FLUORIDE - DO YOU KNOW?

FLUORIDE VÀ SỨC KHOẺ RĂNG MIỆNG


1. MỘT SỐ KHÁI NIỆM 
Fluor, fluorua hay fluoride là gì? ppm và ppb nghĩa là gì? 
  • Fluor (tiếng Việt hay viết là "flo") (kí hiệu hoá học là F): là một nguyên tố hoá học, đứng thứ 9 trong bảng Tuần hoàn các nguyên tố hoá học. Fluor tồn tại trong tự nhiên dưới dạng hợp chất (hiếm khi ở dạng tự do) vì có độ âm điện cao nhất trong bảng tuần hoàn, phản ứng với hầu hết các chất trong tự nhiên.
  • Fluorua/fluoride là anion đơn giản nhất của Fluor (kí hiệu là F-). Các hợp chất của fluorua/fluoride có vai trò quan trọng trong sản xuất hoá chất công nghiệp (trong đó có kem đánh răng và các sản phẩm chăm sóc răng miệng khác) và hoạt động sống của con người (trong nước uống, thức ăn...). Vì vậy, người ta thường nói đến fluorua hay fluoride hơn là nguyên tố hoá học fluor.
  • ppm (parts per million - phần triệu hay miligram/lít - mg/L): là đơn vị dùng để đo những yếu tố vi lượng như F. Vì chỉ cần một lượng rất rất nhỏ cũng có những phản ứng sinh học trong cơ thể. Có lẽ đây là điều làm nhiều người quan tâm đến bạn F này trong thời gian gần đây. Cùng tìm hiểu thêm về những ảnh hưởng của bạn F trên cơ thể ở phần tiếp theo nhé! 
  • ppb (part per billion - phần tỉ)
2. VAI TRÒ VÀ TÁC HẠI CỦA FLUORUA/FLUORIDE ĐỐI VỚI CƠ THỂ NGƯỜI ? 
Về ảnh hưởng của fluoride đến sức khoẻ có thể tóm gọn trong 3 ý:
- Thừa: ngộ độc cấp hoặc mạn. Liều có thể gây ngộ độc cấp là 5mg fluoride/kg cân nặng. Nếu lượng fluoride đưa vào cơ thể thấp hơn và tích luỹ lâu ngày thì dẫn đến ngộ độc mạn, ảnh hưởng đến răng và xương (dental và skeletal fluorosis). Đối với răng là trong giai đoạn trẻ dưới 6 tuổi, vì đây là giai đoạn hình thành và khoáng hoá của mầm răng vĩnh viễn. 
- Đủ: tác dụng toàn thân là tăng độ cứng cho các mô khoáng hoá như răng, xương và tác dụng tại chỗ là phòng ngừa sâu răng.
- Thiếu: giảm độ khoáng hoá của răng và xương, nên dễ sâu răng (dental caries) và bệnh xốp xương (osteoperosis). 
Chi tiết về lượng fluoride cho từng cấp độ được minh họa ở góc phải của hình bên dưới.


3. NGUỒN CUNG CẤP FLUORIDE CHO CƠ THỂ?
Con người tiếp nhận fluorua/fluoride hàng ngày dưới nhiều đường chuyển hoá. Trong đó, quan trọng nhất là qua đường tiêu hoá. Với 2 nguồn cung cấp fluoride chủ yếu là nguồn nước và kem đánh răng (sản phẩm chăm sóc răng miệng phổ biến nhất). Các nguồn khác không đáng kể (có thể tham khảo trong hình minh hoạ phía trên). 
3.1. Nguồn nước: lưu ý gia đình mình có sống trong vùng được fluoride hoá nước máy hay không? Theo khuyến cáo của tổ chức U.S. Public Health Service (PHS) (tạm dịch là Hội sức khoẻ cộng đồng Hoa Kỳ) là 0,7ppm (dao động 0,7-1,2ppm) có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ sâu răng trong cộng đồng. Dĩ nhiên, nồng độ này còn khác nhau tuỳ địa phương (do chính sách y tế, mức độ trầm trọng của sâu răng trong cộng đồng, chất lượng của hệ thống phân phối nước,...). Tại tp. Hồ Chí Minh, chương trình fluor hoá nước máy đã được tiến hành từ năm 1989 cho thấy hiệu quả trong việc phòng ngừa sâu răng của chương trình sức khoẻ này. Các nguồn nước khác: nước mưa, nước giếng, nước biển,... có lượng fluoride khác nhau, và không ổn định tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như hoạt động địa chất, nhiệt độ, độ pH,... và cũng không được kiểm tra nồng độ thường xuyên như nước máy.
Khuyến cáo: nên sử dụng nước máy được fluoride hoá trong sinh hoạt hàng ngày tại hộ gia đình. 
3.2. Kem đánh răng
  • Đối với kem đánh răng dành cho người lớn chứa khoảng 1.000-1.500ppm fluoride (tại Ireland, Hoa Kỳ, New Zealand...). Nồng độ cao hơn chỉ sử dụng khi có chỉ định của nha sĩ.
  • Đối với trẻ em, kem đánh răng có hàm lượng 1.000ppm fluoride được khuyên dùng. (Hiệu quả phòng ngừa sâu răng của kem đánh răng có nồng độ fluoride dưới 1.000ppm không rõ ràng: https://medsafe.govt.nz/profs/PUArticles/June2017/FluorideContentinToothpasteforChildren.htm). Với kem đánh răng có nồng độ 1.000ppm fluoride, Hiệp hội nha khoa Hoa Kỳ (American Dental Association-ADA) khuyến cáo lượng kem dùng cho trẻ em như sau:
- Trẻ dưới 2 tuổi: lượng kem cho 1 lần sử dụng chứa 0,1mg fluoride (tương đương hạt gạo)
- Trẻ từ 2-6 tuổi: lượng kem cho 1 lần sử dụng chứa 0,25mg fluoride (tương đương hạt đậu xanh)
Có bằng chứng cho thấy với lượng kem bằng hoặc lớn hơn hạt đậu (tức 0,25mg fluoride/lần) có thể gây nhiễm fluor trên răng ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, cả nhà cũng không nên quá lo lắng, vì nhiễm fluor trên răng mức độ nhẹ chỉ ảnh hưởng rất ít về mặt thẩm mỹ mà thôi! 

