THE RELATIONSHIP BETWEEN ORAL HEALTH AND PREGNANCY - GUIDELINES FOR ORAL-HEALTH PROFESSIONALS

MỐI LIÊN HỆ GIỮA SỨC KHOẺ RĂNG MIỆNG VÀ THAI KỲ - HƯỚNG DẪN DÀNH CHO NHÂN VIÊN NHA KHOA

GIỚI THIỆU

Thay đổi hormone ở phụ nữ diễn ra chủ yếu trong thời kỳ mang thai (pregnancy) - và khoang miệng là một trong những vị trí chịu ảnh hưởng chính cho những thay đổi này. Nồng độ hormone (estrogen và progesterone) tăng cao làm gia tăng tính thấm thành mạch (vascular permeability) trong mô nướu, đồng thời sự hiện diện của mảng bám răng (dental plaque) làm tăng tình trạng viêm ở nướu răng (gingival inflammation). Tình trạng lâm sàng sẽ trầm trọng hơn đối với trường hợp thai phụ đã có viêm nha chu (periodontitis) trước đó. Cả tổn thương khu trú đặc hiệu như u hạt thai nghén (pregnancy epulis) và tình trạng có tính chất toàn thân hơn như viêm nướu thai kỳ (pregnancy gingivitis) đều liên quan đến thai kỳ và thường thuyên giảm sau sinh (delivery).

Có nhiều biến chứng (complications) liên quan đến thai kỳ có thể xảy ra đồng thời như trẻ nhẹ cân khi sinh (low birth weight, dưới 2,5kg), trẻ rất nhẹ cân khi sinh (very low birth weight, dưới 1,5kg); sinh non (preterm birth, trước 37 tuần) hoặc sinh rất non (very preterm birth, trước 32 tuần); hạn chế tăng trưởng (growth restriction, cân nặng trong thời kỳ mang thai), tiền sản giật (pre-eclampsia) được định nghĩa là tăng huyết áp thai kỳ (maternal hypertension) và đạm niệu (proteinuria) sau tuần thứ 20 của thai kỳ (twentieth gestational week), sảy thai (miscarriage) và/hoặc thai chết lưu (still birth).

Viêm nha chu có thể có liên quan đến nguy cơ cao nhẹ cân khi sinh, sinh non và đặc biệt là tiền sản giật. Tuy nhiên, các nghiên cứu chưa thể đưa ra kết luận cụ thể. Các cơ chế về mối liên kết giữa viêm nha chu và các biến chứng thai kỳ (adverse pregnancy outcomes) có thể liên quan đến sự sinh sôi của các lợi khuẩn (commensal bacteria) và vi khuẩn gây bệnh (pathogenic bacteria) trong đơn vị nhau-thai (foeto-placental unit) phân tán qua đường máu (hematogenous dissemination). Vì vậy, sự hiện diện của vi khuẩn nha chu (periodontal bacteria) và các sản phẩm của chúng trong đơn vị nhau-thai có lẽ đã kích hoạt đáp ứng miễn dịch/viêm tại chỗ (local immune/inflammatory response), từ đó góp phần vào sự phát triển của các biến chứng thai kỳ.

Chế độ loại bỏ mảng bám chuyên biệt (specific plaque removal regimens) cùng với các can thiệp chuyên khoa đã được chứng minh an toàn trong suốt thai kỳ và có hiệu quả trong việc giảm tình trạng viêm ở nướu và góp phần vào sự khoẻ mạnh của mô nha chu trong giai đoạn này.

Kết quả từ các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên (randomised clinical trials) đánh giá liệu các điều trị nha chu (periodontal therapy) trong thời kỳ mang thai có ảnh hưởng gì đến các biến chứng thai kỳ hiện không thống nhất. Các nghiên cứu lớn và có chất lượng hơn nhìn chung cho thấy các liệu pháp nha chu không phẫu thuật (non-surgical periodontal therapy) trong tam cá nguyệt thứ hai (second trimester of pregnancy) nhiều khả năng không thay đổi tỷ lệ mới mắc sinh non và sinh nhẹ cân nhất. Tuy nhiên, tác động tích cực của can thiệp nha chu trong việc giảm tỷ lệ sinh non và sinh nhẹ cân có thể diễn ra trên những phụ nữ có nguy cơ cao bị biến chứng thai kỳ. Các thử nghiệm này cho thấy liệu pháp nha chu không phẫu thuật trong thai kỳ an toàn cho cả mẹ và thai nhi, và làm cải thiện tình trạng nha chu cho hầu hết thai phụ bị bệnh nha chu, mặc dù ít khả năng loại bỏ được tình trạng viêm của nướu.

Dựa trên những hiểu biết gần đây về các tác động trên đơn vị nhau-thai của nhiễm trùng mô nha chu và tình trạng viêm, có lẽ liệu pháp nha chu có hiệu quả giảm nguy cơ biến chứng thai kỳ nếu được tiến hành trước thời kỳ thụ thai (conception).

