IMPACT OF YOGA ON PERIODONTAL DISEASE AND STRESS MANAGEMENT

YOGA, STRESS VÀ BỆNH NHA CHU 

GIỚI THIỆU

Bệnh nha chu

Bệnh nha chu (periodontal disease) là vấn đề sức khỏe răng miệng phổ biến trên toàn thế giới. Theo báo cáo của của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 10-15% dân số toàn cầu mắc bệnh viêm nha chu nặng. Tại Ấn Độ, theo dữ liệu từ WHO, tần suất viêm nha chu nặng là 19-32%. Dạng bệnh nha chu thường gặp nhất và ở thể nhẹ là viêm nướu (gingivitis). Tại Hoa Kỳ, viêm nướu tác động đến 75% dân số trưởng thành với các đặc điểm là tình trạng viêm ở nướu (inflammation of gums), đỏ (redness), sưng (swelling) và chảy máu (bleeding). Dạng bệnh lý nặng hơn (mức trung bình) chiếm khoảng 30% và 10% là nhóm bệnh nặng. Tiến trình của bệnh là phá hủy bám dính mô nha chu (destruction of periodontal attachment apparatus), tiêu mào xương ổ (loss of crestal alveolar bone), di chuyển bám dính biểu mô về phía chóp (apical migration of the epithelial attachment) và tạo túi nha chu (formation of periodontal pockets). Các dấu hiệu (signs) và triệu chứng (symptoms) của viêm nha chu (periodontitis) bao gồm nướu sưng (swollen gums), khe nướu sâu và có túi nha chu (deepening of gingival crevice, formation of periodontal pocket), chảy máu nướu khi chải răng (bleeding on brushing), khe hở kẽ răng tăng (increased spacing between the teeh), răng lung lay (loose teeth), mất răng (tooth loss) và mất toàn bộ răng (edentulism).

Stress và bệnh nha chu

Stress là một đáp ứng tâm lý (psychological response) của cơ thể đối với các trở ngại hoặc mối đe dọa thu nhận được. Các bằng chứng cho thấy những người hay lo lắng thường dễ mắc bệnh nha chu. Stress giúp cơ thể chuẩn bị đối diện với các thử thách hoặc mối nguy hại một cách phù hợp và từ đó đạt được sự cân bằng (homeostatic). Stress chỉ nguy hiểm khi kéo dài hoặc khi có một hoặc nhiều đáp ứng thần kinh-nội tiết (neuroendocrine response) trên một hệ cơ quan theo hướng bệnh lý đã biết. Hệ miễn dịch (immune system) có liên kết thuận nghịch (bidirectionanlly) với tâm lý. Hệ thần kinh (nervous system), hệ nội tiết (endocrine system) và các vùng não bộ (brain areas) có vai trò trong đáp ứng stress cổ điển (classical stress response) điều hòa đáp ứng miễn dịch với các nguy hại từ vi khuẩn hoặc tác nhân khác. Stress tâm lý (psychological stress) được xem là một yếu tố phá hủy cân bằng giữa hệ vi khuẩn miệng (oral bacteria) và hệ miễn dịch của ký chủ (host's immune system). Stress tâm lý có thể tác động trực tiếp đến bệnh nha chu thông qua cơ chế sinh học (biological mechanism) hoặc gián tiếp qua các thay đổi trong lối sống (lifestyle) như không vệ sinh răng miệng (ignoring oral hygiene measures), hút thuốc nhiều (smoking more heavily), tiêu thụ nhiều chất béo và đường trong khẩu phần ăn (diet). Nói chung, bệnh nhân trầm cảm thường ít quan tâm đến vệ sinh răng miệng, thờ ơ (ignorant) và thiếu động lực (keep them motivated is difficult).

Yoga và stress

Yoga là một trong những phương tiện quan trọng, hiệu quả và có giá trị giúp con người giải quyết các vấn đề tâm sinh lý (physical and psychological problems). Theo Kuvalayananda và Vinekar (1968), yoga nuôi dưỡng những thái độ đúng (cultivation of correct attitudes) và phục hồi hệ thống thần kinh-cơ (reconditioning of the neuromuscular systems). Yoga giúp cơ thể chịu đựng stress và căng thẳng (strain) tốt hơn. Yoga hướng đến phát triển tổng hợp và hài hòa các tiềm năng của con người (potentialities).

Lo âu (anxiety) và stress là những vấn đề lớn trong xã hội hiện đại, đặc biệt đối với người trẻ là học sinh sinh viên. Các tác nhân tâm lý như lo lắng góp phần quan trọng trong bệnh sinh (pathogenesis), tiến triển bệnh (course) và có khả năng là mục tiêu để đạt được hiệu quả điều trị bệnh. Vì vậy, giảm mức độ lo âu là một phần quan trọng để phòng ngừa và quản lý bệnh (prevention and management of diseases). 

Yoga là một tiếp cận giảm lo âu kết hợp các yếu tố thể chất liên quan đến lối sống lành mạnh (healthy lifetstyle) và các phương thức duy trì cân bằng tinh thần (mental peace). Hơn nữa, các bằng chứng của miễn dịch-tâm lý-thần kinh (psychoneuroimmunology) góp phần củng cố nền tảng khoa học của y học tâm-thể (mind-body medicine). Yoga có những lợi ích về nhận thức (cognition), xoa dịu cảm xúc (attenuation of emtional intensity) và làm giảm stress (stress reduction). Các nghiên cứu trước đây chứng minh yoga làm giảm stress. Ngoài ra, stress có vai trò trong phản ứng viêm phá hủy (inflammatory destruction) gây tiến triển bệnh lý nha chu. Ngược lại, một số nghiên cứu cho thấy tác dụng nghịch đảo (retrograde effect) của stress (ví dụ, làm giảm stress) có tác động tích cực đến kết quả điều trị và thuyên giảm bệnh.

