ASSOCIATON BETWEEN AUTOIMMUNE RHEUMATIC DISEASES AND HEAD AND NECK CANCER

MỐI LIÊN QUAN GIỮA BỆNH THẤP KHỚP TỰ MIỄN VÀ UNG THƯ ĐẦU CỔ

Nguồn: https://www.eternalhospital.com/uploadedfiles/gallery/1620023335_1617259934What%20Are%20Rheumatic%20Diseases%20-%20Eternal%20Hospital.jpg

GIỚI THIỆU

Ước tính trên toàn thế giới có khoảng 19,3 triệu ca ung thư mới vào năm 2020, và gần 8% (1.518.133) trong số đó là ung thư đầu cổ (head and neck cancers). Trong khi tỷ số mới mắc (incidence) của ung thư ở các nước thu nhập cao ổn định, có sự gia tăng ở một số nước kinh tế chuyển đổi (transition countries). Các yếu tố nguy cơ (risk factors) ung thư cổ điển đã biết bao gồm chế độ ăn (diet), thuốc lá (tobacco), phơi nắng (sun exposure), phơi nhiễm bức xạ (radiation exposure), virus (human papillomavirus và Epstein-Barr virus), một số hormone, cồn, thiếu hoạt động thể chất, béo phì (obesity), tuổi tác (aging) và tình trạng viêm mạn tính (chronic inflammation). Ngoài ra, tiền sử mắc bệnh thấp khớp tự miễn cũng được cho có liên quan đến quá trình phát triển ung thư, và mối quan hệ hai chiều (bidirectional relationships) giữa hai tình trạng này đã được đề xuất. Theo đó, một vài cơ chế có thể góp phần vào sự gia tăng nguy cơ ung thư ở những bệnh nhân mắc bệnh thấp khớp bao gồm viêm mạn tính và tổn thương từ bệnh thấp khớp, liệu pháp độc tế bào (cytotoxic therapy) hoặc liệu pháp sinh học (biologic therapy) và mất khả năng làm sạch các nhiễm trùng sinh ung (oncogenic infections).

Trong bối cảnh này, ung thư đầu cổ cũng có liên quan đến một vài bệnh thấp khớp tự miễn, đặc biệt lupus ban đỏ hệ thống (systemic lupus erythematosus, SLE), hội chứng Sjogren (Sjogren syndrome, SS), viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis, RA), xơ cứng hệ thống (systemic sclerosis, SSc), viêm đa cơ (polymyositis, PM) và viêm da cơ (dermatomyositis, DM). 

Mục tiêu của bài bào này nhằm đánh giá nguy cơ ung thư đầu cổ ở những bệnh nhân mắc bệnh khớp tự miễn.

PHƯƠNG PHÁP

Các cơ sở dữ liệu được tìm kiếm bao gồm PubMed, EMBASE, LILACS, The Cochrane Library, CINAHL, Scopus, Web of Science và Google Scholar, không có giới hạn về ngôn ngữ cho tất cả nghiên cứu được công bố trên các cơ sở dữ liệu nêu trên tính đến tháng 8 năm 2022, trong đó đánh giá nguy cơ ung thư đầu cổ ở những bệnh nhân mắc bệnh thấp khớp tự miễn. Các nghiên cứu được thu nhận nếu báo cáo về tỷ lệ mới mắc chuẩn hoá (standardized incidence ratio, SIR) với khoảng tin cậy 95%. Biến số đầu tiên là nguy cơ ung thư đầu cổ ở những bệnh nhân mắc bệnh thấp khớp tự miễn so với dân số chung. Ước tính tổng gộp (pooled summary estimate, PSE) được tính toán bằng cách sử dụng mô hình tác động ngẫu nhiên (random-effects model) và phân tích dưới nhóm (subgroup analysis) được thực hiện để xác định xem nguy cơ mắc bệnh ung thư đầu cổ có thay đổi theo địa điểm nghiên cứu hay không.

KẾT QUẢ

Tìm kiếm của nhóm tác giả xác định 5.378 bài báo, trong đó có 32 nghiên cứu tiến cứu (cohort studies) phù hợp với tiêu chí của tổng quan hệ thống và 24 phù hợp cho phân tích gộp (meta-analysis) (tổng số là 273.613 bệnh nhân). Mối liên hệ có ý nghĩa được tìm thấy giữa ung thư đầu cổ và bệnh thấp khớp tự miễn.

BÀN LUẬN

Kết quả của tổng quan hệ thống và phân tích gộp này gợi ý rằng bệnh nhân mắc bệnh thấp khớp tự miễn có nguy cơ mắc ung thư đầu cổ cao hơn dân số chung. Nguy cơ có vẻ cao hơn ở những bệnh nhân SS, vì có thể tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp (thyroid cancer), ung thư miệng (oral cavity cancer) và ung thư tị hầu (nasopharynx). Ngoài ra, SLE có thể tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp.

Có thể thấy nhóm bệnh nhân mắc bệnh thấp khớp tự miễn có tần số mới mắc ung thư đầu cổ nói chung cao gấp 2,35 lần. Mặc dù có sự thay đổi đáng kể tần số mới mắc ung thư liên quan đến từng bệnh tự miễn, kết quả tổng hợp này dường như là chìa khoá về dịch tễ học để khẳng định cho giả thiết về mối liên hệ hai chiều giữa ung thư và các bệnh về khớp. Bướu do viêm (inflammation-induced tumors) đã được đề xuất từ lâu dựa trên sự rối loạn điều hoà cytokine (cytokine dysregulation), nhưng những con đường này chưa được hiểu rõ.

Bài tổng quan này cho thấy nguy cơ ung thư tuyến giáp cao đáng kể so với các ung thư đặc hiệu theo vị trí (site-specific cancers) khác, nguy cơ ung thư gấp 2 lần (SLE) và 3 lần (SS) so với dân số chung. Kết quả này thống nhất với các nghiên cứu trước đó. Cơ chế vì sao nguy cơ ung thư tuyến giáp tăng ở bệnh nhân SS và SLE vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, nghiên cứu tiến cứu trên người Ý nhận thấy tính tự miễn tuyến giáp phổ biến ở bệnh nhân SLE bị ưng thư tuyến giáp (80%) cao hơn những bệnh nhân SLE không bị ung thư (31%).

Nguy cơ ung thư miệng cũng gia tăng, cao gấp 2 lần ở bệnh nhân SS. Một nghiên cứu đánh giá trên dân số Trung Quốc mắc bệnh SS cũng chỉ ra rằng nguy cơ ung thư miệng tăng từ mức thấp đến trung bình. Vai trò của chấn thương/tình trạng viêm mạn tính trong quá trình phát triển ung thư miệng vẫn là một vấn đề tranh cãi lâu nay, vì các bằng chứng khan hiếm.

Ung thư tị hầu cũng cho thấy mối liên quan mạnh mẽ với RA (SIR = 4,18), theo sau là SS (SIR = 1,81). Dữ liệu thô về phân bố ung thư theo khu vực cho thấy tính đồng nhất tương đối trong tất cả nghiên cứu ở người châu Á, biểu hiện nguy cơ tương đối của ung thư tị hầu cao hơn các khu vực khác. Điều này gợi ý đặc điểm ung thư của bệnh nhân mắc bệnh thấp khớp tự miễn có thể chịu ảnh hưởng của chủng tộc, di truyền và các yếu tố môi trường, xã hội ở khu vực đó.

Chỉ có bốn nghiên cứu cung cấp thông tin về hút thuốc và hai về béo phì. Tuy nhiên, chỉ Cibere và cộng sự tìm thấy mối liên quan có thể giữa tiêu thụ thuốc lá và ung thư phổi (lung cancer); tuy nhiên, mối liên hệ này không thấy ở ung thư đầu cổ. Không có các dữ liệu liên quan đến tiêu thụ cồn.

KẾT LUẬN

Phân tích này gợi ý rằng các bệnh thấp khớp tự miễn có liên quan với nguy cơ ung thư đầu cổ tăng so với dân số chung. Tần số mới mắc cao hơn ở người bị SS và SLE so với các bệnh thấp khớp tự miễn khác. Thông tin định lượng này có giá trị cung cấp thông tin cho nhân viên y tế trong việc xác định các thiết kế thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng trong tương lai và tăng cường giám sát đối với nhóm dân số này trong khi khám răng miệng thường quy. 

TÀI LIỆU LƯỢC DỊCH

https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1111/jop.13396

Nhận xét

Bài đăng phổ biến