THE ASSOCIATTION BETWEEN ORAL HEALTH AND SKIN DISEASE
MỐI QUAN HỆ GIỮA SỨC KHOẺ RĂNG MIỆNG VÀ BỆNH DA
MỞ ĐẦU
Viêm nha chu (periodontitis) là một bệnh nhiễm trùng (infectious disease) do hệ vi sinh vật loạn dưỡng (dysbiotic microbial communities) trong khe nướu (subgingival sulcus) gây ra, dẫn đến phá huỷ các cấu trúc neo chặn răng vào xương hàm và dần dần dẫn đến mất răng (loss of tooth/teeth). Khe nướu là một khoảng không sinh lý giữa răng và mô nướu xung quanh có chứa khoảng 10 triệu sinh vật (organism), tương ứng với 70 đến 150 loài trên mỗi cá thể người. Những thay đổi trong môi trường này có thể dẫn đến rối loạn sinh học trong hệ vi sinh vật thường trú (indegenous microbiome), làm giảm đi sự phong phú của dân số cộng sinh và tạo ra một hệ sinh thái giàu mầm bệnh (pathogen-rich ecosystem). Đáp ứng miễn dịch-viêm tại chỗ đối với quần thể gây bệnh này dẫn đến phá huỷ bám dính giữa răng và nướu, kèm theo mất các cấu trúc nâng đỡ răng. Chính hai sự kiện này làm cho khe nướu trở nên sâu hơn, cung cấp một môi trường yếm khí lý tưởng cho vi khuẩn kỵ khí phát triển, trong đó có nhiều loài gây bệnh. Túi nha chu bệnh lý (diseased periodontal pocket) cũng chứa một mức độ đáng kể các chất trung gian viêm (inflammatory mediators), bao gồm yếu tố hoại tử bướu alpha (tumor necrosis factor alpha, TNF-alpha), interleukin (IL)-1, IL-2 và IL-8, và các prostaglandin (PGE). Các yếu tố này được phóng thích vào tuần hoàn từ mô nha chu bệnh và có thể góp phần vào tình trạng viêm toàn thân.
Viêm nha chu biểu hiện bằng chứng của tình trạng viêm toàn thân với nồng độ protein phản ứng C tăng trong cả các ca cấp tính và mạn tính. Một trong những yếu tố góp phần quan trọng nhất là mảng bám răng (dental plaque), thường được loại bỏ bằng chải răng (brushing) và sử dụng chỉ nha khoa (flossing). Sức khoẻ răng miệng có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi hành vi và tình trạng vệ sinh răng miệng kém (poor oral hygiene) có thể tạo ra những thay đổi đáng kể trong hệ vi sinh vật miệng.
Mặc dù hệ vi sinh vật đường miệng rất đa dạng và mạnh mẽ nhưng một số loài vi khuẩn cũng có liên quan đến sức khỏe, bao gồm một số loài Streptococci (đặc biệt là Streptococcus salvarius [S.salvarius], S. mitis, S. oralis và S. sanguinis) cũng như vi khuẩn thuộc chi Veillonella và Actinomyces. Ngược lại, sự hiện diện của Acholeplasma, Fretibacter, Porphyromonas gingivalis, Peptococcus, Treponema denticola, Defluviitaleaceae_UCG_011, Filifactor và Mycoplasma có liên quan đến bệnh nha chu (periodontal disease). Mặc dù những loài này cũng hiện diện trong khoang miệng của những bệnh nhân khỏe mạnh, chúng có số lượng nhiều hơn ở các vùng có bệnh nha chu và tăng theo độ sâu của túi nha chu, chỉ số đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh nha chu. Nhiều nghiên cứu đã xác định mối liên hệ giữa vệ sinh răng miệng, sự hiện diện của các loài vi khuẩn cụ thể và nhiều tình trạng da tự miễn (autoimmune skin conditions) cho thấy rằng việc chăm sóc răng miệng và tác động tiếp theo của nó đối với hệ vi sinh vật đường miệng có thể là yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được đối với những tình trạng này. Bài viết này cung cấp một bản tóm tắt những phát hiện liên quan đến mối tương quan giữa sức khỏe răng miệng, thực hành chăm sóc răng miệng và bệnh da (skin disease).
PHƯƠNG PHÁP
Sử dụng công cụ tìm kiếm PubMed từ mùa hè năm 2017 đến mùa hè năm 2018, các tìm kiếm đã được thực hiện cho: oral health (sức khỏe răng miệng) HOẶC oral hygiene (vệ sinh răng miệng) VÀ psoriasis (bệnh vẩy nến), eczema (bệnh chàm), dermatitis (viêm da), hidradenitis suppurativa (viêm tuyến mồ hôi mủ), acne inversa (mụn trứng cá ngược), pyoderma gangrenosum (viêm da mủ hoại thư), Sweet's syndrome (hội chứng Sweet), neutrophilic dermatosis (bệnh da liễu bạch cầu trung tính), subcorneal pustular dermatosis (bệnh da mụn mủ dưới giác mạc), hives/urticaria (mày đay), cutaneous lupus (lupus ở da), pemphigoid, pemphigus, hoặc lichen planus (lichen phẳng) HOẶC aphthous stomatitis (viêm miệng áp tơ). Bản tóm tắt của các bài báo viết bằng tiếng Anh đã được các nhà nghiên cứu xem xét và lựa chọn để đưa vào nếu nghiên cứu liên quan đến mối tương quan giữa sức khỏe/vệ sinh răng miệng và bệnh ngoài da. Sau khi các nghiên cứu được đưa vào, các tài liệu tham khảo sẽ được xem xét để bổ sung các nghiên cứu có liên quan. Các bệnh được liệt kê trong các thuật ngữ tìm kiếm mà cuối cùng không được thảo luận trong tổng quan này đã không tạo ra bất kỳ bài viết nào có liên quan.
KẾT QUẢ
Viêm miệng áp tơ có liên quan đến tình trạng sức khỏe nha chu kém và tích tụ mảng bám nhiều hơn. Viêm da dị ứng (atopic dermatitis) cho thấy mối liên quan với viêm nướu (gingivitis), đau răng (toothache) và nhiễm trùng miệng (oral infection). Mảng bám men răng nặng hơn và việc chăm sóc răng miệng giảm sút có liên quan đến việc làm trầm trọng thêm bệnh lichen phẳng. Pemphigoid màng niêm mạc và pemphigus bị ảnh hưởng mật thiết bởi sức khỏe răng miệng, nhấn mạnh vai trò quan trọng của sức khỏe và vệ sinh răng miệng tốt. Bệnh vẩy nến có mối liên hệ chặt chẽ với gánh nặng vi khuẩn liên cầu đường miệng, đã được chứng minh là được cải thiện hoặc thậm chí được chữa khỏi bằng phẫu thuật cắt amidan và có kết quả điều trị thường liên quan đến bệnh nha chu.