Vì vậy, nghiên cứu này nhằm đánh giá vai trò của yoga đối với kết quả điều trị bệnh nha chu bên cạnh liệu pháp tiêu chuẩn.

VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP

Nghiên cứu ngẫu nhiên trên 80 bệnh nhân độ tuổi từ 15-45 bị viêm nha chu ít nhất 15 răng chia thành hai nhóm. Nhóm I điều trị nha chu tiêu chuẩn, nhóm II điều trị nha chu tiêu chuẩn + yoga. Đánh giá tình trạng mô nha chu bằng các chỉ số: chỉ số mảng bám biến đổi (modified plaque index - PI), chỉ số chảy máu nướu khi thăm khám (bleeding on probing - BOP), độ sâu thăm dò (probing depth) và mất bám dính lâm sàng (clinical attachment loss - CAL). Đánh giá độ nặng của stress bằng bộ câu hỏi stress nhận thức Cohen (Cohen's perceived stress questionnaire). Can thiệp yoga (yogic intervention) gồm các học phần lý thuyết và thực hành (lectures and practical sessions). Bài giảng lý thuyết trình bày vai trò của yoga trong đời sống, cách ứng dụng để quản lý stress, kiến thức căn bản về dinh dưỡng và kiến thức y khoa liên quan đến vấn đề bệnh lý của bệnh nhân. Các bài thực hành yoga bao gồm asanas (bài tập tư thế - physical postures), pranayama (bài tập thở - breathing techniques), kriyas (bài tập thanh tẩy - cleansing techniques), shavasana (bài tập thư giãn - relaxation techniques) và thiền (meditation). Thời lượng thực hành là một giờ mỗi ngày, 6 ngày/tuần trong 3 tháng. Ngoài ra, mỗi bệnh nhân có ít nhất một buổi tư vấn cá nhân (individualized counseling). Tiến hành đánh giá các chỉ số vào thời điểm mới đến (baseline), sau 30 ngày và sau 90 ngày điều trị.

KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN

Phân tích các chỉ số ở giai đoạn nền cho thấy không có sự khác biệt giữa hai nhóm can thiệp. So sánh trước và sau can thiệp, có sự khác biệt có ý nghĩa đối với các chỉ số nghiên cứu trong cả hai nhóm. Chỉ số PI trung bình giảm 1,35 ở nhóm II so với 0,54 ở nhóm I. Độ sâu túi trung bình giảm 1,6 trong nhóm II so với 0,68 ở nhóm I. Chỉ số CAL trung bình giảm 1,6 ở nhóm II và 0,68 ở nhóm I. Chỉ số BOP giảm 0,68 ở nhóm II và 0,08 ở nhóm I. Tương tự, điểm số của thang đánh giá stress nhận thức Cohen giảm 18,76 điểm ở nhóm II so với 2,58 điểm ở nhóm I.

Nghiên cứu này cung cấp các bằng chứng về mối liên hệ giữa điều trị nha chu và thực hành yoga. Các nhà nghiên cứu trước đây đề cập yoga có thể giúp giảm stress trong khi các nha sĩ kết luận sau hút thuốc thì stress là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tình trạng nha chu. Sau các đánh giá và phân tích thống kê, nghiên cứu này kết luận yoga giúp vượt qua tình trạng viêm và đau, lý giải cho các kết quả tích cực từ nhóm can thiệp II (điều trị nha chu tiêu chuẩn + yoga). Hoạt động thể chất (physical activity) là một nhân tố quan trọng để vượt qua tình trạng viêm. Những người có hoạt động thể chất tích cực có ít các chỉ dấu viêm (inflammatory markers) so với nhóm ít vận động (sedentary lifestyle). Hoạt động thể chất thường xuyên có mối liên hệ với nồng độ thấp interleukin-6 (IL-6) và các cytokines tiền viêm khác (pro-inflammatory cytokines). Thể dục đẩy nhanh quá trình sản xuất và phóng thích IL-6 ở cơ ra ngoài giúp giảm viêm. Bằng chứng cụ thể là tất cả các chỉ số PI, BOP, CAL và độ sâu túi trong nghiên cứu này ở nhóm II đều cải thiện hơn so với nhóm I. Tuy nhiên, cần có thêm các nghiên cứu dài hạn với cỡ mẫu lớn hơn đánh giá hiệu quả của yoga trong quản lý bệnh nha chu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Impact of Yoga on Periodontal Disease and Stress Management

Nhận xét

Yến Nhi đã nói…
em thấy bài dịch này rất hay và bổ ích, em xin phép được tham khảo bài dịch và viết bài để mọi người có thể hiểu rõ hơn ạ. Nếu anh cho phép, em cảm ơn anh nhiều nhé
Harry nguyen đã nói…
xin cảm ơn bạn Nhi, rất vui được chia sẻ với bạn và mong chờ bài viết của bạn!

Bài đăng phổ biến