có tạo ra khí dung hay không và nhóm bệnh nhân nguy cơ;
  • Đổi mới không khí bắt đầu khi kết thúc hoạt động có tạo ra khí dung và trước khi bệnh nhân đó ra khỏi phòng khám;
  • Đổi mới không khí bằng cách:
    • Thông khí tự nhiên (mở cửa sổ);
    • Thông khí bằng máy xử lý không khí (centrale de traitement d'air) để đổi mới hoàn toàn không khí, tốc độ tối thiểu là 6 lần thể tích phòng/giờ, không sử dụng chế độ tái sử dụng không khí trong phòng (recyclage), không để áp suất trong phòng thấp hơn bên ngoài;
  • Mở rộng cửa sổ, để thông khí tối thiểu 15 phút sau các tình huống dưới đây:
    • Tất cả thực hành lâm sàng trên bệnh nhân nhóm 2;
    • Tất cả thực hành lâm sàng tạo ra một lượng lớn khí dung trên bệnh nhân nhóm 1;
  • Nếu thông khí bằng cửa sổ, tránh hướng gió đi trực tiếp vào chỗ đông người hoặc lối đi;
  • Thông khí bất kỳ khi nào có thể và trong tất cả giai đoạn xịt sát trùng (bionettoyage) nhằm đảm bảo cung cấp đủ không khí sạch trong tất cả thực hành lâm sàng tạo ra lượng nhỏ khí dung ở bệnh nhân nhóm 1;
  • Ngoài các tình huống kể trên (ví dụ bệnh nhân nhóm 1 đã tiêm đủ 2 liều vaccin và thực hành không tạo ra khí dung), thông khí phòng điều trị tối thiểu 3 lần/ngày, mỗi lần tối thiểu 15 phút;
  • Phải đóng kín phòng điều trị (ngăn cách với phòng đợi, khu vực tiếp tân, các phòng chức năng khác) trong thời gian thực hành can thiệp có tạo ra khí dung và trong giai đoạn đổi mới không khí; đồng thời nhân viên y tế trong phòng phải mặc đồ bảo hộ phù hợp (tối thiểu là mang khẩu trang FFP2 và kính bảo hộ).

Điều hòa không khí (Climatisation)

  • Hầu hết các máy điều hòa không khí không có chức năng thông khí, máy chỉ lấy không khí trong phòng và thải lại lượng khí đó ở nhiệt độ mong muốn. Nên tránh sử dụng máy điều hòa di động, có ống nhựa trao đổi không khí với bên ngoài (Hình 2);
  • Có thể sử dụng máy điều hòa trong các tình huống sau:
    • Khi cần thiết để đảm bảo môi trường làm việc phù hợp, tốc độ gió yếu nhất có thể, không tạo luồng khí về hướng khu vực chăm sóc bệnh nhân và đảm bảo cung cấp không khí trong lành liên tục;
    • Đối với bệnh nhân nhóm 1: trong lúc hoặc ngoài thời gian điều trị;
    • Đối với bệnh nhân nhóm 2: ngoài khoảng thời gian chăm sóc có tạo ra khí dung (aérosol) hoặc lúc khí dung còn lơ lửng trong phòng (en suspension).
Hình 2. Máy điều hòa di động.
  • Trường hợp cần sử dụng máy điều hòa, khuyến cáo nên sử dụng bộ lọc an toàn nhất và thường xuyên thay mới bộ lọc (mỗi tuần nếu có thể).

LIÊN QUAN ĐẾN BỆNH NHÂN

Đánh giá và phân loại

  • Đánh giá và phân loại bệnh nhân trước cuộc hẹn theo hai nhóm nguy cơ kể trên;
  • Không hợp lý nếu yêu cầu tất cả bệnh nhân làm xét nghiệm chẩn đoán RT-PCR hệ thống trước buổi hẹn;
  • Bệnh nhân nhóm 1 có thể thực hiện tất cả loại hình điều trị nha khoa vào bất kỳ thời điểm nào;
  • Bệnh nhân nhóm 2 chỉ can thiệp nha khoa khẩn (soins urgents), ví dụ: viêm tủy cấp không hồi phục (pulpites aigues inrréversibles), nhiễm trùng (infections), chấn thương (traumatismes), chảy máu (hémorragies), v.v... vào khung giờ riêng cho nhóm đối tượng này. Các điều trị nha khoa khác chỉ được tiến hành sau khi bệnh nhân đã được bác sĩ y khoa đánh giá đã khỏi bệnh (sau thời gian cách ly)/ sau thời gian 2 tuần tiếp xúc với người mắc COVID-19/ triệu chứng hiện có không phải mắc COVID-19;
  • Yêu cầu bệnh nhân trước khi đến điều trị nếu có xuất hiện các triệu chứng của COVID-19 thì phải liên lạc với bác sĩ để sắp xếp lại lịch hẹn và chờ theo dõi.

Xếp lịch hẹn

  • Tuân thủ đúng khung giờ cho từng bệnh nhân;
  • Can thiệp nhanh nhất có thể;
  • Đối với bệnh nhân nhóm 2, chỉ điều trị khẩn. Xếp lịch hẹn cho bệnh nhân vào cuối mỗi ca làm việc hoặc dành riêng nửa ngày cho nhóm bệnh nhân này.

Tiếp đón bệnh nhân

  • Không khuyến cáo và không cần thiết đo nhiệt độ ở trán tại cửa ra vào;
  • Không để bệnh nhân nhóm 2 tiếp xúc gần với các bệnh nhân khác;
  • Chỉ cho người đi kèm khi cần thiết (trẻ em, người không tự chủ hành vi), trường hợp có người đi kèm hạn chế số lượng là 1 người và phải ngồi ở phòng chờ;
  • Trong thời gian chờ, người đi kèm phải mang khẩu trang và sát khuẩn tay thường xuyên. Nên mang khẩu trang phẫu thuật đối với người nhà của bệnh nhân nhóm 2;
  • Nhắc nhở bệnh nhân và người nhà tránh mang theo quá nhiều vật dụng cá nhân (effets personnels) (áo khoác, túi xách, v.v...). Có thể chuẩn bị sẵn thùng chuyên dụng để đựng tất cả tư trang của bệnh nhân để phòng tránh lây nhiễm và khử trùng giữa các bệnh nhân;
  • Nhân viên tiếp tân phải sát khuẩn tay sau khi xử lý giấy tờ, hồ sơ, thẻ ngân hàng và tiền thanh toán của bệnh nhân;
  • Không hợp lý khi yêu cầu bệnh nhân mặc đồ bảo hộ (gồm mủ, áo choàng và bọc giày).

LIÊN QUAN ĐẾN NHÂN VIÊN Y TẾ

Nhân viên y tế nghi ngờ mắc COVID-19 hoặc tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 hoặc mắc COVID-19 không được tham gia điều trị bệnh nhân nha khoa.

Biện pháp vệ sinh cá nhân

  • Mặc áo ngắn tay;
  • Cắt ngắn móng tay, không sơn móng (vernis), gắn móng giả (faux-ongles);
  • Không đeo trang sức ở ngón tay và cổ tay, kể cả tai và cổ;
  • Không để râu, nhất là râu quai nón (barbe);
  • Buộc/búi tóc cao (attacher les cheveux mi-longs ou long);
  • Rửa tay và cánh tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn sau khi thay quần áo làm việc.

Quần áo làm việc (ở đây có thể là áo blouse, scrub)  (La tenue de professionnelle) và các phương tiện bảo hộ khác