CÁC KHUYẾN CÁO CHO NHÂN VIÊN NHA KHOA

Thai kỳ là một giai đoạn đặc biệt trong đời sống của người phụ nữ, đặc trưng bởi những thay đổi sinh lý phức tạp có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ răng miệng. Đồng thời, sức khoẻ răng miệng là chìa khoá cho sức khoẻ toàn thân (overall health) và sự thoải mái (well-being). Vì vậy, nhân viên nha khoa bao gồm nha sĩ (dentist), vệ sinh viên (dental hygienist) và bác sĩ nha chu ( periodontitist) cần cung cấp các chăm sóc răng miệng phù hợp và đúng thời điểm cho thai phụ, bao gồm việc giáo dục về sức khoẻ răng miệng (oral-health education). Dưới đây là các khuyến cáo về dự phòng, chẩn đoán và điều trị:

Đánh giá

Khi thăm khám mô nha chu của bệnh nhân nữ giới trong độ tuổi sinh sản (childbearing age), nhân viên nha khoa luôn phải hỏi thăm bệnh nhân có đang mang thai hay có ý định mang thai hay không, tình trạng thai kỳ như thế nào trước khi đưa ra bất kỳ can thiệp nha khoa nào. Đối với bệnh nhân không có thai, phải cung cấp đầy đủ thông tin về tầm quan trọng của sức khoẻ nha chu trong thai kỳ và những liệu pháp nha chu phù hợp để điều trị bệnh nha chu hiện có trước khi có thai.

Thai phụ

Trong trường hợp bệnh nhân đang mang thai, nhân viên nha khoa cần:

  • Xác định giai đoạn của thai kỳ (stage of pregnancy)
  • Hỏi thăm về tiền sử y khoa (medical history), trong đó chú ý các biến chứng từ các lần mang thai trước, tăng huyết áp (hypertension), đái tháo đường (diabetes), bệnh tim mạch (cardiovascular diseases), v.v... cùng với các loại thuốc đang dùng
  • Đánh giá các yếu tố nguy cơ (risk factors), trong đó có hút thuốc 
  • Thực hiện thăm khám và đánh giá răng miệng toàn diện bao gồm thăm khám nha chu (periodontal examination), trong đó có đánh giá tình trạng tích tụ mảng bám (plaque accumulation), tình trạng viêm của nướu (chảy máu khi thăm khám) và đo túi nha chu (periodontal probing). Tuỳ theo kết quả thăm khám nha chu, đưa ra chẩn đoán là "khoẻ mạnh", "viêm nướu" hoặc "viêm nha chu" và biện pháp xử trí cụ thể

Mô nha chu khoẻ mạnh

Thai phụ có mô nha chu khoẻ mạnh cần được cung cấp các lời khuyên về sức khoẻ toàn thân (general health) và giáo dục sức khoẻ răng miệng. Cần hướng dẫn cho bệnh nhân cách phòng ngừa bệnh nha chu và bệnh răng miệng khác, không chỉ trong thai kỳ mà trong cả đời sống và mối liên hệ đến sức khoẻ răng miệng của con cái trong tương lai. Nhân viên nha khoa nên thông tin cho bệnh nhân nữ giới về các vấn đề nha chu thường gặp trong suốt thai kỳ (tăng phân bố mạch máu, khả năng cao chảy máu và sưng nướu) và các biến chứng toàn thân có thể xuất hiện trong thai kỳ (tăng huyết áp, đái tháo đường thai kỳ, v.v...).

Trong trường hợp có các nguy cơ về y khoa, cần chuyển bệnh nhân đến chuyên gia. Thậm chí đối với bệnh nhân không bị bệnh cũng cần phải huấn luyện cho họ các nội dung giáo dục sức khoẻ răng miệng và động lực tự đánh giá nha chu và thực hành loại bỏ mảng bám, trong đó nhấn mạnh việc làm sạch vùng kẽ răng (interdental cleaning). Cần tái đánh giá (re-evaluation) đối với phụ nữ ở giai đoạn cuối của thai kỳ.

Viêm nướu

Cung cấp đầy đủ lời khuyên về sức khoẻ, các biện pháp giáo dục và can thiệp chuyên khoa cho thai phụ bị viêm nướu tương tự như với thai phụ có mô nha chu khoẻ mạnh. Trong đó, cần nhấn mạnh các quy trình dự phòng, chẩn đoán và điều trị an toàn trong suốt thai kỳ và hiệu quả cải thiện cũng như duy trì sức khoẻ răng miệng của các quy trình này. Can thiệp chuyên khoa này nhằm loại bỏ màng phím sinh học nha khoa (dental biofilm) và cao răng (calculus) trên bề mặt răng (tooth surface).

