FIVE WAYS FOR LOOKING UP A NEW WORD

5 CÁCH TRA TỪ VỰNG KHI HỌC NGOẠI NGỮ 

từ cơ bản đến chuyên ngành


Khi học ngoại ngữ, đọc tài liệu chuyên ngành bằng một ngôn ngữ khác, mình thường gặp phải tình huống không hiểu từ vựng nào đó. Dưới đây là 5 típ nho nhỏ mà Harry thường áp dụng khi gặp phải vấn đề này.


1. TỪ ĐIỂN (DICTIONARIES)


Khi nói đến tra từ vựng thì chắc chắn công cụ đầu tiên ai học ngoại ngữ cũng biết, đó là các thể loại từ điển từ đơn ngữ, song ngữ, đa ngữ đến từ điển hình ảnh, cú pháp câu. Sau đây là 3 thể loại mình hay dùng:
- Sách từ điển 
- Từ điển trực tuyến (online dictionary)
- Ứng dụng từ điển trên các thiết bị thông minh 
Một số lưu ý
- Nên chọn những từ điển uy tín, ví dụ một số từ điển mình đã dùng là từ điển online Oxford, Cambridge (tiếng Anh), sách từ điển Petite Larousse, le Petit Robert (tiếng Pháp), từ điển online và thiết bị thông minh Mazii (tiếng Nhật), sách từ điển giấy Tiếng Việt của GS. Hoàng Phê
- Lựa chọn từ điển song ngữ hay đơn ngữ tuỳ theo trình độ yêu cầu hiện tại của mình. Đối với những bạn mới học nên chọn từ điển song ngữ để dễ hiểu và không bị mất động lực học. 

2. CÁC CÔNG CỤ TÌM KIẾM (SEARCH ENGINES)


Khi gặp phải những từ vựng khó hiểu (nhất là từ chuyên ngành) hoặc không tìm thấy từ cần tra cứu trong từ điển (thường gặp đối với từ điển song ngữ), các bạn có thể nhờ đến các công cụ tìm kiếm  như Google, Bing, v.v...
Trước hết, hãy lướt qua khoảng 5 đường link (liên kết) đầu tiên có được từ kết quả tìm kiếm xem có từ mình cần tìm hay không, thường rơi vào các trường hợp như:
  • Link dẫn đến một trang từ điển online
  • Link dẫn đến một tài liệu có sử dụng từ cần tra nghĩa: khi đó cần đọc lướt nội dung của tài liệu để tìm từ cần tra nghĩa, đánh giá xem có cùng chủ đề của mình hay không. 
  • Link dẫn đến các nhóm thảo luận có sử dụng từ cần tra nghĩa: tiếp tục đọc các bình luận của cộng đồng mạng để hiểu rõ từ cần tra nghĩa. 
...
Tiếp theo, hãy chọn chế độ hình ảnh 🖼 trong các công cụ tìm kiếm để có thể hiểu rõ hơn khái niệm đó thông qua các hình ảnh minh hoạ có liên quan. 

Cũng đừng quên chế độ tìm kiếm video, vì các khái niệm không phải lúc nào cũng có thể diễn tả bằng từ ngữ hoặc hình ảnh. 
Mình là một fan ruột của anh Google luôn á. Còn mấy bạn Nhật mình quen thì hay gọi vui "Google sensei" (tức là thầy Google).

3. GOOGLE DỊCH (GOOGLE TRANSLATE) 

Khi đã tra được nghĩa của từ nhưng vẫn không thể hiểu được ý nghĩa của cả câu, bạn đừng quên sử dụng công cụ rất tiện ích, đó là Google dịch. Google dịch có nhiều tiện ích như dịch từ, dịch câu, hay cả đoạn văn dài, dịch bằng cách gõ tay, ghi âm, hay hình ảnh, v.v...mà cách sử dụng thì rất đơn giản với giao diện thân thiện. 
Đặc biệt, ai không rành ngoại ngữ mà cần hiểu gấp một ngôn ngữ nào đó như khi đi công tác, du lịch ở nước ngoài thì Harry thấy chức năng dịch quét của Google dịch là cực kỳ hữu ích với mình luôn í.

Cái nữa là Google dịch còn hỗ trợ chức năng phát âm nữa, nên có thể tham khảo đối với những từ vựng mà mình chưa biết cách phát âm đúng. Về cách học phát âm từ chuyên ngành, mọi người tham khảo thêm tại đây.

4. TRA SÁCH CHUYÊN NGÀNH 

Khi càng học chuyên sâu thì Harry lại gặp phải 2 vấn đề:
  • Từ vựng quen mà lạ: tức là mình biết nghĩa thông thường của từ đó, nhưng dịch vào thì thấy cả câu không có ý nghĩa. Đó là trường hợp từ vựng đã được giới chuyên môn vay mượn để chuyển sang một khái niệm mới trong chuyên ngành.
Cách giải quyết: ngoài việc sử dụng 3 típ phía trên, mình sẽ dùng các sách cùng chuyên ngành có phần Danh mục từ (Index) (thường ở cuối sách, chia theo thứ tự Alphabet và số trang xuất hiện từ đó) để tra nghĩa.


  • Từ vựng mới, dài và phức tạp: đó là loại từ vựng chuyên ngành được tạo ra bằng cách ghép các tiền tố, hậu tố gốc La tinh (gọi tắt là từ ghép). Những từ này thường không có trong từ điển thông dụng.
Cách giải quyết: áp dụng tương tự vấn đề 1. Ngoài ra, 1 típ nho nhỏ nữa là (1) "tách từ", (2) "tra từ" rồi (3) "kết hợp từ".
Ví dụ: Maxillofacial, osteointegration 
(1) "Tách từ", các từ gốc La tinh trước khi kết hợp với 1 từ khác sẽ chuyển sang đuôi "o", từ này đóng vai trò là một tính từ, loại từ của cả từ sẽ tuỳ thuộc vào loại từ của từ cuối cùng được kết hợp trong từ ghép đó.
  • Maxillofacial = maxillo- (tính từ) + facial (tính từ) : từ loại chung là tính từ 
  • Osteointegration = osteo- (tính từ) + integration (danh từ): từ loại chung là danh từ 
(2) "Tra từ" bằng từ điển online 
  • Maxillo-: không thấy trong từ điển, nhưng sẽ có những từ tương tự được đề xuất bên dưới. 
  • Osteo-: thấy trong từ điển online, có giải thích nghĩa "liên quan đến xương" 

(3) "Kết hợp từ" 
  • Maxillofacial (tính từ): thuộc về xương hàm và mặt, hàm-mặt 
  • Osteointegration: Sự tích hợp, hoà hợp thuộc về xương, sự tích hợp xương 

5. HỎI CHUYÊN GIA 

Khi vướng phải các vấn đề khá chuyên môn, việc hiểu và dịch được nghĩa của từ đòi hỏi có kiến thức cơ bản và chuyên sâu về lĩnh vực đó; vậy thì đừng ngần ngại hỏi ý kiến của bạn bè, thầy cô trong lĩnh vực đó để có được những tham khảo chính xác và tiết kiệm được thời gian. Nhưng đừng có "lạm dụng" quá, mắc công thầy cô bỏ chạy hết vì quá phiền. Haha 

Chúc mọi người sẽ có thêm nhiều niềm vui trong học tập ngoại ngữ và chuyên ngành nhé!


Nhận xét

Bài đăng phổ biến