MEMORIES IN CANADA - PART 8: PART-TIME JOB

HỒI KÝ GIA NÃ ĐẠI

PHẦN 8. CHUYỆN LÀM THÊM

Mùa đông Canada và Montréal là một niềm ám ảnh không bao giờ quên, nhất là đối với những người cô đơn. Ai từng yêu mùa đông, muốn một lần ngắm tuyết thì cứ đến đây. Mà đến rồi đi nhanh thôi, chứ ở lâu thì coi chừng hết mơ mộng. Chuyện làm thêm của mình ít nhiều còn ấn tượng vẫn là những buổi tối mùa đông một mình đi về sau giờ tan việc. Cái cảm giác lạnh lẽo, cô đơn và mệt mỏi sau một ngày làm việc, đến 2-3 giờ sáng mới tới nhà, chỉ muốn về thật mau chui vào cái chăn ấm để ngủ một giấc cho đã. Lắm lúc cũng tự hỏi, sao mình phải cực khổ, cô đơn ở một xứ sở xa lạ làm gì. Đây cũng là khoảng thời gian mình bắt đầu có thói quen nhìn nhận cảm xúc và suy nghĩ trong đầu của mình. Và mình nhận ra rằng, tâm trạng vào cuối ngày, nhất là lúc mệt mỏi khá là tiêu cực. Dần dà, khi nhận ra cảm xúc không hay xuất hiện vào cuối ngày, mình tự ngẫm trong đầu, cứ bỏ qua một bên, ngủ một giấc thật sâu rồi hôm sau mới tính. Và kết quả là bao giờ khi thức dậy với một tâm trạng tươi mới, mình nhận ra là chuyện hôm qua chẳng là gì to tác, mặc dù có khi nghĩ ra cách giải quyết, có khi phải học cách chấp nhận chuyện đã qua thôi. Nhưng tựu trung, vẫn là tất cả đều có thể vượt qua được.  

Một góc thành phố Montreal vào mùa đông nhìn từ trên cao
Đường tới trường mùa đông

Còn nhớ, hồi đó không hiểu vì lý do gì mà hai việc part-time của mình đều liên quan đến nhà hàng. Việc đầu tiên là làm bồi bàn cho quán sushi. Hai anh chị chủ tiệm là người Việt. Lúc mới làm mình cũng bị sốc lắm. Vì kiểu của mình luôn vui vẻ, nói chuyện hay cười để thể hiện sự thân thiện và đồng cảm. Vậy là mấy ngày đầu đi làm mình bị la miết. Chị chủ bảo mình không được cười như vậy, vì khách nghe được không biết mình cười chuyện gì, sẽ nghĩ là mình nói xấu họ, chưa kể mình nói bằng ngôn ngữ khác, họ không hiểu được nên sẽ càng dễ để họ suy diễn. Mà vì cái đó đã là thói quen của mình lâu rồi, lúc nhận ra và cố gắng kiềm chế lại cũng khó lắm. Lúc về mình cũng thấy trong lòng khó chịu. Mình suy nghĩ nhiều về cách hành xử của mình, cái mình vốn nghĩ là điểm mạnh của mình, giờ lại là điểm yếu. Đó thật sự là một cảm giác không dễ chịu mấy, nhưng vẫn phải vượt qua thôi. Lần khác, mình thấy khách vào quán mà bị khuyết tật, phải chống gậy, nên mình lanh lẹ ra giúp. Thế là sau đó lại bị chị chủ nhắc nhở. Chị nói dân ở đây họ rất tự trọng, nếu họ tự làm được thì mình đừng đụng tay vào, trừ khi họ yêu cầu giúp đỡ. Còn tự động giúp họ, có khi họ lại ăn vạ hay có thái độ khó chịu. Cái này thì thật sự giống như câu nói "ăn theo thuở, ở theo thì" hay là "đi với bụt mặt áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy" vậy mọi người. Hồi ở Nhật cũng vậy, mình thấy nhiều anh người Nhật cao to nhưng không hề ga-lăng với phụ nữ khi xách đồ nặng. Bạn mình nói đó là văn hoá, thói quen của dân bản xứ. Mình nghĩ chắc là do người Nhật được dạy phải tự lập trong cuộc sống chăng? Lần khác, có một khách kiểu dân du lịch bụi, ghé quán không ăn mà xin đi nhờ nhà vệ sinh. Mình đang vui vẻ trả lời khách thì bị chị chủ ngăn lại, chị nhất định không cho khách vào. Sau khi khách đi rồi thì chị mới giải thích với mình, có lần chị đã cho mấy khách như vậy vào, họ đi vệ sinh thế nào mà phân vương vãi cả toilet, làm chị phải dọn dẹp cả đêm, đến giờ vẫn ám ảnh, nghĩ tới là buồn nôn. Mình chưa trải qua tình cảnh đó, nên không biết nó khủng khiếp như thế nào, nhưng bản thân mình nghĩ, không nên phán xét hay giữ thành kiến khi đánh giá một con người, hơn nữa chuyện vệ sinh cũng là thứ rất thiết yếu, từ chối như vậy thật sự rất là bất nhẫn, không phù hợp với cách hành xử của mình. Chung quy lại có những điều khi đi làm thêm mình học hỏi để ứng xử cho phù hợp với môi trường mới, nhưng có những điều cũng phải xem xét lại, nếu thấy không phù hợp với hệ quy chiếu của bản thân thì mình chỉ giữ đó, tuyệt đối không để bản thân bị biến chất, cũng không nên quá cứng nhắc theo ý mình để không phiền lòng người khác.

Một góc bếp của tiệm sushi, chỗ bếp trưởng làm việc

Công việc bồi bàn rèn luyện cho mình nhiều thứ lắm. Mỗi buổi làm, mình phải lấy order của khách trực tiếp hay qua điện thoại, khi thì khách nói tiếng Anh, khi thì tiếng Pháp. Lúc đầu khá là căng thẳng, sợ nghe sai order, khách than phiền thì cũng mệt. Nên khi đợi khách nói xong, mình sẽ lặp lại các món khách yêu cầu một lần để chắc chắn tất cả đã đúng. Mình cũng không quên xin lỗi khách vì mình không phải dân bản xứ nên nhiều khi nghe không hiểu. Trước khi đến giờ mở cửa, mình thường có mặt trước 30 phút để sắp xếp các bàn ăn cho gọn gàng, xếp các vật dụng muỗng, nĩa, đũa, ly nước sao cho ngay ngắn. Việc này rèn cho mình sự chỉn chu trong việc sắp xếp đồ đạc dù là ở nhà hay ở nơi làm việc. Rồi mỗi khi tính tiền cho khách xong mình phải lo dọn dẹp cho nhanh các vật dụng đã sử dụng, sắp xếp thế nào để có thể mang được nhiều nhất có thể mà không gây đổ vỡ cũng là một kỹ năng mà mình học được từ việc làm thêm này. Mỗi khi có thời gian rảnh, lúc vắng khách, sau khi xong việc của quán, mình cũng tranh thủ học thêm ngoại ngữ qua điện thoại (mình xài app Duolingo cũng từ năm 2013) hay đọc các bài báo để chuẩn bị cho nghiên cứu. Đây cũng là cách mình tận dụng thời gian để có thể làm được nhiều việc trong ngày.

Góc nhà hàng nhìn ra đường vào mùa đông cũng chill lắm

Đây là một góc giang sơn mình phụ trách: lên đèn, xếp bàn ghế, khăn trải bàn và các vật dụng khác cho ngay ngắn chuẩn bị đón khách

Lâu lâu anh sếp hay hỏi mình có thèm sushi không thì ảnh cuốn cho mấy roll như vầy

Mình làm bồi bàn được mấy tháng thì tiệm đóng cửa, nên thế là bị thất nghiệp. Nghỉ việc xong cũng lo lắng lắm, không biết tìm việc mới ở đâu ra. Thế là nhờ cô BĐ và ông bà mà mình có kể ở các phần trước dò tìm xem có người Việt nào thuê người không, để giới thiệu chỗ làm, cũng có vài chỗ nhưng làm thấy không phù hợp. Mình cảm thấy cũng là người Việt nhưng nhiều người họ tính toán lắm. Chẳng hạn như nhà hàng cơm tấm của người Việt kia được ông bà giới thiệu. Khi mình đến làm thì thái độ chủ-tớ rất rõ ràng. Mình bị sốc ngay lần đầu gặp. Đến giờ ăn, bếp trưởng hỏi mình ăn gì trong mấy món của tiệm có, mình thì dễ ăn nên chỉ nhìn đại trên menu rồi nói thôi, nhưng bếp trưởng bảo với mình là chỉ được ăn thịt gà, còn thịt heo thì mắc nên không được ăn (Chuyện cũng lâu rồi mình cũng không còn nhớ chính xác thịt nào mắc hơn, đại loại là mình chọn phải món thịt mắc tiền, hay là do mình ăn sang quen roài haha). Mình vui vẻ trả lời vậy cho mình món nào rẻ là được (trong bụng hơi buồn, vì đồng hương và con người với nhau mà tính toán quá, cũng không được tế nhị, nếu tinh tế thì nói thẳng những món được ăn đi, cho người ta dễ chọn có phải hay hơn không?). Chính vì ký ức không đẹp này mà sau này dù làm ở cương vị hay vị trí nào mình cũng không cho mình cao hơn ai, hay phân biệt đối xử. Mình tâm niệm rằng ở đâu chỉ cần làm đúng chức trách của mình là tốt rồi, tất cả đều phải được tôn trọng. Còn ở chức vị cao mà làm sai, làm không tốt thì mình cũng không coi trọng mấy.