Viêm miệng áp tơ
So với nhóm chứng khỏe mạnh, bệnh nhân bị viêm miệng áp tơ có sức khỏe răng miệng kém hơn, sự cải thiện về sức khỏe răng miệng tương quan với việc cải thiện bệnh. Điểm số chỉ số mảng bám (plaque index) lớn hơn, ít chải răng và nhiễm trùng răng miệng cho thấy mối tương quan đáng kể với bệnh viêm miệng áp tơ tái phát (recurrent aphthous stomatitis). Trong một nghiên cứu đánh giá sức khỏe răng miệng dựa trên các thông số như chỉ số mảng bám, chỉ số chảy máu nướu (bleeding index), chỉ số nướu (gingival index), độ sâu thăm dò (probing depth) và chỉ số vệ sinh (hygiene index), điểm số cao hơn đáng kể ở những bệnh nhân bị viêm miệng áp tơ, cho thấy sức khỏe răng miệng kém hơn. Sức khỏe răng miệng kém được tự báo cáo cũng có liên quan đến các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Trong khi sức khỏe răng miệng có thể góp phần gây ra bệnh viêm miệng do áp tơ theo nhiều cách, một nghiên cứu trên 35 bệnh nhân cho thấy rằng sự gia tăng số lượng Bacteroidales trên niêm mạc miệng có thể kích thích sự phát triển của bệnh viêm miệng do áp tơ, trong khi vi khuẩn Porphyromonadaceae và Veillonellaceae lại có nhiều ở các vị trí tổn thương đang hoạt động. Vi khuẩn cũng được tìm thấy ở khoang miệng khỏe mạnh, nhưng về cơ bản thì phổ biến hơn ở miệng của bệnh nhân viêm miệng áp tơ. Để xác minh rằng sự mất cân bằng vi khuẩn này là do sự khác biệt chính đáng của hệ vi sinh vật chứ không phải là do những thay đổi liên quan đến đau trong thói quen chải răng, những người tham gia đã tuân thủ chế độ ăn kiêng và vệ sinh răng miệng nghiêm ngặt trong 72 giờ trước khi lấy mẫu. Dựa trên những nghiên cứu này, sự kết hợp của sự tích tụ mảng bám, nhiễm trùng miệng và tình trạng nha chu kém nói chung đều có liên quan đến viêm miệng áp tơ.
Viêm da/chàm
Bằng chứng liên quan đến bệnh răng miệng với bệnh viêm da hoặc bệnh chàm là không rõ ràng. Một số nghiên cứu đã đề xuất mạnh mẽ mối tương quan giữa viêm da và nhiễm trùng do răng (odontogenic infection) hoặc chảy máu nướu. Trong một nghiên cứu, 30% số người bị viêm da dị ứng kháng lại phương pháp điều trị thông thường đã biểu hiện nhiễm trùng quanh chóp (periapica root infection). Viêm da được giải quyết sau khi điều trị bệnh nhiễm trùng do răng này. Trong một nghiên cứu khác trên 91.642 trẻ em từ 0 đến 17 tuổi, người ta đã tìm thấy mối tương quan chặt chẽ giữa chảy máu nướu răng tự báo cáo trong sáu tháng trước và bệnh chàm. Hơn nữa, bệnh chàm nặng có liên quan đến tỷ lệ chảy máu nướu răng cao hơn ở các mô hình đơn biến (12,6% so với 4,3%; p=0,0007) và đa biến. Nghiên cứu này kiểm soát độ tuổi, giới tính, chủng tộc, dân tộc, quy mô hộ gia đình và trình độ học vấn của thành viên có trình độ học vấn cao nhất trong gia đình. Ngoài ra, có một số trường hợp báo cáo về ban xuất huyết sắc tố mạn tính kháng corticosteroid (corticosteroid-resistant chronic pigmented purpura) đã khỏi sau khi điều trị viêm nha chu, viêm tủy (pulpitis) hoặc cả hai.
Viêm da đôi khi được cho là do phản ứng dị ứng (allergic reaction) với amalgam nha khoa (dental amalgam), một hỗn hợp kim loại được sử dụng trong trám răng (dental fillings) thường bị coi là yếu tố tiềm ẩn gây ra bệnh dị ứng do hàm lượng thủy ngân của nó. Tuy nhiên, một nghiên cứu với 137 thanh thiếu niên Thụy Điển không tìm thấy mối tương quan nào giữa số lượng sâu răng đã trám (filled dental caries) và bệnh dị ứng, bao gồm cả viêm da. Ngoài ra, nghiên cứu này không báo cáo bất kỳ tác động bất lợi nào của amalgam nha khoa đối với tỷ lệ phổ biến hoặc mức độ nghiêm trọng của bệnh chàm.
Giả thuyết vệ sinh (hygiene hypothesis) cho rằng việc tiếp xúc sớm với một nhóm vi khuẩn thân thiện hoặc cộng sinh là quan trọng để rèn luyện hệ miễn dịch (immune system), đã được đề xuất để giải thích mối liên hệ giữa bệnh nha chu và bệnh da. Có bằng chứng cho thấy rằng sự phơi nhiễm này có thể xảy ra cả trong thời kỳ chu sinh cũng như trước khi sinh. Thật vậy, một số bằng chứng đã liên kết bệnh nha chu của người mẹ với sự suy giảm hệ miễn dịch bẩm sinh ở trẻ em. Việc tiếp xúc không đầy đủ với vi khuẩn sẽ ngăn cản sự chuyển đổi từ phản ứng chiếm ưu thế bởi cytokine qua trung gian Th-2 sang phản ứng tế bào qua trung gian Th-1. Một mô hình khác cho thấy rằng việc tiếp xúc sớm với vi khuẩn cho phép huấn luyện hiệu quả các tế bào T điều hòa (Treg), giúp kiểm soát tế bào Th, từ đó làm giảm hệ miễn dịch bẩm sinh. Do đó, việc huấn luyện sớm hệ miễn dịch bẩm sinh của vi khuẩn đường miệng có thể ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch thích nghi với mầm bệnh, cả qua đường miệng và không qua đường miệng, và do đó ảnh hưởng đến kiểu hình của phản ứng viêm. Một giả thuyết khác là phản ứng chéo (cross-reactivity). Người ta đã đưa ra giả thuyết rằng nhiễm trùng miệng khu trú có thể góp phần gây viêm da thông qua việc tạo ra protein sốc nhiệt (heat-shock protein) và phản ứng chéo giữa protein sốc nhiệt của vi khuẩn và Hsp60 ở người có thể tạo ra tác dụng miễn dịch một cách có hệ thống.
Lichen phẳng
Mối tương quan chặt chẽ giữa mức độ phổ biến của bệnh viêm nha chu và bệnh lichen phẳng đã được chứng minh. Mối liên hệ giữa sức khỏe răng miệng kém và bệnh lichen phẳng cũng được thể hiện rõ trong một nghiên cứu trên 30 bệnh nhân mắc bệnh lichen phẳng ở miệng có sức khỏe nha chu kém hơn 30 đối tượng thuộc nhóm chứng qua các thông số là chỉ số nướu, chỉ số nha chu và chảy máu khi thăm khám. Hơn nữa, một số mầm bệnh nha chu, đáng chú ý là Aggregatibacter Actinomycetemcomitans, Porphyromonas gingivalis, Prevotella intermedia, Tannerella forsythia và Treponema denticola đã được xác định có tần suất cao hơn ở những đối tượng mắc lichen phẳng ở miệng.
Tuy nhiên, một nghiên cứu trên 90 bệnh nhân lichen phẳng niêm mạc miệng và 52 bệnh nhân đối chứng cho thấy tình trạng nha chu không tệ hơn ở những bệnh nhân mắc bệnh lichen phẳng niêm mạc miệng, mặc dù bệnh nhân mắc bệnh lichen phẳng có biểu hiện tích tụ mảng bám và cao răng nhiều hơn so với những người khỏe mạnh. Nhiều nghiên cứu cho thấy vệ sinh răng miệng kém, bao gồm cả việc tăng mảng bám, có thể làm trầm trọng thêm bệnh lichen phẳng. Trong một nghiên cứu của Trung Quốc trên 674 bệnh nhân, người ta phát hiện ra rằng bệnh lichen phẳng ở miệng bị trầm trọng hơn do nhiều yếu tố, bao gồm căng thẳng, thức ăn, bệnh toàn thân và vệ sinh răng miệng kém. Một nghiên cứu khác trên 95 bệnh nhân mắc bệnh lichen phẳng ở miệng cho thấy 77 bệnh nhân trải qua các đợt trầm trọng hơn khi phản ứng với căng thẳng, thức ăn cay và vệ sinh răng miệng kém.
Tăng cường vệ sinh răng miệng đã cải thiện đáng kể bệnh lichen phẳng niêm mạc miệng. Bệnh nhân tuân theo một chương trình chuyên sâu nhấn mạnh đến tần suất và kỹ thuật chải răng; việc sử dụng bàn chải kẽ (interdental brush), tăm (toothpick), chỉ nha khoa (dental floss), nước súc miệng (mouth rising); và tuân thủ việc làm sạch răng chuyên nghiệp trong một năm. Trong khi phần lớn bệnh nhân ban đầu cho biết họ bị đau khi chải ăng hoặc ăn uống, những triệu chứng này đã biến mất ở 9 trong số 11 bệnh nhân vào cuối nghiên cứu bên cạnh việc nhận thấy sự cải thiện ở bệnh lichen phẳng ở phần lớn bệnh nhân. Tuy nhiên, lichen phẳng là một bệnh da niêm mạc có biểu hiện ở miệng. Do đó, rất khó để xác định liệu vệ sinh răng miệng kém có phải là nguyên nhân thứ phát gây ra sự đau đớn và khó chịu mà bệnh nhân phải trải qua hay liệu nó có góp phần vào nguyên nhân gây bệnh hay không. Cần có các nghiên cứu dài hạn để làm sáng tỏ sự góp phần của việc vệ sinh răng miệng kém đối với nguyên nhân gây bệnh lichen phẳng.
Pemphigoid
Giống như lichen phẳng, pemphigoid niêm mạc (mucous membrane pemphigoid, MMP) cũng biểu hiện các tổn thương ở miệng như một phần của phức hợp bệnh. Bệnh nhân mắc pemphigoid được phát hiện có điểm chỉ số nướu nghiêm trọng hơn so với bệnh nhân khỏe mạnh, cho thấy tình trạng viêm nướu nhiều hơn. Mặc dù chỉ số nướu cao hơn ít nhất có thể một phần là do tổn thương MMP, một số tổn thương dạng đường thẳng (linear lesion) cũng được quan sát thấy ở viền nướu, chỉ ra rằng chúng có nguồn gốc từ viêm nướu do mảng bám (plaque-associated gingitivis) chứ không phải do MMP. Bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi MMP cũng được phát hiện có mức độ viêm nướu và nha chu cao hơn. Bệnh nhân mắc MMP đang được điều trị do bệnh đang hoạt động cũng được phát hiện có nhiều mảng bám hơn so với những người đã thuyên giảm. MMP thường có thể dẫn đến viêm nướu tróc vảy (desquamative gingivitis), các tổn thương được coi là yếu tố nguy cơ có thể gây ra bệnh viêm nha chu cũng như đặc điểm răng miệng chính của MMP. Ngoài ra, người ta còn phát hiện ra rằng các tình trạng tương tự như MMP, chẳng hạn như lichen phẳng, cũng cho thấy tình trạng viêm nướu tróc vảy đã cải thiện sau một đợt điều trị theo sau sự cải thiện vệ sinh răng miệng. Một nghiên cứu khác cho thấy bệnh nhân mắc MMP có chỉ số nướu cũng như tụt nướu mặt trong (lingual gingival recession) cao hơn, một đặc điểm chung của bệnh nha chu, so với nhóm chứng khỏe mạnh. Tuy nhiên, bệnh nhân mắc MMP và nhóm đối chứng phù hợp về độ tuổi, giới tính và tiền sử hút thuốc đã chứng minh sự tiến triển đáng kể của bệnh nha chu trong thời gian 5 năm của nghiên cứu, cho thấy rằng bệnh nhân mắc MMP không có nguy cơ phát triển hoặc tiến triển bệnh nha chu. Bốn trong số 10 bệnh nhân mắc MMP trong nghiên cứu này có sự thuyên giảm và lưu ý rằng bản chất ban đỏ của MMP có thể là nguyên nhân làm tăng đáng kể chỉ số nướu, đặc biệt là do điểm số của các thông số sức khỏe nha chu khác, chẳng hạn như chỉ số chảy máu, không tăng ở những bệnh nhân mắc MMP.
Mặc dù nghiên cứu này dường như mâu thuẫn với nhiều nghiên cứu khác đã chứng minh mối liên hệ giữa MMP và sức khỏe nha chu, cần lưu ý rằng những phát hiện này xuất phát từ một nghiên cứu nhỏ chỉ có 20 bệnh nhân và không kiểm soát việc thực hành chăm sóc răng miệng của bệnh nhân. Do đó, nhiều nghiên cứu ủng hộ kết luận rằng MMP bị ảnh hưởng mật thiết bởi bệnh nha chu, nhấn mạnh vai trò quan trọng của sức khỏe răng miệng và vệ sinh tốt trong việc ngăn ngừa MMP. Mặc dù bệnh nhân và bác sĩ thường yêu cầu thực hiện vệ sinh răng miệng định kỳ cho bệnh nhân mắc bệnh pemphigoid, nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy rằng bệnh nhân mắc bệnh pemphigoid nên được khuyến khích tiếp tục đánh giá và làm sạch răng định kỳ.
Pemphigus
Pemphigus được phát hiện có liên quan đến một số chỉ số về sức khỏe nha chu kém, bao gồm các chỉ số đã được xác nhận như Chỉ số Nhu cầu Điều trị Nha chu Cộng đồng (Community Periodontal Index of Treatment Needs, CPITN). Hơn nữa, điểm mức độ nghiêm trọng lâm sàng (Clinical Severity Score, CSS) của pemphigus tương quan tốt với độ sâu túi nha chu và mất bám dính. Được chẩn đoán pemphigus trong thời gian dài hơn 5 năm cũng có liên quan đến bệnh nha chu nặng hơn. Có ý kiến cho rằng giảm chăm sóc nha chu có thể làm tăng sự liên quan của mô nướu trong bệnh pemphigus, lichen phẳng, pemphigoid và ly thượng bì bóng nước mắc phải (epidermolysis bullosa acquisita). Những phát hiện này có thể bị nhầm lẫn bởi các tổn thương miệng có thể hạn chế khả năng kiểm soát mảng bám hiệu quả của một cá nhân. Tuy nhiên, một số thông số về mức độ nghiêm trọng của bệnh nha chu, bao gồm điểm CPITN, độ sâu thăm dò và mất bám dính, có liên quan đến tỷ lệ lưu hành của bệnh pemphigus, cho thấy rằng mối liên quan này vượt ra ngoài việc vệ sinh răng miệng kém.
Một đánh giá có hệ thống gồm 10 nghiên cứu đã báo cáo rằng mối quan hệ giữa viêm nha chu và pemphigus/pemphigoid dường như là hai chiều, với viêm nha chu làm tăng mức độ nghiêm trọng của pemphigus và bệnh nhân mắc pemphigus dễ bị viêm nha chu hơn. Một tuần điều trị vệ sinh răng miệng chuyên nghiệp, bao gồm cả lấy cao răng trên nướu, đánh bóng, súc miệng bằng chlorhexidine và chải răng đã được chứng minh là cải thiện tình trạng nướu ở một mẫu nhỏ bệnh nhân mắc bệnh pemphigus. Cụ thể, nó dẫn đến giảm điểm chảy máu toàn miệng, chứng tỏ mối tương quan đáng kể với Điểm lâm sàng Pemphigus miệng (Oral Pemphigus Clinical Score) giảm. Tương tự như lichen phẳng miệng, bằng chứng sẵn có cho thấy bệnh nhân mắc pemphigus nên được khuyến khích tìm kiếm sự chăm sóc nha chu chuyên nghiệp và được hướng dẫn trong các phương pháp để duy trì vệ sinh răng miệng tỉ mỉ.
Bệnh vảy nến
Trong số các bệnh về da mạn tính, mối tương quan mạnh nhất được quan sát thấy giữa viêm nha chu và bệnh vảy nến. Bệnh nhân mắc bệnh vảy nến có tỷ lệ mắc bệnh viêm nha chu cao hơn đáng kể (tỷ số chênh OR: 3,329-4,373), trong khi hút thuốc đồng thời làm tăng tỷ số chênh lên 24,278. Một nghiên cứu lớn trên 60.457 phụ nữ cho thấy nguy cơ mắc bệnh vảy nến cao hơn ở những bệnh nhân mắc bệnh vảy nến nhẹ (nguy cơ tương đối: 1,35, khoảng tin cậy 95%: 1,03-1,75) và tiêu xương quanh răng từ trung bình đến nặng (nguy cơ tương đối: 1,49, khoảng tin cậy 95%: 1,08-2,05) khi so sánh với những người không bị tiêu xương quanh răng, sau khi điều chỉnh đối với tuổi tác, hút thuốc lá, chỉ số khối cơ thể, uống rượu, hoạt động thể chất và mất răng. Hơn nữa, việc điều trị bằng phẫu thuật viêm nha chu giúp làm giảm các biểu hiện lâm sàng của bệnh vảy nến.
Hệ vi sinh vật đường miệng có liên quan đến con đường nguyên nhân gây ra bệnh vảy nến. Bệnh nhân vảy nến bị nhiễm trùng liên cầu khuẩn thường xuyên và 58% bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi bệnh vảy nến guttate cũng bị nhiễm trùng Streptococcus pyogenes đồng thời. Sự trầm trọng của các tổn thương vảy nến có liên quan đến viêm amiđan liên cầu (streptoccoccal tonsillitis) và viêm nha chu, cho thấy sự đóng góp tiềm tàng của hệ vi sinh vật đường miệng vào nguyên nhân gây bệnh . Tổng quan 13 nghiên cứu, bao gồm tổng số 808 bệnh nhân mắc bệnh vảy nến đã trải qua phẫu thuật cắt amiđan, cho thấy phần lớn bệnh nhân trong nghiên cứu này đã có sự cải thiện, với một số bệnh nhân cho thấy sự thuyên giảm hoàn toàn. Điều này còn được khẳng định thêm bởi một nghiên cứu gần đây trong đó lợi ích của việc cắt amidan đã được chứng minh ở những bệnh nhân mắc bệnh vảy nến đồng hợp tử HLA-Cw*0602, một kiểu gen cũng liên quan đến nhiễm trùng liên cầu thường xuyên. Một số Streptococci sản sinh ra protein liên cầu M, có nhiều điểm tương đồng về cấu trúc với keratin biểu bì ở người. Người ta tin rằng phản ứng chéo này có thể đóng một vai trò trong sinh bệnh học của bệnh vảy nến.
KẾT LUẬN
Bệnh nha chu, đặc biệt là viêm nha chu mạn tính, dường như đóng một vai trò trong nhiều bệnh da, mặc dù cơ chế này hiện chưa rõ ràng. Mặc dù kết quả chưa hoàn toàn nhất quán nhưng phần lớn bằng chứng đều ủng hộ quan điểm cho rằng sự cải thiện sức khỏe nha chu có ảnh hưởng tích cực đến các bệnh được thảo luận. Nhìn chung, những phát hiện này cho thấy vi khuẩn cộng sinh liên quan đến sức khỏe nha chu có thể hoạt động như một biện pháp bảo vệ và các màng sinh học rối loạn liên quan đến viêm nha chu có thể góp phần gây ra các bệnh da một cách trực tiếp hoặc bằng cách kích thích các con đường viêm miễn dịch.
Nhận xét