4. CÁCH CHẢI RĂNG VỚI KEM ĐÁNH RĂNG CHỨA FLUORIDE CHO TRẺ?
Hướng dẫn phụ huynh chăm sóc răng miệng cho trẻ theo khuyến cáo của Hiệp hội nha khoa Hoa Kỳ và Viện hàn lâm nhi khoa Hoa Kỳ, nhấn mạnh một số ý:
- Dùng loại kem phù hợp với lứa tuổi (tức nồng độ fluor phù hợp) và với lượng kem như đề cập ở trên 
- Chải răng 2 lần/ngày (tốt nhất là sau bữa ăn sáng và trước khi ngủ)
- Dùng kem đánh răng có fluoride cho trẻ càng sớm càng tốt (từ khi bắt đầu mọc răng sữa đầu tiên) để phòng ngừa nguy cơ sâu răng
- Đối với trẻ quá nhỏ cần có người giám sát khi chải răng 
- Không nuốt kem (nhổ bỏ kem thừa sau khi chải răng)
- Làm ướt kem với nước (giúp tạo bọt và giảm độ ma sát giữa răng, nướu với kem và bàn chải) (cả nhà chú ý làm ướt tức là nhúng vào nước rồi lấy ra, chứ đừng ngậm nước khi chải răng) 

5. NGỘ ĐỘC FLUORIDE KHI SỬ DỤNG KEM ĐÁNH RĂNG Ở TRẺ NHỎ?
Không.
Hướng dẫn sử dụng kem đánh răng có fluoride của ADA ước tính: một trẻ nhỏ 2 tuổi, nặng 15kg, chải răng 2 lần/ngày với lượng kem chứa 0,1mg fluoride và nuốt toàn bộ lượng kem này (tức là 0,2mg fluoride), tức 0,013mg/kg cân nặng, so với lượng fluoride cần thiết hàng ngày là 0,05mg/kg/ngày và lượng fluoride có thể gây ngộ độc cấp là 5mg/kg cân nặng/lần. Như vậy, với lượng kem như hướng dẫn có thể hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và góp phần giảm nguy cơ sâu răng cho trẻ.

6. NGỘ ĐỘC FLUORIDE KHI DÙNG KEM ĐÁNH RĂNG VÀ TIÊU THỤ NƯỚC FLUORIDE HOÁ HÀNG NGÀY?
Có thể!!!
Một phép tính khác, trẻ nặng 15kg, tiêu thụ tối đa 1,0 lít nước/ngày được fluoride hoá 0,7ppm, chải răng 2 lần/ngày với lượng kem 0,1mg fluoride, nuốt toàn bộ lượng kem. Lượng fluoride đưa vào đường tiêu hoá trên 1kg cân nặng: (1,0L nước x 0,7mg/L F + 0,1mg F x 2 lần)/15kg = 0,9/15kg = 0,06mg/kg/ngày  (vẫn trong khoảng 0,05-0,07mg/kg/ngày (liều tối ưu))
Theo các nghiên cứu, nếu trẻ được giám sát khi chải răng, có khả năng chỉ nuốt tối đa 25% lượng kem. Trở lại phép tính trên: (1,0L nước x 0,7mg/L F + 0,1mg F x 2 lầnx 25%)/15kg = 0,75/15kg = 0,05mg/kg/ngày
--> Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc kiểm soát việc chải răng của trẻ nhỏ.


7. SÚC MIỆNG VỚI NƯỚC SAU KHI CHẢI RĂNG VỚI KEM CÓ FLUORIDE?
Các tài liệu đề cập ở trên không nói rõ có súc miệng với nước sau khi chải răng với kem hay không. Về quan điểm có/không súc miệng sau khi chải răng với kem vẫn có hai luồng ý kiến trái chiều. Vì một số tác giả cho thấy hiệu quả phòng ngừa sâu răng của kem đánh răng sau khi súc miệng/ không súc miệng với nước không có khác biệt có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên, đây là công việc của các nhà khoa học sẽ tiếp tục, còn ở quan điểm là một người tiêu dùng, Harry có một phân tích nhẹ như sau:
Một là, với lượng kem được khuyến cáo như trên:
- Đối với người lớn hoặc trẻ nhỏ được phụ huynh kiểm soát việc nhả bỏ kem thừa hoặc biết tự nhả bỏ kem thừa, cả nhà không cần lo lắng nguy cơ ngộ độc fluoride! Tuy nhiên, mọi người cần có cái nhìn toàn diện về mục đích của việc chải răng với kem có fluoride. Ngoài việc cung cấp fluoride tại chỗ để phòng ngừa sâu răng thì việc loại bỏ mảng bám thức ăn (đóng vai trò quan trọng đối với sự mất khoáng men răng) cũng rất quan trọng. Vì vậy, sau khi chải răng, súc miệng "nhẹ" với nước để loại bớt kem thừa và mảng bám vừa bị tách khỏi răng (do động tác chải răng) cũng rất cần thiết. 
- Trẻ không biết nhả bỏ kem thừa sau khi chải răng, phụ huynh nên yêu cầu bé súc miệng với nước sau khi chải răng, để hạn chế thấp nhất lượng fluoride đưa vào đường tiêu hoá. Nếu bé lỡ nuốt cũng không sao, vì lượng fluoride đưa vào đường tiêu hoá một lần cũng không đáng kể, như phép tính ở mục 5 và 6. 
Hai là, thực nghiệm cho thấy phản ứng trao đổi ion OH- và fluoride (trong tái khoáng men răng) diễn ra mạnh hơn khi fluoride ở nồng độ cao so với nồng độ thấp. Thử xem xét ví dụ sau đây:
Mỗi lần súc miệng dùng 0,5mg fluoride dạng paste (độ bám dính trên răng cao hơn dạng lỏng). Thể tích khoang miệng thật sự trung bình ở người trưởng thành là 5mL, súc miệng 3 lần với lượng nước fluoride hoá 0,7mg/L, lượng fluoride tiếp xúc tại chỗ là: 0,005x0,7x3 = 0,0105mg fluoride (dạng lỏng), có thể phân tích 3 trường hợp sau:  

-Trường hợp 1: chải răng với kem, không súc lại với nước: 0,5mg F trong 5 phút, sau đó nồng độ giảm dần từ 0,5mg tới 0 (dạng paste) (có pha loãng bởi nước bọt) theo thời gian.
-Trường hợp 2: chải răng với kem, súc lại với nước không fluoride hoá: 0,5mg F trong 5 phút, sau khi súc miệng, nồng độ F giảm từ <0,5mg đến 0 (dạng paste pha loãng) theo thời gian.
-Trường hợp 3: chải răng với kem, súc lại với nước có fluoride hoá: 0,5mg F trong 5 phút, sau khi súc nước, lượng F giảm từ  <0,5mg + 0,0105mg F (trong nước fluoride hoá) đến 0 (dạng paste pha loãng) theo thời gian. 
Từ hai phân tích này, cá nhân mình sẽ lựa chọn: chải răng với kem có fluoride, sau đó súc miệng nhẹ với nước. 
Cả nhà còn thắc mắc gì có thể comment ở dưới bài viết nhé! 
Xin chân thành cảm ơn! 

NGUỒN THAM KHẢO 
Hướng dẫn các mẹ bỉm sữa về cách chải răng cho trẻ theo khuyến cáo của Hiệp hội Nha Khoa Hoa Kỳ (ADA):

https://www.mouthhealthy.org/.../moms-guide-to-fluoride... và Viện Hàn lâm nhi khoa Hoa Kỳ:https://www.healthychildren.org/.../Toothbrushing-Tips... đều không có hướng dẫn dùng kem đánh răng với nước hay súc lại bằng nước sau khi chải răng.

Lượng nước tiêu thụ hàng ngày đ/v trẻ: https://www.bbcgoodfood.com/howto/guide/how-much-water-should-my-children-drink
Nồng độ fluoride hoá nước trong giảm nguy cơ sâu răng cộng đồng: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4547570/?report=classic
Phản ứng của ion Fluoride với hydroxyapatite: http://www.jbc.org/content/201/1/247.full.pdf

Nhận xét

Bài đăng phổ biến