Đối với nhân viên văn phòng:
  • Không được đi vào khu vực điều trị;
  • Mang khẩu trang phẫu thuật liên tục;
  • Nếu khu vực tiếp tân không có tấm chắn giọt bắn, phải đeo kính bảo hộ hoặc tấm chắn mặt (un écran facial);
  • Khẩu trang phẫu thuật phải thay mới sau 4 giờ.
Đối với nhân viên điều trị (bác sĩ và phụ tá):
  • Quần áo làm việc bao gồm quần dài (pantalons), áo ngắn tay (tunique manches courtes) và giày bít kín (chaussures fermées). Khi điều trị bệnh nhân, phải mặc thêm đồ bảo hộ cá nhân (équipements de protection individuelle).
  • Phải thay mới quần áo làm việc tối thiểu hằng ngày và khi bị dính bẩn hoặc ướt.
  • Đối với bệnh nhân nhóm 1, nếu quần áo làm việc có nguy cơ bị dính bẩn hoặc ướt, khuyến cáo nên sử dụng đồ bảo hộ tối thiểu là tạp dề bằng nhựa (un tablier plastique) (Hình 3) hoặc áo choàng ngoài (une surblouse) (Hình 4).
  • Đối với bệnh nhân nhóm 2, dù bất kỳ điều trị nào cũng phải có phương tiện bảo hộ bên ngoài quần áo làm việc, hoặc là áo choàng ngoài, hoặc tạp dề bằng nhựa kèm miếng trùm cánh tay (des manchons de protection) (Hình 3).
  • Không mặc quần áo làm việc rời khỏi phòng khám; không giặt quần áo làm việc ở nhà;
  • Bảo hộ mắt (protection oculaire):
    • Sử dụng kính bảo hộ (lunettes de protection) và/hoặc tấm chắn mặt (écran facial);
    • Tấm chắn mặt giúp bảo vệ và giảm nguy cơ bị ướt khẩu trang;
    • Trường hợp sử dụng tấm chắn mặt tự làm, có thể không đủ để bảo vệ khỏi mảnh vụn răng hoặc mũi khoan gãy, nên mang kính kèm theo;
    • Đeo tấm chắn mặt không bảo vệ khỏi lây truyền qua đường hô hấp;
    Hình 3. Tạp dề bằng nhựa kèm trùm cánh tay. Nguồn: https://m.media-amazon.com/images/I/71s766GfFTL._AC_SX425_.jpg

Hình 4. Áo choàng ngoài loại dùng một lần. Nguồn: https://www.axess-industries.com/sur-blouses/surblouses-a-usage-unique-p-181237-600x600.jpg
  • Bảo vệ đường hô hấp (Protection respiratoire)
    • Đeo khẩu trang FFP2 (hoặc tương đương như N95, KN95, v.v...) đối với:
      • Điều trị có tạo ra khí dung;
      • Khi khử trùng và thông khí phòng điều trị sau các điều trị có tạo ra khí dung;
      • Tất cả các hoạt động điều trị trên bệnh nhân nhóm 2;
    • Khẩu trang FFP2 có thể sử dụng qua nhiều bệnh nhân nếu không bị dính bẩn, ướt và cần thay mới sau 4 giờ. Trường hợp thiếu khẩu trang, có thể sử dụng kéo dài đến 8 giờ;
    • Đối với điều trị không cần đeo khẩu trang FFP2, cần đeo khẩu trang phẫu thuật liên tục.
  • Các phương tiện bảo hộ khác:
    • Không được sát trùng găng tay bằng bất kỳ dung dịch nào; rửa tay ngay sau khi tháo găng;
    • Nên sử dụng nón che đầu (charlotte) loại dùng một lần hay bằng vải, thay mới sau nửa ngày làm việc hoặc khi bị dính bẩn/ướt;
    • Không khuyến cáo sử dụng trùm giày (sur-chaussures).

THỰC HÀNH ĐIỀU TRỊ (Réalisation des soins)

Xử lý khí dung (Gestion des aérosols)

Mục tiêu là giảm tối đa lượng khí dung có nguy cơ lây nhiễm trong phòng điều trị. Theo trình tự, cần phải:
  • Cho bệnh nhân súc miệng với nước súc miệng sát khuẩn (un bain de bouche antiseptique) để làm giảm tải lượng vi sinh vật trong khí dung;
  • Đặt đê (pose de digue) để cô lập khí dung tạo ra không trộn lẫn với nước bọt có tiềm năng lây nhiễm;
  • Giảm tạo ra khí dung (hạn chế sử dụng các dụng cụ tạo ra khí dung, giảm lượng nước thấp nhất có thể);
  • Đặt ống hút nước bọt gần nguồn tạo ra khí dung (chẳng hạn, tay khoan) nhất có thể (sử dụng lực hút mạnh, dùng hai ống hút, kỹ thuật làm việc 4 tay [tức là bác sĩ + trợ thủ]);
  • Đổi mới không khí để loại bớt lượng khí dung còn lại trong phòng.
Quy trình chăm sóc (Protocol de soins)
  • Bệnh nhân đeo khẩu trang cho đến khi bắt đầu điều trị (kể cả giai đoạn ngồi chờ) và đeo lại khi kết thúc điều trị;
  • Súc miệng với nước súc miệng sát khuẩn trước mọi can thiệp nha khoa;
  • Không nhổ vào bồn nhổ nước bọt (crachoirs) (để tránh áp lực mạnh làm văng chất lây nhiễm ra xung quanh), nên sử dụng ống hút nước bọt hoặc cho bệnh nhân nhổ vào cốc đựng (un gobelet), khay hạt đậu (un haricot) hay lavabô chuyên dụng;
  • Thận trọng khi chụp phim trong miệng vì thao tác này làm kích thích tiết nước bọt và có thể gây ra phản xạ ho (un réflexe de toux);
  • Ưu tiên sử dụng đê cao su trong tất cả tình huống lâm sàng;
  • Sử dụng ống hút mạnh, hai ống hút nếu có thể;
  • Luôn làm việc hai người (bác sĩ + trợ thủ);

KHỬ NHIỄM VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI (Bionettoyage et gestion des déchets)

  • Khử trùng toàn bộ bề mặt (ghế, máy, ống hút, tay nắm cửa, v.v...);
  • Khử trùng dấu (empreintes): rửa dưới vòi nước lạnh tối thiểu 15 giây, sau đó khử trùng bằng dung dịch natri hypochlorite 0,5% theo quy trình sau:
    • Chất lấy dấu kỵ nước (silicones, polysulfures): ngâm trong dung dịch hypochlorite 30 phút, sau đó rửa dấu dưới vòi nước lạnh;
    • Chất lấy dấu ưa nước (alginate, polyéthers, bột eugénol/oxyde kẽm): ngâm trong dung dịch hypochlorite trong 15 phút (có nguy cơ biến dạng dấu) sau đó rửa lại dưới vòi nước lạnh;
  • Quy trình khử nhiễm trang thiết bị và tiệt trùng dụng cụ tiến hành như bình thường;
  • Cuối buổi làm việc, lau sàn bằng cây lau nhà ướt (balayage humide), không sử dụng máy hút bụi (aspirateur) tần suất 1 lần/ngày vào cuối ngày làm việc. Sử dụng các dung dịch tẩy rửa-sát trùng (un détergent-désinfectant) thông thường. Không bắt buộc sử dụng các sản phẩm diệt virus (virucide);
  • Xịt khử nhiễm đối với các bề mặt ở trên cao;
  • Xử lý chất thải lây nhiễm theo quy định của địa phương.

KẾT LUẬN

Mặc dù có sự khác biệt chi tiết giữa các quốc gia, các nguyên tắc chung để phòng ngừa lây nhiễm trong can thiệp nha khoa có sự thống nhất giữa các tài liệu của các tổ chức Hiệp hội Nha sĩ Nhật Bản (感染予防のために、お口の健康管理をしましょうđăng tải ngày 8/2/2021), Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (Return to Work Interim Guidance Toolkit, cập nhật ngày 30/3/2021), Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh (Standard Operating Procedure: Transition to Recovery, cập nhật ngày 16/7/2021) và Bộ Y tế Pháp về các điểm sau:
  • Đánh giá nguy cơ mắc COVID-19 của bệnh nhân trước khi tiếp xúc/lên lịch hẹn;
  • Chỉ ưu tiên điều trị khẩn đối với bệnh nhân có nguy cơ cao (nhóm 2);
  • Bệnh nhân có các biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 không nên đến buổi hẹn;
  • Lên lịch hẹn xen kẽ, hạn chế số lượng bệnh nhân ở cùng thời điểm;
  • Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 (nguyên tắc 5K);
  • Thực hành nha khoa hạn chế tạo ra khí dung;
  • Thường xuyên thông khí khu vực điều trị và cách ly khu vực điều trị với các phòng chức năng khác.

Nhận xét

Chuồng của múp đã nói…
Hô hô, chưa tới ngày mà nhận được bài, quý hóa quá ạ. Cảm ơn bài viết của anh ạ. Bài viết rất hay ạ <3
Nhi Nguyen đã nói…
Bài viết hay quá. Cám ơn Thế Huy

Bài đăng phổ biến