SCIENTIFIC POSTER DESIGN: Q&A

SOẠN THẢO POSTER KHOA HỌC: HỎI & ĐÁP 



1. Poster khoa học là gì?

Trong giới hạn của bài viết, xin khái lược như sau: 

Poster khoa học (PTKH) là một phương tiện truyền thông thị giác trình bày tóm tắt kết quả/ thành quả nghiên cứu của một hoặc nhiều tác giả.

Trong đó:

  • Phương tiện truyền thông thị giác được hiểu là một phương thức truyền đạt thông tin có đối tượng là người xem (khán giả). Hiện nay có 2 dạng chính là PTKH bản in (trong các hội nghị offline) và PTKH trực tuyến (phổ biến trong giai đoạn bùng phát dịch COVID-19).
  • Tóm tắt: nghĩa là chỉ chọn lựa các ý chính, quan trọng, phát hiện mới + trình bày ngắn gọn, súc tích.
  • Nghiên cứu bao hàm nhiều cấp độ khác nhau, từ các nghiên cứu đơn giản như báo cáo ca, loạt ca đến các công trình nghiên cứu dọc, thử nghiệm lâm sàng đơn-đa trung tâm. Lưu ý là nội dung trình bày có thể mở rộng chứ không gói gọn trong nghiên cứu khoa học đơn thuần.  

2. Nên sử dụng phần mềm nào để soạn thảo một PTKH?

Microsoft Powerpoint (PPT) là phương tiện soạn thảo văn bản và trình chiếu quen thuộc với nhiều người. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng bất kỳ phần mềm nào khác nếu cảm thấy thuận tiện hơn như Microsoft Word, Microsoft Publisher, Keynote (Apple), Photoshop, Illustrator, v.v... 

Với kinh nghiệm cá nhân, mình nhận thấy PPT thỏa mãn các tiêu chí về mặt kỹ thuật soạn thảo (sắp xếp, căn chỉnh nội dung, hình ảnh) và in ấn (thiết lập thông số và chất lượng bản in), đồng thời lại rất quen thuộc nên đây là ưu tiên đầu tiên cho mọi người.

3. Kích thước PTKH theo yêu cầu của đơn vị tổ chức lớn hơn so với thông số tối đa mà PPT cung cấp cho người dùng 

Trước khi soạn thảo, hãy kiểm tra yêu cầu của đơn vị tổ chức về kích thước của PTKH, chẳng hạn như 160cmx90cm. Sau đó, quy đổi 2 thông số này thành tỉ lệ (ví dụ, 16:9), rồi vào mục điều chỉnh format của slide trong PPT (Design/Slide size/Page setup/) (xem thêm hình bên dưới), chọn chiều dài tối đa mà phần mềm hiện có, sau đó quy đổi chiều rộng theo tỉ lệ đã có (ví dụ, chiều dài là 120cm thì chiều rộng sẽ là 67.5cm theo tỉ lệ 16:9 ở trên). Tiếp theo cứ thực hiện công việc thiết kế poster bình thường. Lưu file ở dạng pdf để khi in hoặc gửi cho đơn vị tổ chức không bị lỗi format làm thay đổi các thông tin bên trong.

Trường hợp đi in, yêu cầu nhà in in theo kích thước 160cmx90cm hoặc có thể chênh lệch chút ít (160cmx88cm chẳng hạn) do khổ giấy in có sẵn không thay đổi được. Vì ở trên mình đã thiết lập theo đúng tỉ lệ 16:9 nên khi phóng to từ 120cm (theo thiết lập trên PPT) thành 160cm (kích thước thật) không làm ảnh hưởng đáng kể độ phân giải của nội dung poster.

4. Cần lưu ý gì về mặt nội dung của một PTKH?

Nội dung là phần trọng tâm của bất kỳ phương thức truyền thông nào. Nếu nội dung không tốt thì dù hình thức có bắt mắt đến mấy cũng chỉ gây được ấn tượng ban đầu, sau đó sẽ rơi vào lãng quên. Vì vậy, trước hết hãy nghiêm túc khi bước vào con đường nghiên cứu khoa học nếu muốn có được những sản phẩm chất lượng. Lưu ý sản phẩm chất lượng không có nghĩa là phải ở quy mô lớn mà ở phương pháp thực hiện, sự đầu tư chất xám phù hợp với trình độ của người nghiên cứu.

Khi đã có trong tay một sản phẩm tốt thì điều cần ghi nhớ khi thực hiện PTKH là chỉ trình bày tóm tắt các nội dung quan trọng theo như định nghĩa mình nêu trên. Mọi người tránh dàn trải quá nhiều thông tin trên một PTKH. Những nội dung không thể thiếu trong PTKH như sau:

  1. Tiêu đề và tác giả: đơn vị công tác có thể có hoặc không tùy theo yêu cầu
  2. Giới thiệu: mục tiêu chính (1-2 câu), nếu các mục khác có nhiều thông tin cần trình bày, có thể lược bớt phần Background
  3. Phương pháp thực hiện: nên sơ đồ hóa và sử dụng các hình ảnh để giúp người xem dễ hình dung, tránh sử dụng quá nhiều văn bản
  4. Kết quả và bàn luận: nên sử dụng hình ảnh, bảng và biểu đồ để trình bày các nội dung chính, kèm kết luận hay nhận xét chung cho từng mục, không mô tả kết quả hay liệt kê kết quả bằng văn bản, không cần đối chiếu kết quả với các nghiên cứu khác nếu cảm thấy không thật sự cần thiết hoặc nghiên cứu mới không có nhiều kết quả tương tự
  5. Kết luận: có thể tóm gọn trong 1-2 câu
  6. Tài liệu tham khảo: có thể bỏ qua nếu không có trong yêu cầu

5. Hình thức trình bày PTKH có những điểm nào cần lưu ý?

Màu sắc

Chữ đen, nền trắng (hoặc mở rộng hơn là chữ tối, nền sáng nếu các bạn muốn sử dụng các màu sắc khác). 

