MEMORIES IN CANADA - PART 9: DOING SCIENTIFIC RESEARCH
HỒI KÝ GIA NÃ ĐẠI
Mình chụp hình cùng cô giáo sư (áo hoa vàng) và các bạn học viên sau đại học. Nhìn mình hồi xưa (năm 2013) già dễ sợ, hồi đó đi học tiết kiệm tiền nên 6 tháng chưa cắt tóc |
PHẦN 9. CHUYỆN LÀM NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Đi học thạc sĩ hay tiến sĩ ở nước ngoài thì không có con đường nào khác là phải làm nghiên cứu. Trong dòng hồi ký này, mình không chia sẻ nhiều về việc học như thế nào, ưu nhược điểm của việc du học là gì, nếu bạn nào quan tâm có thể tìm đọc lại các bài phân tích và chia sẻ kinh nghiệm du học của mình ở đây. Suy ngẫm về những trải nghiệm khi làm nghiên cứu ở Canada, mình thấy có nhiều điều thú vị!
Số là hồi đó mình chân ướt chân ráo qua xứ người đi học, tiếng Anh không giỏi, tiếng Pháp cũng không rành. Vậy mà xui khiến sao lại đi làm nghiên cứu lâm sàng. Nôm na là phải gặp gỡ, giao tiếp với bệnh nhân người bản xứ đó mọi người. Mình làm nghiên cứu về đánh giá chất lượng giấc ngủ của người mang hàm giả bị hội chứng ngưng thở khi ngủ (sleep apnea). Nghiên cứu này sau gần 10 năm mới có công bố kết quả sau cùng, ai quan tâm có thể tham khảo bài báo của cô giáo sư mình ở đây nè. Để đánh giá giấc ngủ thì phải thực hiện vào buổi tối. Thành thử ra cứ chiều chiều, mình lại cùng cô giáo sư hoặc một bạn kỹ thuật viên bắt taxi đến nhà của bệnh nhân. Tuỳ theo quãng đường xa hay gần và thời điểm bệnh nhân đi ngủ mà bọn mình canh giờ tới cho phù hợp vừa kịp gắn các điện cực, máy theo dõi giấc ngủ (polysomnography, đa ký giấc ngủ) khoảng 45-60 phút trước giờ lên giường khoảng 30 phút tới 1 tiếng là được. Vì gắn sớm quá, họ đi tới đi lui không khéo lại làm rớt các điện cực là teo, không ghi được thông số; còn gắn trễ quá giờ đi ngủ họ lại bị trằn trọc không ngủ được. Thời điểm năm 2013-2014, ở Canada bắt đầu có dịch vụ đặt xe taxi giống xe Grab ở Việt Nam bây giờ. Cơ mà thời điểm đó còn lạ lắm, mình thấy cũng hay hay, cứ nghĩ trong đầu không biết bao giờ Việt Nam mới hiện đại vậy, mình quê mùa ghê mọi người nhỉ! Thực tế thì mọi người cũng biết rồi, Việt Nam phát triển nhanh hơn mình tưởng tượng. Giờ nghĩ lại, có những thứ không phải chuyện giàu nghèo, nước phát triển hay đang phát triển mà là có nhu cầu hay không, môi trường có phù hợp không, người dân có đón nhận không. Ví dụ như mấy cái tiệm cửa hàng tiện lợi, máy bán nước tự động, điện thoại công cộng ở bên Nhật là phát triển như nấm, mà qua đến nước mình lại ì à ì ạch, thậm chí còn bị bứt tử. Suy cho cùng vẫn là phải hợp thời, hợp cảnh!
Một góc phố gần nhà của bệnh nhân trong nghiên của của Harry, thích ngắm mấy giỏ hoa treo trên đường như thế này! |
Hồi đó, mỗi lần đi tới nhà bệnh nhân gắn máy theo dõi, mình rất là hào hứng. Vì ở đây đất rộng người thưa. Nhà ở của bệnh nhân thường cách xa mấy chục cây số nên mỗi lần đi là giống như du lịch, dã ngoại vậy. Ngồi trên xe, ngắm nhìn qua cửa sổ, chiều hoàng hôn Canada thật đẹp! Thi thoảng, lại bị cô giáo sư làm tỉnh mộng "Harry, mày gọi điện cho bệnh nhân chưa?" Thế là mình lại ú ớ, okay để em gọi. Ý là sắp tới nơi, mình cần gọi báo trước để bệnh nhân không bị bất ngờ (mặc dù trước đó, bạn thư ký của nghiên cứu cũng đã có gọi điện để hẹn ngày cho mình rồi). Đang mơ mộng mà nghe cô nhắc là mình lại chuyển qua trạng thái căng thẳng. Mọi người biết vì sao không? Như kể ở trên, mình đâu có giỏi ngoại ngữ gì cho cam. Nói chuyện trực tiếp mình còn không hiểu giờ cô kêu gọi điện báo cho bệnh nhân. Mình cứ trấn tỉnh là ờ thì nói không hiểu thì kêu người ta nhắc lại, không được nữa thì chuyển qua cho cô nói chứ sao giờ. Hú hồn chim én là sau vài lần thì mình cũng quen, có khi ghi nhớ mấy từ cô giáo sư hay nói rồi bắt chước lặp lại thôi. Vậy chứ có lúc căng thẳng, lỡ kêu bệnh nhân là "tu" (từ tiếng Pháp dùng để gọi người đối diện bằng hay nhỏ tuổi hơn mình hoặc dùng cho người thân thiết), cái bị cô giáo sư nhắc nhở liền "Mày phải kêu bệnh nhân là vous chứ!" (vous là từ tiếng Pháp dùng để gọi người đối diện một cách lịch sự). Thế là mình lại lôi nguyên bài ngữ pháp của cô giáo tiếng Pháp của mình ra để chứng minh cho cô giáo sư là em cũng có kiến thức căn bản dữ lắm, chẳng qua là em nói chuyện qua điện thoại nên bị khớp thôi, cô thông cảm.
Một buổi chiều trên đường đến nhà bệnh nhân để gắn máy đo giấc ngủ |
Mà kể cũng lạ, mấy đứa bạn của Harry hay nói Harry già trước tuổi, ai hoa mỹ hơn thì bảo là người có linh hồn già, đã trải qua nhiều kiếp. Mà chắc già thiệt nên đi đâu Harry cũng hay gặp mấy bác lớn tuổi, mà cũng hợp nói chuyện với người lớn hơn là mấy bạn trẻ. Như chuyện nghiên cứu này, bệnh nhân của mình toàn là các cô chú trên 50 tuổi (vì lớn tuổi thì mới mang hàm giả đó). Tính ra mẫu nghiên cứu của mình có khoảng 13-14 người. Mỗi người cần đánh giá giấc ngủ ba lần. Vị chi là mình phải đến nhà của mỗi bác ít nhất là 3 lần, chưa kể nếu tối nào mà mấy bác ngủ say rồi quơ quào làm rơi điện cực, không ghi nhận được dữ liệu vào máy đo thì hôm sau lại phải tới làm lại. Mình thường theo cô giáo sư tới gặp mỗi bác vào khoảng 9 giờ tối. Sau khi giải thích quy trình, dĩ nhiên là bằng tiếng Pháp/Anh, và trả lời các thắc mắc cho bệnh nhân, mình bắt đầu đo đạc để xác định các vị trí cần gắn điện cực để đo điện não đồ, điện tâm đồ, độ bão hoà oxy, tiếng ngáy, v.v... Trong khi mình hí hoáy gắn khoảng 30 cái điện cực lên các vị trí đã xác định, bệnh nhân sẽ ngồi đánh bộ câu hỏi về chất lượng giấc ngủ, chất lượng sống liên quan đến hàm giả, v.v... Tổng thời gian của một buổi kéo dài khoảng 90 phút. Sau đó thì các bác sẽ đi ngủ, sáng dậy thì sẽ tháo hết điện cực ra rồi mình đặt dịch vụ (giống Grab) để đưa về lab nghiên cứu và chuyển cho kỹ thuật viên phân tích kết quả, mình thì đi chùi rửa điện cực chuẩn bị cho bệnh nhân tiếp theo. Mỗi buổi như vậy, ngoài chuyện chuyên môn, mình cũng hay nói chuyện, nghe các bác kể nhiều thứ về cuộc sống, có bác là nhà văn còn cho mình cả sách của bác viết. Điều thú vị là mình nhận được nhiều năng lượng tích cực từ các bác. Họ nói chuyện rất cởi mở và vui vẻ, không có sự phân biệt, không có sự khó chịu. Vì vậy, ngoài chuyện có thể hoàn thành tốt nghiên cứu, mình còn cảm thấy mỗi chuyến đi ngắn như vậy đều có ý nghĩa: mình được gặp gỡ những con người tích cực, rèn luyện ngoại ngữ thông qua các cuộc trò chuyện, hiểu được văn hoá-con người ở đất nước khác qua giao tiếp, qua cách bày trí nhà cửa và cách tiếp khách.
Việc gặp gỡ những người lớn tuổi khi làm nghiên cứu cho mình rất nhiều suy ngẫm. Họ giống như những tấm gương phản chiếu hình ảnh của mình trong vài chục năm nữa. Mình nghĩ về chuyện "sinh, lão, bệnh, tử" như những lẽ tất nhiên của cuộc sống. Mình thấy được những khó khăn do tuổi tác của họ khi đi lại, di chuyển, ăn uống, nói chuyện, ngủ nghỉ, v.v... trong mỗi lần gặp gỡ, trò chuyện. Những sự bất tiện đó mình chưa cảm nhận được ở thời điểm hiện tại khi cơ thể sinh học còn khoẻ mạnh, nên có khi vô tình mình thiếu đi sự cảm thông cho các bệnh nhân lớn tuổi, ít nghĩ về ông bà cha mẹ của mình cũng ở trong những hoàn cảnh tương tự. Vì vậy, khi tiếp xúc nhiều với các bác mà ai cũng có tâm hồn tươi trẻ, lạc quan làm cho mình có thêm động lực rất nhiều để đối diện những khó khăn trong quá trình học tập và nghiên cứu ở nước ngoài. Các bác có nhiều trở ngại về sức khoẻ nhưng vẫn sống tốt thì tại sao mình lại không? Mình có thêm niềm tin vào việc phải giữ gìn sức khoẻ, không phải để sống lâu, mà là sống khoẻ, để mỗi ngày trôi qua mình đều có thể tận hưởng và cống hiến trọn vẹn. Mình cũng trân quý và quan tâm đến những người xung quanh hơn, nhất là gia đình mình có nhiều người cũng bắt đầu bước qua tuổi 50.
Để hoàn thành một đề tài nghiên cứu, có rất nhiều công đoạn, ngoài việc đến nhà bệnh nhân, mình còn sắp xếp thời gian để viết luận văn bằng tiếng Pháp, đọc và viết bài báo bằng tiếng Anh, hẹn và thăm khám bệnh nhân ở phòng khám để đánh giá chất lượng của hàm giả, chụp phim CBCT, chuẩn bị dụng cụ, máy móc trước và sau mỗi đêm ghi dữ liệu giấc ngủ ở nhà bệnh nhân, v.v... Thực ra với người trong chuyên môn thì đó đều là những việc thông thường, ai học ở cấp độ này cũng phải làm, không có gì là to tác để phải kể lể. Điều mình muốn chia sẻ trong việc nghiên cứu đó là hãy trân trọng từng công việc trong chuỗi hoạt động đó, tìm ra mục đích, ý nghĩa của nó, khám phá những điều bản thân chưa giỏi để cải thiện và hoàn thiện. Song song với các hoạt động bắt buộc trong quá trình làm nghiên cứu khoa học, mình được cô giáo sư hỗ trợ rất nhiều, cô chỉ cho mình những thứ cần phải học thêm như các video trên youtube để biết cách xác định và gắn điện cực; các workshop của thư viện để biết cách tìm kiếm, quản lý tài liệu và xử lý tài liệu cho một tổng quan hệ thống; cách sắp xếp các folder để quản lý một nghiên cứu; phần mềm upload và quản lý dữ liệu; khoá học về giao tiếp khoa học, v.v... Mỗi ngày học được điều gì mới mình đều ghi vào nhật ký nghiên cứu, hệ thống lại những gì đã học, đã làm cho vào các folder, file riêng để hoàn chỉnh cách thức thực hiện một nghiên cứu khoa học như thế nào. Trước đây, khi một số thầy cô tư vấn mình nên học thẳng chương trình tiến sĩ chứ không cần học thạc sĩ sẽ tiết kiệm được thời gian, mình cảm thấy có chút phân vân không biết theo hướng nào cho đúng. Rốt cuộc, dòng đời đưa đẩy, mình lựa chọn con đường thạc sĩ. Đến giờ, ngẫm lại, mình vẫn cảm thấy việc chọn lựa học thạc sĩ trước cho mình những kiến thức căn bản về nghiên cứu, sau này, khi tiếp tục con đường tiến sĩ cũng như hướng dẫn cho các bạn học viên sau đại học, mình cảm thấy rất tự tin với những gì đã học, trải nghiệm để có thể hoàn thành tốt công việc.
Tổ chức các folder nghiên cứu khoa học mà mình tích luỹ được từ những năm học thạc sĩ cho đến giờ |
Nhận xét