Các tác nhân hoá học kiểm soát mảng bám (chemical plaque-control agents) bổ sung trong kem đánh răng (dentifrice) và nước súc miệng (rinse) đã được chứng minh an toàn và hiệu quả làm giảm viêm nướu trong thai kỳ khi kết hợp với việc kiểm soát mảng bám bằng cơ học (mechanical plaque control) phù hợp. Nhân viên nha khoa cần tái đánh giá hiệu quả của can thiệp chuyên khoa này bằng cách đánh giá chỉ số mảng bám (plaque scores), tình trạng viêm ở nướu (gingival inflammation) và chảy máu khi thăm khám (bleeding on probing). Khi sức khoẻ mô nha chu được tái lập, nên duy trì việc giám sát định kỳ tình trạng nha chu trong suốt thai kỳ, nếu tái phát, thực hiện can thiệp tương tự như ban đầu.

Viêm nha chu

Thai phụ bị viêm nha chu cũng nên được cung cấp các biện pháp cải thiện sức khoẻ tương tự hai nhóm trên, nhưng cần thêm các can thiệp chuyên khoa để giảm màng phím sinh học và cao răng dưới nướu (subgingival biofilm and calculus)  bằng các liệu pháp nha chu không phẫu thuật.

Điều trị nha chu 

Điều trị nha chu không phẫu thuật (lấy cao răng và xử lý mặt chân răng - scaling and root surface instrumentation) và nhổ răng (extractions) đều an toàn trong thai kỳ, đặc biệt trong tam cá nguyệt thứ hai. Có thể chụp phim X-quang nha khoa (dental X-rays) và gây tê tại chỗ (local anesthesia) mà không gây thêm nguy cơ gì cho thai nhi hoặc thai phụ. Các thuốc giảm đau (painkiller) và kháng sinh toàn thân (systemic antibiotics) thông dụng nói chung đều an toàn. Tuy nhiên, nên tránh sử dụng tetracyclines và metronidazole. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ sản phụ khoa (obstetrician) khi kê toa thuốc cho phụ nữ mang thai.

Điều trị nha chu không phẫu thuật đã được chứng minh có hiệu quả trong việc cải thiện tình trạng nha chu của phụ nữ mang thai bị viêm nha chu.

U hạt thai nghén

Khi có tình trạng triển dưỡng nướu tại chỗ (u hạt thai nghén), nên trì hoãn phẫu thuật cắt bỏ (surgical excision) đến sau sinh (postpartum) và thực hiện các biện pháp hỗ trợ (supportive measures) để loại bỏ mảng bám trong suốt thai kỳ đồng thời tái đánh giá sang thương sau khi sinh.

Phẫu thuật nha chu (Periodontal surgery)

Nên tránh các can thiệp gây sang chấn nhiều (như phẫu thuật nha chu) trong suốt thai kỳ nếu được. Nên tránh điều trị nha chu trong tam cá nguyệt đầu vì nguy cơ gây stress cho bào thai, thay vào đó nên thực hiện trong hai tam cá nguyệt sau.

Đánh giá điều trị nha chu

Nhân viên nha khoa nên đánh giá hiệu quả của điều trị nha chu bằng chỉ số mảng bám, tình trạng viêm của nướu, chảy máu khi thăm khám và độ sâu túi. Khi sức khoẻ nha chu phục hồi, nên duy trì việc giám sát định kỳ tình trạng nha chu trong suốt thai kỳ, nếu tái phát, thực hiện can thiệp tương tự như ban đầu.

Mối liên quan với các biến chứng thai kỳ

Nhân viên nha khoa cần nhận thức rõ mối liên quan tiềm tàng giữa viêm nha chu và các biến chứng thai kỳ. Vì vậy, nên tiến hành điều trị nha chu không chần chừ trong thai kỳ. Mặc dù điều trị nha chu không phẫu thuật trong tam cá nguyệt thứ hai có vẻ không làm thay đổi nguy cơ của các biến chứng thai kỳ ở hầu hết phụ nữ, tỷ lệ mới mắc các biến chứng này có vẻ cũng giảm trên một nhóm dân số cụ thể, chẳng hạn thai phụ có nguy cơ cao biến chứng thai kỳ.

Điều trị trước mang thai

Dựa trên những hiểu biết gần đây về mặt sinh học trong mối liên quan có thể giữa bệnh nha chu và các biến chứng thai kỳ, có lẽ liệu pháp nha chu có hiệu quả giảm nguy cơ các biến chứng này hơn nếu được tiến hành trước thời kỳ thụ thai (conception). Do đó, nhân viên nha khoa nên liên hệ thường xuyên với phụ nữ trong độ tuổi thụ thai và nhấn mạnh những lợi ích tiềm năng của điều trị trước mang thai và việc thiết lập tình trạng nha chu khoẻ mạnh trong thai kỳ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


Nhận xét

Bài đăng phổ biến