Sắc độ lạnh (xanh dương, xanh lá, tím) cho toàn bộ poster và các sắc độ nóng (cam, đỏ, hồng) để nhấn mạnh các nội dung quan trọng cần lưu ý. 

Cẩn trọng khi sử dụng màu vàng trên nền trắng vì sẽ gây lóa mắt, không thấy rõ chữ.

Cỡ chữ

Cỡ chữ tối thiểu cho các nội dung chính dao động từ 18-24pt

Các thông tin tham khảo, ghi chú có thể nhỏ hơn để tiết kiệm không gian poster.

Kiểu chữ

Nên sử dụng các typeface không chân (sans-serif) (ví dụ, Arial, Helvetica, Verdana) cho phần nội dung chính và typeface có chân (serif) (ví dụ, Times, Gergoia) cho các nội dung phụ (tên biểu đồ, tên bảng, chú thích). 

Không nên sử dụng quá 2 typeface trong một poster. Có thể thay đổi typeface thành nhiều font chữ để nhấn mạnh các nội dung quan trọng (Arial in nghiêng, Arial gạch chân, Arial in đậm, v.v...).

Lưu ý, các nội dung ở cùng cấp độ phải có format giống nhau (màu sắc, cỡ chữ, kiểu chữ).

Cấp độ nội dung

Khi chia nội dung thành cấp độ, thì không nên vượt quá 4, để tránh rối mắt. Trong PTKH có thể có 4 cấp độ như sau: 

  1. Cấp độ 1: Tựa đề (Title)
  2. Cấp độ 2: Đề mục (Subtitle) như giới thiệu, phương pháp, kết quả, kết luận 
  3. Cấp độ 3: Tiểu mục (Minor title) (thường có trong phương pháp và kết quả)
  4. Cấp độ 4: Nội dung văn bản (Text)
Ngoài ra, có các thành phần không phân cấp như tên tác giả, số hiệu poster, chú thích hình ảnh, tên bảng, biểu đồ.

Đồng thời, tránh sử dụng các câu văn dài, thay bằng các gạch đầu dòng, liệt kê ý chính. Điều này giúp người xem dễ đọc, còn tác giả có thể thêm bớt khi trình bày miệng, trả lời câu hỏi.

Ví dụ về phân cấp nội dung thông tin.

Bố cục

Với các nội dung khoa học, yêu cầu sự rõ ràng, mạch lạc, có 2 dạng bố cục phù hợp (có thể riêng lẻ hoặc kết hợp) là:
  1. Từ trên xuống dưới 
  2. Từ phải qua trái 
Ví dụ bố cục kết hợp từ phải sang trái và từ trên xuống dưới cho poster ngang và poster dọc. Nguồn: https://glimages.s3.amazonaws.com/image/makesigns/sciposters/tutorials/common-poster-layouts.png

Tỉ lệ giữa các phần nội dung

  • Mục tiêu và phương pháp: 1/3, trong đó phương pháp chiếm 3/4
  • Kết quả và kết luận: 2/3, trong đó, kết quả chiếm 3/4
Ví dụ về tỉ lệ các phần nội dung trong poster.

Hình ảnh

Sử dụng hình ảnh có độ phân giải cao để không bị nhòe khi in. Nếu cần in ảnh kích thước lớn, có thể tham khảo về tiêu chuẩn kích cỡ hình ảnh khi in poster tại đây. Thông thường, các hình ảnh sử dụng trong poster ở độ phóng đại nhỏ so với toàn bộ kích thước poster nên mình sử dụng ảnh chụp bằng máy ảnh kỹ thuật số loại rẻ tiền/smartphone để minh họa thì chất lượng khi in vẫn đảm bảo. Mọi người cũng có thể kiểm tra bằng cách in thử ảnh rời để xem mức độ nhòe chấp nhận được hay không.
Ngoài ra, mọi người nhớ ghi nguồn nếu sử dụng hình ảnh của người khác, che mắt nếu có sử dụng hình ảnh người bệnh để xóa nhận diện cá nhân.

Biểu đồ

Vẽ trực tiếp bằng PPT hoặc sử dụng công cụ online để vẽ flowchart, tham khảo thêm tại đây.
Ngoài ra, PTKH cũng tuân theo các quy định chung khi thiết kế và nhiếp ảnh như hướng mắt nhìn, khoảng trắng, v.v... Nếu có kiến thức về lĩnh vực này sẽ giúp rất nhiều cho việc soạn thảo PTKH. 

Trên đây là một số kinh nghiệm thực tế của mình khi soạn thảo PTKH, ngoài ra mọi người cũng có thể tự tìm hiểu thêm trên internet các tutorial về chủ đề này, hi vọng mọi người sẽ thấy được những thông tin hữu ích phục vụ cho công việc hiện tại và sau này. Rất mong nhận được sự đóng góp về những thiếu sót của bài viết để mình khắc phục. Xin cảm ơn cả nhà!




Nhận xét

Bài đăng phổ biến