Sau đó, mình tự lên các page (facebook) dành cho người Việt ở Canada để tìm thử. Lần này mình thấy có một thông báo tìm việc nên liên lạc thử. Việc thứ hai mình tìm được là phụ bếp cho một nhà hàng sushi. Đó là tiệm sushi và anh sếp mình đã kể ở Phần 3. Nếu chưa đọc mọi người xem lại nhé. Công việc lần này có hơi khác tí. Mặc dù vẫn là tiệm sushi nhưng có vẻ cao cấp hơn, chủ tiệm cũng là người Việt nhưng không thuê mình làm bồi bàn (vì đã có các bạn sinh viên người bản xứ làm việc đó). Công việc chính của mình là phụ bếp: chuẩn bị các nguyên vật liệu cho bếp trưởng cuốn sushi, rửa chén bát, chuẩn bị các món ăn chiên xào, món tráng miệng và trộn cơm làm sushi. Cũng 10 năm rồi nên không còn nhớ rõ lắm, chỉ nhớ là mình đón một chuyến tàu điện ngầm đến ga gì đó rồi được anh trai của chủ tiệm (cũng là một đầu bếp sushi) đón và chở đến nhà hàng. Thời gian di chuyển tầm 1-2 tiếng gì đó thì đến nhà hàng để chuẩn bị nguyên vật liệu trước giờ đón khách (khoảng 18h). Từ đó đến tối (tầm 23h) thì mình sẽ quần quật trong bếp để thái rau củ quả, rửa chén, trộn cơm, chiên chuối (món tráng miệng của nhà hàng), chiên sushi, v.v... Công việc gần như không nghỉ tay. Chỉ chờ có thời gian rảnh một xíu thì ăn cơm tối cho nhanh rồi lại bay vào làm việc tiếp. Trộm vía trước giờ mình ăn uống cũng đơn giản và nhanh nhẹn nên cũng chưa bị phàn nàn bao giờ. 

Sau mỗi buổi làm việc, anh sếp lại chở mình về nhà, đâu đó cũng tầm 1-2 giờ sáng. Trên đường về, ổng kể mình nghe đủ chuyện. Chuyện thời ổng ở Việt Nam, cũng lẫy lừng cả một thời học sinh, chuyện ổng chết đi sống lại vì đánh nhau, chuyện vì sao ổng và gia đình qua đây định cư. Cái ông nói nhiều dễ sợ. Mình cũng chỉ ngồi kế bên dạ dạ, ừ ừ thôi. Nhiều khi cũng rén lắm, sợ nói không đúng ý, ổng đánh mình mấy phát là tèo, haha. Nói chứ như kể ở phần 3, mình cũng quý anh sếp lắm. Vì lúc phỏng vấn công việc, mình cũng kể rõ hoàn cảnh, chỉ làm thêm để đủ tiền đi học chứ không có kế hoạch ở lại lâu dài. Nếu nhận mình làm, ổng sẽ phải tìm người thay thế sau 5-10 tháng gì đó. Mình muốn nói rõ vậy để ổng có kế hoạch tuyển người, chứ để mất thời gian training rồi mình lại nghỉ thì cũng khó cho chủ. Sau này đi làm và quản lý nhân sự thì mình mới thấy việc tuyển người phù hợp mà nghỉ giữa chừng thì cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp lắm. Được cái, ông sếp mình là típ người trọng tình nghĩa, ổng bảo tao nhận mày làm, khả năng trả lương chỉ nhiêu đó, nhưng có khó khăn gì thì nói tao cho mượn, còn chuyện làm tới khi nào thì cứ báo trước để ổng thu xếp. Nói thì nói vậy chứ mình chỉ biết ơn chứ đâu có dám mượn, mượn rồi biết khi nào mới có tiền trả ổng. Thời điểm du học, mình còn không có đồng nào trong tài khoản Việt Nam, tiền đô thì như đã kể trong phần trước, phải vun vén lắm mới đủ tiền học và tiền ăn ở.

Đi làm ở tiệm sushi này cũng có nhiều chuyện vui buồn. Chủ yếu là những đấu tranh trong tâm trí. Mình xuất thân là bác sĩ, cuộc sống ở Việt Nam tuy không giàu có nhưng là một người trí thức, quanh năm quen với bút viết, giấy tờ, đâu có làm việc nặng nhọc. Lúc làm bồi bàn, phụ bếp mới biết khổ cực tay chân như thế nào. Nếu vì cuộc sống mưu sinh hay ước mơ định cư thì mình chấp nhận, còn đằng này vì sự nghiệp đi tìm con chữ, nên đôi lúc cũng đau đáu lắm "Liệu con đường mình chọn có đúng không?" Nhưng dù sao, những trải nghiệm của công việc làm thêm đều vô giá cho hành trang của mình đến tận bây giờ. Mình vẫn còn nhớ ly nước cam thần thánh anh sếp mua cho mình, nói là cái tiệm bán nước cam có hình trái cam khổng lồ này nổi tiếng ở Montreal lắm - mày nhất định phải thử; mình cũng nhớ món ốc móng tay mà ổng gọi là món thánh chỉ (của vua) vì nó xếp giống hình tờ thánh chỉ trong buổi tiệc chia tay mình về nước. Đã là huynh-đệ thì suốt đời vẫn vậy, xin cảm ơn những cơ duyên đã đến với mình trong khoảng thời gian làm thêm ở Gia Nã Đại!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến