SALIVARY DIAGNOSTICS

 XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN BỆNH RĂNG MIỆNG BẰNG NƯỚC BỌT

GIỚI THIỆU

Nước bọt (saliva) và các dịch miệng (oral fluids) khác (như dịch khe nướu [gingival crevicular fluid], dịch tiết kết hợp của các tuyến nước bọt phụ [minor salivary glands]) đóng góp vào tình trạng lành mạnh của mô mềm và cứng trong khoang miệng (oral cavity). Chức năng bảo vệ của nước bọt bao gồm duy trì độ pH miệng trung tính (neutral pH), làm sạch (cleaning) và tái khoáng (remineralizing), tạo thuận lợi cho hoạt động nuốt (swallowing) và tiêu hóa (digestion), bảo vệ mô miệng chống lại tình trạng mất nước (desiccation) và ngăn chặn sự xâm nhập (invasion) của vi sinh vật. Để duy trì sức khỏe răng miệng cần có đủ lượng nước bọt. Tình trạng giảm tiết nước bọt hoặc khô miệng (xerostomia, dry mouth) góp phần gây ra các vấn đề răng miệng như sâu răng (dental caries), viêm niêm mạc (mucositis), nhiễm nấm (fungal infections) và bệnh nha chu (periodontal diseases).

Sử dụng nước bọt để chẩn đoán bệnh (disease diagnostics) có những lợi ích nhất định như dễ tiếp cận vị trí cần lấy mẫu, kỹ thuật thu thập mẫu không xâm lấn, bệnh nhân dễ dàng chấp thuận vì ít gây khó chịu và giảm nguy cơ lây lan bệnh truyền nhiễm (infectious disease transmission). Các chất dịch dễ tiếp cận bao gồm nước bọt toàn phần (whole saliva), dịch tiết từ các tuyến (secretion from specific glands), dịch tiết niêm mạc (mucosal transudate) hoặc dịch khe nướu. Tuy nhiên, phương pháp thu thập nước bọt và các dịch miệng khác (như khạc nhổ [spitting], để chảy tự nhiên [drooling], để rỉ giọt [dribbling] và thu thập có hoặc không có ho [coughing]) có thể ảnh hưởng đến độ chính xác và việc xác định các dấu ấn sinh học (biomarkers) quan tâm.

Nước bọt là một dịch sinh học không đồng nhất (heterogeneous), chứa tế bào biểu mô (epithelial cells) và bạch cầu (leukocytes). Thành phần nước bọt có thể biến đổi vì chất lượng sinh phẩm (specimens) bị ảnh hưởng bởi thời điểm thu thập trong ngày, vị trí lấy sinh phẩm, điều kiện bảo quản mẫu cũng như thời gian phân tích. Đến nay, việc thu thập nước bọt ở người vẫn chưa có tiêu chuẩn thống nhất.

Dịch miệng tiếp tục được quan tâm vì là một phương tiện chẩn đoán không xâm lấn dùng cho xét nghiệm tại chỗ nhanh. Mối quan tâm đến các xét nghiệm nước bọt đã mở rộng đáng kể do tình trạng khẩn cấp của bệnh coronavirus 2019 (COVID-19), thúc đẩy sự phát triển của các xét nghiệm chẩn đoán nhanh bằng cách dùng mẫu bệnh phẩm thay thế, như nước bọt, để cải thiện việc phát hiện người nhiễm SARS CoV-2. Trong giai đoạn đầu của đại dịch, các nghiên cứu cho thấy tải lượng vi rút SARS CoV-2 ở mức phát hiện được trong nước bọt và ở người không có triệu chứng của COVID-19. Tiếp theo, các nghiên cứu đánh giá mẫu bằng xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (polymerase chain reaction – PCR) đối với COVID-19 cho thấy các xét nghiệm như vậy hoạt động tương đối tốt. Một phân tích meta báo cáo độ nhạy 91% đối với xét nghiệm nước bọt của bệnh nhân COVID-19 đã được chẩn đoán trước đó so với độ nhạy 98% đối với dịch ngoáy họng mũi (loại mẫu thường được sử dụng để chẩn đoán COVID-19).

Lấy mẫu dịch miệng, thay vì máu, cung cấp một phương tiện tiếp cận để phát hiện hàng loạt các dấu ấn sinh học chỉ điểm, chẳng hạn như protein, chất điện giải (electrocytes), hormone, kháng thể (antibodies) và DNA/RNA, cũng như các chất khác như là thuốc điều trị (therapeutic drugs) hoặc thuốc kích thích (recreational drugs). Mặc dù đánh giá dịch miệng có ích trong việc sàng lọc (screening) hoặc chẩn đoán các bệnh ở miệng hoặc hệ thống, theo dõi nhiễm trùng do vi rút hoặc nấm, phát hiện phơi nhiễm thuốc (drug exposure), đánh giá rối loạn nội tiết (endocrine disorders) và nguy cơ ung thư (cancer risk), nhưng bằng chứng về công dụng cho hầu hết các mục đích này còn hạn chế và cần thêm các nghiên cứu có giá trị lâm sàng.

Hiện tại, xét nghiệm dịch miệng tại các phòng xét nghiệm lâm sàng (clinical laboratories) được quy định theo Bản sửa đổi Cải thiện Phòng xét nghiệm Lâm sàng năm 1988 (Clinical Laboratory Improvement Amendments – CLIA). Những tiêu chuẩn quy định CLIA liên bang áp dụng cho các phòng thí nghiệm lâm sàng và bất kỳ cơ sở nào kiểm tra mẫu bệnh phẩm của người để chẩn đoán (diagnosis), dự phòng (prevention), điều trị bệnh (treatment) hoặc để đánh giá sức khỏe. Các quy định của CLIA được dùng để giúp đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác và đáng tin cậy. Tuy nhiên, chương trình CLIA không đề cập đến hiệu giá lâm sàng (clinical validity) của bất kỳ xét nghiệm nào – nghĩa là, độ chính xác (accuracy) mà xét nghiệm xác định, đo đạc hoặc dự đoán có sự hiện diện hay vắng mặt của tình trạng lâm sàng ở mỗi bệnh nhân.

Để khẳng định hiệu giá lâm sàng, xét nghiệm phải được gửi đến Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (Food and Drug Administration – FDA), cơ quan quản lý các xét nghiệm theo Đạo luật Thực phẩm Dược phẩm và Mỹ phẩm Liên bang (Federal Food Drug, and Cosmetic Act). Hiệu giá lâm sàng của một xét nghiệm được FDA đánh giá trong quy trình phê duyệt và chấp thuận trước khi ra thị trường.

Từ giữa năm 2021, một số xét nghiệm nhận được giấy phép sử dụng khẩn cấp của FDA để phát hiện nhiễm SARS CoV-2 bằng cách sử dụng nước bọt thu thập từ những người có các triệu chứng của COVID-19. Một số xét nghiệm cho phép tự lấy mẫu tại nhà (và/hoặc trong các thiết bị lấy mẫu đặc biệt), hoặc được lấy tại cơ sở chăm sóc sức khỏe (khi được xác định phù hợp bởi nhà cung cấp dịch vụ y tế). Tháng 6/2021, FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp (emergency use) cho xét nghiệm kháng thể tại chỗ đầu tiên sử dụng các mẫu dịch miệng (tức là dịch khe nướu) để phát hiện định tính kháng thể toàn phần (ví dụ: IgG, IgA, IgM) đối với SARS CoV-2 (xét nghiệm kháng thể được sử dụng để chẩn đoán nhiễm SARS CoV-2 gần đây hoặc trước đó).

Ngoài ra, có hai xét nghiệm dịch miệng cho người dùng trực tiếp (direct-to-consumer oral fluid tests – DTC) đã được FDA cấp phép lưu hành, loại xét nghiệm các alen của gen liên quan đến nguy cơ ung thư cao. FDA cung cấp thêm thông tin về các xét nghiệm bộ gen DTC tại trang web sau: https://www.fda.gov/medical-devices/in-vitro-diagnostics/direct-consumer-tests.

THÀNH PHẦN SINH HỌC DỊCH MIỆNG

Mặc dù nhiều thành phần sinh học (Bảng 1) được tìm thấy trong dịch miệng bao gồm protein và các phân tử liên quan, các thành phần axit nucleic (như DNA, RNA thông tin [mRNA] và microRNA của người và vi sinh vật), các chất chuyển hóa nội sinh và ngoại sinh (endogenous and exogenous metabolites), một số yếu tố, trong đó có phương pháp thu thập (như được kích thích [stimulated] hoặc không kích thích [unstimulated]), ảnh hưởng đến nồng độ (concentration) của các chất.

Những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng đánh giá chính xác dấu ấn sinh học trong các mẫu lấy từ khoang miệng không chỉ phụ thuộc vào tính chất hóa sinh của dấu ấn, nguồn gốc và loại mẫu, cơ chế dấu ấn đi vào khoang miệng, mà còn phụ thuộc độ ổn định của dấu ấn. Công nghệ proteomic cải thiện đáng kể khả năng xác định các dấu ấn sinh học chỉ điểm ở cấp độ phân tử. Những công nghệ này đã thúc đẩy định danh các thành phần sinh học trong nước bọt người và đánh giá giá trị chẩn đoán của chúng.

Hệ gen nước bọt (salivary genome) bao gồm cả DNA người và vi sinh vật. Gần 70% hệ gen trong nước bọt có nguồn gốc từ người, trong khi 30% còn lại là từ hệ vi sinh vật miệng.

XÉT NGHIỆM DẤU ẤN NƯỚC BỌT  CỦA CÁC BỆNH VÙNG MIỆNG HOẶC TOÀN THÂN

Khả năng xác định có hay không có hoặc định lượng dấu ấn sinh học trong dịch miệng không đồng nghĩa với ý nghĩa lâm sàng. Từ giữa năm 2021, không có xét nghiệm chẩn đoán nước bọt nào được FDA chấp thuận để đánh giá nguy cơ bị bệnh nha chu, sâu răng hoặc ung thư đầu và cổ (head and neck cancer).

Dịch miệng chứa các chất tiết từ các tuyến nước bọt chính và phụ, chất tiết ở miệng-mũi-họng (oro-nasopharyngeal secretions), dịch khe nướu và các mảnh vụn tế bào (cellular debris). Hỗn hợp dịch thu được thay đổi tùy thuộc vào phương pháp thu thập (ví dụ như khạc, hút, để chảy tự nhiên, dẫn lưu hoặc thu thập trên một số loại vật liệu có tính hấp thụ). Ngoài ra, nồng độ thuốc có thể bị ảnh hưởng bởi phương pháp thu thập, cũng như bằng cách sử dụng các phương pháp kích thích nước bọt. Một số thiết bị thu thập có mặt trên thị trường Hoa Kỳ và thường liên quan đến việc thu thập trên vật liệu hấp thụ (absorbent material) (ví dụ như đệm xốp [foam pad]). Nồng độ thuốc cũng có thể thay đổi tùy thuộc vào cách thu thập dịch miệng từ thiết bị thu thập (ví dụ như bằng cách ly tâm [centrifugation] hoặc tạo áp lực [pressure]). Một vấn đề khác là nồng độ thuốc có thể không phản ánh nồng độ trong máu do lượng thuốc còn lại (đặc biệt là thuốc uống hoặc hút) duy trì trong khoang miệng sau khi vừa sử dụng.
Các xét nghiệm dịch miệng hiện có đã được phát triển để phát hiện các tác nhân nhiễm trùng đặc hiệu (như SARS CoV-2, HIV, HPV, HSV, Candida albicans, v.v), tình trạng chuyển hóa thuốc và phát hiện sử dụng các loại ma túy. Các xét nghiệm dịch miệng có khả năng sàng lọc hơn 20 loại thuốc bị lạm dụng (abuse) (ví dụ: cocaine, amphetamine, ethanol). Tuy nhiên, những hiểu biết lâm sàng thu được từ xét nghiệm dịch miệng để đánh giá sự hiện diện của HPV ở miệng có giá trị hạn chế trong dự đoán nguy cơ ung thư biểu mô tế bào gai (squamous cell carcinoma) ở hầu họng hoặc tiên lượng sau điều trị vì xét nghiệm này không tính đến khả năng thanh thải (clearance) vi rút.

BẰNG CHỨNG BAN ĐẦU TỪ CÁC TỔNG QUAN HỆ THỐNG VỀ HIỆU QUẢ CỦA CHẨN ĐOÁN NƯỚC BỌT ĐỐI VỚI CÁC BỆNH VÙNG MIỆNG

Một tìm kiếm trên MEDLINE thông qua Truy vấn Lâm sàng PubMed đối với các tổng quan hệ thống được thực hiện năm 2018 (cộng với một tìm kiếm bổ sung vào giữa năm 2021) đối với các tổng quan hệ thống phù hợp được công bố trong vòng 8 năm qua bằng cách sử dụng chuỗi tìm kiếm sau: systematic [sb] VÀ ((saliva HOẶC oral fluid) VÀ (diagnosis HOẶC diagnostic HOẶC biomarker)). Phần sau đây tóm tắt kết quả của các tổng quan hệ thống chú ý đến xét nghiệm nước bọt/dịch miệng và (các) bệnh vùng miệng ảnh hưởng đến khoang miệng.

Ung thư (bao gồm ung thư vùng miệng và khẩu-hầu)

Một hướng dẫn và tổng quan hệ thống năm 2017 từ Trung tâm Nha khoa dựa trên bằng chứng của ADA về việc sử dụng các xét nghiệm bổ sung trong đánh giá các rối loạn tiềm năng ác tính (potentially malignant disorders) ở khoang miệng đã đưa ra một tuyên bố có điều kiện dựa trên bằng chứng mức độ thấp khuyến cáo chống lại việc sử dụng các xét nghiệm nước bọt bổ sung hiện có trên thị trường để đánh giá các rối loạn tiềm năng ác tính ở người trưởng thành có hoặc không có bằng chứng lâm sàng, tổn thương miệng lành tính hoặc nghi ngờ, và rằng "việc sử dụng xét nghiệm chỉ nên được xem xét trong bối cảnh nghiên cứu."
Các đánh giá gần đây đã kiểm tra tiềm năng của các microRNA nước bọt người, axit nucleic không tế bào, mRNA, cytokine và các dấu ấn peptide cho thấy dữ liệu về ứng dụng của chúng trong chẩn đoán, tiên lượng (prognosis) tiến triển ưng thư hoặc xác định tính nhạy cảm (susceptibility) đối với sự phát triển của viêm niêm mạc sau xạ trị (mucositis following radiotherapy) còn sơ bộ và cần có thêm hiệu giá lâm sàng.

Bệnh nha chu

Các nghiên cứu và tổng quan hệ thống gần đây chứng minh mối quan tâm liên tục trong nghiên cứu khảo sát các bảng dấu ấn sinh học miệng trong nước bọt và dịch khe nướu để hỗ trợ sàng lọc và chẩn đoán bệnh nha chu. Sử dụng hệ thống phân loại sửa đổi bệnh nha chu (do Hội thảo Thế giới năm 2017 đề xuất về các bệnh và tình trạng nha chu và quanh implant), các nhà nghiên cứu tiếp tục đánh giá những dấu ấn sinh học chỉ điểm tiềm năng, các kiểu hình biểu hiện của microRNA, các xét nghiệm tại chỗ và các mô hình chẩn đoán để dự đoán và xác định bệnh nha chu.
Nghiên cứu về các mô hình chẩn đoán và độ chính xác dự đoán của bảng dấu ấn sinh học nước bọt để chẩn đoán bệnh nha chu đã dần cải thiện nhưng cần thêm bằng chứng lâm sàng trong các nghiên cứu tiến cứu lớn hơn. Các đánh giá như vậy đòi hỏi các nghiên cứu đo lường và phân tích thống kê có độ chính xác cao, chúng phức tạp hơn vì các chất phân tích chỉ hiện diện ở dạng vi lượng (trace amounts) trong nước bọt, và nước bọt chứa các protease vi khuẩn có thể phân hủy các dấu ấn sinh học protein.
Một tổng quan tài liệu năm 2017 đã nỗ lực xác định liệu phép đo cytokine viêm IL-1beta hoặc TNF-alpha trong nước bọt có thể được sử dụng làm dấu ấn liên quan đến bằng chứng lâm sàng của bệnh nha chu hay không. Mười lăm bài báo đáp ứng các tiêu chuẩn chọn lựa được đưa vào tổng quan định tính; các tác giả xác định rằng không thể thực hiện phân tích meta vì tính không đồng nhất giữa các nghiên cứu. Tổng quan kết luận IL-1beta và TNF-alpha trong nước bọt liên quan đến bệnh nha chu giai đoạn đầu và gia tăng theo tiến triển bệnh, là “những công cụ hứa hẹn” trong chẩn đoán sớm các bệnh nha chu. Kết quả của tổng quan đề ra giả thuyết về việc tạo ra ứng dụng lâm sàng tiềm năng của các dấu ấn nước bọt này.
Mối liên quan giữa bệnh nha chu mạn tính (chronic periodontal disease) và nồng độ IL-8 trong dịch miệng (dịch khe nướu [17 nghiên cứu] và nước bọt [4 nghiên cứu]), cũng như mẫu sinh thiết mô nướu (10 nghiên cứu), được khảo sát trong một tổng quan hệ thống và phân tích meta năm 2017. Tổng quan hệ thống cho thấy mối liên quan trái ngược cả về nồng độ IL-8 trong nước bọt và dịch khe nướu với viêm nha chu mạn tính, trong khi nồng độ IL-8 trong mô nướu cao hơn được phát hiện liên quan nhất quán hơn với viêm nha chu mạn tính. Những phân tích meta riêng biệt được thực hiện về các mối liên quan của IL-8 nước bọt (2 nghiên cứu) và IL-8 dịch khe nướu (7 nghiên cứu), tìm ra các kết quả hỗn tạp đối với IL-8 nước bọt và nồng độ IL-8 thấp hơn trong dịch khe nướu của bệnh nhân bị viêm nha chu mạn tính.
Một tổng quan hệ thống về định lượng matrix metalloproteinase-8 (MMP-8) trong dịch khe nướu và nước bọt như một dấu ấn tiềm năng của bệnh nha chu bao gồm sáu nghiên cứu đáp ứng tiêu chuẩn chọn vào. Mặc dù các nghiên cứu cho thấy nồng độ MMP-8 cao hơn đáng kể trong dịch miệng của những bệnh nhân bị bệnh nha chu so với nhóm chứng khỏe mạnh cũng như nồng độ tăng ở những bệnh nhân có bệnh nha chu tiến triển, các tác giả nhận thấy rằng những phát hiện này chỉ “gợi ý ứng dụng bổ sung tiềm năng của MMP-8 trong chẩn đoán bệnh nha chu”. Một tổng quan hệ thống khác về nồng độ MMP-8 cho thấy nồng độ MMP-8 nước bọt cao hơn đáng kể ở những bệnh nhân bị bệnh nha chu, nhưng vẫn kết luận rằng “cần thêm các nghiên cứu chất lượng cao để xác minh kết luận [này].” 

Các tình trạng khác

Lichen phẳng vùng miệng (oral lichen planus)
Hai tổng quan hệ thống đánh giá bằng chứng về mối quan hệ giữa nồng độ IL-6 hay TNFalpha nước bọt và huyết thanh với lichen phẳng vùng miệng. Các phân tích meta của Liu và cs (IL-6 nước bọt và huyết thanh được phân tích riêng biệt; 5 nghiên cứu đối với mỗi loại IL-6) cho thấy sự khác biệt đáng kể về nồng độ IL-6 trong huyết thanh và nước bọt giữa bệnh nhân mắc bệnh và nhóm chứng khỏe mạnh, nhưng yêu cầu nghiên cứu bổ sung để xác nhận kết quả phân tích meta của họ. Các phân tích meta của Mozaffari và cs (TNFalpha nước bọt và huyết thanh được phân tích riêng biệt; 7 nghiên cứu đối với mỗi loại TNFalpha) cho thấy nồng độ TNF-alpha trong nước bọt cao hơn so với huyết thanh ở những bệnh nhân bị lichen phẳng vùng miệng, đề xuất rằng dấu ấn nước bọt có thể hữu ích hơn định lượng huyết thanh (serum measurement) để chẩn đoán và theo dõi (monitor) điều trị; tuy nhiên, các tác giả cảnh báo nên xem xét các yếu tố gây nhiễu như tuổi, căng thẳng, hút thuốc và di truyền (genetics) khi giải thích kết quả.
Một tổng quan hệ thống năm 2019 đã báo cáo nồng độ IL-4 huyết thanh và nước bọt tăng cao ở những bệnh nhân bị lichen phẳng vùng miệng, nhưng lưu ý nhiễm trùng thứ cấp (secondary infections) có thể ảnh hưởng đến nồng độ này. Hai tổng quan hệ thống khác chỉ ra rằng định lượng cytokine và nitric oxide nước bọt và nồng độ IL-8 nước bọt cao có thể có các ứng dụng tiềm năng trong việc theo dõi hoạt động bệnh ở những bệnh nhân bị lichen phẳng vùng miệng.

Trào ngược thanh quản-hầu (laryngopharyngeal reflux)

Hai tổng quan hệ thống đánh giá ứng dụng của việc đo lường pepsin nước bọt như một dấu ấn sinh học chẩn đoán trào ngược thanh quản-hầu, một tình trạng mà axit dạ dày và/hoặc thành phần dịch vị trào ngược lên thực quản và vào thanh quản hoặc họng. Tổng quan của Calvo-Henriquez và cs bao gồm 12 nghiên cứu đáp ứng các tiêu chuẩn chọn lọc nghiên cứu; tám trong số này đánh giá pepsin nước bọt như một dấu ấn sinh học cho chứng trào ngược thanh quản-hầu. Tổng quan kết luận rằng mặc dù pepsin có thể là một dấu ấn bệnh lý đáng tin, "các nghi vấn vẫn còn về thời gian tối ưu, vị trí, bản chất và các giá trị ngưỡng cho xét nghiệm pepsin" và cần thêm các nghiên cứu. Tổng quan và phân tích meta của Wang và cs giới hạn trong việc định lượng pepsin nước bọt; 11 nghiên cứu đáp ứng tiêu chuẩn chọn lọc nghiên cứu. Tổng quan này kết luận rằng mặc dù pepsin trong nước bọt có giá trị trung bình trong chẩn đoán trào ngược thanh quản-hầu, vì giá trị ngưỡng được sử dụng có thể ảnh hưởng đến giá trị chẩn đoán, nên cần thêm nghiên cứu “để tìm ra phương pháp tối ưu phát hiện pepsin nước bọt”.

TỔNG QUAN

Các nghiên cứu về chất chuyển hóa trong nước bọt đã xác định được 853 chất chuyển hóa và dạng chất chuyển hóa trong nước bọt người. Cơ sở dữ liệu dựa trên bản thể học nước bọt và nghiên cứu Wiki Protein Nước bọt Người cũng đã được thiết lập để hỗ trợ khả năng truy cập dữ liệu cho nghiên cứu phiên mã và protein mở rộng. Lĩnh vực chẩn đoán nước bọt đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu rộng rãi và sự ủng hộ của cộng đồng trong đại dịch COVID-19, ở Hoa Kỳ và quốc tế, vì cộng đồng tìm kiếm các lựa chọn xét nghiệm đơn giản, không xâm lấn và chính xác để cải thiện các biện pháp giám sát và bảo vệ sức khỏe.
Sử dụng nước bọt để chẩn đoán và giám sát bệnh có tiềm năng đáng kể đối với các xét nghiệm chẩn đoán trong tương lai dành cho bệnh răng miệng và toàn thân, bao gồm cả cảm biến sinh học có khả năng cung cấp khả năng theo dõi liên tục các chất phân tích nước bọt liên quan đến sức khỏe vùng miệng hoặc toàn thân. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu chuyên sâu để xác định và đánh giá các dấu ấn sinh học dịch miệng và công nhận các phương thức xét nghiệm dựa trên nước bọt để ứng dụng lâm sàng trong tương lai. Các khuyến cáo tương tự được trình bày trong một "tổng quan phản biện" năm 2014 của tài liệu chẩn đoán nước bọt và màng sinh học cho thấy phần lớn nghiên cứu được công bố vào thời điểm đó chủ yếu liên quan đến việc xác nhận các chỉ số và xác định các dấu ấn sinh học có tiềm năng chẩn đoán. Một tổng quan năm 2015 cũng kết luận tương tự rằng “[h]ầu hết báo cáo về dấu ấn sinh học [nước bọt] chỉ điểm được phát hiện chỉ là sơ bộ và yêu cầu xác nhận rộng rãi trong nghiên cứu tiến cứu có số lượng bệnh nhân hoặc đối tượng nghiên cứu lớn trước khi chúng có thể được chuyển thành ứng dụng chẩn đoán và sàng lọc trong thực tế.”

TÓM TẮT

Cần có các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn, đa trung tâm và các nghiên cứu xác nhận độc lập để thiết lập bằng chứng về ứng dụng lâm sàng của chẩn đoán nước bọt và dịch miệng trong chẩn đoán sớm và/hoặc theo dõi ung thư miệng hay các bệnh hoặc tình trạng khác. Những thách thức hiện nay bao gồm xác định các dấu ấn đặc hiệu của bệnh, thiết lập độ nhạy (sensitivity) và độ đặc hiệu (specificity) của các xét nghiệm làm tại nhà và tại chỗ sử dụng mẫu nước bọt, và tiêu chuẩn hóa việc thu thập/lưu trữ mẫu nước bọt. Việc hoàn thiện các xét nghiệm chẩn đoán và sàng lọc dịch miệng có thể làm sáng tỏ thêm hiểu biết của chúng ta về mối quan hệ giữa sức khỏe răng miệng và sức khỏe toàn thân. Cuối cùng, cho đến giữa năm 2021, có các xét nghiệm chẩn đoán dựa vào dịch miệng để phát hiện nhiễm HIV, lạm dụng thuốc và SARS CoV-2 (theo Cơ quan cho phép sử dụng khẩn cấp của FDA). Tuy nhiên, không có xét nghiệm chẩn đoán nước bọt nào được FDA chấp thuận để đánh giá nguy cơ bị bệnh nha chu, sâu răng hoặc ung thư đầu và cổ.

Biên dịch viên

NGUYỄN HẠ AN

TÀI LIỆU BIÊN DỊCH 


Nhận xét

Bài đăng phổ biến