TESTS USED IN DENTISTRY

XÉT NGHIỆM TRONG RĂNG HÀM MẶT


Ngoài các kỹ thuật khám trực tiếp bệnh nhân để phát hiện các dấu hiệu của bệnh lý nào đó, bác sĩ cần thêm các công cụ hỗ trợ để phát hiện các dấu hiệu mà 5 giác quan cơ bản của con người (thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác và vị giác) không cảm nhận được. Các thông tin thu được bằng các công cụ này gọi chung là dữ liệu cận lâm sàng.

Phân biệt thử nghiệm/nghiệm pháp, xét nghiệm?

Thuật ngữ tiếng Anh thường gọi chung các kỹ thuật cận lâm sàng là "test". Trong tiếng Việt, có một số khác biệt như sau:

Thử nghiệm/nghiệm pháp là các kỹ thuật cần có sự hỗ trợ của một phương tiện hay thiết bị đơn giản giúp làm nổi bật/khuếch đại dấu hiệu bệnh lý để bác sĩ có thể đánh giá bằng các giác quan, được tiến hành tại chỗ và có kết quả tức thì.

Ví dụ: 

  • thử nghiệm điện dùng đánh giá độ sống của tuỷ răng cần có máy thử điện và bác sĩ đánh giá qua phản hồi của bệnh nhân khi có cảm giác đau/nhói
  • nghiệm pháp tự phát huỳnh quang để đánh giá các tổn thương nghi ngờ ác tính cần có đèn phát ánh sáng đơn sắc xanh dương và bộ lọc ánh sáng, bác sĩ đánh giá mức độ phát huỳnh quang của mô để đưa ra kết luận

Xét nghiệm là các kỹ thuật cần có sự hỗ trợ của nhiều phương tiện hay thiết bị tương đối phức tạp để phát hiện các dấu hiệu của bệnh lý ở cấp độ vi thể (vi sinh vật, tế bào, vật chất di truyền, phân tử hoá học) hoặc các vùng tổ chức/cơ quan dưới lớp biểu bì (xương, nội tạng, tuỷ răng, v.v...) không thể quan sát hay đánh giá trực tiếp được. Xét nghiệm thường trải qua các bước trung gian như lấy mẫu bệnh phẩm, nuôi cấy, nhuộm, phơi nhiễm bức xạ, sóng siêu âm, từ trường, v.v... trước khi có được kết quả.

Lưu ý bên trên chỉ là mô tả giúp mọi người dễ hình dung chứ không phải là định nghĩa chính xác, vì có những thuật ngữ đã sử dụng thành thói quen và phổ biến trong chuyên ngành, rất khó sửa đổi. Ranh giới giữa hai thuật ngữ trên không phải lúc nào cũng rõ ràng. Một số trường hợp, người ta dùng từ "test" để tránh phải dịch ra tiếng Việt, hạn chế gây tranh cãi.

Mục đích chỉ định xét nghiệm là gì?

Có các mục đích chính gồm:

  • Khẳng định chẩn đoán lâm sàng trước hoặc sau khi điều trị/can thiệp
  • Tìm ra nguyên nhân hay định bệnh khi các dấu hiệu lâm sàng chưa xác định được
  • Giúp lựa chọn loại điều trị phù hợp (ví dụ, làm kháng sinh đồ để lựa chọn loại thuốc phù hợp)
  • Đánh giá bờ diện cắt phẫu thuật (ví dụ, cắt lạnh và nhuộm mô khi đang tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u)
  • Tiên lượng kết quả điều trị (ví dụ, khảo sát mô bệnh học của bướu để đánh giá mức độ xâm lấn, di căn)

Các loại xét nghiệm thường dùng trong Răng Hàm Mặt là gì?

Dưới đây là một số nhóm xét nghiệm thường dùng trong Răng Hàm Mặt:

  • Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh
    • X quang (phim quanh chóp, phim cắn cánh, phim mặt nhai, phim toàn cảnh, phim đo sọ, v.v...) cổ điển hay kỹ thuật số
    • CBCT (Phim cắt lớp chùm tia hình nón)
    • CT scan (Phim cắt lớp điện toán)
    • MRI (Hình ảnh cộng hưởng từ)
    • Siêu âm
  • Xét nghiệm vi sinh
    • Vi khuẩn: nuôi cấy, nhuộm Gram
    • Vi nấm: soi tươi, cấy nấm, nhuộm nấm
    • Virus
  • Xét nghiệm tế bào 
    • Phết tế bào
    • Chải tế bào
    • Chọc hút bằng kim nhỏ (FNA)
  • Xét nghiệm mô (từ sinh thiết hay bệnh phẩm phẫu thuật)
    • Mô bệnh học thường quy (nhuộm H&E, các kỹ thuật nhuộm đặc biệt)
    • Hoá mô miễn dịch
    • Miễn dịch huỳnh quang
  • Xét nghiệm di truyền/phân tử (hiếm có chỉ định trong Răng Hàm Mặt)
  • Xét nghiệm máu và sinh hóa
    • Công thức máu 
    • Đông cầm máu 
    • Xét nghiệm sinh hóa nước tiểu

Làm sao biết được xét nghiệm nào cần cho bệnh nhân?

Để biết loại xét nghiệm cần chỉ định cho từng loại bệnh hay cơ quan là quá trình tích lũy kiến thức và kinh nghiệm. Tuy nhiên, cũng có thể suy luận để dự đoán hay tìm kiếm loại xét nghiệm khi đối diện một tình huống lâm sàng cụ thể mà mình chưa có kinh nghiệm. Để suy luận được, thì cần nắm rõ giải phẫu cũng như mô học của vùng cơ quan. 

Ví dụ, khi phát hiện một bệnh lý hay bất thường ở vùng trước tai. Nếu khám lâm sàng và hỏi bệnh chưa xác định rõ nguyên nhân thì có thể cần thêm xét nghiệm hỗ trợ. Trường hợp này, nên nhớ lại giải phẫu và thành phần mô học của vùng trước tai có những thành phần nào như tuyến mang tai, dây thần kinh mặt, cơ nhai, hạch bạch huyết, v.v... Từ đó, có thể suy nghĩ đến loại nào trong nhóm các xét nghiệm kể trên có thể khảo sát để phát hiện các bất thường đó. Tiếp theo, hãy kiểm tra lại y văn (sách, tạp chí) để khẳng định lại suy luận của mình, các giá trị độ nhạy, độ đặc hiệu, giá trị tiên đoán dương, giá trị tiên đoán âm của xét nghiệm để lý giải kết quả phù hợp. Cuối cùng, liên hệ với các phòng xét nghiệm để chắc chắn hiện loại xét nghiệm đó đã được cấp phép và sử dụng chưa, giá cả bao nhiêu, cần lưu ý gì lấy mẫu hay bảo quản mẫu để vận chuyển đến nơi phân tích.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến